Nối gót tiền nhân rạng danh quê hương, đất nước
Dòng họ truyền thống cách mạng
Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Đại tộc được soạn lại vào “Bảo đại tam niên, tứ nguyệt, nhị thập ngũ nhật” (tức ngày 25/4/1927) thì cụ Thủy tổ là Nguyễn Đắc Phúc, quê ở làng Bất Bạt, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Vào thời Lê sơ gặp lúc triều đình loạn ly, lại bị gian thần buộc tội chu di nên phải đưa các con ra Bắc Hà lánh nạn. Đến vùng đất Thái Bình khi ấy thuộc trấn Sơn Nam Hạ, thấy khí hậu thuần khiết, cây cỏ tốt tươi, cụ đã cùng các con dừng lại để lập nghiệp. Khi chuyển cư ra Thái Bình, cụ lấy làng An Chính, xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình ngày nay) là quê hương thứ hai. Cụ Thủy tổ Nguyễn Đắc Phúc sinh được 4 người con trai, trong đó con thứ hai là cụ Nguyễn Phúc An lập nghiệp tại làng Hội Khê và trở thành cụ tổ họ Nguyễn Đại tộc xã Vũ Hội. Đến nay, dòng họ Nguyễn Đại tộc ở Vũ Hội đã trải qua 18 đời.
Ông Nguyễn Công Thắng, trưởng họ Nguyễn Đại tộc xã Vũ Hội cho biết: Trước kia, họ Nguyễn ở 4 làng gồm: Vũ Chính, Vũ Hội, Minh Giám, Vũ Phúc cùng lập từ đường chung ở Tống Văn (nay là xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình). Năm 1843, các chi ở các làng mới lập từ đường riêng cho tiện việc thờ cúng. Đối với họ Nguyễn Đại tộc ở Vũ Hội đã lập một ngôi từ đường họ (là ngôi hậu cung của từ đường sau này) từ hơn 300 năm trước. Đến năm 1876, dòng họ công đức xây thêm tòa bái đường. Ngôi từ đường của dòng họ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là nơi đã diễn ra nhiều cuộc họp bàn việc nước của địa phương. Sau ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền (19/8/1945), Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Vũ Tiên đã mượn từ đường là nơi làm việc. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây là trụ sở làm việc của các cấp chính quyền địa phương. Năm 2002, từ đường họ Nguyễn Đại tộc được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Nói về từ đường dòng họ, ông Nguyễn Tiến Lộc, Phó ban thường trực Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Đại tộc cho biết: Từ đường có kiến trúc hình chữ nhị. Tòa bái đường rộng 5 gian, xây theo kiểu hồi văn, hồi nóc, đắp triện. Hệ thống bảy ở hiên trước, hiên sau đều được chạm tứ quý “Thông, trúc, cúc, mai”. Ba gian trung tâm lắp ngưỡng đơn đóng cánh cửa phản, hè cửa bó gạch. Nội thất theo kiểu “lòng thuyền tứ trụ”... Tòa hậu cung gồm 3 gian, xây hồi văn. Hiên trước lắp bạo đơn, ngưỡng đơn. Hiện vật cổ lưu giữ ở từ đường còn 7 bát hương thời nhà Nguyễn, 3 hiện vật đá và 1 văn bia khắc năm Tự Đức thứ 29 (năm 1876)... Trải qua sự biến đổi của thời gian, ngôi từ đường vẫn giữ được những nét cổ kính.
Là dòng họ lớn, đông con cháu, đời nào dòng họ Nguyễn Đại tộc cũng có người có đức, có tài được xã hội đương thời trọng dụng. Trong thời kỳ phong kiến, nhiều người được phong hầu, nhiều người làm quan tới chức tri huyện, tri phủ... Thời kỳ Cần Vương chống Pháp và trước Cách mạng Tháng Tám 1945, dòng họ Nguyễn Đại tộc có cụ Hiệp Vỡi, tên chính là Nguyễn Vỹ, hiệu Trung Quang, sinh năm 1839. Cụ là một chánh hiệp quản kiên cường, dũng cảm đã từng được triều đình nhà Nguyễn cử làm phó tướng chống Pháp giữ thành Nam Định. Sau khi thành Nam Định thất thủ, cụ cùng với con cháu cụ Án Kiến ở làng Động Trung (Kiến Xương) chiêu mộ quân sĩ, chỉ huy đội nghĩa quân chống Pháp ở các huyện Kiến Xương, Vũ Tiên từ năm 1884 - 1890. Nghĩa quân do cụ chỉ huy đã lập nhiều chiến công được sử sách nhắc đến.
Trong giai đoạn có Đảng lãnh đạo, dòng họ Nguyễn Đại tộc ở Vũ Hội còn sản sinh, nuôi dưỡng người cộng sản kiên trung là Trần Cung (tức Nguyễn Ngọc Cư). Đồng chí là 1 trong 7 hội viên Thanh niên Cách mạng đồng chí hội đầu tiên ở hai huyện Vũ Tiên và Thư Trì và là 1 trong 3 đảng viên đầu tiên của chi bộ Đảng Cộng sản (tháng 5/1929) khi 3 tổ chức đảng chưa hợp nhất. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Cung đã từng đảm nhiệm chức Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Thái Bình, Xứ ủy viên Bắc Kỳ phụ trách các tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn. Khi cách mạng thành công, đồng chí được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương rồi làm Chánh án Tòa án phúc thẩm tối cao. Đồng chí được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ngoài ra, dòng họ Nguyễn Đại tộc còn tự hào có 20 người là lão thành cách mạng.
Bước vào các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, dòng họ Nguyễn Đại tộc ở Vũ Hội đã tiễn đưa hàng trăm người con ưu tú lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở các chiến trường. Khi chiến tranh kết thúc, dòng họ có 37 liệt sĩ, 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 14 gia đình được nhận bằng “Tổ quốc ghi công”, gần 200 người được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương các loại...
Dòng họ khuyến học
Tiếp nối truyền thống của cha ông, công tác khuyến học, khuyến tài của dòng họ Nguyễn Đại tộc luôn được quan tâm, chăm lo thường xuyên với mục đích khuyến khích, động viên các thành viên trong gia đình, dòng họ thi đua học tập, công tác góp sức xây dựng quê hương, đất nước. Để phong trào khuyến học lan tỏa, hàng năm trước ngày khai giảng năm học mới, dòng họ trích một phần kinh phí tổ chức trao quà cho các cháu học sinh đỗ đại học, cao đẳng và các cháu học sinh giỏi. Các chi, ngành trong họ đều tổ chức trao phần thưởng cho các cháu học sinh giỏi vào dịp giỗ tổ. Nhờ sự quan tâm, khích lệ kịp thời từ dòng họ nên những năm qua, con cháu trong dòng họ Nguyễn Đại tộc không còn ai thất học, nhiều cháu đã thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học.
Ông Nguyễn Tiến Lộc nhấn mạnh: Hiện nay có 80 người con dòng họ thành đạt đang công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước trên mọi miền Tổ quốc, gần 200 người con ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng và trên 190 người đang tham gia trong các lực lượng vũ trang... Trải qua nhiều thế hệ, đến nay dòng họ Nguyễn Đại tộc có 279 thành viên có trình độ cử nhân trở lên, trong đó, có 5 tiến sĩ, 16 thạc sĩ... Các thành viên trong dòng họ đã đóng góp tiền của, công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước, xứng đáng với các bậc tiền nhân.
Ông Mai Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Vũ Hội (Vũ Thư) Ông Nguyễn Văn Tùng, tiên chỉ dòng họ Nguyễn Đại tộc Ông Nguyễn Tiến Lộc, Phó ban thường trực Hội đồng gia tộc Nguyễn Đại tộc |
Tất Đạt
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024