Thứ 6, 15/11/2024, 10:59[GMT+7]

Đông Phong ngày mới

Thứ 4, 15/08/2018 | 09:57:44
2,375 lượt xem
Về xã Đông Phong (Đông Hưng) những ngày thu tháng tám, đi trên những con đường được trải nhựa và bê tông kiên cố, chúng tôi cảm nhận được sự đổi mới, trỗi dậy mạnh mẽ của mảnh đất anh hùng.

Phố Châu Giang, xã Đông Phong. Ảnh: Thành Tâm

Tháng tám, trên những cánh đồng ở Đông Phong, lúa đang thì con gái xanh mơn mởn, khu phố Châu Giang sầm uất, nhộn nhịp người xe. Nơi đây vốn là vùng quê cách mạng với những địa danh đã đi vào lịch sử như đình làng Cổ Hội, đình làng Thượng Phú, chùa Long Mỹ, chùa Lan Thành... 

Hơn 7 thập kỷ đã trôi qua nhưng cứ gần đến ngày 19/8, cán bộ và nhân dân Đông Phong lại tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm để thêm một lần nữa giáo dục người dân, nhất là thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tri ân những người có công với cách mạng. 

Tháng 8/1945, phong trào cách mạng ở Đông Phong lên cao, các thôn Châu Giang, Cổ Hội, Thượng Phú đều có lực lượng Việt Minh và tổ chức quần chúng hoạt động sôi nổi. Riêng thôn Châu Giang đã tổ chức được một đội tự vệ với vũ khí chủ yếu là dao, kiếm thường xuyên luyện tập, phối hợp với đội danh dự Việt Minh Thượng Tầm, Đông Hoàng gửi thư buộc tri phủ Thái Ninh phải để cho Việt Minh tự do hoạt động. 

Tối ngày 16/8/1945, dưới sự hướng dẫn của Mặt trận Việt Minh, các lực lượng cách mạng ở Châu Giang, Cổ Hội, Thượng Phú và các vùng xung quanh tổ chức vũ trang tuyên truyền vào phủ lỵ Thái Ninh tước 6 khẩu súng cùng đạn dược và các vũ khí khác. 

Chiều ngày 18/8, các lực lượng cách mạng có lực lượng tự vệ, vũ trang xã Đông Phong dẫn đầu đã tiến thẳng vào phủ Thái Ninh tại thôn Châu Giang tuyên bố xóa bỏ ngụy quyền, thành lập chính quyền cách mạng. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cổng phủ Thái Ninh báo hiệu cuộc khởi nghĩa hoàn toàn thắng lợi, chính quyền đã về tay nhân dân. 

Ông Bùi Đình Phú, 80 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, ở thôn Cổ Hội Đông cho biết: Lúc đó tôi còn nhỏ nhưng cũng cảm nhận được không khí nô nức của dòng người cầm cờ đi biểu tình phản đối thực dân phong kiến. Chứng kiến nỗi khổ của nhân dân bị đàn áp, bóc lột, lớn lên tôi xung phong đi bộ đội, góp phần đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập về cho nhân dân.


Một khu dân cư xã Đông Phong. Ảnh: Minh Đức

Phát huy truyền thống cách mạng, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Đông Phong tiếp tục đóng góp sức người, sức của, góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

Ông Bùi Lai Trạc, thôn Cổ Hội Đông nhớ lại: Trên cương vị chỉ huy tiểu đội du kích, tôi đã phối hợp với lực lượng bộ đội đánh địch đi càn ở bốt Cất, bốt Gọ, bốt Tìm; một mình phục kích bắn tỉa không cho địch ở bốt Gọ lên chòi canh và ra ngoài cổng khiến chúng hoảng loạn không dám đi càn, tạo điều kiện cho bộ đội tiêu diệt quân địch. Đến thời kỳ chống Mỹ, tôi làm nhiệm vụ bảo vệ tên lửa.

Với những đóng góp đó, Đông Phong đã được nhận nhiều huân huy chương cao quý; 2 cán bộ được công nhận lão thành cách mạng, 8 cán bộ tiền khởi nghĩa, 20 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Chiến tranh đã lùi xa, giờ đây, trên chặng đường đổi mới, niềm tự hào về một thời kháng chiến oanh liệt đã biến thành những hành động thiết thực. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Phong một lòng đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng Đông Phong trở thành đô thị loại V. Từ một xã thuần nông, đến nay Đông Phong đã xây dựng được cơ cấu kinh tế đa dạng. Nếu như năm 2010 giá trị sản xuất toàn xã mới chỉ đạt 43,6 tỷ đồng thì năm 2017 đã đạt trên 200 tỷ đồng. Tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản giảm, tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng nhanh. Thu ngân sách luôn đạt và vượt dự toán, được UBND huyện đánh giá cao. Toàn xã còn 39 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo. Tỷ lệ hộ dân đấu nối, sử dụng nước sạch đạt trên 95%. Hiện tại, xã đã có cụm công nghiệp, thu hút 5 doanh nghiệp đầu tư sản xuất cùng với gần 250 hộ sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho 550 lao động. 

Ông Vũ Sơn Lâm, Tổng giám đốc Công ty May Tân Phong cho biết: Để góp phần xây dựng quê hương, bên cạnh việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch nung, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, tôi còn mở công ty chuyên may quần áo thể thao, jacket xuất khẩu sang Hàn Quốc, tạo việc làm cho trên 100 lao động địa phương và các xã lân cận với mức lương bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận, tích cực đóng góp sức người, sức của của nhân dân, năm 2014 Đông Phong đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, hiện đang tập trung hoàn thiện và nâng cấp để trở thành đô thị loại V.

Ông Tống Hồng Phong, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Đảng ủy, UBND xã luôn coi trọng công tác xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, lãnh đạo chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể vận động nhân dân thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, xã luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, năm sau cao hơn năm trước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, xã hội, từ thiện được quan tâm, thực hiện tốt. Đảng bộ và nhân dân Đông Phong luôn chăm lo giáo dục thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cha anh, tích cực tham gia bảo vệ và xây dựng đất nước, xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương.

Thu Hiền