Cuộc hội ngộ bên dòng Nậm Rốm
Vậy là đã nửa thế kỷ trôi qua, công trình đại thủy nông Nậm Rốm của tỉnh Điện Biên hoàn thành sau 7 năm xây dựng mang nguồn nước mát tưới đẫm cánh đồng Mường Thanh. Từ một thung lũng hoang sơ, cỏ hoang sau những ngày giải phóng, vựa lúa Mường Thanh đã trở lên trù phú, cấy trồng 2 - 3 vụ trong năm, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Công trình kỳ vĩ mang đậm dấu ấn của lớp thanh niên xung phong (TNXP) của nhiều địa phương miền xuôi, trong đó có quê lúa Thái Bình.
“...Ánh nắng chiều còn vương trên đỉnh núi/Có tiếng người hát vang bên dòng sông/Rộn ràng dòng sông Nậm Rốm/Giữa lòng Điện Biên mến yêu...”, lời bài hát vang lên trên chuyến xe trở về nơi đánh dấu điểm khởi đầu một công trình mang tầm vóc thế kỷ này của những cựu TNXP Nậm Rốm quê Thái Bình đang sinh sống ở thành phố Điện Biên Phủ. Khi đi tuổi mới mười tám, đôi mươi hừng hực khí thế, căng tràn sức trẻ mà nay họ tóc đã bạc, da mồi, người còn, người mất. Nhưng ký ức một thời “chân đất, tay thô, xẻ dọc núi đồi” xung phong lên với Điện Biên vẫn còn vẹn nguyên ngày nào.
Đúng 14 giờ 30 phút, hơn 10 cựu TNXP Nậm Rốm đồng hương Thái Bình đã tề tựu ở khuôn viên nhà bia tưởng niệm 18 TNXP hy sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm (1963 - 1969). Tiếng nói cười rôm rả, có lẽ đã lâu họ mới có dịp hội ngộ bên nhau ở nơi họ từng đổ mồ hôi, thậm chí là máu của tuổi thanh xuân. Ông Nguyễn Ngọc Ơn, Trưởng ban liên lạc cựu TNXP Nậm Rốm tập hợp tiểu đội thành hai hàng ngang, kính cẩn thắp hương cho đồng đội tại nhà bia.
Dạo bước dưới hàng thông dẫn lối ra khu đập đầu mối của đại thủy nông Nậm Rốm, ông Ơn giới thiệu: Đập này án ngữ vị trí yết hầu của dòng Nậm Rốm, nằm ngay cửa ngõ thành phố Điện Biên Phủ. Đập xây bằng đá bọc bê tông, có chiều cao đập lớn nhất 9m, chiều dài đập 60m. Từ đây, dòng nước được điều tiết qua hai tuyến kênh tả, hữu mang nước đến với cánh đồng Mường Thanh. Công cuộc xây dựng công trình này cũng vào thời điểm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc dữ dội nhất. Nậm Rốm là một trong những trọng tâm mà địch bắn phá. Chúng tôi ngày sơ tán vào rừng, tối đốt đuốc ra ngoài công trường lao động, ăn uống kham khổ. Ngày ấy, Thái Bình mang tiếng là tỉnh nghèo nhưng ở nhà ăn uống còn sướng hơn. Dù khó khăn, gian khổ là thế nhưng nghe theo tiếng gọi của Đảng, của đoàn, chúng tôi luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong số hơn 2.000 TNXP đến từ các địa phương như: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đóng góp xây dựng đại công trình thủy nông Nậm Rốm thì riêng tỉnh Thái Bình đã có hơn 700 người tham gia trong vòng 7 năm.
Như bao cô gái trẻ cùng chung lý tưởng, 56 năm trước, cô Nguyễn Thị Xuân, quê ở thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) vừa tròn 16 tuổi. Để được tham gia vào lực lượng TNXP, cô Xuân đã khai thêm 2 tuổi rồi trốn bố mẹ cùng với 5 chị em ở Quỳnh Côi lên với công trường Nậm Rốm. Sau khi công trình hoàn thành, Xuân cùng với nhiều chị em trong đội không về xuôi mà chọn gắn bó dài lâu với mảnh đất này, được cử đi học ngành y rồi chuyển về công tác tại Bệnh viện huyện Tuần Giáo cho đến ngày về hưu.
Bà Xuân nhớ lại: Ngày đó, đời sống của bà con các dân tộc ở Điện Biên còn nghèo nàn, lạc hậu, dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng gần như chưa có gì ngoài phế tích chiến tranh. Bà con vẫn quen với lối sống du canh, đốt nương làm rẫy. Những ngày đầu lên đây chưa quen, nhiều anh chị em đều mắc bệnh ngoài da như hắc lào, lang ben và bị sốt rét, vắt cắn... Mặc dù mỗi người tiêu chuẩn 21kg lương thực nhưng chủ yếu cơm độn khoai, sắn nhưng chúng tôi vẫn bền gan vững chí như người lính chẳng rời trận địa. Mệt nhưng hăng say, yêu đời lắm. Anh hò, chị hát để át đi những vất vả, khổ cực.
Là lớp TNXP thứ hai của Thái Bình bổ sung cho công trường đại thủy nông Nậm Rốm, ông Hoàng Văn Lâu quê ở xã Hồng Việt (Đông Hưng) hiện nay đang sinh sống tại xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên không bao giờ quên những ngày tháng cùng với đồng đội trên công trường này. Được trở về thăm lại “tác phẩm” được làm nên từ sức mạnh tập thể cùng đồng đội, trong lòng ông lại bồi hồi, xao xuyến.
Ông Lâu tâm sự: Tháng 3/1964, chúng tôi lên đây. Đúng như bài thơ “Lên miền Tây” của Bùi Minh Quốc: “Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi/Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng/Ôi miền Tây ở dưới xuôi sao nghe thấy ngại ngùng/Mà lúc ra đi lửa lòng vẫn cháy/Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy/Thì xa xôi gấp mấy vẫn lên đường...”. Lúc bấy giờ thanh niên chúng tôi hồ hởi lắm. Khi lên đây mới thấy khó khăn chồng chất khó khăn. Lán trại chưa có phải ở nhờ nhà dân. Công việc thì toàn làm bằng chân tay nên cũng nhiều anh em chán nản, nhớ nhà nhưng rồi cũng đều động viên, hỗ trợ nhau làm việc. Dần dần “mạch nguồn” giữa lòng chảo Điện Biên cũng được định hình. Cứ mỗi phân khúc hoàn thành, chúng tôi như được tiếp thêm niềm vui, niềm động viên để tiếp tục.
Với tinh thần sục sôi của tuổi trẻ, tổ, đội nào cũng bừng lên khí thế thi đua với khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, “Thi đua giành cờ anh Trỗi”, “Giành cờ đỏ, bỏ cỏ xanh” hay “Ba bù: bù ốm, bù mưa, bù phòng không”..., vượt mức trên giao để trở thành tổ, đội xã hội chủ nghĩa... Cả công trường hòa cùng nhịp đập thi đua lao động sản xuất. Từ sức mạnh tập thể ấy, sau 7 năm ròng bỏ công sức, trí tuệ và máu xương, đại công trình thủy nông Nậm Rốm hoàn thành và đi vào hoạt động trong niềm vui khôn xiết của lớp lớp TNXP. Mạch nước được thông suốt, dòng nước mát lành mang theo phù sa đổ về từng thửa ruộng vốn hoang hóa, khô cằn. Cả cánh đồng Mường Thanh như được đánh thức, bừng lên sức sống để đón những mùa vàng và cũng từ đó, hun đúc nên một thương hiệu gạo Mường Trời. Công trình đại thủy nông Nậm Rốm trở thành công trình lớn thứ hai miền Bắc sau đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải.
Kết thúc công trình, nhiều TNXP đã tình nguyện đến với các công trình khác, có người khoác ba lô, cầm súng ra trận cũng có đôi “bén duyên”, vừa là đồng chí, đồng đội cùng chọn nơi đây là quê hương thứ hai. Cựu TNXP Lê Hữu Bắc, phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ trở thành rể Thái Bình cũng từ những năm tháng lao động trên công trường đại thủy nông Nậm Rốm. Quê ông Bắc ở tỉnh Hưng Yên còn vợ ông sinh ra trên quê hương “tiếng trống Sơn Đồng”, huyện Quỳnh Phụ.
Ông Bắc chia sẻ: Đúng là “Thái đen, Thái trắng, Thái Bình/Ba Thái đồng tình xây dựng Điện Biên”. Tôi cảm mến và đem lòng yêu thương vợ tôi cũng bởi đức tính thùy mị, nết na của người quê lúa. Năm 1969, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Nậm Rốm, chúng tôi được điều động về Lai Châu nhận nhiệm vụ mới. Cũng tại đây chúng tôi được anh em tổ chức đám cưới đơn giản nhưng ấm cúng. Về với cuộc sống đời thường hôm nay, vợ chồng tôi vẫn nhắc cho nhau nhớ về những tháng ngày trên công trường Nậm Rốm, về một thời quá khứ hào hùng ghi dấu tuổi thanh xuân của mình.
Giữa những ngày tháng 7, đi trên con đường cắt ngang cánh đồng Mường Thanh từ thành phố Điện Biên Phủ về xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) mà chúng tôi ngỡ như đi giữa cánh đồng lúa quê tôi Thái Bình. Thảm lúa xanh lọt giữa những dãy núi hùng vĩ đang thời kỳ đẻ nhánh sinh sôi, hứa hẹn một mùa vàng bội thu. Chúng tôi thầm cảm ơn những chiến sĩ TNXP đã làm nên một công trình lịch sử - như vòng tay mẹ ấp ôm cả cánh đồng Mường Thanh.
Công trình đại thủy nông Nậm Rốm chính thức được khởi công xây dựng vào ngày 3/10/1963, hoàn thành vào năm 1969. Trong 7 năm, đơn vị đã xây dựng một đập tràn qua sông Nậm Rốm dài 127m, cao 11,6m; xây một bức tường chắn sóng bằng bê tông cốt thép dài 68m, cao 17m, làm một cống xả cát một cống lấy nước và hai cống ngầm vượt quốc lộ 42; đào đắp 34,6km dẫn nước; đào đắp 100km mương cấp 4, xây 76 cống dẫn nước vào đồng, làm 17 cầu máng dẫn nước bắc qua sông suối. Điều tiết thủy lợi cho trên 5.000ha lúa, chiếm 80% tổng diện tích cánh đồng Mường Thanh. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, TNXP công trình đại thủy nông Nậm Rốm được Nhà nước tặng 1.032 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 1 Huân chương Độc lập hạng Ba, 1 Huân chương Quân công hạng Nhất, 1 Huân chương Chiến thắng hạng Nhất. Năm 2010, Tổng đội TNXP công trình đại thủy nông Nậm Rốm được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. |
Tất Đạt - Phương Liên
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai