“Đại gia” về quê nuôi bò
Từ trên xe ô tô bước xuống, vẫn mặc áo sơ mi và đi giày “tây”, anh Cường vội vã vào “chuồng bò” để kiểm tra. Anh cho biết, theo dõi hình ảnh đàn bò qua camera kết nối với điện thoại, có một “cô” bò mẹ có biểu hiện ốm nên anh phải kiểm tra ngay, rất may “cô” bò vẫn khỏe mạnh.
Thong thả dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng trang trại, anh Cường chia sẻ nơi đây trước kia là một đoạn sông cụt liền kề với cánh đồng Trại và khu đầm trũng bỏ hoang của thôn Năng Tĩnh (xã Vũ Hội). Tuổi thơ của anh là những ngày cùng bạn bè mò cua, bắt ốc, dầm mưa dãi nắng trên cánh đồng này. Sau nhiều năm sinh sống, kinh doanh trong lĩnh vực thời trang và bất động sản ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, anh Cường khá thành công và tích góp được một số vốn nhất định. Nhiều lần về thăm quê, thấy cánh đồng ngày càng hoang hóa, anh rất tiếc, những ký ức tuổi thơ luôn thôi thúc anh làm điều gì đó cho vùng đất này.
Cuối năm 2015, anh Cường quyết định đầu tư hơn 5 tỷ đồng mua gần 6ha đất ruộng trên cánh đồng Trại của bà con và đầu tư thêm gần 2 tỷ đồng quy hoạch, xây dựng chuồng trại nuôi bò, đào ao thả cá, dự trữ nguồn nước và trồng cỏ voi. Anh quyết định nuôi bò vì so với gà, lợn thì con bò ổn định hơn, ít dịch bệnh; hơn nữa bò chỉ ăn cỏ tự nhiên, chi phí đầu tư ít mà giá trị sản phẩm cao hơn lợn, gà. Tại chuồng trại, anh chia thành nhiều ô chuồng khác nhau: chuồng dành cho bò thịt, bê con, bò mẹ, bò chuyển dạ sinh sản. Toàn bộ trang trại và trong từng ô chuồng nuôi bò đều được lắp đặt camera giám sát, khá thuận lợi trong việc theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của từng con bò, ruộng cỏ. Vì nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt nên anh quy hoạch sân chơi cho bò, hàng ngày bò được thả tự do theo giờ nên không bị “cuồng cẳng”. Thức ăn của bò 100% là cỏ voi tự nhiên. Định kỳ bò được tiêm vắc-xin rất nghiêm ngặt nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh.
Năm 2016 anh Cường đầu tư nuôi thử nghiệm 16 con bò mẹ, trồng 2ha cỏ voi VA06. Về kỹ thuật chăm sóc đàn bò, anh nhờ người bạn thân là anh Nguyễn Văn Phùng, Giám đốc HTXNN Vũ Hội đảm nhận; ngoài ra anh thuê thêm lao động trực tiếp chăm sóc đàn bò, trồng cỏ. Tuy nhiên, vừa trách nhiệm vừa đam mê với đàn bò nên anh vẫn mày mò học hỏi từng khâu và thường xuyên trực tiếp chăm sóc đàn bò, ruộng cỏ voi.
Anh Cường chia sẻ: Nhiều hôm giữa đêm rét mướt, bò mẹ trở dạ sinh con, tôi và anh Phùng phải trực tiếp làm bà đỡ. Hay như dịp năm 2018, khi người dân thu hoạch xong lúa mùa, chỉ trong vài ngày chuột kéo nhau tàn phá sạch mấy héc-ta cỏ, nguồn thức ăn duy nhất của bò. Tôi mất ăn mất ngủ mấy ngày liền, vừa lo mua rơm để bò ăn vừa quyết định đầu tư 7 triệu đồng để tiêu diệt chuột trên toàn bộ cánh đồng, kết quả 1 xe lôi chất hàng nghìn “ông tý” bị tóm gọn, tiêu diệt, cỏ voi mới không bị cắn phá.
Từ ngày nuôi bò ở quê, anh Cường “bay” ra, “bay” vào Bình Dương hàng chục lượt/năm. Về đến quê, anh ngày ngày lọ mọ với bò, với cỏ. Người thân, họ hàng trách anh “nhà lầu xe hơi” không ở, lại ra chuồng bò ở, người ta thoát ly nông nghiệp còn anh lại lao vào nuôi bò. Ngược lại, anh vẫn luôn tin tưởng vào quyết định của mình và từng ngày lặng lẽ minh chứng bằng đàn bò khỏe mạnh, dần sinh sôi nảy nở trong chuồng và ruộng cỏ voi tươi tốt.
Thành quả đầu tiên sau hơn 2 năm đầu tư là từ 16 con bò mẹ ban đầu đến nay, trang trại của anh Cường đã có 40 con bò, bê trong đó 11 con bê đã ra đời ngay tại trang trại và đang được nuôi trưởng thành; hơn 2 tấn cá trắm đen đã cho thu hoạch. Anh Cường chia sẻ, điều đáng quý hơn cả là từ “dân kinh doanh” không biết gì về con bò, giờ đây anh đã khá hiểu con bò và thuần thục từng công việc từ cắt cỏ, cho bò ăn, cho bò nghỉ ngơi, chăm sóc bò khi ốm, sinh đẻ... Nhìn cánh đồng mấy năm trước hoang hóa giờ đây trù phú tốt tươi, anh Cường thấy vui vì mình làm được một việc có ích cho quê hương.
Dự kiến năm 2019 anh Cường tiếp tục vận động bà con tạo điều kiện thuận lợi để anh tích tụ diện tích đất lúa kém hiệu quả trên cánh đồng, mở rộng trang trại và quy mô sản xuất chăn nuôi, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường