Thứ 7, 16/11/2024, 05:51[GMT+7]

Bảng “xồm” - Ươm ước mơ làm giàu trên ruộng hoang

Thứ 2, 23/09/2019 | 16:51:43
2,333 lượt xem
Không cam lòng nhìn từng “tấc vàng” bị bỏ hoang, đảng viên trẻ Nguyễn Đình Bảng, xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng, mua sắm máy nông nghiệp, quyết tâm “ươm” ước mơ làm giàu. Vì thế, nói đến Bảng “xồm”, dù vẫn là cái tên Xồm thân thương người dân trong vùng gọi anh, nhưng họ không chỉ nhớ về bộ râu quai nón đặc biệt, mà nghĩ ngay đến anh Bảng dám nghĩ dám làm, năng động, sản xuất giỏi.

Anh Bảng bên chiếc máy cày và thửa ruộng anh đang thầu canh tác.

Trung tuần tháng 7, dưới cái nắng như nung, anh Nguyễn Đình Bảng mà người dân trong làng thường gọi với cái tên thân thương - Bảng “xồm” bởi anh có bộ râu quai nón đặc biệt - vẫn miệt mài điều khiển chiếc máy làm đất đa năng trên cánh đồng Lềnh Khềnh, thôn Tô Trang, xã An Mỹ. Anh nói: Làm khẩn trương để đảm bảo gieo cấy hết diện tích lúa mùa trong khung thời vụ cho phép. 

Dù nắng cháy xạm da, quần áo lấm lem bùn đất, nhưng nụ cười của anh lúc nào cũng tươi rói và ánh mắt lấp lánh niềm lạc quan.

Anh Bảng tâm sự: Đất quê mình màu mỡ, thẳng cánh cò bay, tưới tiêu thuận lợi, song một số gia đình vì không có lao động, nên đã bỏ hoang, dẫn đến tiềm năng không được khai thác, chuột phát sinh, sâu bệnh chuyển vụ cao. Chính điều này, lại khiến những những người nông dân từng gắn bó với đồng ruộng nản lòng. 

Đây cũng là trăn trở của cấp ủy Chi bộ thôn Tô Trang nói chung và Phó Bí thư Chi bộ Nguyễn Đình Bảng nói riêng. Nhận thấy mình còn trẻ, có sức khỏe, đã từng theo học trung cấp nông nghiệp Thái Bình, được tham quan học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi, nên anh đã tiên phong thuê lại diện tích bỏ hoang của nhiều hộ để canh tác. Sau khi bàn bạc cùng gia đình, Nguyễn Đình Bảng mạnh dạn vay vốn, mua 2 máy gặt đập liên hợp, 2 máy làm đất cỡ trung, 1 máy cơ nhỏ, 2 máy cấy và tự “chế” máy phun thuốc sâu.

Vụ xuân năm 2019, anh Bảng “xồm” kết nối với các trưởng thôn trong xã, thông báo tới nông dân, diện tích nào bà con không gieo cấy, hãy cho Bảng thuê lại. Toàn bộ các khoản phí dịch vụ đóng góp cho hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, anh sẽ lo hết. 

Vụ đầu tiên, anh Bảng canh tác 28 mẫu, trong đó cấy hơn 24 mẫu lúa nếp N97, còn lại là Thiên Ưu. Cuối vụ thu về trên 50 tấn thóc, trừ chi phí còn thu lãi hơn 100 triệu đồng. 

Vụ mùa này, diện tích anh thuê lại đã lên tới 50 mẫu, đều ở những xứ đồng mà chỉ nghe tên gọi đã thấy xa xôi, cách trở như Mô Cao, Lềnh Khềnh, đồng Kích. Anh Bảng cấy 25 mẫu giống lúa Nhật DS1, kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch với giá 6.000 đồng/kg thóc tươi, còn lại cấy BC15. Để đảm bảo thời vụ, anh liên kết với 2 gia đình trẻ, có 4 lao động, cùng gánh vác công việc và thuê thêm 2 nhân công, phụ giúp việc thu hoạch, gieo cấy. 

Không chỉ chăm lo diện tích canh tác của gia đình, hàng vụ, anh Bảng “xồm| còn “đánh” máy đi gặt hàng tháng trời tại các tỉnh miền Trung, hợp đồng làm đất, gặt máy cho hàng trăm mẫu ruộng của nhân dân trong xã. Anh cũng là người tiên phong, đưa máy cấy, mạ khay vào thực tế sản xuất ở xã An Mỹ.

Dù làm nông vất vả, nhưng chưa khi nào anh Bảng “xồm” nản chí hay than vãn. 

Anh cho rằng: Sản xuất nông nghiệp tuy phụ thuộc nhiều vào thời tiết, song ngày nay, hầu hết các khâu đều được cơ giới hóa, đồng liền vùng, liền thửa, đất đai màu mỡ. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ, nên có làm là có ăn và hoàn toàn có thể làm giàu. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất của gia đình, không chỉ canh tác trên diện tích bỏ hoang của thôn Tô Trang, mà sẽ mở rộng ra các thôn trong xã, hướng tới là mở rộng sang các xã lân cận. Tôi muốn tận dụng tiềm năng đất đai, tránh bỏ hoang phí, vừa khai thác hiệu quả hệ thống máy móc đã đầu tư nhằm nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, thu nhập cho một số bà con trong thôn xã.

Tin rằng với sức trẻ, trí tuệ và nghị lực, tinh thần lạc quan tin tưởng, ước mơ làm giàu trên ruộng hoang của anh Nguyễn Đình Bảng sẽ tiếp tục đơm hoa, kết trái bằng những vụ lúa bội thu. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, mà còn thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và góp phần xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh.

 


Ông Nguyễn Quang Khải, Chủ tịch UBND xã An Mỹ

Trong những năm qua, ở xã chúng tôi, nhiều gia đình vì đi làm ăn xa hoặc vào làm ở các công ty nên một số diện tích ruộng bị bỏ hoang. Không chỉ lãng phí tài nguyên đất đai mà còn dẫn đến hệ lụy là phát sinh nạn chuột phá hoại, là môi trường cho sâu bệnh chuyển vụ. Đây cũng là trăn trở của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Rất mừng là anh Bảng đã mạnh dạn thầu diện tích bỏ hoang của nhân dân trong thôn, mua sắm máy móc đưa vào canh tác. Trong khuôn khổ cho phép, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để anh Bảng yên tâm sản xuất và sẽ nhân rộng mô hình sản xuất của anh Bảng để xã An Mỹ không có diện tích canh tác nào bị bỏ hoang.


Cụ Phạm Canh, 80 tuổi, thôn Tô Trang, xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ

Ngày trước còn sức khỏe, chúng tôi tận dụng từng thước đất để gieo cấy, nhưng giờ tuổi cao rồi, sức yếu không làm được. Thấy anh Bảng có cách nghĩ mới, năng động, dám làm và thực tế canh tác có hiệu quả, tôi có hơn 4 sào ruộng để cho anh Bảng làm. Vừa đỡ để ruộng hoang hóa lãng phí đất đai, vừa hạn chế chuột bọ, sâu bệnh phát sinh.


Bà Hoàng Thị Mỏi, thôn Tô Trang, xã An Mỹ


Nhà tôi có 5 sào ở đồng xa quá, đất vừa chua vừa trũng nên tôi để cho gia đình anh Bảng gieo cấy. Tôi xin lại ruộng ở đồng trên làm cho dễ dàng hơn. Phải nói vợ chồng anh Bảng quá giỏi, quá chăm chỉ, quyết tâm, ngày nào cũng có mặt trên đồng ruộng. Chúng tôi rất mừng và mong anh ấy có nhiều sức khỏe, sản xuất được mùa, để thôn tôi, xã tôi không còn diện tích ruộng nào bị bỏ hoang.


 

Hoài Thương

(Đài TT-TH Quỳnh Phụ)

(Bài dự thi viết về Người Thái Bình, đất Thái Bình)




  • Từ khóa