Thứ 7, 16/11/2024, 05:36[GMT+7]

Trà Vinh - Thái Bình: Son sắt thủy chung

Thứ 2, 30/09/2019 | 11:12:00
8,379 lượt xem
Khoảng đầu năm 1970, nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác bài hát “Hai chị em”. Lời bài hát đã ca ngợi thành tích của những “nữ chiến sĩ” ở tiền tuyến miền Nam, hậu phương ở miền Bắc, mà cụ thể là ở 2 tỉnh Trà Vinh - Thái Bình. Gần 50 năm qua, bài hát đã đi vào lòng người, khắc sâu thêm tinh thần đoàn kết keo sơn, không gì làm lay chuyển tình cảm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân giữa 2 tỉnh Trà Vinh - Thái Bình như anh em ruột thịt.

Ông Nguyễn Văn Thơi, chủ cửa hàng Mắt kính số 1 đang đo độ mắt cho khách hàng.

Thắm đượm nghĩa tình Thái Bình – Trà Vinh

Ông Bùi Văn Rinh, sinh năm 1955, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động, Trưởng Ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động tỉnh (nay đã nghỉ hưu) khẳng định cùng chúng tôi: Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở miền Bắc, cùng với các phong trào thi đua rất hiệu quả như: “Sóng duyên hải” trong công nghiệp, “Gió đại phong” trong nông nghiệp, “Cờ ba nhất” trong lực lượng vũ trang, “Hai tốt” trong trường học, “Thầy thuốc như mẹ hiền” trong ngành y tế, “Ba cải tiến” trong các cơ quan, “Ba đảm đang” trong phụ nữ, “Ba sẵn sàng” trong thanh niên… Ngoài ra, nhân dân miền Bắc còn tổ chức các phong trào “Vì miền Nam ruột thịt” mang đậm nghĩa tình Bắc - Nam và có hiệu quả thiết thực. Nổi bật là phong trào kết nghĩa Bắc - Nam giữa các thành phố, các tỉnh miền Bắc với các thành phố, các tỉnh miền Nam như Hà Nội - Huế - Sài Gòn đã đi vào câu ca, bài hát: “Hà Nội - Huế - Sài Gòn như cây một gốc, như con một nhà”; Trà Vinh - Thái Bình… được ký kết nghĩa vào năm 1960 và đến năm 1970, bài hát “Hai chị em” ra đời cũng nằm trong tình cảm đó.

Tác dụng thiết thực của phong trào kết nghĩa Bắc - Nam là động viên dân và quân miền Bắc thi đua sản xuất và chiến đấu bảo vệ miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam theo tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, học tập và cổ vũ tinh thần hy sinh chiến đấu của quân, dân miền Nam thi đua giết giặc lập công giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, rất nhiều anh “Bộ đội Cụ Hồ” của Thái Bình đã xung phong vào miền Nam để tiếp tục cống hiến. Ở Trà Vinh cũng vậy, trong khoảng 100 gia đình (tính riêng trên địa bàn thành phố Trà Vinh) hiện nay, có rất nhiều người từng tham gia trong các cơ quan của Đảng, đơn vị hành chính sự nghiệp hoặc là tiểu thương… đã có rất nhiều người đã từng khoác áo bộ đội. 

Ông Đặng Đình Hồng, nguyên Ủy viên Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Công đoàn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đã nghỉ hưu) chia sẻ với chúng tôi: Nếu ai một lần đến thành phố Thái Bình, sẽ nghe kể về nhiều địa điểm có tên Vĩnh Trà, như rạp hát Vĩnh Trà, nằm trên đường Hai Bà Trưng, sông Vĩnh Trà, đường Bắc Vĩnh Trà (nay đã đổi tên)… Vĩnh Trà chính là tên cũ của 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Là kết quả của sự kiện đáng nhớ: Ngày 20/3/1960, 2 tỉnh Thái Bình và Vĩnh Trà đã làm lễ kết nghĩa. Đây chính là một phần của phong trào kết nghĩa Bắc - Nam. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, với trách nhiệm là tỉnh vinh dự được kết nghĩa với Trà Vinh, nên việc chi viện nguồn nhân lực cho tỉnh Trà Vinh là một trong những nhiệm vụ cao cả của tỉnh Thái Bình. Vì vậy, nhiều cán bộ, giáo viên được điều động hoặc tình nguyện vào tỉnh Trà Vinh công tác, lao động, học tập, sinh sống, trong đó có anh, chị em đang sống tại thành phố Trà Vinh và các vùng lân cận với thời gian khá lâu, hầu hết đều có gia đình và xem Trà Vinh là quê hương thứ hai của mình.

Vợ chồng ông Bùi Văn Rinh và bà Nguyễn Thị Vui trong cuộc sống thường nhật. 

Khát khao có Hội Đồng hương Thái Bình mạnh toàn diện

Do hoàn cảnh sống xã quê hương, nên hầu hết các anh chị em Thái Bình đều có nguyện vọng sum họp để cùng động viên khích lệ tinh thần, đồng thời giúp đỡ nhau những lúc khó khăn. Vì vậy, cần có tổ chức của những người con quê hương Thái Bình tại Trà Vinh, gọi là Hội Đồng hương Thái Bình với mục đích là “sân chơi”, là điểm hội tụ để tạo điều kiện để các anh em, chị em có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi về đời sống, giúp đỡ nhau khi gia đình có công việc, hữu sự.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, giữa tháng 7/2018, anh em chúng tôi ngồi lại và nhất trí huy động để thành lập Hội Đồng hương Thái Bình tại Trà Vinh. Tuy nhiên, do mỗi người mỗi việc, mỗi người mỗi hoàn cảnh, nên đến nay chỉ có 40 thành viên (hộ) nhất trí. Theo đó, chúng tôi đã dự kiến xong “nhân sự” để chuẩn bị hoạt động. Hiện nay, chúng tôi xây dựng “Bản quy ước hoạt động”, đang trong giai đoạn đóng góp dự thảo. Mục tiêu, hành động của Hội Đồng hương Thái Bình tại Trà Vinh đề ra là: “Đoàn kết, gắn bó, ổn định lâu dài”… Ông Mai Đức Khang, người dự kiến làm Trưởng ban Liên lạc Hội Đồng hương Thái Bình tại Trà Vinh chia sẻ.

Cuộc sống phần lớn của những người con quê hương Thái Bình tại Trà Vinh hiện nay đều ổn định. Kể lại những năm còn khó khăn về kinh tế, điều kiện thông tin liên lạc chưa phổ biến, ông Bùi Văn Rinh nhớ lại: Tôi quê thôn Vinh Tiến, xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Vợ tôi (bà Nguyễn Thị Vui - PV) cùng quê, sau 1975, khi vào miền Nam, tôi đi chỉ một mình. Lúc đó tôi tròn 20 tuổi, có bằng lái máy cày. Về tỉnh Cửu Long cũ nhận nhiệm vụ ở đội máy cày, thuộc Ty Nông nghiệp Cửu Long (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long). Nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con, nhớ người thân, nhưng kinh phí đâu đủ để về quê. Mỗi lần Tết đến, có ai quê Thái Bình vô Nam, hoặc có người về Thái Bình trở vào, dù xa hay gần tôi cũng tìm đến, thăm hỏi về Thái Bình, những đổi thay ra sao… Mãi đến năm 1986, vợ tôi mới vào Nam, gia đình mới đoàn tụ. Tính ra, tôi đã có 3 quê hương: Thái Bình - Cửu Long (Vĩnh Long) và nay là Trà Vinh.

Chúng tôi hết sức cảm động, hôm đến thăm gia đình vợ chồng ông Bùi Văn Rinh và bà Nguyễn Thị Vui. Đã nghỉ hưu, ông bà đang sống với người con trai út. Căn nhà của ông nằm trên đường Phan Đình Phùng, thuộc Phường 7, thành phố Trà Vinh cũng thắm đượm tình đồng chí, nghĩa đồng đội: Liên đoàn Lao động tỉnh Trà Vinh hỗ trợ một phần đất, ông bà dành dụm xây dựng căn nhà cấp IV, với diện tích khoảng 100m², ấm cúng, khang trang. Càng cảm động hơn, ở bức tường, nơi phòng khách, ông dành để treo các loại bằng khen, giấy khen… ghi nhận những cống hiến của ông từ lúc tỉnh Cửu Long và Trà Vinh. Trong số đó, có cả Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng (1983 - 2013).

Ở lĩnh vực kinh doanh, hiện nay nhiều người con quê hương Thái Bình sống ở Trà Vinh sản xuất, kinh doanh tạm gọi là “thành đạt”. Ông Nguyễn Văn Thơi, sinh năm 1977, quê ở xã Đông Các, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, năm 2003, vợ chồng ông từ Phan Thiết, quyết định chọn Trà Vinh để gầy dựng cơ nghiệp. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thơi cho biết, thời gian đầu cũng gặp không ít khó khăn, “đất lạ, quê người”, nhưng nhờ sự giúp đỡ của những người đồng hương, sự ủng hộ của chính quyền, địa phương, trong khoảng thời gian ngắn, ông đã mở tiệm kính và lấy thương hiệu Mắt kính số 1 (tọa lạc tại số 42, đường Điện Biên Phủ, Khóm 3, Phường 2, thành phố Trà Vinh). Nhờ phương châm hoạt động nhanh, uy tín, cửa hàng Mắt kính số 1 đã được khách hàng đón nhận, ủng hộ và ông không ngừng mở rộng về quy mô, địa bàn kinh doanh. Từ năm 2017 đến nay, hàng năm ông Nguyễn Văn Thơi đều dành một phần kinh phí để cùng với Hội Mắt kính Phương Nam tổ chức khám, tặng kính miễn phí cho các học sinh, hộ nghèo ở tỉnh Bạc Liêu; huyện Trà Cú, Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh… “Mình đã xem Trà Vinh là quê hương thứ 2; những gì mình có được hôm nay là nhờ người dân Trà Vinh ủng hộ. Vì vậy, dành một phần để giúp đồng bào nghèo là trách nhiệm…” ông Nguyễn Văn Thơi chia sẻ.

Có thể nói: Đồng hương Thái Bình tại Trà Vinh đã phát huy truyền thống quê hương, cần cù lao động, năng động sáng tạo, đoàn kết giúp nhau, ra sức xây dựng cuộc sống, góp phần tích cực vào xây dựng và phát triển cho quê hương Trà Vinh. Tuy cuộc sống còn phải tiếp tục phấn đấu, song phần lớn đã ổn định, việc khát khao có Ban Liên lạc Hội Đồng hương Thái Bình tại Trà Vinh để có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, giúp đỡ nhau phát triển là nguyện vọng chính đáng.

Ông Mai Đức Khang chia sẻ: Hội Đồng hương Thái Bình tại Trà Vinh về danh nghĩa được thành lập vào tháng 7/2018, nhưng còn rất mới mẽ, chỉ vài lần họp mặt, ít lần tổ chức thăm hỏi các gia đình khi có việc hiếu, hỷ; tự vận động giúp đỡ nhau đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn… Với nền tảng đã có, Hội Đồng hương Thái Bình tại Trà Vinh dang tay rộng mở, kêu gọi những người con quê Thái Bình tại Trà Vinh cùng “chung lưng đấu cật” đạt mục tiêu, phương châm hành động mà Ban Liên lạc Hội Đồng hương đã đề ra: “Đoàn kết, gắn bó, ổn định lâu dài”.  

TRƯỜNG HIẾU

(Báo Trà Vinh)

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài Người Thái Bình - đất Thái Bình) 

  • Từ khóa