Hiệu thuốc lào Giang Ký - Nơi trung chuyển ngọn lửa cách mạng
Giang Ký - Ông chủ cửa hiệu thuốc lào
Chẳng biết cửa hiệu thuốc lào Giang Ký có từ bao giờ? Nhưng từ khi trở thành chủ cửa hiệu thì nhân dân làng tôi và cả các vùng lân cận đều gọi ông là ông Giang Ký. Theo gia phả của dòng họ thì ông tên thật là Nguyễn Công Ngoạt, là anh cả của một gia đình trưởng tộc có 4 anh em là: Nguyễn Công Ngoạt, Nguyễn Công Nguyệt, Nguyễn Thị Ghi và Nguyễn Công Nghi, thuộc dòng họ Nguyễn Công, làng An Định, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, người dân làng An Định ruộng đất ít, nhân khẩu nhiều cho nên sau việc đồng áng mùa vụ người dân nơi đây còn phải làm thêm nghề dệt vải và đi buôn bán ở khắp nơi để kiếm sống. Tuy ruộng đất ít nhưng mọi người dành ra những phần đất tốt để trồng thuốc lào, phần còn lại mới để cấy lúa. Thuốc lào của người dân An Định trồng được chăm bón cẩn thận và chế biến rất công phu nên luôn thơm, đượm và ngon có tiếng ở trong vùng. Ngày đó, thuốc lào sau khi chế biến được đóng thành từng bánh bọc lá chuối khô, mỗi bánh chừng 250 gram rồi được xếp gọn trong các vại lớn coi đó là tài sản quý của mỗi gia đình, thuốc để càng lâu hút càng ngon. Sau mùa vụ những người đàn ông có sức khỏe tốt lại mua gom, đóng gói rồi mang lên tận Hà Nội và các tỉnh miền ngược khác đi bán kiếm lời, dân trong làng gọi là đi trẩy thuốc lào.
Ở Hà Nội mọi người thường bán cất cho cửa hiệu Giang Ký ở phố Hàng Đường, một số người còn được chủ cửa hiệu thuê làm những công việc khác trong lĩnh vực kinh doanh của cửa hiệu. Trong số những người mang thuốc lào bán cho cửa hiệu có một người tên là Nguyễn Công Ngoạt. Ông buôn bán nhanh nhẹn, hoạt bát lại thật thà và chịu khó nên chiếm được cảm tình của cô con gái duy nhất của ông bà chủ cửa hiệu là cô Lê Thị Tĩnh. Ông bà chủ cửa hiệu tuổi đã cao mà chưa tìm được người kế nghiệp liền cho tổ chức cưới rể, rồi giao cho vợ chồng Nguyễn Công Ngoạt – Lê Thị Tĩnh từng bước tiếp thu quản lý cửa hiệu và toàn bộ tài sản mà ông bà đã tích góp được.
Sau khi nhạc phụ và nhạc mẫu qua đời thì vợ chồng ông trở thành người kế nghiệp duy nhất cửa hiệu thuốc lào Giang Ký và số tài sản mà các cụ để lại. Từ đây hai ông bà mở rộng kinh doanh buôn bán mặt hàng thuốc lào và thuốc lào Giang Ký đã trở nên có tiếng ở đất Hà Thành và nhiều nơi khác. Lúc bấy giờ đã có câu ca “Bao diêm quả đào - Thuốc lào Giang Ký”. Buôn bán phát đạt hai ông bà tiếp tục mở rộng kinh doanh theo hình thức ứng vốn trước và thu mua sản phẩm sau. Các địa phương Thụy Anh, Thái Ninh (Thái Bình) Vĩnh Bảo, Tiên Lãng (Hải Phòng) là những nơi cung ứng sản phẩm thuốc lào cho cửa hiệu. Lúc này cửa hiệu có vài chục người làm nhưng chủ yếu là những người anh em họ hàng, làng xóm, láng giềng thuộc làng An Định. Ngoài ra còn một số người thuộc bên vợ. Có người chuyên môn đóng gói, có người chuyên in nhãn mác, có những người chuyên mang hàng đi giao cho mọi nơi, lại có người chuyên kiểm tra chất lượng sản phẩm. Số tiền thu được sau khi trả công cho những người làm, số còn lại ông đóng vào két sắt rồi gửi vào nhà băng Bạch Mai khi cần thiết lại lấy ra dùng.
Kinh doanh buôn bán giỏi nhưng ông lại không biết chữ và không có con mặc dù đã lấy tới bảy người vợ. Ông phải nhờ anh em thân thích như Ký Quyên (Trà Hồi, Thụy Bình), Trưởng Thi (An Định) làm thư ký. Các văn bản giấy tờ làm xong đọc cho ông nghe, chỉnh sửa theo ý của ông rồi ông điểm chỉ. Đồng thời ông cũng đầu tư cho em trai út là Nguyễn Công Nghi theo học các trường ở Hà Nội. Buôn bán giỏi, giàu có, ông rất hào phóng và giao lưu quan hệ với nhiều chủ cửa hiệu có tiếng ở Hà Nội như hiệu Uyên Cẩn (phố Hàng Đường), hiệu Lý Hoàng Phát (phố Hàng Bồ), hiệu Nghĩa Xương (chợ Bờ Hòa Bình), hiệu Cự Lai (phố Hàng Đường), hiệu Quảng Phú Xương( phố Hàng Song) ... Trong số này có những người là Hoa Kiều buôn bán tại Hà Nội.
Vào những năm 1940 – 1941, khi đồng chí Nguyễn Lương Bằng chịu trách nhiệm gây quỹ cho Đảng hoạt động, ông đã có những đóng góp nhất định và được đồng chí Nguyễn Lương Bằng nhờ đứng tên trước bạ mấy ngôi nhà để tránh sự theo dõi của mật thám. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hai ông bà chủ hiệu Giang Ký vẫn trụ lại ở đó đến khi hòa bình lặp lại, hai ông bà đã bàn giao lại toàn bộ tài sản, giấy chước bạ, biên lai thuốc cho Đảng. Hai ông bà được gia đình cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng rất quý mến. Không có con nhưng tất cả các bà vợ ông đều đối đãi tử tế. Ở quê các bà, ông đều bỏ tiền ra tu sửa hoặc xây dựng đền chùa, từ đường để các bà có nơi tu hành lúc tuổi già. Hiện tại từ Giành, xã Thụy Văn và đình chùa làng Nhân Vực xã Thọ Vực, huyện Văn Giang tỉnh Bắc Ninh còn những tấm bia đá ghi công đức của ông. Cuối đời ông đã di chúc lại toàn bộ tài sản của mình cho em trai là Nguyễn Công Nghi và dặn kỹ khi nào Đảng và Nhà nước cần thì hiến tất cả cho Đảng và Nhà nước. Ông Nguyễn Công Nghi đã thực hiện đầy đủ lời di chúc đó.
Trạm trung chuyển ngọn lửa cách mạng
Theo anh lên Hà Nội buôn bán, Nguyễn Công Nghi được anh đầu tư tiền bạc cho ăn học. Ông học giỏi, thông minh và rất tích cực trong các phong trào học sinh thời đó như phong trào: Đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, đưa tang cụ Phan Chu Chinh rồi đến các phong trào bãi khóa của học sinh sinh viên, Nguyễn Công Nghi đã tham gia rất nhiệt tình. Ngoài giờ đi học, Nguyễn Công Nghi cùng tham gia công việc của cửa hiệu với những người làm công khác.
Trong số những người làm việc cho cửa hiệu có Nguyễn Công Toan người cùng họ. Nguyễn Công Toan là học trò của cụ Cử Tiết và là bạn thân của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Ông đỗ khóa sinh nên dân làng An Định thường gọi là Khóa Toan. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thường lui tới cửa hiệu thuốc lào Giang Ký để giác ngộ cách mạng cho Nguyễn Công Toan và Nguyễn Công Nghi. Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở các lớp huấn luyện tại Quảng Châu thì Nguyễn Công Nghi được bí mật cử sang đó để tham dự lớp học. Việc Nguyễn Công Nghi sang Trung Quốc thuận lợi hơn những người khác vì kinh phí đã được anh chị chu cấp, mặt khác anh chị lại có nhiều người bạn kinh doanh ở Hà Nội là Hoa Kiều nên đã qua mắt được sự kiểm soát của mật thám Pháp. Về nước ông tiếp tục hoạt động tại Hà Nội. Từ năm 1926 đến năm 1929, Nguyễn Công Nghi đã được các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc kết nạp vào Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Đầu năm 1929 thì được đồng chí Đỗ Ngọc Du kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, giao cho quản lý cơ quan kinh tài của Đảng ở số nhà 20 phố Cửa Đông, Hà Nội. Từ 1930 – 1936 ông bị bắt giam tại các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, sau bị đầy đi Côn Đảo cùng nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng trong nhà tù. Từ giữa năm 1932 đến cuối năm 1932, Nguyễn Công Nghi đã cộng tác cùng Nguyễn Lương Bằng làm báo “Lao tù tạp chí”. Trong thời gian ở tù, Nguyễn Công Nghi thường xuyên nhận được tiếp tế và cung cấp tin tức ở bên ngoài từ anh chị Giang Ký. Năm 1936 ông được ân xá ra hoạt động công khai làm việc trong hội Ái Hữu.
Cũng từ cửa hiệu thuốc lào Giang Ký, Nguyễn Công Nghi và Nguyễn Công Toan được đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc giác ngộ rồi kết nạp vào đội “Thanh niên cách mạng”. Nhiều người An Định làm việc tại cửa hiệu cũng phần nào được giác ngộ. Hai ông cũng đã về quê ở làng An Định, xã Thụy Văn để tuyên truyền giác ngộ quần chúng cho lớp thanh niên cùng xóm, tìm ra những người ưu tú kết nạp vào Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Ở An Định lúc này có nhiều người bị bắt đi lính cho Pháp để tham chiến trong chiến tranh thế giới lần thứ I. Nay được giải ngũ về quê, các ông đều là những người to khỏe và thông thạo tiếng Pháp, được đi ra ngoài phần nào đã có ý thức về xã hội. Một đặc điểm nữa của người dân nơi đây là thích tìm hiểu và tiếp thu cái mới cho nên được tuyên truyền giác ngộ thì rất dễ cảm hóa được họ.
Tổ chức thanh niên cách mạng ở An Định đã nhanh chóng phát triển. Đến năm 1928 đã có 12 người đứng trong tổ chức này, đến năm 1929 thì những người này được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3/2/1930 thì đến tháng 7/1930 những người này trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong quá trình hình thành và phát triển chi bộ Đảng thì các tổ chức quần chúng cũng ra đời như: Nông hội đỏ: 18 hội viên, Phụ nữ tương tế: 5 hội viên. Từ đây phong trào đấu tranh cách mạng được lan rộng ra các địa phương khác trong huyện, trong tỉnh và tổ chức Đảng cùng các tổ chức quần chúng ngày càng lớn mạnh.
Đối với Nguyễn Công Nghi khi được ra tù, ông về hoạt động công khai ở Hà Nội. Năm 1938 ông về quê cùng chi bộ lãnh đạo nhân dân đấu tranh với nhà Đoan Diêm Điền chống đánh thuế thuốc lào 2 lần, cuộc đấu tranh thắng lợi. Nguyễn Công Nghi trở về Hà Nội tiếp tục hoạt động và tham gia cấp chính quyền ở Hà Nội tháng 8/1945. Sau Cách mạng Tháng Tám đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã dùng nhà đồng chí Nghi làm nơi liên lạc với một số anh em cùng hoạt động và đưa đồng chí Nghi vào cộng hòa thương cục, một cơ quan Kinh Tài của Tổng bộ Việt Minh. Tháng 9/1950 đồng chí Nguyễn Lương Bằng giao cho đồng chí Nghi bảo vệ các bất động sản của Đảng. Suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Công Nghi vẫn ở lại Hà Nội hoạt động trong nội thành bảo vệ nguyên vẹn các bất động sản của Đảng mà đồng chí Nguyễn Lương Bằng giao cho quản lý.
Hòa bình lặp lại, ông đã đem toàn bộ số tài sản đó cùng với tài sản của anh chị di chúc lại và tài sản của cá nhân hiến hết cho nhà nước, kể cả tiền bạc. Ông trở về làm việc ở Bảo tàng Cách mạng, vợ ông bán hàng mậu dịch. Gia đình con cháu sống bằng đồng lương thời bao cấp trong một căn hộ nhỏ ở hẻm sâu gần Ngã Tư Sở.
Khi còn sống, ông thường tâm sự với con cháu: Bài học đầu tiên mà ông được học ở Quảng Châu do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy đó là bài “Đạo đức của người cách mạng” nên ông phấn đấu để thực hiện bài học này và dặn con cháu phải lấy bài này làm bài học thuộc lòng trong suốt cuộc đời.
Bùi Đức Niên
(xã Thụy Văn, Thái Thụy)
(Tác phẩm dự thi viết về Người Thái Bình, đất Thái Bình )
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
Nguyễn đức toàn - 3 năm trước
Xuân Tùng - 5 năm trước