Thứ 7, 16/11/2024, 01:59[GMT+7]

Những nét nổi trội của người và đất Thái Bình

Thứ 2, 05/08/2019 | 09:05:02
25,458 lượt xem
So với các địa phương khác trong khu vực châu thổ sông Hồng và toàn quốc thì tỉnh Thái Bình có những nét riêng về các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội và dân cư. Những nét riêng đó đã tác động đến sự hình thành tính cách người Thái Bình.

Ảnh: Thành Tâm

Theo những nguồn tài liệu nghiên cứu về lịch sử phát triển châu thổ sông Hồng thì một phần đất đai thuộc phía Bắc và Tây Bắc tỉnh Thái  Bình có lịch sử từ 3.000 - 2.000 năm. Phần đất thuộc trung tâm tỉnh có lịch sử từ 2.000 - 1.000 năm. Hầu hết phần đất đai còn lại của tỉnh có lịch sử từ 1.000 năm trở lại đây theo xu hướng muộn dần, gần như song song với bờ biển hiện tại. Về lịch sử hình thành đất đai thì cơ bản như thế nhưng các làng xã ở Thái Bình được hình thành sớm, muộn khác nhau không hoàn toàn theo  xu hướng đó. Bởi vì từ thế kỷ X trở về trước, nhu cầu khai phá những vùng đất mới đặt ra chưa thật bức xúc. Từ thế kỷ XI trở về sau, công cuộc đào sông, đắp đê, trị thủy và quai đê lấn biển ở Thái Bình ngày càng được mở rộng, cho nên những làng xã có độ tuổi xấp xỉ 1.000 năm trở lại chiếm tỷ lệ khá cao ở Thái Bình.

Theo các kết quả nghiên cứu khoa học đa ngành và liên ngành cho thấy, cư dân Thái Bình chủ yếu có nguồn gốc từ vùng núi trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã đời nối đời đổ về vùng đất này định cư, hợp cư. Có thể khái quát về cơ bản cư dân Thái Bình là sự tổng hòa quá trình chuyển cư về hợp cư của các luồng cư dân theo những nguyên nhân sau:

- Do kết quả của quá trình khai hoang: Ngoài các cuộc di dân tự do tìm về vùng đất này khai phá là những cuộc khai hoang do các triều đại Đinh - Lý - Trần - Lê, đặc biệt là dưới triều Nguyễn đã tổ chức đưa dân về khai phá.

- Do hậu quả của các cuộc chiến tranh cát cứ hoặc các cuộc xung đột dòng họ, làng xã dẫn đến sự phiêu tán tìm về vùng đất “ven bờ cuối bãi” này để những mong yên thân, lập nghiệp.

- Do chính sách phong cấp lộc điền, bổng điền của các triều đại phong kiến cho các vương hầu, khanh tướng. Hầu hết những người được ban phong đất đã đưa gia nhân về mở mang thành những điền trang, thái ấp.

- Khi làng ấp đã hình thành, nghề đánh bắt thủy hải sản và trồng lúa, trồng màu đã định hình thì một bộ phận đáng kể cư dân bổ sung muộn hơn đó là những người thợ thủ công tìm về sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thủ công theo nhu cầu sinh hoạt và công cụ sản xuất.

Là một vùng đất mỡ màu với hệ thống sông ngòi chằng chịt rất có nhiều thuận lợi cho việc gieo cấy lúa nước và đánh bắt thủy hải sản nên từ cổ xưa đã có sức hút mạnh mẽ các luồng cư dân đổ về, để rồi Thái Bình sớm trở thành một miền quê đất chật người đông, sớm trở thành “kho của, kho người” của quốc gia.

Một đặc điểm khá độc đáo của Thái Bình là mật độ dân số cao. Theo tài liệu lưu trữ, vào năm 1931 mật độ dân số bình quân của các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng là 430 người/km2 thì Thái Bình là 593 người/km2. Vào thời điểm này dân số Thái Bình xấp xỉ 1 triệu người, được xác định là tỉnh đông dân nhất ở Bắc kỳ. Vào năm 1936, một học giả người Pháp đã viết trong tác phẩm chú thích về tỉnh Thái Bình: “Tỉnh Thái Bình, theo tên gọi Hán Việt có nghĩa là “yên ổn hoàn toàn”, có 1 triệu dân, là một trong những tỉnh lớn nhất và quan trọng nhất của Bắc kỳ, đó là một điều không ai chối cãi được... Nếu như con số 1 triệu dân được thừa nhận, người ta nhận định tỉnh Thái Bình là một trong những miền đông dân nhất của quả đất...”. Theo số liệu thống kê vào năm 2004 thì Thái Bình có hơn 1,8 triệu dân, với mật độ dân số hơn 1.200 người/km2, cao gấp 6 lần mật độ bình quân chung của Việt Nam. Từ hoàn cảnh đất chật, người đông nên tính siêng năng, tần tảo, cần cù, tiết kiệm đã trở thành tính cách khá tiêu biểu của người dân Thái Bình.

Cư dân Thái Bình là sự hợp cư của cư dân nhiều vùng miền đổ về chung sống, sớm trở nên đất chật người đông để rồi lại phải khắp nơi tung hoành, từ đây tỏa đi các vùng miền khác ở ngoài tỉnh, ngoài nước để sinh sống. Các mối quan hệ giao thoa, huyết thống giữa quê cũ với quê mới, trong chừng mực nào đó đã tạo ra những nét thông thoáng, cởi mở trong tính cách của người Thái Bình. Tính cục bộ địa phương tuy có nhưng không quá nặng nề. Mặt khác, thành phần cư dân của mỗi làng vốn là sự hợp cư của “chín người mười làng” nên tính cương nghị, tinh thần dân chủ làng xã ở Thái Bình thời nào cũng nổi trội. Cũng có thể thấy là người Thái Bình ra ngoài tỉnh dễ thích ứng, thích nghi với môi trường mới và dễ thành đạt ở nhiều lĩnh vực nhờ tố chất siêng năng, tiết kiệm, cởi mở, dám nghĩ, dám làm.

Do địa thế là một vùng đất ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển nên các thế hệ cư dân Thái Bình thường phải đối mặt trước tiên với mọi đạo quân xâm lược từ nước ngoài tràn vào tiến đánh nước ta. “Có cứng mới đứng đầu sóng”, ngoài sứ mệnh thường trực chống giặc ngoại xâm, các thế hệ cư dân ở vùng đất này còn phải ngoan cường “ăn sóng nằm gió” chống chọi với nhiều loại giặc cướp từ biển tràn vào. Hoàn cảnh này đã hun đúc nên tinh thần thượng võ, quật khởi để rồi ở thời đại nào Thái Bình cũng xuất hiện với tần số cao những thủ lĩnh tụ nghĩa chống ngoại xâm và những thủ lĩnh “nổi loạn” khởi nghĩa chống áp bức cường quyền. Khi quyết định thành lập tỉnh Thái Bình, viên Toàn quyền Đông Dương đã lý giải trong một báo cáo gửi về bộ Thuộc địa Pháp rằng: “Dân vùng này ngang ngạnh, khó trị, phải thành lập một tỉnh riêng để cử quan công sứ cai trị”. Về một phương diện nào đó cũng có thể thấy tính cách năng động, ham học hỏi của người dân Thái Bình qua truyền thống hiếu học. Trải gần 1.000 năm Nho học, cả nước có gần 3.000 trí thức đại khoa thì Thái Bình có tới hơn 120 vị, trong đó có những vị lẫy lừng võ công, văn nghiệp mà tiêu biểu là nhà bác học Lê Quý Đôn.

Do những đặc điểm nguồn gốc cư dân, Thái Bình là nơi hội tụ và lan tỏa  các sắc thái văn hóa, văn minh của vùng châu thổ Bắc Bộ. Cho đến nay Thái Bình còn gìn giữ được một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ với những công trình kiến trúc cổ, những lễ hội truyền thống theo tâm thức “sáng rối, tối chèo” cùng nhiều loại hình diễn xướng dân gian mang đậm sắc thái văn hóa cổ truyền của người Việt. Đó là những di sản văn hóa phản ánh tố chất hào hoa, tinh tế của người Thái Bình.  Kho tàng ca dao, tục ngữ của Thái Bình còn lưu giữ hằng hà, sa số những câu châm ngôn phản ánh về tính cách của người Thái Bình, trong đó có tính cách của từng làng, dạng như: “Chơi với Động Trung mất cả vung lẫn nồi”; “Chơi với Phủ Sóc thì khóc mà về”; “Chơi với Nguyên Xá mất cả má lẫn mông”; “Chơi với làng Keo mất cả kèo lẫn cột”...

Lại nữa, Thái Bình cũng còn là nơi “đất lành chim đậu”. Hai đại thi hào của dân tộc là Nguyễn Trãi và Nguyễn Du đều là giai tế của Thái Bình. Nguyễn Công Trứ vốn sinh ra từ Thái Bình, ở tuổi ấu thơ từng thấm đẫm hơi thở của đất này mà nuôi hoài bão “phải có danh gì với núi sông” và ông đã trả nghĩa sinh thành với Thái Bình bằng việc tổ chức cuộc đại khẩn hoang lập ra huyện Tiền Hải. Lại cũng cần thấy thêm là: từ xưa đến nay đã có biết bao bậc “tao nhân mặc khách” đã nhờ những năm tháng tắm mình ở đồng đất Thái Bình mà có công danh sự nghiệp để đời.

Do chung đúc khí thiêng sông biển nên những bậc anh hùng hào kiệt “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” ở đất này thời nào cũng có. Cần mẫn và năng động. Đoàn kết và dân chủ. Quả cảm và cương nghị. Hiếu học và giàu chí tiến thủ. Nhạy bén với thời cuộc. Dễ thích nghi với mọi môi trường sống. Thích ứng với việc nghĩa và sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn  là những tố chất nổi trội của cư dân Thái Bình. Có thể khái quát về những nét đặc trưng cơ bản là tố chất của người Thái Bình vốn được hình thành và phát triển từ “ba biển”: biển người - biển lúa - biển Đông. “Ba biển” này từng đã có vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong mọi thời kỳ lịch sử của quốc gia, dân tộc. Chắc chắn là trên con đường hội nhập và phát triển, những tiềm năng, lợi thế về đất đai và cư dân Thái Bình sẽ được khai thác và phát huy xứng tầm để “biển lúa, biển người bên bờ biển Đông” sớm trở thành một tỉnh giàu mạnh, văn minh.

Nguyễn Thanh 

(Vũ Quý, Kiến Xương)

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)