Thứ 6, 15/11/2024, 14:34[GMT+7]

Huyền thoại tình yêu

Thứ 2, 17/12/2018 | 10:15:09
2,224 lượt xem
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc có hàng vạn câu chuyện tình yêu của người chiến sĩ đã được các nhà báo, nhà văn, nhà thơ kể lại qua các tác phẩm của một thời thấm đẫm đau thương nhưng rất đỗi tự hào. Chuyện tình yêu của liệt sĩ Nguyễn Bình Trâm và liệt sĩ Lò Thị Thắm là một phần đau thương của chiến tranh, một phần viết thành huyền thoại tình yêu như thế.

Mộ chung liệt sĩ Nguyễn Bình Trâm và liệt sĩ Lò Thị Thắm tại nghĩa trang liệt sĩ xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư.

Tháng 4/1968, Nguyễn Bình Trâm quê ở thôn 2, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư tình nguyện tòng quân vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Trước ngày nhập ngũ, Bình Trâm là học sinh lớp 9 Trường cấp 3 Vũ Tiên (hệ 10 năm), nay là Trường THPT Vũ Tiên. 

Những ngày tháng ấy khắp làng quê, trường học đến công sở đâu đâu cũng rạo rực không khí chiến trường “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Ở sân kho hợp tác xã của Trâm cũng có khẩu hiệu “Lạc vừng là thép là gang, tơ tằm là súng đạn đánh tan quân thù”. Ngoài đầu xã có chiếc biển tường mà mỗi sớm mai đi học và buổi trưa về cứ đập vào mắt Trâm một khẩu hiệu khác thôi thúc “Trai ba sẵn sàng, gái ba đảm đang”. Trong thôn, trong xã và ngay trong lớp học của Trâm có nhiều người bạn đã lên đường vào Nam đánh Mỹ. Trâm chưa tròn tuổi mười tám, lại đang là học sinh cấp 3 và là lớp trưởng lớp 9A dẫn đầu toàn trường, được thầy cô giáo và bạn bè quý mến. Dù vậy, Trâm vẫn giấu bố mẹ, giấu thầy cô giáo, giấu cả bạn bè, viết đơn tình nguyện đi bộ đội. 

Trong lá đơn tình nguyện nhập ngũ Trâm viết: “Được đi bộ đội là một hạnh phúc của một đoàn viên thanh niên, được cầm súng đánh Mỹ lúc này là một vinh dự của tuổi trẻ. Đánh Mỹ xong rồi, tôi trở lại trường học tiếp, dù kiến thức có đi sau bạn bè nhưng tôi đi trước bạn vì được vào chiến trường đánh giặc…”. 

Nguyễn Bình Trâm được thỏa nguyện ước vọng tòng quân, được biên chế vào binh chủng đặc công và huấn luyện chiến đấu tại tỉnh Hà Bắc. Sau 6 tháng, Trâm cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào chiến trường tỉnh Bình Dương. Nguyễn Bình Trâm tham gia nhiều trận đánh và lập chiến công xuất sắc. 

Đầu năm 1970, anh cùng đồng đội tham gia trận đánh một căn cứ của Mỹ, ngụy thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, trận đánh này đơn vị vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của địch, một số đồng đội hy sinh, Trâm bị thương nặng được đồng đội đưa về tuyến sau điều trị. Vết thương của anh khá nặng ở vùng đầu và cẳng chân bên trái, phải ở trạm điều trị dài ngày. 

Những ngày đầu ở trạm điều trị dã chiến của đơn vị đặt tại xã Trần Văn Thời, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương sức khỏe của Trâm rất yếu, nhiều lúc Trâm mê man, bất tỉnh và khi tỉnh anh đau buồn vì không được cùng đồng đội thực hiện “luồn sâu đánh hiểm”, không được chia lửa cùng đồng đội. Sau mấy ngày mê man, khi tỉnh dậy Trâm nhận ra bên mình có một “nàng tiên” đang chăm lo cho vết thương của anh, những cử chỉ nhẹ nhàng, những lo lắng lúc vết thương đau Trâm thiếp đi được “nàng tiên” kể lại, làm vết thương anh mau lành. 

Nàng tiên ấy chính là y sĩ Lò Thị Thắm, cô gái người dân tộc Thái ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. 

Lò Thị Thắm vào chiến trường sau Nguyễn Bình Trâm một năm. Con gái dân tộc Thái, Thắm có thân hình cân đối, mái tóc dài, chiếc áo quân phục đã cũ bó sát thân hình tạo vẻ đẹp kín đáo và mỗi khi Thắm cất lời tiếng cô trong vắt tiếp cho Bình Trâm liều thuốc tinh thần để vết thương của anh mau bình ổn. 

Số mệnh đã cho hai con người từ miền Bắc xa xôi gặp nhau trong tình cảnh chiến trường khốc liệt, cho họ phút giây được chia sẻ và chăm nhau. Gần một tháng nằm điều trị vết thương ở trạm quân y dã chiến Thắm đã dành cho Trâm một tình cảm đặc biệt, với cô không chỉ là phận sự của một nữ quân y, cô là người miền Bắc và Trâm cũng là người miền Bắc, cùng vào chiến trường đánh Mỹ. Lúc Trâm tỉnh táo, Thắm đã kể cho anh nghe về phong tục dân tộc Thái, người mẹ dạy con gái thắt “xài yêu”, còn Trâm thì kể cho Thắm về quê hương Thái Bình không có núi, không có suối chỉ có đồng bằng với cánh đồng năm tấn để góp phần đánh Mỹ và hẹn với Thắm sau ngày miền Nam giải phóng, hết giặc Mỹ anh sẽ đưa Thắm về quê hương Thái Bình. Hai người đã có lời hẹn ước khi hết chiến tranh, họ nắm tay nhau thật lâu bởi ngày mai anh lại lao vào cuộc chiến chẳng biết rồi lời hẹn ước sẽ về đâu. Những câu chuyện ở trạm quân y dã chiến của Nguyễn Bình Trâm và Lò Thị Thắm muốn được kéo dài thêm nhiều ngày, khi vết thương đã lành, sức khỏe của Trâm đã bình phục anh chuẩn bị phải chia tay Thắm trở lại đơn vị chiến đấu. 

Nhưng chiến tranh có những tình huống bất ngờ, tình huống chỉ diễn ra trong tích tắc nhưng đau thương ập xuống để ước vọng không bao giờ thành hiện thực. 

Sáng ngày 12/11/1970, khi Bình Trâm chưa kịp về đơn vị chiến đấu, chưa kịp chia tay trạm quân y và chia tay Thắm thì trạm quân y dã chiến của Thắm bị địch ném bom. Trạm quân y quân số gần chục người cùng hàng chục thương binh gần như bị xóa sổ, chỉ còn lại một, hai người. Các quân y sĩ đã cùng với nhân dân địa phương làm công tác thương binh, liệt sĩ. Nguyễn Bình Trâm và Lò Thị Thắm đã nằm lại đất phương Nam xã Trần Văn Thời, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương và hai người không bao giờ thực hiện ước nguyện khi chiến tranh kết thúc sẽ cùng nhau lên thượng nguồn sông Hồng để tham quan thắng cảnh Sa Pa quê hương của  Lò Thị Thắm và xuôi về nơi cuối sông Hồng có cánh đồng vàng năm tấn quê hương của Nguyễn Bình Trâm.

Hơn bốn mươi năm sau, huyền thoại tình yêu

Gần tết năm 1970, gia đình ông Nguyễn Văn Nhậm ở thôn 2, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình nhận được giấy báo tử liệt sĩ Nguyễn Bình Trâm đã hy sinh tại mặt trận phía Nam. Vài năm sau thì bất ngờ gia đình ông Nhậm nhận được bức thư của đồng đội anh Trâm gửi về nhưng không nói rõ quê quán, bức thư có kể lại trường hợp hy sinh cũng như chuyện tình yêu giữa anh Trâm và chị Thắm. Kể từ đó cho tới hơn 40 năm sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc kết thúc, câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Bình Trâm mới có thêm thông tin mới, phần hài cốt của liệt sĩ Trâm và liệt sĩ Thắm đang nằm trong nghĩa trang nhân dân xã Trần Văn Thời, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. 

Về phía gia đình liệt sĩ Lò Thị Thắm, ở Mường Khương, tỉnh Lào Cai sau khi chị Thắm hy sinh, tháng 2/1979 khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, gia đình chị bị trúng đạn pháo của quân xâm lược và chết không còn ai. Chẳng biết, số phận và duyên trời có sắp đặt hay không, vong linh chị Lò Thị Thắm vẫn đang ở bên vong linh người yêu Nguyễn Bình Trâm, hai người cùng nằm lại miền đất phương Nam. 

Tháng 7/2012, gia đình ông Nguyễn Văn Nhậm làm các thủ tục đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình rồi lên đường vào xã Trần Văn Thời, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương để đón hài cốt liệt sĩ Nguyễn Bình Trâm đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà. 

Câu chuyện tình yêu người lính giữa Nguyễn Bình Trâm và Lò Thị Thắm lại được nhắc đến khi các thủ tục cất bốc hài cốt liệt sĩ gặp trắc trở ban đầu. 

Ông Nguyễn Anh Quang là em trai của liệt sĩ Nguyễn Bình Trâm kể lại rằng, chính sự trục trặc ban đầu khi chuẩn bị cất bốc hài cốt liệt sĩ Nguyễn Bình Trâm, gia đình đã phải dâng hương cầu nguyện tại nghĩa trang nhân dân xã Trần Văn Thời. Nghiệm thay, vong hồn của hai liệt sĩ Trâm và liệt sĩ Thắm linh ứng hối thúc gia đình làm thủ tục cất bốc cả phần hài cốt liệt sĩ Thắm để đưa về an táng tại quê hương Vũ Đoài cùng hài cốt Nguyễn Bình Trâm. Hai liệt sĩ cùng chung nấm mộ toại nguyện lời ước hẹn của Nguyễn Bình Trâm hết chiến tranh anh sẽ đưa em về quê lúa. 

Chiến tranh chống đế quốc Mỹ đã chấm dứt 43 năm rồi, hẹn ước tình yêu của Nguyễn Bình Trâm và Lò Thị Thắm không có được những nụ cười và xe hoa mà tình yêu của hai người đã thành huyền thoại yêu thương của người lính trong chiến tranh. 

Sau nghi thức dâng hương phần mộ chung hai liệt sĩ, Nguyễn Bình Trâm và Lò Thị Thắm, tôi đứng lặng hồi lâu trong nghĩa trang liệt sĩ xã Vũ Đoài, hình dung về tình yêu của họ và để hôm nay viết lại huyền thoại tình yêu của hai người.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa