Thứ 6, 15/11/2024, 12:44[GMT+7]

Chuyện về một nàng dâu của Thái Bình

Thứ 2, 29/10/2018 | 08:37:39
4,839 lượt xem
Mối tình của hai chiến sĩ biệt động lừng danh, đã có những cống hiến kỳ vĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đến nay còn nhiều điều huyền bí chưa giải mã hết được.

Các chiến sĩ biệt động Sài Gòn hoạt động trong giới học sinh, sinh viên bị địch bắt đày ra Côn Đảo đã cùng các chiến sĩ cách mạng phá các trại giam, trở về Sài Gòn ngay trong ngày 2/5/1975. Ảnh internet

Liệt sĩ biệt động Phạm Thị Chinh, bí danh Phạm Thị Phan Chính (1930 - 1964), quê làng Đông Ngạc, nay thuộc thành phố Hà Nội là vợ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (1920 - 2002), bí danh Mai Hồng Quế, biệt danh Năm U.Som quê làng Đông Trì, nay là xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình. Mối tình của hai chiến sĩ biệt động lừng danh, đã có những cống hiến kỳ vĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đến nay còn nhiều điều huyền bí chưa giải mã hết được.

Phạm Thị Chinh là con của cụ Phạm Văn Ty (Phạm Tứ Kỳ) và cụ bà Nguyễn Thị Khoa, hiệu Diệu Hồng quê làng Đông Ngạc sau chuyển sang ngụ tại làng Xuân Đỉnh. Đông Ngạc là làng khoa bảng, Xuân Đỉnh là làng nghề. Bố bà Chinh vốn là một người thợ thủ công có tay nghề vững. Mẹ bà Chinh là người buôn bán, có sạp hàng lớn ở chợ Bưởi và tham gia cách mạng từ năm 1945, thường nuôi bộ đội, bảo vệ cơ sở cách mạng. Cụ Ty và cụ Khoa sinh được bốn người con gái. Bà Chinh là thứ ba. Khi học đến lớp 7, bà Chinh được cha mẹ gửi vào Nam để theo học nghề kim hoàn với hai người cậu ruột là Phạm Quang Thuận chủ tiệm vàng Phú Xuân và Phạm Quang Bằng chủ tiệm vàng Vĩnh Xuân, thuở ấy đang là hai tiệm vàng lớn ở Sài Gòn. Học nghề được vài năm, bà Chinh lại ra Hà Nội để phụ giúp việc buôn bán tại sạp hàng vải sợi ở chợ Bưởi.

Những năm 1946 - 1948, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, bà Chinh vừa buôn bán vừa làm giao liên, hoạt động công khai trong nội thành Hà Nội. Vào một ngày đầu năm 1949, bà Chinh được giao nhiệm vụ đến nhận tài liệu ở số nhà 71, phố Nguyễn Sinh Từ, nay là phố Nguyễn Khuyến thì bị địch bắt đưa về giam giữ ở bót Liễu Giai. Mặc cho địch tra tấn dụ dỗ, bà Chinh không khai báo nên không có chứng cứ để kết tội. Khi được thả tự do lại bắt mối liên lạc tiếp tục hoạt động.

Đến năm 1953, do yêu cầu của tổ chức, bà Chinh cùng một số đồng chí khác được phân công vào gây dựng phong trào ở nội đô Sài Gòn, dưới vỏ bọc là thợ kim hoàn của tiệm vàng Vĩnh Xuân rồi làm thư ký cho tiệm vàng Phú Xuân. Một thời gian sau bà mở sạp buôn bán vải ở chợ Tân Định để dễ bề hoạt động và là một trong những nữ chiến sĩ đầu tiên của biệt động Sài Gòn.

Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ lâu dài, nhiều cán bộ, chiến sĩ  biệt động Sài Gòn đã được tạo vỏ bọc hợp pháp để hoạt động. Trần Văn Lai đang hoạt động trong Tiểu đoàn Quyết Tử 950 được lệnh không đi tập kết ra Bắc mà ở lại nội thành Sài Gòn gây dựng cơ sở, chuẩn bị cho các phương án đấu tranh cách mạng về sau. Thiên duyên và nhân duyên hợp nhất, tổ chức bố trí Trần Văn Lai “nhập vai” ông chủ thầu khoán để thành vợ chồng với nữ chiến sĩ biệt động Phạm Thị Phan Chính đang làm việc tại tiệm vàng Phú Xuân của cậu.

Thành gia thất được ít lâu, ông Lai trở thành nhà thầu khoán chuyên trang trí nội thất cho Dinh Độc Lập, nổi tiếng với cái tên giao dịch là Mai Hồng Quế, biệt danh Năm U.Som. Bà Chinh buôn bán vải ở chợ Tân Định. Hai vợ chồng sống trong hai căn biệt thự liền kề ở số 6 và số 8 đường Tự Đức, nay là đường Nguyễn Thị Huỳnh, quận Phú Nhuận (Thành phố Hồ Chí Minh).

Đến năm 1962, tổ chức chỉ đạo vợ chồng ông Lai, bà Chinh thiết lập một số hầm ngầm chứa vũ khí trong nội thành Sài Gòn để chuẩn bị tổng tiến công khi thời cơ đến. Họ đã bán căn biệt thự của mình để tạo một số chỗ ở mới, chuẩn bị cho kế hoạch lâu dài.

Sau khi chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm bị đảo chính, chính quyền Sài Gòn chủ trương “phóng thích” một số tù chính trị cách mạng nhưng với điều kiện phải có người ở Sài Gòn đứng ra bảo lãnh. Được tổ chức giao nhiệm vụ, vợ chồng ông Lai, bà Chinh đã đứng ra lo chu tất việc bảo lãnh và đưa về Sài Gòn, bảo vệ, nuôi dưỡng hai cán bộ cao cấp cách mạng đang bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo là Phan Trọng Bình và Phạm Quốc Sắc. Sau một thời gian ngắn, ông Lai được giao nhiệm vụ đưa hai cán bộ này ra khu căn cứ an toàn. Đồng chí Phan Trọng Bình sau là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa. Đồng chí Phạm Quốc Sắc sau là Phó Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Đảng thuộc Ban Tổ chức Trung ương. Khi chính quyền Sài Gòn phát hiện thấy hai đồng chí này mất tích đã bắt giam bà Chinh. Sau một thời gian giam giữ, mặc dù kẻ địch đã vận dụng đủ mọi cực hình tra tấn dã man nhưng bà vẫn không khai thác được gì nên buộc phải thả.

Khi được tha tù, bà Chinh bị kiệt quệ sức sống vì những đòn tra tấn, lại lâm bệnh lao phổi cộng với nhiều sự tổn thương nặng nề khác trên thân thể. Ông Lai đã tận tình chăm sóc, chạy chữa nhưng đến ngày 30 tháng 10 năm 1964 bà đã qua đời. Ở tuổi ngoại tứ tuần, ông Lai âm thầm chịu đựng sự đau đớn lớn nhất của cuộc đời. Nuốt nước mắt vào lòng, ông đã làm bài thơ khắc lên bia mộ vợ:

“Nam mô Quản đức ta bà,

Độ vong Đức Chính tên là Phạm Chinh.

Hăm lăm tháng tám thọ mình,

Xuống lòng đất mẹ ngậm tình nước non.

Bắc Nam mẹ chẳng gặp con,

Bạn bè quyến thuộc đâu còn thấy Chinh.

Thôi thì em sống đảm thác linh,

Về đây nhận mộ nhập bia hình.

Sớm muộn Bắc Nam thề hiệp một,

Đừng hờn đừng tủi nữa nghe Chinh”.

Tấm bia mộ khắc những câu thơ này đã được đưa về trưng bày tại bảo tàng. Hiện bà Chinh đang được triển khai làm hồ sơ đề nghị Nhà nước truy phong là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nén chặt nỗi đau trong lòng, Trần Văn Lai tiếp tục hoạt động phi thường hơn, táo tợn hơn. Ông tiếp tục kế hoạch mua nhà, đào hầm chứa vũ khí, ém quân để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công vào hàng loạt cơ quan đầu não của Mỹ ngụy trong tết Mậu Thân 1968. Từ đầu năm 1966 đến tết Mậu Thân 1968, người vợ kế của ông là Đặng Thị Thiệp (Đặng Thị Tuyết Mai) đã cùng ông lo đào hầm, vận chuyển, tập kết vũ khí, đưa đón, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo với bao sự mạo hiểm, lo âu. Bà Thiệp thường kể là: “Các con của tôi luôn nặng lòng với má Chinh. Má Chinh linh lắm. Nếu có việc gì có thể dẫn đến sự xui xẻo trong nhà là má báo mộng ngay”.

Xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình).

Người thân và những người có quan hệ quen biết với gia đình ông Lai vẫn kể là thuở bình sinh, bà Chinh được người đời ngưỡng mộ vì nhan sắc, nết na, công dung ngôn hạnh vẹn toàn. Ông Lai là người đẹp trai, tài hoa, nhân hậu, giầu sức cảm hóa và thu phục nhân tâm. Bà Thiệp là người đẹp trung hậu đảm đang. Trai anh hùng gái thuyền quyên gặp nhau, nên duyên chồng vợ là lẽ thường tình nhưng để trở thành một gia đình biệt động và có những cống hiến hy sinh kỳ vĩ như bà Chinh, ông Lai, bà Thiệp thì cũng thật hiếm có.

Nguyễn Thanh

(Vũ Quý, Kiến Xương)