Thứ 6, 15/11/2024, 18:45[GMT+7]

Chuyện nhỏ ở doanh nghiệp lớn

Thứ 7, 27/04/2019 | 09:26:43
2,326 lượt xem
Nói về nghề may, mọi người thường hình dung ở nơi đó sử dụng nhiều lao động và chủ yếu là phục vụ an sinh xã hội. Với một công ty may mà doanh thu hàng năm luôn đạt mức tăng trưởng 2 con số là cả một bài toán khó mà “MXP” đã thành công, 100% vốn Việt Nam do người Việt Nam điều hành và tạo việc làm cho hơn 15.000 công nhân ở 6 nhà máy tại tỉnh Thái Bình.

Đồng chí Xổm - Phăn Pheng - Khăm - Mi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao MXP.

Chúng tôi đến MXP vào một ngày trung tuần tháng 3 khi mà dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành ở nhiều tỉnh, thành phố trong đó có tỉnh Thái Bình. Vừa kịp bắt tay mời khách, Nguyễn Tiến Phương, Tổng giám đốc MXP đã phải xác nhận qua điện thoại: “Vẫn phải duy trì thịt lợn, vì đây là món ăn quen thuộc của người Việt”, trả lời xong quay ra Phương nói như giải thích với tôi, là thực đơn tháng 4 đã được họp và thống nhất nhưng do tình hình dịch lợn chưa chấm dứt nên đại diện hội đồng thực phẩm xin ý kiến có tiếp tục dùng món thịt lợn nữa không. Em xác nhận có, là vì thực tế dịch là dịch còn với mình điều quan trọng nhất là Công ty đang kiểm soát nhà thầu cung cấp từ khâu nuôi dưỡng cho đến khi cung cấp thịt vào các canteen nên cứ yên tâm sử dụng. Lần đầu gặp nhau nhưng tôi đã có cảm giác thích con người này và thích luôn cả quyết định của anh vừa đưa ra. Chủ đề bữa ăn hàng ngày cho công nhân được chúng tôi tiếp tục bàn luận. Với hơn 15.000 lao động làm việc ở 6 nhà máy, việc tổ chức nấu ăn hàng ngày cho người lao động được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bởi vì “Có thực mới vực được đạo” không bảo đảm được suất ăn chất lượng để người lao động có đủ sức khỏe, thì làm sao hoàn thành được công việc. Nghe Phương nói tôi thầm nghĩ: Hiếm có công ty nào có hội đồng xây dựng thực đơn tháng, rồi hội đồng giao nhận thực phẩm hàng ngày và hơn thế nữa xây dựng 6 thực đơn cho 6 bếp ăn hàng ngày khác nhau là một bài toán khó và điều khó hơn là phải bảo đảm rau củ theo mùa, thực phẩm trong tầm kiểm soát dịch bệnh. Tôi hỏi Phương về tình huống bất khả kháng, thực phẩm không đạt chất lượng nhập đầu vào thì làm thế nào, Phương bảo công ty đã xây dựng thực đơn ứng phó trong trường hợp bất khả kháng như trời mưa, bão; dịch bệnh thực phẩm không bảo đảm chất lượng, anh giải thích thêm, thực đơn hàng ngày của 6 nhà máy phải khác nhau, không chỉ vì lý do giảm nguy cơ quá tải cho nhà cung cấp mà còn là kiểm soát rủi ro trong trường hợp bất khả kháng xảy ra thì mức độ ảnh hưởng cũng chỉ khoanh vùng ở một nhà máy. Khi mà cả nhà thầu và công ty cùng cộng đồng trách nhiệm, cùng xây dựng và thống nhất theo năng lực có thể phục vụ, thì đã kiểm soát được các nguy cơ về ngộ độc ngay từ đầu nguồn nguyên liệu thực phẩm đầu vào rồi. Hàng năm, từng nhà máy của MXP đều tổ chức diễn tập chống ngộ độc thực phẩm ngay trong khuôn viên nhà máy, lập bệnh viện dã chiến với các thiết bị, công cụ và thuốc dự phòng, thực hiện với sự phối hợp, giám sát của các tổ chức y tế, bệnh viện và phòng an toàn vệ sinh lao động, hội đồng an toàn dưới sự điều hành chỉ huy của Ban Giám đốc và ban ứng phó khẩn cấp. Việc làm này chính là thể hiện sự nghiêm túc trong hoạt động doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động.  
Muốn có được cái lớn thì phải biết chăm lo cho người lao động từ những cái nhỏ nhất, đó chính là phương châm và là hành động của MXP. Một môi trường làm việc thân thiện, an toàn và bình đẳng, chính là địa chỉ mà bất cứ người lao động nào cũng muốn tìm kiếm.

Chuẩn bị bữa ăn trưa cho công nhân.

Trò chuyện với Lan, một công nhân quê ở Tiền Hải, tôi hỏi nghề may ở đâu cũng có, vậy sao em không làm ở quê mà lại phải lên nhà máy MXP5 Kiến Xương để làm. Lan nhìn tôi cười và bảo: Đúng là ở đâu cũng có công ty may nhưng ở dưới em công nhân phải làm việc nhiều thời gian lắm, giờ đi thì có mà giờ về thì chưa biết lúc nào, cứ triền miên như thế mà thu nhập chỉ từ 3,5 - 4 triệu đồng, lên đây làm tuy xa hơn một tí nhưng thu nhập rất ổn, trung bình cũng được từ 6 - 6,5 triệu đồng, nhiều bạn tay nghề tốt lại hăng say lao động thu nhập một tháng lên tới trên 8 triệu đồng. Với chúng em, điều quan trọng nhất là đủ việc làm, thu nhập ổn định, giờ giấc làm việc rõ ràng vì ai cũng có gia đình, rất cần sắp xếp thời gian để chăm lo cho gia đình. Nghe tôi trò chuyện với Lan, cô bạn ngồi máy bên cạnh nói thêm, ở đây chúng em có muốn làm thêm giờ kiếm thêm tiền cũng không được, đúng giờ phải ra về hết, trước đây chúng em chẳng có tí kiến thức nào về luật lao động, chỉ biết đi làm cho công ty và nhận lương, còn tiền làm thêm giờ tính thế nào và được làm thêm bao nhiêu giờ cũng không hiểu, nhưng khi thi tuyển vào MXP, trúng tuyển rồi Công ty cho đào tạo 2 ngày đủ các kiến thức về luật lao động và các quy định, nội quy của Công ty, nghe rồi mới hiểu mình sẽ được nhận quyền lợi gì và trách nhiệm với công ty ra sao. Bước đầu làm quen với tính kỷ luật trong công việc và sinh hoạt tại công ty cũng áp lực lắm nhưng mà sau gần hai tuần, chúng em quen và thấy cũng rất đúng, chẳng có gì tốt mà dễ được công nhân chúng em chỉ cần sự ổn định và mong muốn hơn là có thể yên tâm làm việc ở đây đến khi về hưu. Có trò chuyện với họ mới giúp tôi thêm hiểu hơn về tâm tư, nguyện vọng của người lao động, người công nhân ngành may ngày nay.

Đến MXP được tận mắt chứng kiến và lắng tai nghe những câu chuyện từ người lãnh đạo, đến những công nhân và đi trong khuôn viên các nhà máy cây xanh rợp mát và yên tĩnh ngược lại trong xưởng sản xuất là cả một sự nhộn nhịp hoạt động của hàng nghìn con người. Trong tôi đọng lại nhiều cảm xúc, bất ngờ và ấn tượng về những câu chuyện bên trong cánh cổng của ngôi nhà MXP.

Tuấn Dung
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)