Thứ 6, 15/11/2024, 22:04[GMT+7]

Gia đình liệt sỹ mẫu mực và tiến bộ

Thứ 2, 06/05/2019 | 18:30:48
1,046 lượt xem
Liệt sỹ Bùi Tiến Chí sinh năm 1935 ở xã Đông Phong (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Ông nhập ngũ năm 1952, khi mới 17 tuổi. Thời điểm đó, ông trốn gia đình rồi bơi qua sông Hồng sang Nam Định gặp anh em nhập ngũ vào đoàn quân lên Điện Biên. Ông được biên chế vào Sư đoàn 316. Trong trận quyết chiến 56 ngày đêm ở Điện Biên Phủ khi tham gia tiêu diệt cứ điểm đồi A1, ông bị thương nặng ở não, cột sống và chân (thương binh hạng ¼).

Vào những ngày cuối tuần, gia đình các con, cháu, chắt lại quây quần bên bà Đào Thị Hải (vợ liệt sỹ) ở tổ 7, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Chí cùng hàng vạn quân giải trừ quân bị. Một bộ phận về với địa phương, gia đình; một bộ phận chuyển ngành sang các lĩnh vực của Nhà nước, trong đó có thương binh Bùi Tiến Chí chuyển công tác sang ngành khí tượng (năm 1961). Năm 1963, ông xin tái ngũ đi chiến đấu bên Lào nhưng vì vết thương nặng được miễn và tiếp tục công tác. Sau 29 năm liên tục cống hiến phần sức khỏe còn lại, đến năm 1990 ông nghỉ hưu. Ông qua đời năm 1997 do vết thương nặng gây nên. Theo chính sách quy định, ông được công nhận là liệt sỹ chống Pháp.

Bà Đào Thị Hải, vợ của liệt sỹ Bùi Tiến Chí năm nay gần 80 tuổi, hiện sinh sống tại tổ dân phố số 7 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu). Suốt 20 năm qua bà nuôi nấng, dạy bảo 5 người con (4 trai, 1 gái) học hành khôn lớn trưởng thành, gia đình đoàn kết yêu thương nhau. Mọi thành viên trong gia đình đều là công dân mẫu mực, gia đình văn hóa, gắn bó với cộng đồng dân cư, chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân.

Điều vui mừng nhất là các con của liệt sỹ Bùi Tiến Chí cũng như con dâu đều tiến bộ. Con trai cả Bùi Xuân Phong hiện là tiến sỹ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu và các em đều là cán bộ, đảng viên, công chức Nhà nước, trong đó nhiều người giữ chức vụ chủ chốt của các sở, ban, ngành tỉnh. Gia đình luôn phát huy truyền thống cách mạng và tấm gương hy sinh của người chồng, người cha trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là sự tri ân, đền ơn đáp nghĩa thiết thực đối với chồng, cha của các con và bao anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Xứng đáng là gia đình liệt sỹ mẫu mực và cách mạng.

Theo baolaichau.vn