Thứ 6, 15/11/2024, 21:20[GMT+7]

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

Thứ 3, 07/05/2019 | 08:23:36
2,555 lượt xem
65 năm sau ngày lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, những chiến sĩ Điện Biên từng một thời “máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn” giờ cũng đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Với họ, chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng mãi mãi không bao giờ quên.

Các cựu chiến binh cùng nhau ôn lại chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong ba đợt. Đợt một mở màn ngày 13/3/1954 với trận tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc vòng ngoài phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đợt hai diễn ra ngày 30/3/1954, đánh vào phân khu trung tâm. Đợt ba diễn ra từ ngày 1/5 và kết thúc ngày 7/5/1954, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cựu chiến binh (CCB) Bùi Văn Thanh (phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình) chia sẻ: Khi ấy tôi mới 18 tuổi và được biên chế tại Trung đoàn 41, Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312), là lính bộ binh đánh mở màn chiến dịch, tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam. Hơn 5 giờ chiều ngày 13/3/1954, chúng tôi nhận lệnh tiến công, tiếng pháo 120mm như xé toang cả bầu trời, một trong những viên đạn pháo bắn trúng trung tâm liên lạc của địch, đường dây liên lạc từ Him Lam tới Mường Thanh bị cắt đứt. Ngay sau ngày mở màn chiến dịch, nhiều hầm, hào, công sự sụp đổ, tướng chỉ huy của địch là Paul Pégot cũng phải bỏ mạng.

CCB Bùi Văn Thanh cho biết thêm: Đánh thắng trận mở màn, khí thế chiến đấu của các chiến sĩ lên cao lắm, ai cũng sẵn sàng cầm súng xông pha ra chiến trường, cứ nhận lệnh là lập tức xông pha, không quản ngại khó khăn vất vả nhằm thẳng hướng mặt trận mà tiến tới.

Sau khi cùng các đồng đội giải phóng đồi Him Lam, ông Thanh cùng đơn vị di chuyển đến phân khu Nam của cứ điểm Điện Biên Phủ để tiến đánh giải phóng sân bay Hồng Cúm. Ông hồi tưởng: Đánh cứ điểm Hồng Cúm là trận đánh khó, thể hiện sự tài tình của các tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam khi phải chỉ huy quân đội ta không đánh chiếm mà chỉ bao vây, cô lập để ngăn quân Pháp tiếp viện cho phân khu trung tâm hoặc chạy sang Lào.

Mục đích của Pháp khi lập ra cụm cứ điểm Hồng Cúm là để làm cho cứ điểm Mường Thanh không bị trơ trọi, để hai cụm cứ điểm có thể che chở, yểm hộ cho nhau bằng pháo binh, bộ binh và xe tăng. Với cách chiếm đóng đó, Mường Thanh ở vào giữa, phía Bắc có một phân khu gồm các vị trí kiên cố như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, bản Kéo và phía Nam có phân khu Hồng Cúm, quân Pháp có thể khống chế toàn bộ lòng chảo Điện Biên Phủ, bảo đảm cho quân đội cơ động và chi viện lẫn nhau trong tấn công cũng như trong phòng ngự.

Nếu như ông Thanh và các đồng đội nhận nhiệm vụ giải phóng và cô lập vòng ngoài của cứ điểm Điện Biên Phủ thì ông Nguyễn Ngọc Giới (thôn An Khoái, xã Quỳnh Sơn, huyện Quỳnh Phụ) cùng các đồng đội tại Sư đoàn 308 nhận nhiệm vụ đánh phân khu trung tâm, tiến tới giải phóng hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ. CCB Bùi Văn Thanh nhớ lại: Phân khu trung tâm của địch được thiết lập với 7 hàng rào dây thép gai, phía dưới đất chôn mìn nhằm cản đường tiến công của quân ta. Tôi và các đồng đội nhận nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa đào hào, hai bên khi ấy giằng co nhau từng mét vuông đất. Khó khăn lớn nhất mà quân Pháp gây ra cho quân ta chính là những trận mưa nhân tạo khiến đồi đất, đường hào trở nên trơn trượt, dễ tích tụ nước trong các hầm, hào. Chúng tôi phải vừa đào vừa tát nước, sức lực vì thế cũng giảm đi nhiều. Chính từ hoàn cảnh chiến đấu và hy sinh như thế mà sau này câu thơ “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn...” ra đời và đi vào lịch sử.

Phân khu trung tâm là một trong những khu vực quan trọng, tại đây quân Pháp đã bố trí rất nhiều đơn vị thiện chiến, đặc biệt tại đây có khu vực đồi A1 là một trong những cứ điểm quan trọng, quân Pháp đã dựa vào địa thế tự nhiên của quả đồi, bố trí công trình phòng thủ thành ba tuyến. Bên ngoài là tuyến chống cự chủ yếu. Tuyến trung gian có đặt trận địa hỏa lực. Trên đỉnh đồi là tuyến cố thủ và sở chỉ huy. Trong cứ điểm A1 lại có nhiều tuyến chiến hào và giao thông hào liên hoàn, tất cả lô cốt và hầm trú ẩn đều có nắp đậy, chịu được đạn súng cối và pháo. Lực lượng của ta chịu tổn thất nhiều khi mở cửa đồi A1. CCB Nguyễn Ngọc Giới chia sẻ: Sau khi đưa được trái bom cuối cùng vào hầm, tiếng bộc phá khiến cả cứ điểm đồi A1 rung chuyển, sau tiếng bộc phá, anh em chiến sĩ chúng tôi cứ thế thẳng hướng hầm De Castries mà tiến, quân Pháp từ trong hầm run rẩy vẫy cờ trắng chui ra.  

Sau gần 2 tháng ròng rã, ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã làm cho ba tiếng “Điện Biên Phủ” trở thành biểu tượng của sức mạnh Việt Nam”. 65 năm đã qua đi, các CCB đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng họ vẫn nhớ như in thời khắc 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954. Sống với những ký ức hào hùng, những người lính Cụ Hồ hôm nay tiếp tục phát huy bản chất sáng ngời, hăng hái tham gia các hoạt động của địa phương, góp phần xây dựng ngày một giàu mạnh.

Tiến Đạt 


Video: hoan_ho_chien_sy_dien_bien_web_07052019.mp4