Thứ 7, 16/11/2024, 02:15[GMT+7]

Cô Ba Thuận Vy

Thứ 3, 03/09/2019 | 09:11:46
1,553 lượt xem
Dẫu đã khuất hơn 60 năm nhưng lòng nhân hậu, tình yêu thương dân nghèo và một lòng kiên trung với cách mạng của cô Ba Thuận Vy vẫn được lưu truyền hậu thế.

Ngôi nhà của cô Ba Thuận Vy từng là nơi nuôi dưỡng, che giấu, tạo điều kiện cho nhiều cán bộ cách mạng hoạt động.

Trong không khí của những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi tìm về làng Thuận Vy xưa, nay là thôn Liên Hồng, xã Bách Thuận (Vũ Thư). Trải qua thời gian, cảnh sắc đã có nhiều đổi thay nhưng ngôi nhà nhỏ của cô Ba Thuận Vy vẫn nằm giấu mình yên tĩnh sau vườn cây. Ở tuổi 85, mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng khi nhắc về mẹ, ông Nguyễn Đình Uẩn, con trai thứ tư của cô Ba Thuận Vy vẫn xúc động, rơm rớm nước mắt. 

Ông Uẩn cho biết: Mẹ ông tên thật là Nguyễn Thị Ngọ, quê ở làng Động Trung, xã Vũ Trung (Kiến Xương). Bà sinh năm 1906, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ông ngoại của bà là cụ Nguyễn Mậu Kiến (Án Kiến) là một trong những người đầu tiên khởi xướng phong trào chống Pháp tại Nam Định. Những người hoạt động cách mạng sôi nổi thời bấy giờ như Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Công Thu, Nguyễn Thị Liêm, Nguyễn Thị Chính... đều là anh em, họ hàng, người thân của bà. Bố ông Uẩn - cụ Nguyễn Đình Lộc thường được gọi là ông Ba vì thế mẹ ông trở thành cô Ba khi làm dâu họ Nguyễn Đình, làng Thuận Vy.

Gia đình ông Ba từ đời cụ, đời kỵ về trước đã học giỏi, làm quan to trong triều và được hưởng nhiều bổng lộc vua ban, ruộng đất thẳng cánh cò bay. Đến đời ông Ba, cô Ba, tuy không làm quan mà chỉ chăm chỉ trồng dâu nuôi tằm, buôn bán nhỏ ở chợ nhưng bổng lộc, của cải vẫn còn nhiều. Khi về làm dâu ở Thuận Vy, cô Ba luôn sẵn lòng giúp đỡ dân nghèo. Những năm 1930 - 1945, dưới vỏ bọc là một gia đình gốc quan lại, khá giả trong vùng, ngay tại ngôi nhà nằm sâu trong vườn cây trái ở Thuận Vy, vợ chồng cô Ba đã bí mật nuôi dưỡng, che giấu, tạo điều kiện cho nhiều cán bộ cách mạng hoạt động như Phạm Quang Thẩm, Đặng Châu Tuệ, Nguyễn Danh Đới, Tô Đình Hòe... Đây chính là cơ sở nuôi dưỡng cán bộ cách mạng từ năm 1930 - 1945. 

Ông Nguyễn Đình Uẩn nhớ lại: Ngày bé, tôi cứ thấy các cụ nón lá, áo rách bí mật qua nhà tôi chơi, bố mẹ tôi giúp đùm cơm, nắm gạo, rồi lại đi đi về về từ Vũ Trung qua Thuận Vy rồi qua Nam Định, sau này lớn tôi mới biết lúc đó là các cụ hoạt động cách mạng. Giai đoạn Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936 - 1939), gia đình cô Ba giúp đỡ tài chính cho các hoạt động của Đảng tại địa phương, hỗ trợ tiền thuê trụ sở làm việc, tiền in báo cho Báo Lao động, Tin tức, Tập hợp... Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, gia đình cô Ba hăng hái đóng góp vàng, mua công trái quốc gia, công phiếu kháng chiến, hiến ruộng đất cho nông dân nghèo... Ngôi nhà của gia đình cô Ba về sau trở thành cơ sở liên lạc của Đảng từ Thái Bình qua Nam Định, Thanh Hóa.

Cách mạng Tháng Tám thành công, từ năm 1945 đến khi mất do ốm nặng năm 1950, ông Nguyễn Đình Lộc, tức ông Ba được nhân dân tin tưởng bầu làm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời xã Thuận Vy, rồi Phó Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Thư Trì. Các con trai lớn Nguyễn Đình Triện, Nguyễn Đình Doãn... đều noi theo bố mẹ, hoạt động cách mạng từ khi còn niên thiếu.

Năm 1953, cô Ba bị địch bắt giam tại nhà lao thị xã Thái Bình, mặc dù bị địch đánh đập tra khảo tàn nhẫn nhưng cô Ba quyết không khai báo, nhờ đó bảo vệ an toàn cho cán bộ và giữ bí mật đường dây liên lạc cách mạng. Năm 1955, phong trào đấu tố địa chủ diễn ra, do nhận thức hạn chế và chủ quan, sai lầm, nông dân đã quy kết gia đình cô Ba là gia đình địa chủ cường hào ác bá. Khi đó, phong trào này rất căng, gây áp lực lớn cho gia đình, năm 1955 cô Ba tự vẫn ngay tại làng quê Thuận Vy để giữ gìn danh tiếng cho gia đình và thể hiện ý chí một lòng theo cách mạng.

Làng vườn Bách Thuận nay (Thuận Vy xưa) vẫn giữ nghề trồng hoa truyền thống.

Những năm sau đó, chính sách sửa sai đã giải oan cho cô Ba nhưng 12 người con của cô Ba chịu thiệt thòi vì mất cả bố và mẹ, trong đó chỉ có mấy người con trai đã lớn, còn lại đều thơ dại. Mặc dù đói khổ nhưng dường như nhiệt huyết cách mạng ở cô Ba đã truyền lại cho các con. 12/12 người con của bà đều theo con đường cách mạng, trong đó con trai trưởng là ông Nguyễn Đình Triện tham gia cách mạng sau đó trở thành Thứ trưởng Bộ Vật tư, ông Nguyễn Đình Doãn là Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; con trai Nguyễn Đình Ái của bà là liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các con khác đều trở thành những đảng viên kiên trung, cán bộ gương mẫu trong đơn vị quân đội, cơ quan nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Nga (thị trấn Vũ Thư), cháu nội của cô Ba Thuận Vy chia sẻ: Tính đến nay, cô Ba có hơn 100 cháu, chắt nội ngoại, hầu hết các cháu của cô Ba đều học hành đỗ đạt, ai cũng nỗ lực giữ gìn truyền thống cách mạng của gia đình. Trong số cháu, chắt của cô Ba có đến 2/3 là đảng viên. Vừa qua, các cháu, chắt của cô Ba đã cùng nhau đóng góp, xây dựng nhà thờ làm nơi thờ tự cô Ba và ông bà, tổ tiên.

Gia đình cô Ba Thuận Vy được Nhà nước tặng Bảng vàng danh dự, cá nhân bà Nguyễn Thị Ngọ, tức cô Ba Thuận Vy được Thủ tướng Chính phủ truy tặng Kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công và bằng có công với nước. Hơn 60 năm đã qua nhưng lớp người cao tuổi làng vườn nay vẫn truyền nhau nghe và kể lại cho con cháu chuyện về một cô con dâu làng Thuận Vy nhân hậu, nhiệt thành với cách mạng, có công lớn trong việc giúp đỡ, nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng của tỉnh, của huyện, đóng góp cho phong trào cách mạng xưa, tiền đề để có những làng quê bình yên, trù phú ngày nay.

QUỲNH LƯU
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)

  • Từ khóa