Người Thái Bình trên đất Vĩnh Long
Bước đường vào quê hương thứ hai
Khi còn học phổ thông tại Thái Bình, chị Trương Hoàng Oanh (hiện là Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long) được nghe nhiều về đất và người Vĩnh Long qua những dòng thư tay của chị gái đang làm việc ở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cửu Long (nay là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long) với những dòng sông, vườn cây, rặng dừa xanh mát, con người nhân hậu, hiền hòa.
Năm 1985, sau khi tốt nghiệp phổ thông, chị Trương Hoàng Oanh theo chị gái vào Vĩnh Long sinh sống. Thế rồi mảnh đất Vĩnh Long nằm giữa hai nhánh sông Tiền Giang, sông Hậu Giang (tên mới của sông Mê Kông khi vào Việt Nam) hiền hòa, quanh năm nước ngọt với đồng lúa bao la đã níu chân cô gái Hoàng Oanh. Chị tiếp tục học chuyên môn rồi vào ngành ngân hàng làm việc cho đến nay.
“Thấm thoát đã 34 năm gắn bó và lập nghiệp ở quê hương thứ hai Vĩnh Long rồi đó”- chị Trương Hoàng Oanh nhớ lại: “Tôi vốn không sinh ra ở huyện Long Hồ, nhưng suốt tuổi thơ của tôi lại gắn bó với vùng quê này. Hạt gạo, giọt nước Long Hồ đã nuôi tôi lớn lên, mái trường Long Hồ đã rèn luyện, đào tạo tôi trưởng thành".
"Nơi đây chính là quê hương thứ hai và sẽ là nơi tôi gửi gắm suốt cuộc đời mình”- anh Phạm Công Toàn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Long Hồ chia sẻ. Theo anh Phạm Công Toàn, có nhiều người từ Thái Bình vào làm việc ở tỉnh Cửu Long trước đây. Những người này là cán bộ thuộc diện đi B, tức là đi chi viện cho chiến trường miền Nam, sau ngày giải phóng thì ở lại tiếp quản và tham gia chính quyền.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Phạm Công Đoàn (cha anh Phạm Công Toàn) - trước đây là giáo viên dạy cấp 3 ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình được phân công làm Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Long Hồ, sau đó là Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy kiêm Giám đốc Trường Đảng huyện Long Hồ. Sau thời gian làm việc, ông Đoàn xin chuyển công tác về quê nhà ở Thái Bình, nhưng lúc này ông Hồ Minh Mẫn- nguyên Bí thư Huyện ủy Long Hồ - đã khuyên ông Đoàn nên chuyển gia đình vào miền Nam vì thời điểm năm 1978, Long Hồ chưa có đủ nhân sự đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo ngành giáo dục. Vậy là năm 1979, vợ ông Đoàn đã đưa con trai (anh Phạm Công Toàn) vào thăm cha và học tiếp lớp 3 rồi cả gia đình vào Vĩnh Long và chọn đất Long Hồ định cư cho đến giờ. Lớn lên rồi công tác tại huyện Long Hồ, anh Phạm Công Toàn cũng rất tự hào vì huyện Long Hồ chính là quê hương của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.
Mãi nhớ về đất tổ
Là thanh niên xung phong, sau 4 năm sang giúp nước bạn Lào làm công trình giao thông, ông Trần Tiến Khanh (sinh năm 1956) quê ở xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà (Thái Bình) trở về dạy học tại Trường Cơ giới 1 ở huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Thủ đô Hà Nội).
Qua gửi thư thăm hỏi người quen, năm 1982, ông Khanh quyết định vào Vĩnh Long lập nghiệp rồi đón vợ con vào sinh sống. Sau 7 năm công tác ở Phòng Giao thông Vận tải huyện Long Hồ. Đất nước chuyển mình với đường lối đổi đổi mới, trong đó đẩy mạnh phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế tư nhân được Nhà nước khuyến khích. Ngành giao thông vận tải có chủ trương khoàn đầu xe tải, xe khách. Nhận thấy cơ hội lập nghiệp trước mắt ông Trần Tiến Khanh xin thôi việc ra ngoài kinh doanh xe vận chuyển khách và hàng hóa với tuyến cố định Long Hồ- Vĩnh Long.
“Đây là cả sự thay đổi về nhận thức và quyết định làm ăn táo bạo vào thời điểm đó”- ông Phạm Công Toàn nhận xét về ông Trẩn Tiến Khanh.
Buổi đầu lập nghiệp, biết bao khó khăn bủa vây phần do cơ chế quản lý của Nhà nước còn nhiều trói buộc, chưa thông thoáng, phần do thiếu kinh nghiệm kinh doanh nên việc kinh doanh của ông gặp nhiều khó khăn, thậm chí thất bại nhưng ông Khanh không lùi bước.
Nhờ có bằng lái xe cơ giới và làm ăn uy tín, ông Khanh ngày càng có thêm nhiều mối lớn. Công việc thuận lợi, ông có điều kiện lo cho con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện, ông đã cất được căn nhà tường khang trang với đầy đủ tiện nghi, có 2 chiếc xe tải loại 2,5 tấn và 3,5 tấn do ông và con trai lớn điều hành, chở hàng hóa từ TP Vĩnh Long về Long Hồ và các nơi lân cận. Còn con trai nhỏ đang làm hướng dẫn viên du lịch ở TP Hồ Chí Minh.
Ông Trần Tiến Khanh còn cho biết, lúc ông mới vô đây, huyện Long Hồ cũng như tỉnh Vĩnh Long còn nhiều khó khăn cả về điều kiện đi lại và đời sống (lương chỉ hơn 30.000 đ/tháng) nhưng được cái là thời tiết, khí hậu rất thuận lợi. Còn vùng đất Thái Bình được bao quanh bởi biển và sông, được thiên nhiên trao cho phong cảnh hữu tình, con người thật thà, chất phác, sống rất lạc quan. Sống ở trong miền Nam nhiều năm nhưng gia đình ông Khanh luôn nhớ về quê hương. Thỉnh thoảng, người thân ở quê lại gửi cho gia đình ông những món ăn quê như bánh cáy, bột sắn dây…
“Nếu như ở Vĩnh Long là nơi mình cống hiến và làm việc, phát triển sự nghiệp thì quê hương Thái Bình là nguồn cội, nơi mình sinh ra và gắn bó suốt những năm tháng tuổi thơ, thời học sinh tươi đẹp”- chị Trương Hoàng Oanh, Phó Giám đốc NHNN tỉnh Vĩnh Long tâm sự và nhắc nhớ.
Nơi đó có những chuỗi ngày theo cha mẹ ra đồng gặt lúa, dỡ khoai. Nhớ những tháng năm học trò, trên cánh đồng quê đẹp như bức tranh, trẻ con chạy theo những cánh diều no gió, thưởng thức tiếng sáo diều du dương. Những buổi tối cả nhà ăn cơn đoàn viên dưới ánh trăng, lắng nghe thanh âm cuộc sống ở làng quê bình dị. Những buổi trưa đi học về theo cha làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu… Hình ảnh quá đỗi bình dị ấy đã trở thành miền ký ức không thể nào quên đối với những người con quê hương Thái Bình. “Chính “quê hương 5 tấn” Thái Bình đã cho tôi những bài học cuộc sống đầu tiên, làm hành trang giúp mình hình thành nhân cách”- chị Trương Hoàng Oanh chia sẻ.
Năm 1977, khi tuổi mới lên 10, ông Lê Minh Đức- hiện là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, đã theo cha vào Vĩnh Long sinh sống. Cha ông là cán bộ A chi viện vào Vĩnh Long từ năm 1976. Ông Lê Minh Đức cho biết: “Dù Vĩnh Long là quê hương thứ hai nhưng đây là nơi tôi đã gắn bó lớn lên, học hành, trưởng thành... Và tình cảm tôi dành cho Vĩnh Long cũng như quê hương Thái Bình đều rất đặc biệt vì Thái Bình là quê cha đất tổ, tình cảm tôi dành cho người dân Thái Bình như là trong gia đình”. |
THÚY QUYÊN - XUÂN TƯƠI
(Báo Vĩnh Long)
Bài tham dự cuộc thi Người Thái Bình, đất Thái Bình.
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai