Dệt bài ca chiến thắng trên đỉnh Trường Sơn
Trong căn nhà nhỏ nép mình trong những bóng cây ở thôn Ký Con, xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng vang lên những bài hát về Trường Sơn từ chiếc radio nhỏ. Cựu chiến binh Đặng Ngọc Cư, 79 tuổi, đôi mắt vẫn tinh tường đang chăm chú đọc từng dòng nhật ký của mình viết trong những năm tháng ở chiến trường. 8 năm ở Trường Sơn, ngoài những kỷ vật đã hiến tặng Bảo tàng tỉnh thì cuốn sổ là thứ quý giá nhất với ông bởi đây là vật kỷ niệm mà người anh trai đã tặng khi ông trở lại chiến trường. Ông Cư cũng luôn tự hào là người lính của Trung đoàn 98 - “Trung đoàn mở đường thần tốc”.
Nhập ngũ năm 1960, đến năm 1964, ông Cư được biên chế về Đại đội 2, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 98 làm nhiệm vụ mở đường vận tải. Lúc đầu đơn vị tập kết tại Làng Ho (Lệ Thủy, Quảng Bình), sau đó bí mật hành quân vượt đường 9, vượt sông Sê Pôn vào tập kết tại La Hạp. Ông Cư kể: Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 được giao nhiệm vụ bổ nhát cuốc đầu tiên, liền sau đó, các đơn vị đồng loạt thi công trong niềm phấn khởi, lạc quan. Thi công vất vả trăm bề, rừng rậm, địa hình phức tạp, không đủ dụng cụ lao động nhưng với quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chỉ sau 3 tháng (từ tháng 6 đến tháng 8/1964), tuyến đường ô tô đầu tiên dài 104km xuyên Trường Sơn nối từ Mường Noòng đi Sông Bạc hoàn thành. Tuyến đường này cũng là mốc đánh dấu sự hình thành mạng lưới đường vận tải cơ giới chiến lược của chiến trường Trường Sơn.
Sau chiến công đó, Trung đoàn 98 nằm trong đội hình của Đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn) tiếp tục là lực lượng công binh chủ yếu trên Trường Sơn, mở các tuyến đường theo chiều dọc đến tỉnh Atapư (Lào) và các tuyến đường ngang ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cũng như các tuyến đường tránh, đường kín. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp cùng với các lực lượng khác mở đường, tạo thành một hệ thống mạng đường chằng chịt, liên hoàn, bí mật khiến kẻ địch bất ngờ nơi núi rừng Trường Sơn. Từ tháng 5/1964 đến tháng 5/1975, Trung đoàn 98 đã mở trên 3.000km đường cơ giới, xe thồ, đường sông, suối trong mạng lưới đường Trường Sơn; đồng thời, xây dựng trên 150 cầu, cống, tháo gỡ, phá hủy hàng nghìn quả bom các loại, chiến đấu hàng trăm trận với bộ binh và không quân Mỹ.
Cựu chiến binh Đặng Ngọc Cư chia sẻ: Anh em chiến sĩ chúng tôi chẳng quản ngại gian khổ, hăng say làm việc và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mở đường vận tải với tốc độ nhanh nhất. Địch đánh cả ngày lẫn đêm, sử dụng nhiều loại bom, đạn để tàn phá nhưng anh em vẫn bảo đảm thông suốt cho những tuyến đường, góp phần làm nên tuyến đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử được coi là mạch máu chi viện, nối liền hậu phương với tiền tuyến.
Kỷ vật đặc biệt nhất đang được lưu trữ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh trong những ngày kỷ niệm 60 năm truyền thống bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là mớ tóc của cựu chiến binh Trần Thị Hoa, thị trấn Hưng Hà (Hưng Hà). 45 năm qua, bà Hoa đã giữ gìn mớ tóc đó như để nhắc nhớ về một thời gian khổ, khắc nghiệt, sống và chiến đấu nơi rừng thiêng, nước độc...
Bà Hoa nhớ lại: Tháng 8/1974, tôi là 1 trong 1.200 nữ chiến sĩ Thái Bình xung phong nhập ngũ. Khi đó tôi mới tròn 17 tuổi. Sau 4 tháng huấn luyện, tôi được biên chế về Tiểu đoàn 24 (Đoàn 559) làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ hậu phương vào chiến trường ở mặt trận Bình - Trị - Thiên, chủ yếu trên địa bàn Quảng Trị. Ngày ấy gian khổ lắm, một mặt chiến đấu với địch một mặt bộ đội ta phải chống chọi với những cơn sốt rét rừng, sốt rét ác tính, ăn uống, sinh hoạt thiếu thốn, kham khổ. Tuy nhiên, vượt lên trên nỗi đau về thể xác thì tinh thần chúng tôi luôn lạc quan, ý chí kiên cường, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, sẵn sàng đối mặt với cái chết vinh quang.
Phục vụ ở chiến trường một thời gian, bà Hoa được điều chuyển về công tác văn thư bảo mật tại Trường Quân chính Đoàn 559. Đến năm 1979, bà Hoa chuyển ngành về UBND huyện Hưng Hà công tác. Về quê, bà mang theo những kỷ vật chiến trường, trong đó có mớ tóc đó về làm kỷ niệm. Theo cựu chiến binh Trần Thị Hoa, sốt rét rừng ác tính là căn bệnh mà hầu hết những người lính Trường Sơn đều gặp phải. Những người lính nữ, những nữ thanh niên xung phong, rất nhiều chị em đã vĩnh viễn nằm lại với những nẻo đường, cánh rừng Trường Sơn ở độ tuổi thanh xuân mà chưa có cơ hội làm vợ, làm mẹ...
Còn với ông Lại Ngọc Thư, thôn Nam Bi, xã Tân Hòa (Vũ Thư), cựu chiến binh Trung đoàn 52, Sư đoàn 320B thì đường Trường Sơn đã in dấu những năm tháng tuổi thanh xuân của ông và đồng đội. Ông Thư cho biết: Năm 1963, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi chia tay gia đình, quê hương lên đường nhập ngũ. Khí thế ngày ấy sôi nổi lắm, năm 1965 là khi biết mình sẽ được đi vào tuyến cuối Trường Sơn, mặc dù chưa biết trước nhiệm vụ sẽ làm gì nhưng trong lòng rạo rực chỉ muốn đi ngay. Vào tuyến lửa Trường Sơn khi đã bước vào giai đoạn 2 của quá trình xây dựng tuyến đường lịch sử này, là giai đoạn củng cố và phát triển từ “gùi thồ hàng trên vai bộ đội, sang giai đoạn phá đá mở đường xuyên rừng rậm để những chuyến xe hàng hóa, trang bị vũ khí và con người ngày đêm qua lại đi vào tuyến lửa chiến trường Bù Gia Mập (Bình Phước). Tôi đã tham gia nhiều hoạt động trinh sát mở đường, đánh nhiều trận nhớ đời trên tuyến đường này để bảo vệ tuyến đường được thông suốt.
Trên tuyến đường Trường Sơn những năm tháng ác liệt đó, không biết bao nhiêu trận đánh đã diễn ra, không có ngày, đêm nào là không có máy bay địch hoạt động đánh phá. Ông Thư nhớ lại: Sau khi bị thương trong một lần đơn vị bị địch tập kích, năm 1971, tôi được cử ra Hà Nội học đến năm 1973 thì tiếp tục vào chiến trường. Kết thúc chiến tranh, bộ đội Trường Sơn chuyển sang xây dựng kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng. Có thể nói, cả đời quân ngũ của tôi đã gắn bó với Đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn) cho đến ngày về hưu.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, có người ở lại quân ngũ tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, có người chuyển ngành, phục viên về địa phương. Dù ở đâu, với cương vị nào nhưng họ luôn phát huy tinh thần của người lính Trường Sơn năm xưa, tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước. Ký ức đẹp về Trường Sơn và con đường Hồ Chí Minh huyền thoại vẫn cứ đẹp trong từng câu hát ngân vang đến hôm nay.
Tất Đạt
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai