Thứ 6, 15/11/2024, 15:38[GMT+7]

Làng phát lộc vào xuân

Thứ 5, 17/01/2019 | 14:01:27
3,044 lượt xem
Những ngày này, đặt chân vào thôn Đình Phùng hay thôn Duy Tân, xã Minh Tân (Đông Hưng), mọi người đều có thể dễ dàng nhận thấy sự hiện diện của những chậu cây phát lộc. Nhờ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân nơi đây đã bó bện những cây thành những lẵng cây, chậu tháp... bắt mắt phục vụ khách mua về chơi tết.

Người dân xã Minh Tân (Đông Hưng) sản xuất chậu, tháp phát lộc cung ứng ra thị trường.

Từ tháng 8 âm lịch trở đi, gia đình anh Nguyễn Văn Giảng (thôn Duy Tân) lại bận rộn bên những chậu cây phát lộc. Mỗi ngày gia đình anh sản xuất gần 100 chậu phát lộc bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, có nhiều người còn đặt để mang ra nước ngoài làm quà biếu người thân, bạn bè chơi tết.

Anh Giảng cho biết: Nghề này có cách đây khoảng hơn 10 năm. Cây phát lộc trong phong thủy mang lại may mắn cho gia chủ, thích hợp bày biện, trang trí ở tiền sảnh, cửa ra vào, phòng khách, bàn làm việc..., có thể dùng làm quà biếu cho người thân dịp tết đến xuân về để gặp nhiều may mắn. Dịp cuối năm, để có đủ hàng cho khách, gia đình tôi phải thuê thêm từ 5 - 6 người, ngày xuất nhiều nhất từ 3 - 5 xe ô tô tải. Ngoài làm phát lộc, tôi còn đứng ra thu mua sản phẩm tháp phát lộc của các hộ khác để cung ứng cho khách hàng trong Nam ngoài Bắc nên mỗi năm thu nhập từ phát lộc hàng trăm triệu đồng.

Tự hào vì chiếm vị trí “độc tôn” về cung ứng những chậu cây phát lộc với đủ hình dáng phục vụ nhu cầu chơi tết của người Việt, người dân Minh Tân đã nghiên cứu, cải tiến và đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Bà Phạm Thị Hương cho biết: Trước đây, tháp phát lộc chỉ từ 3 - 5 tầng, giờ được thiết kế lên tới hơn 20 tầng theo yêu cầu của khách hàng và có thêm nhiều sản phẩm độc đáo làm từ cây phát lộc như lộc bình, thuyền, nậm, hồ lô... Người dân đã chuyển từ cắt cây bằng tay sang bằng máy vừa đều vừa nhanh, chuyển khung tháp từ nứa sang ống nhựa giá rẻ, để lâu không có mùi. Đặc biệt, năm nay các sản phẩm phát lộc còn được trang trí thêm nơ màu đỏ có dòng chữ chúc mừng năm mới, an khang thịnh vượng... rất đẹp mắt. 

Hầu như năm nào làng nghề phát lộc ở Minh Tân cũng đón xuân sớm vì để tạo được các chậu cây có nhiều tầng, ra mầm, bật nhú lộc vào đúng dịp tết Nguyên đán thì người dân ở đây phải bắt đầu làm từ tháng 8, tháng 9 âm lịch. Người già, trẻ em thì tranh thủ bóc lá, cắt đốt còn thanh niên nhanh nhẹn khéo tay thì uốn cành làm tháp. Mỗi người mỗi việc, mọi người đều cố gắng làm việc để có một cái tết đầm ấm, no đủ.

Cứ dịp tết đến xuân về là du khách thập phương lại tìm về Minh Tân mua phát lộc về chơi bởi nó vừa có ý nghĩa mang lại may mắn, phát tài, phát lộc vừa tạo được môi trường xanh trong ngôi nhà... 

Chị Nguyễn Thị Hà (phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình) cho biết: Tôi biết làng nghề phát lộc ở Minh Tân lâu rồi, nay tranh thủ cùng bạn bè đến xem và mua về chơi tết. Nếu đào, quất và các loại hoa khác chỉ chơi được vài tháng thì phát lộc ở đây chơi được cả năm. Trang trí trong nhà rất đẹp. Tôi thường mua tháp từ 3 - 5 tầng về để bày trên ban thần tài, tháp cao hơn để bày ở phòng khách, con gái tôi hay mua về để trong phòng làm việc. 

Còn anh Nguyễn Văn Huy, một thương lái từ Bắc Ninh cho biết: Tôi lấy tháp phát lộc ở Minh Tân về bán đã nhiều năm nay. Giữa năm đặt hàng, chỉ cần nói số lượng mỗi loại, đặt cọc một phần tiền rồi đúng ngày về lấy. Hàng ở đây làm đẹp, mẫu mã rất phong phú nên đưa về Bắc Ninh bán cũng được. Năm mới ai cũng mong rủi ro ra đi, tài lộc theo về nên không chỉ các gia đình mà rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp cũng mua chậu, tháp phát lộc về bày.

Từ nhiều năm nay, khi nhắc đến làng phát lộc tại Thái Bình người ta nhớ ngay đến Minh Tân. Trung bình mỗi dịp tết cả xã cung ứng ra thị trường hàng vạn chậu cây, tháp phát lộc với đa dạng chủng loại, tạo nên nét đặc biệt của làng nghề, mang lại vẻ đẹp cho gian nhà, gian phòng của mọi nhà trong dịp tết cổ truyền. Vì thế, mỗi người thợ đều khéo léo, cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng công đoạn nhằm tạo ra những sản phẩm hoàn mỹ nhất. Mỗi tháp phát lộc như chứa cả tâm tình của người làm ra. 

Ông Nguyễn Đăng Duyên, Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết: Nghề trồng và làm phát lộc ở Minh Tân chủ yếu tập trung ở hai thôn Đình Phùng và Duy Tân (thôn Đình Phùng có 277 hộ, chiếm trên 70% số hộ; thôn Duy Tân có trên 50 hộ tham gia làm nghề). Những tháng cuối năm ở đây rất sôi động và nhộn nhịp. Sản phẩm phát lộc của xã có thị trường tiêu thụ tốt, trung bình một hộ thu nhập trong dịp tết thấp nhất là 100 triệu đồng, cao nhất gần 1 tỷ đồng. 

Việc duy trì phát triển làng nghề phát lộc không chỉ làm giàu cho các gia đình mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động trong và ngoài xã với thu nhập từ 130.000 - 150.000 đồng/ngày. 

UBND xã đã làm hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận Minh Tân là xã nghề trồng và sản xuất sản phẩm từ hoa, cây cảnh, từng bước xây dựng thương hiệu cho phát lộc và đào cảnh.

Hiếu Nghĩa