Họ Đoàn và làng Hải An với Nguyễn Du
Nguyễn Du quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An (nay là huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) nhưng ông sinh ra và lớn lên ở kinh thành Thăng Long (Hà Nội). Nguyễn Du sinh ra trong một gia đình nổi tiếng “trâm oanh thế phiệt”, có nhiều người học hành thành đạt, nhiều người quyền cao, chức trọng thời Lê Trung hưng. Cha Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm làm quan đến chức Thái tử Thái Bảo tước Xuân Quận công. Vợ Nguyễn Du họ Đoàn, con gái thứ sáu Đoàn Nguyễn Thục, quê xã Hải An (làng Hới), huyện Quỳnh Côi, làm quan đồng triều với Nguyễn Nghiễm.
Cuộc đời Nguyễn Du từ buổi thiếu thời đã có nhiều mối tình nhưng mối tình thực sự của nhà thơ là cô gái làng Hải An (làng Hới), tổng Tang Giá, huyện Quỳnh Côi (nay thuộc xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ). Đây là mối tình “môn đăng hộ đối” giữa con quan Tả tướng quốc Nguyễn Nghiễm và con quan Phó đô ngự sử Đoàn Nguyễn Thục. Nguyễn Du đã về ở quê vợ 10 năm (1786 - 1796), gia phả họ Nguyễn Tiên Điền ghi: “Ông tên Du, tên chữ Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh năm Ất Dậu 1765... Năm Kỷ Dậu 1789 vua Lê chạy sang Trung Hoa, Nguyễn Du theo vua hộ giá nhưng không kịp, phải về quê vợ ở nhờ nhà người anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn là con trai ông Hoàng giáp Phó đô ngự sử Quỳnh Châu bá Đoàn Nguyễn Thục”. Lại ghi: “Chính thất (Nguyễn Du) họ Đoàn, người xã Hải An, huyện Quỳnh Côi, con gái thứ sáu của Đoàn Nguyễn Thục. Bà sinh được một người con trai tên là Tứ, tên chữ là Hạo Như, giỏi văn học. Năm Quý Dậu 1813 Tứ được theo cha đi Trung Hoa, về nước được vài năm thì bệnh mất. Nguyễn Tứ có một người con gái, lấy chồng là tú tài Ngô Cảnh Trân, người xã Trảo Nha, huyện Thạch Hà (Sd trang 97 - 98).
Xưa nay, khi nghiên cứu về Nguyễn Du, một câu hỏi được đặt ra là ảnh hưởng của cha và anh vợ, của làng Hải An đến việc hình thành nhân cách và tài năng của Nguyễn Du như thế nào?
1- Tài năng và đức độ của cha và anh vợ là tấm gương sáng đã ảnh hưởng đến Nguyễn Du.
Đoàn Nguyễn Thục (1728 - 1775), đỗ Đệ nhị giáp xuất thân (Hoàng giáp) khoa Nhâm Thân (1752), cùng đỗ một khoa với Lê Quý Đôn (Hưng Hà), Nguyễn Xuân Huyên (Vũ Thư), Nghiêm Vũ Đằng (Thái Thụy), làm quan đến chức Phó đô ngự sử (khi mất truy tặng chức Đô ngự sử). Gần 25 năm làm quan trong triều (1752 - 1775) vốn là quan văn nhưng đã hai lần Đoàn Nguyễn Thục được cử làm tướng võ, một lần cử đi sứ. Năm 1769 được cử làm Thống tướng chỉ huy hàng vạn binh lính đi dẹp “loạn” ở châu Mường Thanh. Năm 1771, Đoàn Nguyễn Thục được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh đòi đất Tĩnh Gia, châu Lộc Bình. Đi sứ về, ông được thăng Phó đô ngự sử, tước Quỳnh Châu bá. Cảnh Hưng năm thứ 34 (1773) ông lại được phong chức Giám quân, trực tiếp làm Đốc thị Nghệ An vừa lo ổn định tình hình ở Nghệ An sau thiên tai mất mùa, vừa lo binh lương cho quân của tướng Hoàng Ngũ Phúc vượt sông Gianh vào Đàng Trong lấy đất Thuận Hóa. Năm Giáp Ngọ (1774) ông dâng biểu xin về quê, một năm sau thì ông mất. Đoàn Nguyễn Thục còn là một tác gia, có tác phẩm “Phụng sứ tập” (vừa thơ, vừa văn) chép về chuyến đi sứ đấu tranh đòi lại châu Lộc Bình (Lạng Sơn).
Tổng kết hành trạng của ông, sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú ghi nhận: “Đoàn Nguyễn Thục là người cương trực, uy phong khảng khái, khi ở trong triều giữ khí tiết” lại ghi: “Ông học vấn rộng rãi, phong thể khí độ chững chạc, dọc ngang văn võ, việc gì cũng làm được. Ông tiến lui có lẽ phải, không khuất tất để cầu cạnh. Tiết tháo cương trực”.
- Đoàn Nguyễn Tuấn hiệu Hải Ông, là con trai Hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục (1718 - 1775), con rể Quốc lão Nhữ Đình Toản (1703 - 1774) triều Lê. Cha đẻ và bố vợ ông đều là những người nổi tiếng, được sử sách ghi nhận. Đoàn Nguyễn Tuấn thi đỗ Cử nhân đời vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) nhưng không ra làm quan với triều Lê. Năm 1788, ông cùng một số nho sĩ vào Phú Xuân yết kiến Nguyễn Huệ, được Nguyễn Huệ tin dùng. Dưới triều Tây Sơn Đoàn Nguyễn Tuấn có nhiều công trạng, thăng tiến từ chức Trực học sĩ viện Hàn Lâm đến Tả Thị lang bộ Lại, tước Hải Phái hầu, được cử sang sứ phương Bắc... trong chuyến đi sứ lần này, tài thơ văn của Đoàn Nguyễn Tuấn đã làm cho các nhân sĩ Trung Quốc nể phục. Sách “Tây Sơn lược thuật” cho biết: “Đoàn Nguyễn Tuấn là người phong nhã, ưa thơ, ông là người trầm mặc, thanh cao, chân thành, giản dị, yêu quý quê hương...”.
Đoàn Nguyễn Tuấn có “Hải Ông thi tập” với hơn 200 bài “Thơ ông giản dị, giàu cảm xúc, nghệ thuật hình tượng trong sáng, ít điển cố, câu thơ lại chải chuốt, thanh thoát, gợi cảm...”.
Đoàn Nguyễn Thục, Đoàn Nguyễn Tuấn, hai con người đức độ và tài năng như thế thực sự là tấm gương để Nguyễn Du noi theo.
2- Cuộc sống mười năm ở làng Hải An góp phần bồi đắp tài năng của Nguyễn Du.
Khi Nguyễn Du về sống ở Hải An thì Đoàn Nguyễn Thục đã mất, những năm ở Hải An, Nguyễn Du sống cùng với người anh vợ. Đoàn Nguyễn Tuấn đã cho dựng trong vườn nhà mình một ngôi nhà sàn gọi là “Phong Nguyệt Sào” (ổ gió trăng) cùng Nguyễn Du và các danh sĩ làm thơ, ngâm vịnh, ông tự coi mình là Sào Phủ. Nguyễn Du được anh vợ coi như bạn và làng Hải An coi ông như khách, những “luật tục” với người ở rể, những “lệ làng” với những người ngụ cư không đem áp dụng với ông, Nguyễn Du được sống trong tình gia đình, tình làng nghĩa xóm đầm ấm. Tình cảm ấy, ông đã đưa vào những sáng tác nói về cảnh đẹp và tình người nơi ông “sống nhờ”. Song nét đặc trưng của những năm tháng Nguyễn Du sống ở Hải An là cuộc sống cô đơn, nghèo khổ, thiếu ăn, thiếu mặc. Các nhà nghiên cứu, các nhà thơ thường gọi mười năm Nguyễn Du sống ở Thái Bình là “Thập tải phong trần” nhưng chính cuộc sống ấy đã giúp Nguyễn Du viết nên những vần thơ, những tác phẩm văn học để đời về lòng thương cảm của ông với những người cùng cảnh ngộ, những kiếp người bị đầy đọa. Chất dân gian trong thơ ông cũng bắt nguồn từ cuộc sống nông thôn đã thấm sâu vào cốt tủy nhà thơ để ông tạo nên những tác phẩm bất hủ: “Văn tế thập loại chúng sinh”, “Long thành cầm giả ca”, “Đoạn trường tân thanh” (Truyện Kiều). Chính những tác phẩm ấy đưa Nguyễn Du trở thành một “đại thi hào dân tộc”, “một danh nhân văn hóa thế giới”.
Hơn 20 năm trước, đã nhiều lần tôi về Quỳnh Nguyên tìm hiểu về những dấu tích của Nguyễn Du còn để lại. Năm 1997, được nhìn thấy một chiếc án thư. Chủ nhà cho biết đây là chiếc bàn Nguyễn Du đã từng ngồi, tôi và đồng chí Giám đốc Bảo tàng Thái Bình đã gợi ý đổi bộ bàn ghế ba đai để lấy chiếc án thư nhưng không được. Tôi cũng được ông Nguyễn Xuân Nam, nguyên cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng huyện Quỳnh Phụ đưa đến bên một hồ nước rộng và giới thiệu nơi đây xưa là chỗ dựng “Phong Nguyệt Sào”. Tôi có gợi ý xã cho giữ lại làm nơi lưu niệm nhưng đến nay những thứ ấy không còn. Mong rằng thế hệ lãnh đạo huyện Quỳnh Phụ ngày nay dựng được khu lưu niệm Nguyễn Du để các thế hệ mai sau biết được rằng “Thái Bình, Quỳnh Phụ đã góp phần bồi đắp nhân cách và tài năng của Nguyễn Du - đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới”.
Phạm Minh Đức
(Thành phố Thái Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024