Thứ 6, 15/11/2024, 17:52[GMT+7]

Những điều trân quý từ một cuốn sách

Thứ 2, 25/03/2019 | 08:59:23
1,826 lượt xem
Đúng ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 2019, ông Nguyễn Dương An tặng tôi cuốn sách “Những người thầy áo trắng” viết về các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của ngành Y tế Thái Bình.

Ông Nguyễn Dương An (người bên phải) giới thiệu cuốn sách “Những người thầy áo trắng”.

Đọc xong hơn 20 bài viết, cảm nhận của tôi là sự mộc mạc, chân thành trong từng câu viết nhưng lắng sâu trong đó là tình cảm tác giả dành cho ngành y cũng như sự trân trọng các y bác sĩ - những bông hoa đẹp trong vườn hoa thi đua yêu nước.

Thay cho lời nói đầu, ông Nguyễn Dương An viết “Đôi điều tản mạn về các thầy thuốc”, kể về cơ duyên dẫn đến sự ra đời của cuốn sách. Ông vốn là người đam mê với nghiệp viết và có mong muốn viết về ngành Y tế Thái Bình. Một lần, không may ông bị chấn thương gãy xương. Trong những ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Phục hồi chức năng, được các thầy thuốc tận tình chăm sóc và nhờ những “bàn tay vàng” mà ông đã bình phục. Từ những điều mắt thấy tai nghe, cảm nhận được tấm lòng nhân hậu của các thầy thuốc, ngay trên giường bệnh ông đã viết bài tri ân... Sau đó, trong quá trình đi thực tế đến các cơ sở khám chữa bệnh để gặp người hỏi việc, ở đâu ông cũng được các đơn vị, các thầy thuốc dành cho tình cảm ưu ái và sự giúp đỡ tận tình.

Phần đầu, cuốn sách đăng Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi hội nghị cán bộ y tế toàn quốc (tháng 2 năm 1955) cùng 12 điều y đức theo quy định của Bộ Y tế, 9 điều y huấn cách ngôn và 8 tội người thầy thuốc cần tránh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 - 1791). Những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy trong Thư như “phải thật thà, đoàn kết” vẫn còn vẹn nguyên giá trị, không chỉ riêng với đội ngũ cán bộ y tế mà với tất cả chúng ta hôm nay. Đọc hết 12 điều y đức, 9 điều y huấn cách ngôn và 8 tội người thầy thuốc cần tránh thì thấy nhiều nội dung ngành khác, người làm công tác khác cũng có thể áp dụng.

Trong các tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến của ngành Y tế Thái Bình được giới thiệu trong cuốn sách, ở một vị trí trang trọng là bài viết về bác sĩ Phạm Nhất Định, cố Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư. Bài viết là lời tưởng nhớ một con người có gần 45 năm công tác trong ngành y, sau khi về nghỉ chế độ lại tiếp tục gắn bó với công việc chữa bệnh cứu người; dù cuộc sống còn khó khăn nhưng bác sĩ Phạm Nhất Định vẫn dành một phần lương hưu và khoản thu nhập khác cho công tác xã hội, từ thiện, cứu giúp người nghèo khó. Nay dù đã về với tiên tổ nhưng những việc bác sĩ Phạm Nhất Định làm khi còn sống vẫn được nhiều người nhắc đến trong những câu chuyện kể, và những vần thơ ca ngợi, biết ơn ông thì vẫn còn đó:

“Tác phong đã nói giữ lời
Lòng vàng từ thiện giúp người khổ đau
Sống tình nghĩa, có trước sau
Không ham danh vọng, không cần vinh thân
Hết lòng vì nước vì dân
Sống như ông sống ngàn lần đáng yêu”.

(ông Đỗ Ngọc Trâm, nguyên cán bộ y tế);

“...Ông là thầy thuốc của dân
Lớn lên cháu nguyện ngàn lần theo ông”.

(cháu Phạm Trung Hiếu, học sinh thị trấn Vũ Thư được bác sĩ Phạm Nhất Định chữa bệnh).

Bài viết về bác sĩ Phạm Nhất Định không chỉ là lời tưởng nhớ một con người giàu lòng nhân ái mà còn là sự khẳng định: Việc tốt, danh thơm sẽ được thế gian lưu truyền. Làm việc tốt để lưu lại danh thơm như bác sĩ Phạm Nhất Định không dễ nhưng cũng không khó, nếu chúng ta làm thì nhất định sẽ đạt được.

*
*      *

Qua cuốn sách “Những người thầy áo trắng”, ông Nguyễn Dương An giúp người đọc hình dung ra bức tranh ngành Y tế Thái Bình với nhiều gam màu tươi sáng. Ở đó có những tập thể, cá nhân luôn tận tâm, hết lòng vì người bệnh. Điều đáng nói là đến đơn vị, địa phương nào ông cũng tìm thấy vẻ đẹp, nét riêng có của họ để đưa vào bài viết của mình. Ông trìu mến gọi Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình là “binh chủng đặc thù”, ngợi ca Bệnh viện Đa khoa tỉnh giàu truyền thống, Bệnh viện Tâm thần Thái Bình là nơi ấm áp tình người, Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải luôn đổi mới và phát triển, xã Việt Hùng (Vũ Thư) là điểm sáng y tế cơ sở... Bên cạnh đó, y đức ở Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư, nét đẹp văn hóa ở Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng, những bước tiến dài của Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, kết quả phong trào hiến máu cứu người... cũng được tác giả cuốn sách đề cập. Ông Nguyễn Dương An không quên nhắc đến những kết quả ngành Y tế Thái Bình đạt được khi tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, những thầy thuốc đạt giải cao tại các hội thi khoa học công nghệ và kỹ thuật, các danh hiệu thi đua, những phần thưởng cao quý Đảng, Nhà nước trao tặng các tập thể, cá nhân của ngành.

Từ cuốn sách đầu tiên “Thư từ quê lúa Thái Bình” đến “Những người thầy áo trắng” hôm nay, trong 20 năm, ông Nguyễn Dương An đã có cho mình 24 tên sách ngợi ca mảnh đất và con người Thái Bình với số lượng phát hành hơn 5 vạn bản. Không chỉ viết sách, ông còn có 60 năm viết báo không chuyên, đã được nhận nhiều giải thưởng báo chí, văn học của trung ương và địa phương.

Đam mê, sự bền bỉ với nghiệp viết của ông Nguyễn Dương An (nguyên Trưởng phòng Đầu tư, Sở Tài chính Thái Bình, năm nay tuổi đã 85) là điều những người cầm bút trẻ cần học tập.

Hương Giang