Thứ 6, 15/11/2024, 21:55[GMT+7]

Người Thái Bình trên đất Tây Nguyên (kỳ 4)

Thứ 2, 27/05/2019 | 08:55:04
1,999 lượt xem
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, hàng vạn người con Thái Bình đã tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới. Đến nơi đâu họ cũng phát huy truyền thống quê hương, đoàn kết giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, vươn lên để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tiếp nối truyền thống đó, thế hệ trẻ người Thái Bình được sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên luôn cần cù sáng tạo, hăng say lao động sản xuất xây dựng quê hương thứ hai ngày càng giàu đẹp.

Thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.

Đến thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk, hỏi quán Gu cafe của anh Trần Xuân Nghị (Thái Bình) thì ai cũng biết. Quán Gu cafe của anh Nghị nằm trên một khuôn viên khá rộng tại gia đình với không gian thoáng mát, được trang trí mô phỏng phong cảnh của làng quê Bắc Bộ. Chủ nhân của quán đã sưu tập rất nhiều đồ vật, nông cụ sản xuất gắn bó với người dân Bắc Bộ như: cối xay thóc, cối giã gạo, thúng, mẹt, nia, nơm, đó, lờ, vó cất tôm, cá, chum vại, nồi đất, nồi đồng... Điều đặc biệt là quán của anh Nghị luôn có những sản vật quê nhà, mùa nào thức ấy, từ bánh cáy, kẹo lạc Nguyên Xá, mắm cáy Hồng Tiến, rượu nếp làng Keo đến nộm sứa Thái Thụy... Nhiều năm qua, quán Gu cafe là địa chỉ quen thuộc của bà con Thái Bình, họ đến đây để tìm về những cảm giác gần gũi của làng quê và thưởng thức những đặc sản quê nhà và cùng hòa mình vào những làn điệu chèo da diết... 

Ông Trịnh Công Sơn, cán bộ Công an huyện Cư M'gar cho biết: Tôi là người xã Thái Hưng (Thái Thụy), vào đây công tác đã hơn 30 năm. Do không có điều kiện về quê nhiều nên mỗi lần nhớ quê tôi lại đến quán Gu cafe của cháu Nghị uống cà phê và nhâm nhi lát bánh cáy, thả hồn vào không gian rất đỗi thân quen, cảm giác như đang ở quê hương vậy.

Một góc thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông ngày nay.

Anh Nghị cho biết, anh quê Thái Bình, cuối năm 1985 bố mẹ anh tình nguyện vào Tây Nguyên xây dựng vùng kinh tế mới, anh sinh ra ở vùng đất đầy nắng gió này. Không được sinh ra và ở Thái Bình nhưng anh lớn lên trong lời ru à ơi của mẹ, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, cánh cò... đã gắn liền với anh từ tấm bé. Lớn lên anh được cha mẹ kể cho nghe nhiều chuyện về truyền thống anh hùng, về mảnh đất và con người Thái Bình, anh rất tự hào vì điều đó. Những lần được về thăm quê hương, anh rất thích phong cảnh quê nhà với những cánh đồng thẳng tắp, triền đê xanh ngắt và dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa. Tình yêu quê hương đã thôi thúc anh muốn làm một việc gì đó gắn với hình bóng của Thái Bình. 

Từ những suy nghĩ đó, năm 2010, anh quyết định đầu tư kinh doanh cà phê. Trước khi mở quán anh đã về quê tìm đến những quán cà phê ở thành phố Thái Bình, Nam Định để tham quan lấy ý tưởng xây dựng quán cho riêng mình. Đồng thời, anh nhờ bà con cô bác tìm mua những vật dụng đặc trưng của miền Bắc. Mất hơn 1 tháng ròng rã anh mới gom đủ và thuê hẳn một chuyến xe chở và xây dựng quán Gu cafe. Hiện nay, quán của anh luôn là địa điểm gặp mặt của những người đồng hương Thái Bình tại khu vực.

Vườn hồng Gia Nghĩa của Dương Thị Thơm là địa chỉ uy tín của nhiều khách hàng đam mê hoa hồng.

Ở tổ 2, phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông có một vườn hồng  với hơn 2.000 gốc hồng đủ loại độc đáo và đẹp mắt. Chủ nhân của khu vườn đó là cô gái trẻ Dương Thị Thơm, sinh năm 1991. 

Thơm cho biết, cha mẹ cô đều ở xã Mê Linh (Đông Hưng) vào Tây Nguyên theo diện xây dựng vùng kinh tế mới. Cô sinh ra và lớn lên tại Đắk Nông. Với đam mê, yêu thích hoa hồng từ nhỏ, những lúc rảnh rỗi Thơm đều dành thời gian để chăm sóc vườn hoa nhỏ của gia đình mình. 

Đầu năm 2017, sau lần về thăm quê, thấy ở Thái Bình có phong trào chơi hoa hồng, Thơm nảy ra ý định xây dựng nhân giống hoa hồng. Nghĩ là làm, Thơm ra Bắc tìm đến những vườn hồng tại Thái Bình, Vĩnh Phúc, Sa Pa mua giống đem về trồng. Ban đầu cô trồng vài trăm gốc hồng cho vui, vừa thỏa mãn đam mê vừa có thể giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trồng hoa. Sau hơn 1 năm thấy cây hồng phát triển tốt, Thơm quyết định tập trung trồng quy mô, bài bản hơn. Cô đã xin nghỉ việc nhà nước, mạnh dạn dùng vốn tích lũy và vay mượn của người thân để đầu tư hơn 300 triệu đồng mua hơn 2.000 gốc hồng đủ loại về để xây dựng một vườn hồng ngay tại nhà của mình.

Tháng 7/2018, vườn hồng Gia Nghĩa của Thơm chính thức khai trương và đi vào hoạt động. Để có được những cây hồng phù hợp với thị hiếu của khách hàng, Thơm đã phải tìm mua, lựa chọn những giống hồng từ tận ngoài các tỉnh phía Bắc để chuyển vào. Hàng ngày, cô đều dậy sớm để chăm sóc, cắt lá tỉa cành cho cây, mở hàng bán tại vườn và đăng bán trên mạng xã hội cũng như tranh thủ thời gian đi giao hàng cho khách. Nhờ tỉ mẩn chăm sóc, vườn hồng của Thơm ngày một phát triển tốt, rực rỡ sắc màu. Thơm cho biết, hiện tại vườn hồng có gần 50 loại hoa hồng, mỗi loại đều có màu sắc, hình dáng và mùi thơm khác nhau, được đông đảo khách hàng tìm mua. Với giá mỗi gốc hồng từ 150.000 đồng đến vài triệu đồng, Thơm có nguồn thu tương đối khá từ tiền bán hoa hồng. Với tình yêu dành cho hoa hồng và niềm đam mê kinh doanh, cô gái trẻ quê gốc Thái Bình đã gặt hái được những thành công nhất định.

Chuyến công tác Tây Nguyên đã cho chúng tôi được gặp những người con Thái Bình mà hơn 40 năm trước họ đã tình nguyện đi khai hoang, mở đất, dựng nhà, trồng lúa, trồng ngô. Năm tháng đi qua, nay người còn người mất nhưng đất không phụ công người, trả lại cho biết bao mồ hôi, nước mắt là màu xanh no ấm của hạnh phúc. Trên những vùng rừng rậm hoang vu, bạt ngàn cỏ tranh năm xưa, hôm nay là những làng quê trù phú với nhiều thế hệ người Thái Bình đang sinh sống, lao động làm đẹp thêm cho đại ngàn Tây Nguyên.

Tùng Thơi