Tập làm nông dân
Tôi còn nhớ hồi bé bu tôi luôn nhắc nhở động viên anh em tôi là các con cố mà học cho tốt để sau này khỏi phải làm nông dân, chứ làm nông dân thì khổ lắm. Thế rồi thỉnh thoảng bu tôi lại chỉ vào một người nào đó gọi là “cặp kè” gánh đôi sọt trên vai, tay cầm đôi xương sườn trâu đi nhặt phân trâu, phân bò rơi vãi ở ven đường, bu tôi bảo học dốt chỉ sắm cho đôi sọt như thế kia để đi nhặt phân chứ chẳng làm được cái thớ gì.
Nghe lời bu dặn, mặc dù cuộc sống gia đình khó khăn nhưng mấy anh em tôi vẫn động viên nhau cố gắng học tập và cuối cùng thì đứa nào đứa nấy cũng kiếm được một việc làm ở thành phố, không là giáo viên thì cũng làm công chức, viên chức nhà nước. Đúng là thoát được cái cảnh làm nông dân, còn bu tôi thì tự hào với hàng xóm vì các con mình không phải ở nhà “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Bưởi cảnh ngày càng được nhiều người mua về trưng trong dịp Tết.
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh chẳng mấy chốc đã hơn 30 năm làm cán bộ, bây giờ tôi trở về với bu và nhận khối tài sản thừa kế là ngôi nhà ba gian mái bằng, cái ao rộng gần 200m2 đầy bèo súng, bèo tây cùng hơn 4 sào vườn với đủ các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ mà bu tôi trồng từ nhiều năm trước, dưới gốc cây là cỏ mọc um tùm vì đã ở cái tuổi gần 90, con cái lại đi xa nên vườn tược gần như bỏ hoang.
Tiếp quản khối tài sản của bu giao cho, tôi bắt đầu lao vào con đường làm nông dân từ những kinh nghiệm xem được ở thành phố.
Việc đầu tiên tôi làm là mua dây thép, mua cọc bê tông về đóng ở trước nhà, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động và mắc một giàn lan. Những giò lan mang về sau chuyến đi Sa Pa (Lào Cai), Quảng Bạ (Hà Giang) rồi đi động Phong Nha (Quảng Bình), rừng Cúc Phương (Ninh Bình), chùa Hương, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) được tôi treo lên ngày một nhiều và khá đẹp. Ngày nào tôi cũng tưới cho lan nhưng buồn thay cây không đẹp lên mà lại xấu đi rất nhanh.
Tiếc công, tiếc tiền tôi liền cầm điện thoại điện cho Hùng - một thanh niên làm nghề xây dựng nhưng lại rất ham mê chơi lan ở thành phố. Nghe tôi kể, Hùng nói luôn lan chú tưới nhiều quá sũng nước mà chết. Tôi bảo, cây hay gì thì cũng phải ăn chứ. Hùng bảo, chú mua toàn lan rừng mà ở rừng thì môi trường sống khác hẳn với ở nhà. Những cây lan ở trên rừng có ăn uống gì đâu mà vẫn sống, vẫn đẹp; về nhà chú muốn cây sống được thì phải có quá trình thuần hóa và muốn thuần hóa được thì mọi việc phải diễn ra từ từ chứ không thể làm ngay được. Tốt nhất chú nên vào mạng xem người ta hướng dẫn làm thế nào rồi chú làm để khỏi mất công, mất của. Thế là bài học đầu tiên làm nông dân đã đến với tôi.
Bên cạnh giàn lan mới, khu ao vườn bỏ hoang cũng được tôi quy hoạch lại khá gọn gàng. Cái ao 200m2 được mở rộng gần gấp 2 lần, các loại cá trắm, chép, trôi, mè, rô phi được ồ ạt thả xuống, mới được ngày hôm trước hôm sau cá đã nổi lên ngớp đầy mặt nước, tôi kinh quá không biết làm thế nào liền gọi điện cho Mấn - chàng kỹ sư thủy sản để xin trợ giúp. Mới nghe tôi kể, anh đã nói luôn cá bác thả dày quá nên thiếu ôxy, bây giờ bác phải mua cái máy sục khí để tạo ôxy cho cá hoặc dùng mấy cành tre kéo quanh ao để tạo môi trường thoáng khí cho cá thở. Nghe Mấn nói vậy, tôi chưa tin nên mời anh sang nhà xem giúp, anh bảo không phải sang, bác cứ làm là hết. Nghe nói vậy tôi làm luôn và đúng là cá không nổi lên nữa.
Video: taplamnongdan.mp4
Vừa trị được bệnh cá nổi thì đàn cá lại mắc bệnh đốm đỏ đầy mình. Thêm một lần tôi lại phải gọi Mấn để xin trợ giúp, lần này thì anh bảo, bác chưa có kinh nghiệm nuôi cá, đáng nhẽ bác phải đọc hướng dẫn về nuôi cá trước rồi hãy làm, chứ cá ao bác bị như vậy là do việc khử trùng ao không tốt nên cá bị hoại tử cấp. Bây giờ bác lấy vôi bột khoảng 2kg/100m2 hòa với nước tưới vòng quanh ao tuần hai lần, vừa làm vừa kiểm tra đàn cá rồi thông báo cho cháu, cháu sẽ hướng dẫn cách xử lý tiếp. Nghe Mấn hướng dẫn và làm theo cách của anh chỉ một tuần sau những đốm đỏ trên đàn cá đã hết.
Hoa lan khoe sắc.
Sau những năm dài công tác về hưu có vườn cây, ao cá ai mà chả thích. Thích thì là vậy nhưng để có được thì đâu có phải dễ. Khu vườn được tôi tôn cao nhờ đất mới đào ao thay thế cho vườn tạp là một trăm cây bưởi Diễn, giống bưởi đang thịnh hành trên thị trường. Tôi chọn những cây bưởi đã được thu hoạch từ hai đến ba năm để mua về trồng.
Những ngày đầu vườn bưởi xanh tươi trông thật bắt mắt nhưng chưa đầy nửa tháng những cây bưởi bắt đầu thi nhau héo, lá rụng, vườn bưởi đứng trước nguy cơ “về mo”. Lần này tôi tìm đến Định - anh kỹ sư nông nghiệp chuyên ngành trồng trọt. Đến vườn nhìn đất, nhìn cây, Định bảo đất vườn bị chua lại nhiều sắt, cây đánh trồng chưa đúng kỹ thuật, thế rồi anh đi từng cây bới đất lên kiểm tra bộ rễ và khẳng định luôn nếu không chăm sóc tử tế thì chắc chết quá nửa. Nghe anh nói tôi bàng hoàng vì sự nông nổi của mình, thế rồi ngay sau đó chiến dịch chăm sóc cây thần tốc đã diễn ra. Tôi bỏ tiền mua lân, mua vôi bột, mua thuốc kích thích sinh trưởng rễ và làm theo đúng sự hướng dẫn của Định, những cây bưởi hồi xanh dần nhưng gần 30 cây cũng chào sớm tôi để ra đi, thế là thêm một bài học cho cái giá phải trả để làm nông dân.
Hai năm về hưu ở với bu cũng là quãng thời gian tôi tập làm nông dân. Thế mới biết làm gì cũng phải học, làm nông dân lại càng phải học nhiều hơn vì những việc làm luôn là cụ thể, sát sườn và nếu sai là lĩnh hậu quả ngay. Hai năm tập làm nông dân, tôi đã hiểu làm nông dân khó như thế nào, biết rồi lại càng yêu, càng quý nông dân hơn, đặc biệt là lớp nông dân mới ngày nay, họ vừa có kiến thức vừa nhiệt tình lại ham học hỏi và luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ vốn, giống và liên kết làm ăn với suy nghĩ một mình giàu là chưa giàu mà phải cả làng, cả xã giàu thì cái giàu mới chắc chắn, mới vững bền. Khi chúng ta đang đồng lòng xây dựng nông thôn mới thì càng cần hơn một lớp nông dân mới, lớp nông dân của thời đại công nghiệp 4.0.
Tuấn Dung
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024