Thứ 6, 15/11/2024, 19:44[GMT+7]

Hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

Thứ 7, 27/04/2019 | 10:35:46
2,387 lượt xem
Từng là người lính chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam năm xưa, nay mặc dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Trần Đình Quân, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin xã Bình Nguyên (Kiến Xương) vẫn luôn miệt mài, nỗ lực tổ chức các hoạt động chăm sóc, bảo vệ quyền lợi cho hội viên.

Ông Quân thường xuyên đến nhà các hội viên thăm hỏi, trò chuyện.

Nhắc đến ông Trần Đình Quân, người dân thôn An Chỉ, xã Bình Nguyên ai cũng biết. Hình ảnh ông cùng với chiếc xe máy cũ kỹ đi về với gia đình các nạn nhân da cam trong xã đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Hơn 9 năm chiến đấu kiên cường, nằm gai nếm mật tại các chiến trường Quảng Nam, Quảng Trị, hơn ai hết, ông thấu hiểu được nỗi đau mà những người lính năm xưa phải chịu đựng. Nhập ngũ tháng 2/1966 thuộc Bộ Tư lệnh pháo binh F351, đến năm 1969, ông buộc phải chuyển ra miền Bắc để điều trị vì một cơn sốt rét rừng ác tính. Sau khi khỏi bệnh, năm 1972, ông quay trở lại chiến trường tham gia cuộc chiến đấu giải phóng Thành cổ Quảng Trị. Vốn là một người tài trí, nhanh nhẹn, hoạt bát nên đến năm 1975 ông được giữ chức Đại đội trưởng Đại đội pháo binh Lữ đoàn 38, đơn vị đoàn Bông Lau. Ông ghi dấu ấn của mình bằng việc chỉ huy đơn vị giành được nhiều thành tích trên chiến trường.


Sau giải phóng, ông trở về quê hương hăng say lao động sản xuất. Dù là người lính chiến đấu trên chiến trường hay một người nông dân lao động, ông đều hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, được mọi người yêu mến, tin tưởng. Năm 2007, ông là người chủ công cùng ban công tác mặt trận thôn vận động các nguồn xã hội hóa để có kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn An Chỉ. Đây là nhà văn hóa thôn được xây dựng sớm nhất trên địa bàn xã Bình Nguyên. Để giữ gìn thôn xóm bình yên, ông Quân còn đứng ra vận động người dân trong thôn thành lập tổ tự quản an ninh, hoạt động rất hiệu quả, được Công an tỉnh biểu dương. Chính từ kinh nghiệm công tác cũng như uy tín đã tạo dựng được trước Đảng, chính quyền và nhân dân, năm 2008, ngay khi thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin xã, ông Quân được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch.

Ông Quân bình dị trong cuộc sống đời thường.

Nhiều người dân trong thôn, trong xã vẫn gọi ông Quân là người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” bởi hơn 10 năm làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin xã là từng ấy thời gian ông gắn bó cuộc đời mình với các nạn nhân da cam. Khi thì đến thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân, lúc lại đứng ra vận động, gặp gỡ các nhà hảo tâm trao tặng quà và hướng dẫn hoạt động của các chi hội cơ sở. Ông Quân chia sẻ: Chiến tranh vốn rất khốc liệt, hầu như chẳng ai bước chân từ chiến trường ra mà không phải chịu thiệt thòi. Người thì hy sinh, người để lại một phần xương máu, người âm thầm mang trong mình vết thương không rỉ máu nhưng dai dẳng và đau đớn cho cả thế hệ sau. Chừng nào còn đủ sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các hội viên, không để họ phải chịu thiệt thòi.


Ban đầu thành lập, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin xã Bình Nguyên do ông phụ trách chỉ có 6 đối tượng. Qua nhiều lần rà soát, kết nạp, đến nay, có 135 đối tượng. Do phần lớn hội viên đều đã cao tuổi, tham gia hoạt động hội trên tinh thần tự nguyện, tự chủ về kinh tế nên Hội còn gặp nhiều khó khăn. Ông Quân đã tham mưu với Đảng ủy, UBND xã xây dựng quỹ chăm sóc nạn nhân da cam của xã, kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, các gia đình có kinh tế khá giả trên địa bàn quyên góp, ủng hộ. Sau 3 đợt vận động, đến nay, số tiền Hội thu được gần 50 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm động viên, thăm hỏi các hội viên ốm đau, bệnh tật và không may qua đời.


Ông Quân là người luôn sâu sát từng hội viên. Khi được hỏi về bất cứ một hội viên nào, ông đều nắm rất rõ về hoàn cảnh, tên tuổi, tình trạng sức khỏe mà không cần bất cứ tài liệu hay quyển sổ ghi chép. Những hội viên đến tuổi mừng thọ, ông Quân còn làm riêng cho họ một bài thơ và trích từ quỹ hội một số tiền nhỏ nhằm khích lệ các hội viên sống lâu, sống khỏe và sống lạc quan, có ích cho đời. Với tâm niệm lấy niềm vui của các hội viên là niềm vui của chính mình cho nên không quản mưa nắng, ông Quân đã tìm đến các cơ quan chức năng, giúp 23 hội viên bị sai lệch thông tin cá nhân trên thẻ BHYT được cấp lại thẻ BHYT và hưởng đúng quyền lợi của mình. Ngoài ra, ông còn vận động các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ hội viên khó khăn xây dựng nhà tình thương với số tiền trên 50 triệu đồng. Nhận xét về người đồng chí của mình, ông Đào Xuân Nghinh, hội viên da cam xã Bình Nguyên cho biết: Ông Trần Đình Quân là một người rất năng nổ, nhiệt tình với công tác hội, quan tâm đến hội viên. Chính vì thế, từ khi tham gia hội, các quyền lợi của hội viên được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên.


Với những việc làm bình dị, thầm lặng mà cao cả, ông Trần Đình Quân đã nhận được nhiều giấy khen của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin huyện vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hội. Niềm vui sống của mỗi hội viên chính là động lực giúp ông có thêm niềm tin, tiếp tục đồng hành cùng các nạn nhân da cam, bù đắp phần nào và xoa dịu những đớn đau, thiệt thòi mà họ phải gánh chịu.

Thu Hoài