Thứ 7, 16/11/2024, 01:41[GMT+7]

Chuyện đời của Lý

Thứ 7, 27/07/2019 | 08:16:14
2,071 lượt xem
Một góc nhỏ nơi Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đông Hưng, người đàn bà luống tuổi, mái tóc ngả bạc ngồi lặng lẽ ngước nhìn nén hương cháy đỏ, ẩn hiện trên tấm bia mộ đề tên liệt sĩ Vũ Ngọc Tiến, quê quán xã Liên Giang, huyện Đông Hưng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 411, Sư đoàn 341, hy sinh ngày 25/3/1979. 15 năm có lẻ, người đàn bà ấy vẫn ngồi lặng lẽ ở nơi đây mỗi dịp 27/7.

Những lá thư tay của liệt sĩ Vũ Ngọc Tiến gửi về trước khi hy sinh.

Đó là Nguyễn Thị Hải Lý, cô sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đẹp nhất thôn Ba Vì, xã Liên Giang (Đông Hưng) hơn 40 năm về trước. Cô thôn nữ đem lòng yêu chàng trai hơn mình một tuổi cùng thôn là Vũ Ngọc Tiến cũng là người bạn học với cô suốt những quãng đời học sinh. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn cam go, khốc liệt, gác bút nghiên, anh Tiến xung phong lên đường đi bộ đội. Chia tay nhau vào một ngày tháng 5/1972, hai người chỉ kịp gửi trao lời hẹn ước. Kết thúc chiến tranh, Tiến trở về nhà rồi lại vội vã bước vào chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Hai gia đình chỉ kịp làm lễ ăn hỏi để chờ ngày Tiến trở về sẽ tổ chức đám cưới cho anh chị. Nào ngờ, Tiến đã mãi mãi nằm nơi chiến, bỏ lại lời hẹn ước ngày về chung đôi. Ở hậu phương, Lý chưa một lần khoác áo cô dâu đã trở thành người đàn bà “góa chồng”. Vậy là tròn 40 năm ngày anh Tiến hy sinh và 15 năm anh trở về với lòng đất mẹ quê hương.

Nhớ lại quãng thời gian biết tin anh Tiến hy sinh ở chiến trường Campuchia trong trận phản kích của Ponpot, bà Lý tâm sự: Anh ấy hy sinh vào tháng 3/1979 nhưng mấy tháng sau tôi mới biết tin qua đồng đội của anh. Tôi giấu gia đình không muốn bố mẹ biết vì các cụ tuổi đã cao. Đến tháng 12 năm đó thì xã tổ chức báo tử cho anh. Thời gian đầu, tôi suy sụp hoàn toàn. Vượt qua những ngày tháng buồn đau, tôi tự nhủ với mình dù chúng tôi chưa một ngày về chung sống với nhau nhưng từ ngày anh đi bộ đội tôi đã như người con dâu trong gia đình thì trước sau như một, bố mẹ anh cũng là bố mẹ tôi, tôi sẽ thay anh báo hiếu với bố mẹ. Nhiều đêm trằn trọc không thể ngủ, nghĩ về anh, nghĩ về những tháng ngày bên nhau, tôi lại trào nước mắt, thầm khóc một mình.

Cũng như bao người mẹ, người vợ khác trên dọc dài đất nước Việt Nam, chiến tranh đã cướp đi người bà Lý thương yêu nhất nhưng bà luôn tự hào bởi tuổi thanh xuân, xương máu của anh đã đánh đổi lấy hòa bình, tự do hôm nay. Nuốt nước mắt vào trong, nén nỗi mất mát, đau thương, suốt những năm tháng về sau, Nguyễn Thị Hải Lý đã làm tròn trách nhiệm dâu thảo với nhà chồng, tận tình chăm sóc bố mẹ chồng cho đến ngày các cụ về với tổ tiên. Ngày các cụ còn sống, nhìn Lý tuổi còn xuân xanh tần tảo lo việc nhà đẻ, nhà chồng mà xót xa, thương cảm. Nếu không có chiến tranh, con trai ông bà đã có một gia đình hạnh phúc, ông bà đã có những đứa cháu nội. 

“Nhiều lần bố mẹ anh ấy khuyên nhủ tôi đi xây dựng gia đình, đừng phí hoài tuổi xuân rồi sau này về già sẽ khổ. Ban đầu tôi một mực từ chối, mỗi lần các cụ có ý nhắc khéo, tôi lại nói tránh sang việc khác. Nhắc khéo không được, rồi các cụ nói thẳng với tôi. Tôi chỉ bảo với hai cụ, anh Tiến hy sinh coi như cuộc đời con cũng vô nghĩa, nếu có ai đó cảm thông đến với con thì tình cảm cũng không được vẹn tròn…”, bà Lý chia sẻ.

Những lá thư tay gửi về từ chiến trường là kỷ vật vô giá bà Lý đã gìn giữ 40 năm qua. 

Anh bộ đội chuyển ngành Bùi Văn Chương, quê ở xã Tây Đô (Hưng Hà) bước vào cuộc đời Lý bởi tình thương, sự đồng cảm cho số phận người con gái một lần lỡ dở. Hơn 11 năm chiến đấu ở chiến trường Bình - Trị - Thiên, ông Chương thấu hiểu nỗi đau của chiến tranh và chứng kiến sự hy sinh của đồng đội mình. Có những người hy sinh khi chưa một lần biết yêu, chưa một lần hẹn hò. 

“Tôi biết Lý từ đồng nghiệp giới thiệu. Khi đó Lý đang công tác ở ban kế hoạch của huyện Đông Hưng còn tôi là cán bộ nông nghiệp huyện Hưng Hà. Cùng là người lính Cụ Hồ nhưng tôi may mắn trở về sau cuộc chiến còn bạn đời của Lý thì nằm lại chiến trường. Đến với Lý, tôi chỉ mong muốn như một người tri kỷ, được san sẻ, khỏa lấp một phần nỗi mất mát của cô ấy đã phải chịu đựng. Tôi đã thay Tiến chăm sóc cho Lý. Tôi coi bố mẹ Tiến như bố mẹ mình, cùng với Lý chăm sóc các cụ. Ngày đưa hài cốt Tiến về quê hương, vợ chồng tôi cũng xắn tay lo cùng gia đình lo công việc cho anh. Đến với tôi, những tưởng hạnh phúc sẽ đến với cô ấy trọn vẹn nhưng cũng vì chiến tranh mà Lý phải chịu nhiều thiệt thòi quá…”, ông Chương trầm tư.

Vợ chồng ông có với nhau hai người con, 1 trai, 1 gái. Ngày ấy, ở xã Liên Giang ai cũng vui và chúc phúc cho vợ chồng. Những tưởng hai đứa con sẽ là niềm an ủi, động viên cũng như món quà vô giá bù đắp cho sự bất hạnh của bà. Vậy mà di chứng của chiến tranh đã cướp đi hạnh phúc ấy. Hai người con của ông bà đều bị ảnh hưởng của chất độc da cam/Điôxin mà đế quốc Mỹ đã rải xuống chiến trường Việt Nam. 

Ông Chương tâm sự: Trực tiếp tham gia chiến đấu ở vùng nhiễm Điôxin nhưng mãi sau này khi con trai lớn lên không được như những đứa trẻ bình thường thì tôi mới biết. Nó bị thiểu năng trí tuệ, suốt ngày nó đi lang thang, lúc nào đói khát thì về nhà. Giờ vợ chồng tôi còn khỏe thì còn chăm sóc nó được, sau này chúng tôi chết đi thì không biết nó sống ra sao...

Bà Lý xúc động nghẹn ngào khi nghe câu chuyện của đồng đội kể về sự hy sinh của liệt sĩ Tiến. 

Lần giở từng lá thư của anh Tiến gửi về từ chiến trường với những dòng chữ nhòe đi vì thời gian, bà Lý quay sang nói với chúng tôi: Đây là kỷ vật vô giá của tôi với anh Tiến mà tôi đã giữ gìn suốt 40 năm qua. Nếu như không có chiến tranh, không có sự xâm lược của đế quốc, thực dân thì có lẽ đất nước mình không phải chịu bao cảnh đau thương, những chàng trai, cô gái tuổi hai mươi ngày ấy đã trở thành những kỹ sư, bác sĩ, giáo viên…, những người mẹ, người vợ của họ ở quê nhà không phải mang nặng bao nỗi niềm, bi kịch. Tôi không oán trách số phận mà chỉ trách sự nghiệt ngã của chiến tranh, tội ác của quân xâm lược đã để lại những thương tật cho thế hệ con, cháu chúng tôi.

Bà Lý nhận lại kỷ vật từ ông Trần Ngọc Phú, đồng đội của liệt sĩ Vũ Ngọc Tiến. 

Ngày chúng tôi đến thắp nén nhang cho liệt sĩ Vũ Ngọc Tiến tại gia đình cũng chính là ngày chúng tôi được chứng kiến cuộc hội ngộ đầy bất ngờ và cảm động. Hôm ấy, bà Lý đã nhận lại kỷ vật của người chồng chưa cưới sau 40 năm xa cách trước sự chứng kiến của những người đồng đội với liệt sĩ Tiến. Tấm ảnh đen trắng chụp khi bà còn ở tuổi đôi mươi tươi trẻ nằm gọn trong túi áo anh Tiến đến với mỗi chiến trường khốc liệt và cả khi anh nằm xuống. 

Hôm nay, cựu chiến binh Trần Ngọc Phú, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 341 là đồng đội của liệt sĩ Tiến là người chứng kiến giờ phút anh Tiến hy sinh và tìm thấy tấm ảnh đã trực tiếp trao lại kỷ vật này và tặng 3 cuốn hồi ký chiến tranh “Từ biên giới Tây Nam đến đất Chùa Tháp” của ông cho bà Lý. Thắp nén nhang lên phần mộ liệt sĩ Vũ Ngọc Tiến, ông Phú thầm khấn: Tiến ơi! Vậy là 40 năm rồi tôi đi tìm Lý đến hôm nay tôi mới được gặp Lý. Dù thời gian đã phủ lên tuổi thanh xuân của Lý những nếp nhăn, nhiều sợi tóc bạc nhưng Lý vẫn đẹp qua câu chuyện của Tiến kể khi chúng ta còn chung chiến hào và qua câu chuyện tôi đã viết trong cuốn sách của tôi. Câu chuyện tình yêu của Tiến và Lý sẽ mãi đẹp và còn mãi. Yên nghỉ nhé người đồng đội của tôi. Giá như không có chiến tranh…

Bà Lý bên phần mộ liệt sĩ Vũ Ngọc Tiến hiện an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hưng. 

Lạc vào giữa những hàng mộ trắng nơi nghĩa trang liệt sĩ, bà Lý vẫn ngồi lặng lẽ bên phần mộ của liệt sĩ Tiến. Ở nghĩa trang này cũng như hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ trên dài đất hình chữ S và trên mỗi chiến trường, sẽ còn nhiều người mẹ, người vợ như Lý ngồi lặng lẽ bên những nấm mộ có tên và không tên. Dù chiến tranh đã lùi xa, cuộc đời họ vẫn phảng phất nỗi buồn thời hậu chiến.

Tất Đạt

  • Từ khóa