Chuyện về người anh hùng (Kỳ 5)
Kỳ 5: Gìn giữ những “địa chỉ đỏ”
Lúc sinh thời, ông Trần Văn Lai không bao giờ kể về thành tích hay sự hy sinh của bản thân, chính điều đó đã thôi thúc anh Trần Vũ Bình quyết tâm tìm hiểu về ông, về Biệt động Sài Gòn huyền thoại. Suốt nhiều năm anh âm thầm, miệt mài đi khắp nơi để sưu tầm hiện vật, kỷ vật, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử… Càng tìm hiểu anh càng tin chắc những việc ba mình đã làm đều vì Tổ quốc, vì cách mạng, vì nhân dân. Vì thế, càng tự hào anh càng quyết tâm thực hiện di nguyện của ba, cũng là tâm nguyện của anh, đó là tìm lại, gìn giữ và phát huy những di tích, những hiện vật in dấu quá trình hoạt động của Biệt động Sài Gòn cũng như của ba má anh…
Hướng dẫn chúng tôi tham quan di tích “Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn” tại số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, anh Trần Vũ Bình cho biết: Ngôi nhà này ba tôi giao cho người cộng sự của mình là ông Đỗ Miễn (1920 - 2010) và vợ là bà Nguyễn Thị Sự (1924 - 2000) quản lý, mục đích dùng làm cơ sở hoạt động của Biệt động Sài Gòn. Thời đó ngôi nhà này có vị trí khá đặc biệt, đối diện là khách sạn Đại Hàn, nơi lưu trú của hàng trăm binh lính, công binh quân đội Đại Hàn, sát bên cạnh là nhà trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh quân đoàn 1 quân đội Việt Nam cộng hòa.
Những tưởng vị trí và điều kiện ngoại cảnh ấy sẽ gây khó cho hoạt động của ông Trần Văn Lai và Biệt động Sài Gòn. Nhưng với trí thông minh, sự sáng tạo, lòng quả cảm của mình, chính tại ngôi nhà số 113A Đặng Dung, “nhà thầu khoán dinh Độc Lập” cùng các đồng đội đã tổ chức nhiều hoạt động như giao liên, dán cờ cách mạng, rải truyền đơn… Đến giai đoạn 1964 - 1968, ông Năm Lai cùng ông Đỗ Miễn đã xây dựng hộp thư bí mật và hầm nổi, biến nơi đây thành cơ sở bí mật, địa điểm hội họp của Biệt động Sài Gòn, nơi trao đổi thông tin, tài liệu, tài chính, thậm chí cả thuốc tây, dược phẩm...
Hộp thư bí mật của Biệt động Sài Gòn được ông Năm Lai thiết kế dưới viên gạch lát nền khu vực rửa tay cạnh phòng vệ sinh.
Hầm nổi - nơi Biệt động Sài Gòn cất giấu tài liệu, tiền vàng, đô la, thuốc tây...
Lối thoát hiểm bí mật trong tủ quần áo.
Tận mắt chứng kiến hộp thư bí mật mới thấy trí thông minh, sự sáng tạo của “nhà thầu khoán” lớn như thế nào, cách thiết kế rất đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả. Những người ra vào ngôi nhà, kể cả thường xuyên hay quan sát tỉ mỉ cũng không thể phát hiện được hộp thư bí mật ngay dưới chân cột nhà ở gian bếp hay dưới viên gạch lát nền khu vực rửa tay cạnh phòng vệ sinh là nơi Biệt động Sài Gòn trao đổi thư từ, tài liệu, cất giấu giấy tờ, vũ khí... Còn hầm nổi là khoảng hở tại tầng trệt giữa ngôi nhà số 113A Đặng Dung và ngôi nhà liền kề (chính là nhà của tướng ngụy Ngô Quang Trưởng) được ông Năm Lai tận dụng làm nơi cất giấu tài liệu, tiền vàng, đô la, thuốc tây… vô cùng bí mật và an toàn. Với thiết kế tài tình của ông, nếu ở tầng trệt nhìn thì vách hầm chỉ là bức tường ngăn thông thường, lên trên lầu cũng không thể phát hiện ra khoảng hở tại tầng trệt giữa hai ngôi nhà, chỉ khi nào lật tấm ván sàn sát tường lên thì miệng hầm mới lộ ra. Cũng trên tầng lầu ngôi nhà số 113A Đặng Dung, ông Năm Lai còn thiết kế một lối thoát hiểm bí mật trong tủ quần áo, theo đó, khi có động hoặc bị địch phát hiện các chiến sĩ của ta chỉ cần lật tấm ván gỗ dưới đáy tủ quần áo lên sau đó khóa trái là có thể theo đường hầm bí mật thoát ra ngoài an toàn. Sau chiến dịch tết Mậu Thân 1968, Mỹ - ngụy đã cho quân tới đây lục soát toàn bộ ngôi nhà nhưng chúng không thể phát hiện ra hộp thư bí mật cũng như hầm nổi mà ông Năm Lai đã xây dựng. Vì thế, hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn tại ngôi nhà số 113A Đặng Dung tồn tại cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
*
* *
Thực hiện di nguyện của ba, cũng là tâm nguyện của mình, anh Trần Vũ Bình đã dành nhiều thời gian, công sức đi tìm, xin được mua lại, chuộc lại, sau đó cố gắng khôi phục nguyên trạng những địa điểm, kỷ vật in dấu quá trình hoạt động cách mạng của Biệt động Sài Gòn cũng như ba má anh…
Anh Trần Vũ Bình giới thiệu với khách tham quan những hiện vật được trưng bày trong ngôi nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.Một góc bài trí bên trong ngôi nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Du khách giao lưu, tìm hiểu về lịch sử ngôi nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - ảnh Minh Hãnh
Ngôi nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh nay đã trở thành điểm đến tham quan của nhiều người
Sau ngôi nhà số 287/68-70-72 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 (nơi có hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn và là địa điểm lực lượng Đội 5 Biệt động Sài Gòn tập kết lấy vũ khí xuất phát tấn công dinh Độc Lập trong chiến dịch tết Mậu Thân 1968) thì ngôi nhà số 113A Đặng Dung là di tích thứ hai mà anh Bình cùng gia đình và những người thân của mình dày công tôn tạo, phục dựng. Anh kể, chỉ riêng việc đàm phán, tích góp tiền để mua lại các ngôi nhà này cũng đã mất hơn 10 năm. Sau đó là việc xin giấy phép sửa chữa rồi đi khắp nơi kỳ công tìm kiếm từng viên ngói, lựa chọn từng loại gỗ, chiếc khung cửa cùng các loại vật liệu phù hợp khác bảo đảm cho việc khôi phục nguyên trạng ngôi nhà. Bên trong ngôi nhà, việc bài trí cũng được tham khảo ý kiến các nhân chứng lịch sử, tính toán sắp đặt bảo đảm nguyên xưa, nguyên trạng, từ bộ bàn ghế, bức tranh, chiếc quạt, các vật dụng liên quan, thậm chí bảng điện, công tắc… cũng là từ những năm tháng gian khổ mà hào hùng ấy để hôm nay mỗi người khi bước chân vào đây đều thấy mình như đang sống chậm lại, cảm nhận câu chuyện chiến đấu mưu trí, dũng cảm của Biệt động Sài Gòn. “Tôi luôn mong muốn tất cả mọi người, nhất là các bạn trẻ hiểu sâu sắc về lịch sử, về truyền thống hào hùng của dân tộc. Chiến tranh đã qua đi nhưng không thể vì chiến tranh kết thúc mà quên đi tất cả sự hy sinh, sự cống hiến của quân và dân ta” - anh Bình tâm sự.
Hầm chứa vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn tại ngôi nhà số 287/68-70-72 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Hãnh
Với tâm nguyện của mình, đến nay anh Trần Vũ Bình đã cùng gia đình, người thân chuộc lại, khôi phục hàng chục địa điểm, sưu tầm hàng nghìn hiện vật, kỷ vật liên quan đến Biệt động Sài Gòn. Điều rất đáng trân trọng là dù phải rất gian nan để chuộc lại và sở hữu nhưng gia đình anh luôn sẵn sàng hiến tặng những hiện vật lịch sử cho các bảo tàng để giá trị, ý nghĩa của những hiện vật đó được lan tỏa rộng rãi hơn, góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng. Cách đây hai năm, ngày 28/4/2017, Bảo tàng tỉnh Thái Bình đã tổ chức lễ tiếp nhận hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai do gia đình anh Bình hiến tặng. Trong các hiện vật, đáng chú ý có chiếc xe ôtô Volkswagen biển số EL - 6899 thường được ông Năm Lai sử dụng để di chuyển trong nội thành Sài Gòn, ra vào các cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam cộng hòa để nghiên cứu, trinh sát, nắm bắt tình hình, vận chuyển tài liệu, vũ khí, đưa đón cán bộ của ta… Anh Bình còn cho biết thêm, trước đó gia đình anh cũng đã hiến tặng Bảo tàng Đặc công chiếc xe ôtô Hino Pickup biển số EC - 6045 là phương tiện ba anh cùng các chiến sĩ Đội 5 Biệt động Sài Gòn đã sử dụng để tiến đánh dinh Độc Lập trong chiến dịch tết Mậu Thân 1968 cùng nhiều hiện vật có giá trị khác.
Anh Trần Vũ Bình - con trai Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (người bên trái) và tác giả - ảnh Minh Hãnh
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Bình luôn đau đáu, trăn trở về việc sưu tầm, khôi phục tất cả địa điểm cũng như sưu tầm các kỷ vật liên quan đến Biệt động Sài Gòn. Dù còn nhiều khó khăn nhưng đối với anh đó không chỉ là tình cảm sâu sắc của người con dành cho người cha anh hùng mà còn là sự tri ân lực lượng đã lập nên nhiều chiến công huyền thoại. Tâm nguyện của anh và của gia đình anh thật đáng trân trọng. Chính những con người như thế đã góp phần gìn giữ, giáo dục truyền thống, để lịch sử không bao giờ bị mai một, quá khứ không bao giờ bị lãng quên!
Hương Giang
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai