Thứ 6, 15/11/2024, 14:30[GMT+7]

Bốn “tôm”

Thứ 2, 10/12/2018 | 08:06:43
1,808 lượt xem
Nhắc đến anh Đỗ Quang Bốn ở thôn Bắc Cường, xã Thái Thượng (Thái Thụy), người nuôi tôm trong và ngoài tỉnh đều biết. Anh là người đầu tiên ở miền Bắc sản xuất thành công tôm sú giống và cũng là người đầu tiên ở Thái Bình nghiên cứu ra mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Anh Bốn kiểm tra sinh trưởng của tôm.

Chúng tôi tìm gặp anh Bốn sau khi anh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong dịp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

Không giấu được niềm vui, anh Bốn chia sẻ: Sau nhiều năm vật lộn với những khó khăn, vất vả và cả sự vấp ngã, giờ mình đã tìm được con đường đi tới thành công. 

Nuôi tôm thương phẩm đối với bà con nông dân đã khó, sản xuất tôm giống càng khó hơn bởi yếu tố thời tiết của miền Bắc biến đổi phức tạp. Vậy mà cách đây 19 năm, anh Bốn, một người chưa học hết cấp 3 dám lao vào chỗ khó với mong muốn làm giàu. Điều thôi thúc anh bước vào nghề sản xuất tôm sú giống chính là bản thân gia đình anh cũng như hàng nghìn hộ nuôi tôm ở Thái Bình phải nhập giống từ các tỉnh miền Trung, miền Nam và Trung Quốc. Giá thành cao, chất lượng con giống không ổn định, nhất là việc kiểm soát dịch bệnh khó khiến không ít hộ nuôi tôm nhiều phen trắng tay.

Được sự ủng hộ của gia đình, người thân và cấp ủy, chính quyền địa phương, anh Bốn mạnh dạn đầu tư xây dựng trại sản xuất tôm sú giống và thành lập Công ty TNHH Phương Nam. Với kinh nghiệm thực tiễn cộng với chịu khó học hỏi, liên kết với các nhà khoa học, anh Bốn nhanh chóng làm chủ kỹ thuật và cho ra đời lứa tôm sú giống đầu tiên vào năm 2001. Thành công nối tiếp thành công càng khích lệ anh sáng tạo, nghiên cứu, sản xuất ra một số giống thủy sản có giá trị kinh tế cao khác: tôm thẻ chân trắng, tôm he Nhật Bản, cá bớp, cua biển cung cấp cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh.

Không chỉ tập trung sản xuất tôm giống, anh Bốn còn đầu tư kinh phí thuê lại hơn 10ha đầm, ao của người dân không có điều kiện nuôi trồng thủy sản để nuôi tôm thương phẩm. Mục đích chính là khẳng định chất lượng tôm giống khỏe mạnh, không chứa mầm bệnh; tạo mô hình trình diễn để nông dân tham quan, học tập và nhân rộng. 

Điều mà rất nhiều người khâm phục ở anh Bốn đó là khả năng sáng tạo không ngừng. Đỉnh cao của sự sáng tạo là mô hình nuôi tôm trong bể xi măng có mái che bằng nilon hình chóp nón. Thay vì người nuôi phải phối trộn thức ăn và canh giờ để cho tôm ăn, anh Bốn sử dụng hệ thống máy tự động cho tôm ăn, chế độ ăn được lập trình sẵn theo từng giai đoạn phát triển của tôm. Mô hình này giúp bà con nuôi tôm vụ đông thành công, hạn chế dịch bệnh, ít chịu ảnh hưởng của thời tiết, giảm nhân công, có thể nuôi 3 - 4 vụ/năm và tăng mật độ nuôi. 

Anh Bốn cho biết: Nếu áp dụng kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao, bà con có thể nuôi trồng đạt sản lượng từ 10 - 15 tấn/ha/năm cho doanh thu từ 2,5 - 3 tỷ đồng. Mong muốn lớn nhất của tôi là các hộ nuôi tôm trong tỉnh đầu tư áp dụng tốt mô hình này phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng ven biển để làm giàu. 

Chính vì vậy, thời gian qua, anh Bốn rất nhiệt tình hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhiều nông dân, doanh nghiệp nuôi tôm. Ước nguyện của anh là được tạo điều kiện mở rộng diện tích trại giống lên khoảng 30ha, đủ diện tích để đầu tư hệ thống sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng với sản lượng cung cấp ra thị trường khu vực miền Bắc từ 100 - 300 triệu con tôm giống/năm trong thời gian tới.

Khởi nghiệp với 400 triệu đồng, trong đó khoảng 300 triệu đồng đi vay, đến nay, anh Đỗ Quang Bốn đã nâng doanh thu của Công ty lên trên 20 tỷ đồng; giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 15 lao động địa phương.

Khắc Duẩn