Thứ 6, 15/11/2024, 17:37[GMT+7]

Ngày xưa làng không có phố bây giờ

Thứ 2, 18/03/2019 | 09:49:15
2,580 lượt xem
Nhắc đến làng quê người ta thường liên tưởng đến cây đa, bến nước, sân đình, cổng làng và chuyện vào ra cùng con đường làng quanh co uốn khúc ao quê, ngước trông ngõ xóm tre xanh... Những hình ảnh đặc trưng ấy chẳng lẫn vào chốn đô thành chật hẹp được. Công cuộc đổi mới của đất nước tạo điều kiện để đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng thôn quê không ngừng nâng lên, làng quê cũng “thay da đổi thịt” nhưng sự đổi thay ấy cũng kéo theo sự thay đổi nét đẹp văn hóa của làng quê…

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới đình làng An Định, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy được dân làng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Sự đổi thay mạnh mẽ ở chốn thành thị tác động không nhỏ đến “lũy tre xanh” khiến những con người thôn quê “hai sương, một nắng” cũng phải gồng mình lên để theo kịp cuộc sống hiện đại. Nhịp sống hiện đại khiến con người và cảnh sắc thôn quê cũng đổi thay theo. Giờ về thăm quê thật hiếm hoi mới nghe thấy tiếng ru hời à ơi cánh võng đong đưa tuổi thơ chìm trong tiếng gà gáy buổi trưa hè, chẳng còn nghe thấy tiếng kẽo kẹt của bụi tre già trong gió, những hàng rào ruổi, dâm bụt, ô rô… được thay thế bằng những giậu sắt, tường gạch cao ngất, người ta cắm những vật nhọn sắc hoặc thủy tinh lởm chởm để chống trộm. Nhà liền bên kín cổng cao tường, cuộc sống khép kín, thay vì giao lưu thăm hỏi người ta ngồi xem tivi, lướt web trên điện thoại di động… Cuộc sống hiện đại hối hả làm cho người dân thôn quê  dần quên đi việc phải lưu lại những giá trị văn hóa xưa.

Trong chuyến điền dã về làng An Định, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy để tìm hiều về những nét đẹp văn hóa truyền thống trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới, chúng tôi được ông Nguyễn Tường Thuật, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình đưa đi thăm các địa danh cổ còn lưu sót lại ở làng An Định như đình làng An Định, chùa Giành, chợ Giành và gò “tứ mã” lộ Bàng… đất phát tích sinh ra bốn dũng tướng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn phò Lê Lợi đánh tan giặc Minh xâm lược, được dân làng An Định tôn thờ làm Thành hoàng làng. Cao hứng ông Thuật đọc lại bốn câu truyền ngôn trong dân gian làng quê An Định kể về sự tích Cao Biền, nhà địa lý phong thủy của Trung Quốc được phái sang nước ta thăm dò triệt các huyệt phát đế vương thời điểm năm 861 - 868: “Tứ mã tiền triều/Tam thai ứng hậu/Thư hùng giao đọ/Huyệt tại lộ Bàng”. Ông Thuật giải thích thêm ngày Cao Biền được phái sang nước ta, khi tìm về đất An Định ông ta đã nhìn thấy huyệt đất phát lộ sinh nhân kiệt (Lộ Bàng). Nhằm triệt huyệt phát tích, Cao Biền dụ dỗ người dân đào một cái hào nước sâu ngang làng để cắt đứt huyệt sinh “Tứ mã”. Thế nhưng người dân An Định đoán trước được mưu mô của Cao Biền nên không đào. Quả nhiên sau này làng có bốn dũng tướng phò giúp Lê Lợi đánh tan giặc Minh. Chuyện kể lại rằng khoảng đầu thế kỷ XIV công chúa Trần Huyền Trân từ Chiêm thành trở về đã cùng thị nữ Phương Dung được vua Trần ban cho lộc điền ở trấn Sơn Nam hạ, công chúa cùng thị nữ Phương Dung đặt chân đến đất làng An Định, thấy cư dân hiền lành, chăm chỉ, đất đai trù mật liền ở lại dạy dân chúng biết nghề đan giành (giống cái gùi của người Chiêm thành), dần dà người dân bỏ nghề sông nước chuyển sang nghề trồng lúa. Nghề đan giành cũng xuất phát từ đó, sau này chính nghề đan giành chuyển thành tên gọi nôm của làng An Định làng Giành. Theo các bậc cao niên trong làng, người dân làng Giành có nguồn cội từ huyện Yên Định (Thanh Hóa) di cư ra. Chữ “Yên” có âm từ đồng nghĩa với chữ “An” nên lâu dần người dân đọc chệch thành chữ “An”. An chính là mong ước “an cư lạc nghiệp” của người dân làng Giành. An cư và ổn định, gắn bó dài lâu với mảnh đất làng Giành. Làng An Định còn lưu giữ câu đối cổ ở chùa làng:

“Sơn Hoành, thủy liễu thiên An Định

Nữ chức, nam canh địa thái bình”

Tạm dịch: Có dòng nước chảy như suối, uốn khúc giữa làng Hoành Sơn và làng An Định. Nơi đây gái thì xe tơ dệt vải, trai thì làm ruộng cấy cày, cảnh đẹp thanh bình.
Các bậc cao niên còn kể mãi câu chuyện giặc Pháp đến đốt phá làng kháng chiến An Định, chúng bước vào chùa làng thấy có đôi câu đối bằng chữ Hán, bọn chúng bắt nhà chùa đọc và dịch nghĩa đôi câu đối trên cho chúng nghe. Nghe xong, bọn giặc lặng lẽ bỏ đi. Ngày trước, bên cạnh chùa Giành còn có một ngôi nhà dành cho các vị chức sắc trong làng họp bàn việc làng, cũng là nơi gặp gỡ, giải quyết những mối bất hòa giữa những người trong làng. Trong nhà có bức hoành phi ghi rằng:

“Thị phi tự hữu công bình nguyệt

Hy hão do tốn thái cổ phong”

Tạm dịch nghĩa: Sự công bằng như ánh sáng vốn có để phân biệt phải trái/Thuần phong mỹ tục là nếp sống của dân làng, từ cổ tới kim ít có những chuyện làm mất lòng nhau.

Làng An Định có một tập quán đẹp vẫn được duy trì đến ngày hôm nay đó là vào lúc giao thừa (tết Nguyên đán hàng năm), tại chùa Giành, dân làng thường tổ chức lễ “Tống cựu nghinh tân”. Vào giờ khắc giao thừa, dân làng tề tựu nghiêm trang tế lễ. Trước nữa, khi chưa có tivi, làng bố trí một chiếc đài bán dẫn thu sóng Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, sau này có tivi, dân làng bố trí một chiếc tivi để nhân dân nghe và xem Chủ tịch nước chúc tết. Sau lời chúc năm mới của Chủ tịch nước, trưởng thôn có lời mừng năm mới. Phần tế lễ và nghe chúc tết vừa kết thúc cũng là lúc diễn ra lễ rước lửa truyền thống. Theo quan niệm của dân làng, lửa được rước từ chùa Giành về là “Lửa thiêng” mang đến sự may mắn cho người dân. Lửa thiêng được rước từ cung cấm ra ngoài sân chùa, mọi người dùng đuốc, ống hồng châm lửa rước về nhà, người nọ trật tự đi sau người kia thành một đoàn rước đuốc kéo dài như một con rồng lửa di chuyển trên đường làng, ngõ xóm rồi vào các gia đình.

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, làng quê An Định chuyển mình, thay áo mới. Con đường 39B cũ đi qua địa phận làng Giành giờ đã trở thành khu phố sầm uất. Những dãy nhà cao tầng san sát mọc lên, những cửa hàng tự chọn sáng choang thay thế những ngôi nhà lúp xúp thuở nào. Giờ làng đã có phố nhưng dáng vẻ thanh bình của làng Giành, miền quê văn hóa vẫn được người dân nơi đây nâng niu, trân trọng, kế thừa và phát huy.


Ông Đỗ Quốc Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh

Bảo tàng Thái Bình là một thiết chế văn hóa có tầm quan trọng trong việc lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở tỉnh ta. Những thiết chế văn hóa làng, xã gồm các loại đình, đền, chùa, miếu, phủ thờ, điện, từ đường dòng họ… vẫn được nhân dân lưu giữ, bảo tồn. Cùng với hoạt động xã hội hóa trong tôn tạo, tu bổ, chống xuống cấp các di tích văn hóa, chính quyền các địa phương cũng tích cực chỉ đạo, giám sát công tác bảo tồn, bảo tàng các di sản văn hóa ở địa phương giúp cho nhiều di sản văn hóa thoát khỏi tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Tường Thuật, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, thôn An Định 3, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy

Ở nhiều làng quê bây giờ “bờ xôi ruộng mật” đã được thay thế bằng những khu công nghiệp hoặc đô thị… Nam nữ thanh niên đều muốn thoát ly làng quê đi làm ăn xa kiếm tiền, một số đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, một số ít ra thành phố học tập, tìm cách ở lại lập nghiệp tại thành phố để thoát nghèo. Nhiều làng quê chỉ còn ông già, bà cả, trẻ con. Làng An Định quê tôi đã về đích nông thôn mới nhưng vẫn giữ nét đẹp hóa dân gian cũng khá hiếm.

Ông Vũ Tiến Hợp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển văn hóa Việt

Làng quê thường gắn với những kỷ niệm, những hình ảnh “cây đa bến nước sân đình” quá đỗi thân thương, đời sống cộng đồng dân cư đoàn kết gắn bó. Người xa quê đều nhớ về làng quê với những ký ức đẹp. Từ lời mẹ ru à ơi từ trong nôi đến những trò chơi dân gian, những câu hát đồng dao… đã ăn sâu vào tiềm thức của con người từng sinh sống ở làng quê. Với tình yêu quê hương, trân trọng giữ gìn nét đẹp văn hóa làng quê xưa, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển văn hóa Việt chúng tôi thường xuyên phối hợp với Bảo tàng Thái Bình triển lãm nét đẹp văn hóa làng, tổ chức góc chợ quê trong ký ức, triển lãm thư pháp chữ Việt…


Quang Viện