Thứ 7, 16/11/2024, 04:56[GMT+7]

Tinh hoa “quê lúa” xây miền cực Bắc (Kỳ 2)

Thứ 6, 20/09/2019 | 10:54:29
1,741 lượt xem
“Có người đùa với tôi: “Lên Hà Giang là sống trong đá, chết nằm trong đá”. Nhưng tôi bảo: Dù thế, vẫn phải kiên cường vượt khó đi lên”. Chia sẻ sâu sắc và ấn tượng ấy của nguyên Cục trưởng Cục Thuế Hà Giang Tô Hữu Xuân (xã Đông Hoàng – Đông Hưng – Thái Bình) cũng là tình cảm chung của biết bao thế hệ người con “quê lúa” đã, đang gắn bó, chia sẻ, chung sức xây dựng Hà Giang – quê hương thứ hai trong lòng họ thêm phát triển, vững mạnh toàn diện.

Sản xuất chè theo quy trình VietGAP giúp gia đình ông Phạm Bá Kỳ, xã Tân Quang (Bắc Quang) nâng cao thu nhập.

Bài 2: Vì Hà Giang phát triển

“Có người đùa với tôi: “Lên Hà Giang là sống trong đá, chết nằm trong đá”. Nhưng tôi bảo: Dù thế, vẫn phải kiên cường vượt khó đi lên”. Chia sẻ sâu sắc và ấn tượng ấy của nguyên Cục trưởng Cục Thuế Hà Giang Tô Hữu Xuân (xã Đông Hoàng – Đông Hưng – Thái Bình) cũng là tình cảm chung của biết bao thế hệ người con “quê lúa” đã, đang gắn bó, chia sẻ, chung sức xây dựng Hà Giang – quê hương thứ hai trong lòng họ thêm phát triển, vững mạnh toàn diện.

Năm 1976, rời đồng bằng phì nhiêu để đến với vùng cao biên giới, chàng cử nhân Tài chính kế toán Tô Hữu Xuân tự nhủ: “Khó khăn khắc phục, vì Hà Giang phát triển” khi chứng kiến những truân chuyên nơi địa đầu Tổ quốc. Ví như những huyện phía Tây của tỉnh giao thông đi lại khó khăn, địa hình hiểm trở, núi cao, vực thẳm. Còn các huyện phía Bắc không chỉ thiếu nước sinh hoạt, sản xuất mà còn được bao phủ bởi điệp trùng núi đá tai mèo khiến cuộc sống đồng bào vùng cao vốn khổ lại thêm khó khi thiếu đất sản xuất…

Trải qua nhiều cương vị với những bước trưởng thành trong công tác, năm 1992, ông Xuân được bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Giang và 4 năm sau trở thành Cục trưởng Cục Thuế Hà Giang.

“Hiểu rằng “Một đồng tiền thuế, một trời ước mơ”. Do vậy, suốt 16 năm làm lãnh đạo ngành Thuế Hà Giang, trong đó có 12 năm trên cương vị người đứng đầu, tôi luôn trăn trở với công việc; không ngại nắng cháy, mưa rừng, vượt núi đá tai mèo, cùng đồng nghiệp chốt trực trên đường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa từ biên giới về nội địa… để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách Nhà nước. Điều này góp phần đưa số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước năm 2007 tăng gấp 16 lần so với năm đầu chia tách tỉnh Hà Giang (năm 1991) từ tỉnh Hà Tuyên” – nguyên Cục trưởng Cục Thuế Hà Giang Tô Hữu Xuân chia sẻ. 

Đặc biệt hơn, từ vai trò lãnh đạo của ông Xuân cùng sự đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, giai đoạn 1992 – 2008, ngành Thuế Hà Giang vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng 2 Huân Chương lao động hạng Nhì, 3 Huân chương Lao động Hạng Ba; được Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Tài Chính, Tổng Cục Thuế tặng nhiều Bằng khen…

Tương tự ông Xuân, qua rèn luyện, trưởng thành trong thực tiễn, nhiều người con của tỉnh Thái Bình đến từ các xã: Thái Thọ, Thụy Phúc, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy), xã Tây Sơn (Tiền Hải), Phú Châu (Đông Hưng), Quang Lịch (Kiến Xương) đã chứng minh sự ưu tú, vươn lên vị trí quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Điển hình trong đó là anh Phạm Đình Kiên, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang; chị Nguyễn Thị Hoài, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Giang; anh Vũ Đình Kiên, Chi Cục trưởng Chi Cục Thuế huyện Bắc Quang; Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên Bùi Văn Toán; Phó Phòng Thanh tra – Sở Xây dựng Hà Giang Nguyễn Thuận Hải hay Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Hoàng Văn Thịnh…

Không chỉ góp tâm sức, trí tuệ xây dựng các cơ quan Đảng, Nhà nước, nhiều người con “quê lúa” còn trở thành doanh nhân thành đạt trên mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc… Không ít doanh nghiệp được biết đến là đơn vị tiên phong, “cánh chim đầu đàn” trong các lĩnh vực của tỉnh Hà Giang. Điển hình như: Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp và Sát hạch lái xe Bình Vàng – đơn vị trực thuộc Công ty TNHH 1 thành viên Đại Sơn 89 (Khu Công nghiệp Bình Vàng, xã Đạo Đức – Vị Xuyên) do ông Phạm Công Thành (quê ở xã Thụy Việt – Thái Thụy – Thái Bình) làm chủ doanh nghiệp đã trở thành địa chỉ hàng đầu của tỉnh Hà Giang trong việc đào tạo, sát hạch lái xe. “Từ khi thành lập (tháng 10.2011) đến nay, đơn vị đã đào tạo, sát hạch lái xe hạng B1, B2, C cho trên 7.500 học viên. Điều này giúp học viên tiết kiệm thời gian, chi phí vì được đào tạo lái xe ngay tại địa phương thay vì phải đi các tỉnh lân cận (Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái…) như trước đây” – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp và Sát hạch lái xe Bình Vàng Đinh Văn Hoa (quê ở thị trấn Diêm Điền – Thái Thụy – Thái Bình) chia sẻ.

Trên thương trường, không chỉ đấng nam nhi cầm quân lập chiến công hiển hách mà còn xuất hiện nhiều “bóng hồng”, xuất thân từ các xã Thụy Quỳnh, Thái Thành (Thái Thụy – Thái Bình) sẵn sàng đương đầu “tuyến lửa”, phát triển doanh nghiệp. Điển hình như chị Phạm Thị Lý – Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Hà Giang (tổ 9, phường Minh Khai – TP. Hà Giang). Sau khi thành lập (năm 2009), công ty của chị trở thành doanh nghiệp khoa học, công nghệ đầu tiên của tỉnh Hà Giang với những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu, bảo tồn, phát triển các loài dược liệu quý, như: Đương quy, Đẳng sâm, Hà thủ ô... Còn chị Vũ Thị Hà hiện là Phó Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Hải Hà (tổ 9, phường Quang Trung – TP. Hà Giang); trực tiếp quản lý chuỗi Nhà hàng Hạnh Phúc (phường Trần Phú), Khách sạn Công đoàn, Khách sạn Hoàng Anh (phường Nguyễn Trãi) và Khu du lịch sinh thái Trường Xuân Resort (phường Quang Trung – TP. Hà Giang). Trong đó, khu du lịch sinh thái Trường Xuân Resort không chỉ có khung cảnh nên thơ bên dòng sông Miện, vị trí đắc địa ngay “cửa ngõ” Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn mà còn được du khách đánh giá là resort đẹp và hiện đại bậc nhất Hà Giang.

Những dẫn chứng trên chỉ là số ít trong rất nhiều doanh nghiệp điển hình của tỉnh Hà Giang do người Thái Bình làm quản lý. Song, tựu chung lại, sự phát triển mang tính đột phá của các doanh nghiệp đã trở thành động lực quan trọng đóng góp cho Hà Giang phát triển. Bởi họ đã, đang góp phần giải phóng, phát triển sức sản xuất; huy động, phát huy nội lực để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách. Đồng thời, tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội, như: Tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, an sinh xã hội...

Không chỉ có những người con “quê lúa” góp sức xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển doanh nghiệp; nhiều người như lão nông Phạm Bá Kỳ (quê ở huyện Vũ Thư – Thái Bình) đã không ngừng dốc sức xây dựng nông thôn Hà Giang phát triển. Nay tuổi đã gần 80, sau nhiều thập kỷ gắn bó, cùng người dân địa phương đoàn kết xây dựng Nông thôn mới; giờ đây, ông Kỳ vui mừng chứng kiến thôn Mỹ Tân (xã Tân Quang) bứt phá thành Thôn Tự chủ - Tự quản kiểu mẫu trong xây dựng Nông thôn mới của huyện Bắc Quang.

“Anh đi khai phá miền Tây

Rừng núi bao la bừng giấc say

Anh khai đất hoang thành luống cày

Mai kia mừng ngô, lúa nặng tay”.

Câu thơ đầy quyết tâm ấy của ông Phạm Bá Kỳ buổi đầu lên với Hà Giang cách đây gần 3 thập kỷ được ngâm nga bên nương chè, chờ ông thu hái khiến chúng tôi thêm ấn tượng về tâm huyết, sự đóng góp của những người con “quê lúa” trong công cuộc xây dựng Hà Giang sớm thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn…

Thu Phương

(Báo Hà Giang)

(Tác phẩm dự thi viết về Người Thái Bình, đất Thái Bình ) 

  • Từ khóa