Thứ 6, 15/11/2024, 19:48[GMT+7]

Lặng lẽ giữa biển khơi

Thứ 7, 27/04/2019 | 10:25:44
1,539 lượt xem
Hàng ngày, chỉ cần một vài thao tác đơn giản, chúng ta dễ dàng có được những thông tin nhanh, chính xác về tình hình thời tiết. Thế nhưng, ít ai biết được, để có những thông tin ấy, những người làm công tác khí tượng thủy văn đã phải trải qua bao vất vả, hiểm nguy, cả sự hy sinh cao cả, lặng thầm khi đối mặt ở nơi đầu sóng, ngọn gió, giữa biển khơi mênh mông.

Anh Bằng đang làm nhiệm vụ đo gió tại Trạm DK1/7.

Gần 20 năm “bám biển”, quan trắc viên Đỗ Văn Bằng, quê ở xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư, hiện công tác tại Trạm Khí tượng hải văn DK1/7, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ luôn nỗ lực vượt mọi gian khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không chỉ phục vụ nhân dân thông tin thiết thực mà còn góp phần giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng, chị Bùi Thu Huế, vợ anh Đỗ Văn Bằng cho chúng tôi xem những bức hình được chồng gửi về từ biển với ánh mắt chan chứa yêu thương và tự hào. Sau rất nhiều cuộc kết nối internet, cho dù sóng 2G phập phù, “tậm tịt”, cuối cùng chúng tôi cũng được trò chuyện với anh Bằng và “tham quan” nhà giàn nơi anh đang công tác qua màn hình điện thoại. Anh Bằng chia sẻ: Năm 2000, khi ấy anh mới 21 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường Cán bộ Khí tượng thủy văn Hà Nội,  anh xung phong nhận công tác tại Trạm Khí tượng hải văn Thổ Chu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đây là một trạm đảo xa đất liền, thông tin liên lạc, sinh hoạt vô cùng khó khăn. Năm 2005, anh Bằng được điều chuyển về công tác tại Trạm Khí tượng hải văn DK1/7 (còn gọi là nhà giàn Huyền Trân), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thuộc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ. 

Trạm DK1/7 nằm cách đất liền khoảng 350 hải lý, có độ cao từ mặt nước biển lên sân thượng khoảng 22m. Trạm có nhiệm vụ quản lý nguồn lợi biển trên khu vực DK1, nghiên cứu theo dõi và thông báo khí tượng, hải văn trong nước, quốc tế, tăng cường các trang thiết bị kỹ thuật bảo đảm hàng hải, đồng thời thực hiện nhiệm vụ chốt giữ bảo vệ chủ quyền vùng biển khu vực bãi ngầm Huyền Trân. Đây là nhà giàn duy nhất đặt trạm khí tượng hải văn tiêu chuẩn phát báo quốc tế (trạm cấp I, phát báo 4 obs/ngày). Là nơi tuyến đầu của biển Đông nên hàng năm, Trạm thường xuyên đón những cơn bão, áp thấp nhiệt đới và cũng là địa chỉ cung cấp số liệu sớm nhất cho công tác dự báo bão, áp thấp trước khi đi vào đất liền. 

Anh Bằng chia sẻ: Hơi nước biển mặn quanh năm khiến các trang thiết bị đặc dụng của Trạm như: máy áp kế, máy triều ký, máy áp ký, máy ICOM, máy đo gió và máy đo mưa dự phòng... rất nhanh xuống cấp. Tôi và anh em phải thường xuyên bảo dưỡng để máy hoạt động tốt, số liệu bảo đảm nhanh, chính xác. Một kíp làm việc của quan trắc viên ở đây chỉ có 2 người. Hàng ngày, cứ 4 tiếng một lần, quan trắc viên lại lên Trạm thu thập số liệu rồi chuyển về Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ. Đặc biệt, đợt mưa bão, gió lớn, dù hiểm nguy rình rập, tốc độ thu thập số liệu được nâng lên cứ nửa tiếng một lần để kịp thời dự báo cho đất liền. Trước kia, mọi thông tin liên lạc đều qua sóng ICOM, nhiều lúc “ốp” ban đêm, trời mưa giông sấm chớp, tôi phải gào to rát cổ mới chuyển được thông tin về đài. Ấn tượng mà tôi nhớ nhất là siêu bão Haiyan năm 2013 - một trong bốn siêu bão khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Tôi và 6 đồng nghiệp buộc phải rời nhà giàn theo lệnh của cấp trên để đề phòng bão đổ bộ làm sập giàn. Chúng tôi, mỗi người đều mặc áo phao, cột dây lại với nhau, ôm phao thả trôi trên biển đợi tàu cứu hộ đến vớt. Hơn 3 tiếng đồng hồ bị những cơn sóng dữ liên tiếp vùi dập, mọi người đều kiệt sức, thậm chí còn tưởng bị đại dương bao la nuốt chửng, rất may sau đó tàu cứu hộ vớt được chúng tôi kịp thời. 

Giữa trùng khơi bốn bề chỉ là sóng, gió và bão, điều kiện sinh hoạt của quan trắc viên ở nhà giàn vô cùng khó khăn, thiếu điện, nước ngọt và rau xanh. Vào mùa khô, tiêu chuẩn mỗi người 1 tuần chỉ được 10 lít nước ngọt, nước sau khi tắm xong phải tận dụng để tưới rau và giặt quần áo. Thực phẩm quanh năm chỉ là đồ hộp và cá câu được từ biển, thế nhưng, anh em vẫn đoàn kết, động viên nhau vượt qua thiếu thốn. “Khó khăn nhất đối với tôi chính là thiếu thốn về mặt tình cảm. Quanh năm ở giữa biển khơi, được gặp người khác, dù quen hay lạ cũng là cơ hội hiếm hoi, niềm hạnh phúc lớn lao. Đặc biệt, trong mỗi anh em, nỗi nhớ nhà, thương bố mẹ, vợ con luôn thường trực trong tim. Do đặc thù công việc, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, từ chăm sóc con cái ốm đau, học hành đến chăm sóc bố mẹ già yếu hai bên, tôi đều phải phó thác cho vợ. Tôi biết vợ mình phải chịu thiệt thòi, hy sinh rất nhiều để trở thành hậu phương vững chắc giúp tôi yên tâm gắn bó với biển, với nghề” - anh Bằng chia sẻ. 

Từ năm 2014, nhà giàn DK1/7 được xây dựng mới, công tác chuyên môn thuận lợi hơn, đời sống sinh hoạt của anh Bằng và các quan trắc viên được cải thiện hơn. Tại nhà giàn đã có sóng di động, sóng internet 2G, có điện chạy bằng pin năng lượng mặt trời, nước sinh hoạt đỡ thiếu thốn hơn. Đặc biệt, cuộc sống trên giàn của quan trắc viên dần được “bộ đội hóa”, hàng ngày tham gia luyện tập cùng bộ đội hải quân các phương án tác chiến, tình huống giả định địch tấn công đường không, đường biển, đột kích người nhái, rời nhà khi có lệnh. Không chỉ “ốp” số liệu khí tượng, anh Bằng và cán bộ Trạm hiện còn là lực lượng tích cực hỗ trợ Hải quân nhân dân Việt Nam theo dõi, xua đuổi tàu nước ngoài xâm nhập, thông báo chủ quyền vùng biển Việt Nam, sẵn sàng xử lý mọi tình huống trên biển, góp phần bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. 

Anh Bằng đang làm nhiệm vụ đo gió tại Trạm DK1/7.


Nhờ nỗ lực của cá nhân góp phần tích cực vào thành tích chung của đơn vị, anh Bằng được tặng bằng khen “Điển hình tiên tiến ngành Tài nguyên và Môi trường toàn quốc giai đoạn 2011 - 2015”. Có những đóng góp được ghi nhận, có những hy sinh lặng thầm, nhưng chính tình yêu nghề, yêu Tổ quốc thiêng liêng là động lực để quan trắc viên Đỗ Văn Bằng vượt khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. 

Hà Phương
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)