Thứ 6, 15/11/2024, 16:43[GMT+7]

Hơn 30 năm đồng hành cùng người con tàn tật

Thứ 6, 01/03/2019 | 08:36:33
3,133 lượt xem
Nhắc đến Đỗ Hà Cừ (phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình), người ta nhớ đến chàng trai mang trong mình chất độc da cam/Điôxin, bị bại liệt không có khả năng tự phục vụ nhưng đầy nghị lực phi thường. Không chỉ là người sáng lập “Không gian đọc Hy Vọng”, anh còn giúp đỡ những người có hoàn cảnh giống như mình. Để anh có thể làm được những công việc này, luôn có bàn tay giúp sức của bà Nguyễn Thị Kim Sơn, một người mẹ hết lòng vì con.

Bà Nguyễn Thị Kim Sơn và con trai Đỗ Hà Cừ.

Hành trình chữa bệnh cùng con

Năm 1983, bà Nguyễn Thị Kim Sơn và ông Đỗ Ngọc Châu, từng là bộ đội ở chiến trường miền Nam nên duyên vợ chồng. Ít lâu sau bà sinh anh Cừ thì chồng bà cũng lên Hà Nội làm việc. Từ khi sinh ra, đứa trẻ nào cũng chỉ có ăn, ngủ, nằm nên bà không biết bệnh của anh, cũng không phát hiện anh có biểu hiện lạ. Đến 4 tháng tuổi, khi mà trẻ con bắt đầu tập ngóc đầu dậy thì anh lại chỉ nằm yên cả ngày, lúc ấy bà mới nghi ngờ và đưa anh đi khám.

Ban đầu, đưa anh đi khám ở Thái Bình, các bác sĩ bảo anh chậm phát triển nhưng bà không nghĩ vậy. Khi anh cứng cáp hơn, bà bắt đầu đưa anh đi Hà Nội chữa. Ngày ấy kinh tế còn khó khăn, để lên Hà Nội bà phải dành dụm tiền, nhờ bà con lối xóm trông nom nhà cửa vì bà biết bệnh của anh không nhẹ và chữa cũng không nhanh. Chồng bà lúc ấy làm việc trên Hà Nội, vì điều kiện kinh tế, ông phải thuê một căn phòng bé ở chung với một người bạn để cùng san sẻ tiền phòng. Dù hai mẹ con không được ở cùng bố nhưng được lãnh đạo cơ quan bố giúp đỡ cho ở tạm trong hội trường của cơ quan. Mặc dù nhiều cái bất tiện nhưng lúc ấy bà nghĩ như vậy tốt lắm rồi, không phải đi thuê nhà trọ tốn kém mà vẫn có nơi che nắng che mưa.

Từ cơ quan chồng ở phố Lò Đúc, bà đưa anh đi khám ở Bệnh viện Nhi Thụy Điển. Xe đạp là phương tiện di chuyển duy nhất của bà lúc bấy giờ, nhưng khi ấy anh mới chỉ có 9 tháng tuổi, bà không thể vừa bế anh vừa đi xe. Bà đành làm một cái nôi dài, gắn cái nôi ở ghế sau xe, để anh nằm trong đó. Chồng bà còn bận công việc, hành trình suốt một tháng trời đưa anh đi khám, chữa bệnh chỉ có mình bà đảm nhận.

Đó không phải là lần duy nhất đưa anh đi chữa bệnh, năm anh 2 tuổi, bà tiếp tục đưa anh lên Hà Nội nhưng sau 1 tháng trời bệnh của anh vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Dù vậy, bà và gia đình vẫn hy vọng sẽ chữa khỏi bệnh cho anh, giúp anh bình thường như bao đứa trẻ khác. Không chỉ chữa ở Hà Nội mà khi về Thái Bình bà vẫn tiếp tục đưa anh đến nhiều bác sĩ khác nhau để thăm khám. Đến năm anh 4 tuổi, bà mới bắt đầu chấp nhận sự thật rằng anh sẽ không thể trở lại bình thường được nữa. Khi đó cũng là lúc bà quyết định sinh thêm Đỗ Quang Bình, là em trai Cừ, may mắn thay, cậu em trai không bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin như anh mình.

“Người mù còn có thể đọc chữ, thì tại sao con lại không đọc được mẹ ơi?”

Lúc Cừ lên 6 tuổi, thấy các bạn cùng trang lứa đã biết đọc sách, đọc truyện, anh cũng bắt bà đi thuê truyện về đọc cho anh nghe. Thương con, hàng ngày nằm ở nhà một mình buồn chán, thỉnh thoảng bà cố gắng sắp xếp công việc đến thư viện mượn sách về cho anh. Cũng mất mấy năm trời như thế, một ngày anh nói: “Người mù còn có thể đọc chữ, thì tại sao con lại không đọc được mẹ ơi?” và anh đòi bà dạy chữ.

“Dạy chữ cho Cừ rất khó, tôi phải nghĩ ra cách khác để dạy con chứ không thể dạy theo cách thông thường bởi con không thể cầm, nắm để viết chữ” - bà Sơn chia sẻ. Với vốn thơ của mình, đặc biệt là thơ Tố Hữu, thơ lục bát dễ nhớ, hàng ngày bà đọc cho anh để anh thuộc. Mỗi ngày, bà đánh máy một dòng thơ và in ra để anh ở nhà đọc. Trong đầu anh khi đó đã thuộc câu thơ đó rồi, anh sẽ nhìn vào tờ giấy để học thuộc mặt chữ. Dần rồi anh cũng quen, bà dạy thêm cách ghép vần, ghép chữ.

Đến 11 tuổi, Đỗ Hà Cừ đã biết đọc thông thạo, lúc ấy bà thuê truyện về cho anh tự đọc. Em Bình khi đó đã đến tuổi đến trường, khi bà dạy Bình học thì Cừ nằm ngay cạnh để nghe. Bà làm một mặt bàn chéo để Cừ có thể dễ dàng nhìn những quyển sách. Là một người mẹ, thấy con ham học bà rất vui, nhưng lại rất thương khi anh phải từ bỏ khi gặp những bài toán vẽ hình hay những phép toán phức tạp mặc dù Cừ rất thích môn học này.

Biết Cừ thích học nhưng bà Sơn cũng không có cách nào để đưa anh đến trường. Mãi đến sau này bà mới biết, lúc còn nhỏ anh nằm ở nhà nhìn ra đường thấy các bạn cùng trang lứa đi học, anh đã rất buồn và có ý định tự tử. Anh cố lết người ra bậc thềm nhà, định lao người xuống nhưng mới chỉ được phần cổ thì không làm cách nào có thể lao tiếp người xuống. “Khi tôi về thấy cổ Cừ bị lệch, hỏi thì anh nói dối không chỉnh được đầu lên. Nhớ lại mà thấy đau nhói trong tim, khi ấy tôi đã không hề biết chuyện” - bà Sơn tâm sự. Đến năm Cừ 18 tuổi, thấy bạn bè cùng lứa đi học đại học, anh nằm nhà chỉ biết khóc. Anh lại muốn tự tử... Bà Sơn phải động viên anh nhiều, ở bên anh, cùng anh đọc sách để sau một thời gian anh mới có thể quên đi nỗi buồn.

Vì con sẵn lòng làm tất cả

Tiếng chuông điện thoại làm ngắt nhịp câu chuyện đang nói, bà Sơn cười tươi khi biết đầu dây bên kia là những nhà hảo tâm, thông báo những cuốn sách gửi tặng cho không gian đọc đã đến nơi. Số sách này sẽ góp phần hoàn thành cho dự định lập thêm không gian đọc miễn phí mà anh Cừ đang ấp ủ. Cầm những cuốn sách trên tay, bà không ngừng khen, không những sách đẹp mà kiến thức trong sách cũng rất bổ ích. Bà khoe: Cừ giỏi lắm nhé, anh còn kêu gọi được các nhà hảo tâm từ khắp nơi giúp đỡ anh, không chỉ là quyên góp sách mà còn là kệ, giá sách nữa.

Từ khi anh khai trương “Không gian đọc Hy Vọng”, bà Sơn bận rộn chăm lo cùng anh. Hàng ngày, bà giúp anh sắp xếp những quyển sách các bạn mượn đến trả, hướng dẫn các bạn mới cách làm thẻ tại không gian đọc. Mỗi lần anh đi giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn bà cũng luôn đi theo. Chẳng ai có thể biết anh rõ như bà, từ việc đưa anh lên xe lăn đến việc cho anh uống thuốc. Và dù bà đang làm gì, bà vẫn hướng về Cừ, để có thể biết anh cần bà bất cứ lúc nào.

Nhiều người nói bà vất vả, nhưng bà đáp lại rằng, so với những gì Cừ đã cố gắng để đạt được, thì sự vất vả ấy đã là gì. Để Cừ luôn lạc quan, vui vẻ, bà sẵn lòng ủng hộ anh, làm tất cả vì anh.

Lê Hà Anh
(Sinh viên thực tập)