Thứ 6, 15/11/2024, 23:50[GMT+7]

Ấm áp nghĩa tình đồng hương

Thứ 4, 10/07/2019 | 14:38:10
1,056 lượt xem
Nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước lên xây dựng và phát triển kinh tế mới ở Tây Bắc, hàng nghìn người dân Thái Bình đã rời quê hương lên Điện Biên xa xôi để khai hoang mở đất, cùng sát cánh bảo vệ và xây dựng quê hương thứ 2 ngày càng giàu đẹp. Sinh sống trên vùng quê mới dù còn nhiều khó khăn, song những “người con quê lúa” luôn gắn bó, đoàn kết, giúp nhau vượt qua gian khó, vươn lên làm giàu trên vùng đất mới.

Ban liên lạc đồng hương xã Quỳnh Khê, huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) tổ chức gặp mặt cuối năm.

Sau nhiều lần hẹn gặp, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được ông Nguyễn Ngọc Huệ, tổ 23, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ)  - Trưởng Ban liên lạc đồng hương xã Quỳnh Khê, huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) tại TP. Điện Biên Phủ. 

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang nơi quê hương thứ 2 và khi được hỏi về quê hương Thái Bình, ông Huệ phấn khởi như thể đang trở về với mảnh đất quê hương, nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Gắn bó với mảnh đất Điện Biên Phủ hơn 40 năm nay nhưng ông Huệ vẫn đau đáu nhớ về quê hương và không quên từng lũy tre, giếng nước, sân đình gắn liền với tuổi thơ ông. Nặng tình với quê hương, năm 2008, ông Huệ và một số bà con đồng hương nơi quê nhà đã tập trung thành lập Ban liên lạc đồng hương xã Quỳnh Khê, huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) tại TP. Điện Biên Phủ với gần 60 thành viên.

Ông Huệ chia sẻ: Người Thái Bình trên mảnh đất Điện Biên rất đông nên bà con đã tập hợp nhau lại và thành lập nhiều hội đồng hương; không chỉ các hội đồng hương tỉnh Thái Bình, các huyện mà còn có cả Ban liên lạc đồng hương các xã. Thông qua các Ban liên lạc, hội đồng hương, những người con xa quê đã hỗ trợ lẫn nhau trong công tác, học tập bằng những hoạt động giúp nhau trong cuộc sống, khuyến học, khuyến tài, xây dựng đời sống văn hóa; động viên mọi người thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác và trách nhiệm công dân… trên mảnh đất quê hương thứ 2 này. Với số tiền quỹ hoạt động hơn 50 triệu đồng mỗi năm, Ban liên lạc đồng hương xã Quỳnh Khê đã dùng số tiền này giúp một số thành viên phát triển kinh tế, chăm sóc người già neo đơn và trao học bổng cho các cháu học sinh nghèo vượt khó…

Từ nguồn quỹ của Ban liên lạc đồng hương xã Quỳnh Khê cho vay, gia đình ông Nguyễn Đắc Viên, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) đã vượt qua những khó khăn. 

Ông Viên tâm sự: Thành lập hơn 10 năm nay, Ban liên lạc đồng hương xã Quỳnh Khê đã tạo điều kiện để các hội viên trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, trong học tập và phát triển việc làm; tổ chức giao lưu thăm hỏi nhau trong việc hiếu hỷ, cũng như khi hội viên bị ốm đau, bệnh tật hoặc gặp tai nạn rủi ro. Đồng thời góp phần và duy trì việc phát huy truyền thống hiếu học, vượt khó, ý chí phấn đấu vươn lên cho con em các thành viên thông qua việc chăm lo cho công tác khuyến học, khuyến tài. 

“Gia đình tôi kinh doanh, buôn bán vải và may quần áo, nhiều khi thiếu vốn để làm ăn, Ban liên lạc đồng hương xã Quỳnh Khê đã cho vay quỹ, giúp gia đình tôi vượt qua lúc khó khăn về tài chính. Qua đó đã nói lên được tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương, gắn bó của những người con sinh ra trên đất Thái Bình đang xa quê” - Ông Nguyễn Đắc Viên chia sẻ.

Cũng giống như ông Huệ, ông Mai Lương Trác, tổ dân phố 12, phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) là người con của huyện Quỳnh Côi (tỉnh Thái Bình). Xác định hội đồng hương là cầu nối tình cảm của những người con xa xứ với nhau, ông Trác không chỉ tham gia Hội đồng hương huyện Quỳnh Côi tại TP. Điện Biên Phủ mà còn là Trưởng Ban liên lạc đồng ngũ Quỳnh Phụ 1978 ở Điện Biên và tích cực tham gia vận động hội viên làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ tại nơi mình sinh sống và góp sức xây dựng quê nhà.

Ông Mai Lương Trác chia sẻ: Trong hoàn cảnh cuộc sống hiện nay, mỗi bản thân chúng ta, cũng như những người con quê hương Thái Bình vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các Hội đồng hương Thái Bình tại TP. Điện Biên Phủ đã hỗ trợ, giúp đỡ nhau rất nhiều trong cuộc sống. Thực hiện một số việc có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mang tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, hỗ trợ giúp đỡ nhau khi bà con quê mình gặp hoạn nạn, khó khăn, trợ cấp học bổng, tặng quà cho các cháu trong học tập… 

Những việc làm ấy đã nói lên ý nghĩa “Vì quê hương – Kết nối cội nguồn”. Dù Ban liên lạc, Hội đồng hương của những người con Thái Bình là tổ chức xã hội sinh hoạt tự nguyện, hội tụ của tất cả những người quê hương Thái Bình đang sinh sống, làm việc, công tác và học tập tại mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng nhưng không theo đuổi mục đích kinh tế, lợi ích cá nhân và lợi ích cục  bộ địa phương, mà Ban và Hội đã xây dựng khối đại đoàn kết cộng đồng giúp đỡ nhau ổn định đời sống kinh tế, hợp tác liên kết trong sản xuất kinh doanh và hội nhập, chia sẻ khó khăn trong rủi ro hoạn nạn, phát huy truyền thống, văn hóa tốt đẹp của quê hương, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, lành mạnh nơi quê hương thứ 2 – Điện Biên.

Phạm Quang