Thứ 7, 16/11/2024, 03:20[GMT+7]

Quãng đời huyền thoại

Thứ 5, 10/10/2019 | 15:39:20
2,752 lượt xem
Từ thuở còn bé tí tôi đã được nghe chuyện Trần Bình. Chuyện kể về anh như cổ tích, như huyền thoại vậy, mặc dù nhà anh cách nhà tôi có một cái ao bèo tây hoa tím và tuổi thơ anh cũng đã từng bơi lội đuổi nhau dưới cái ao bèo này như tôi.

Ảnh minh họa.

Chúng tôi cùng sinh ra ở làng Thọ Lộc, một cái làng khách lạ nghe cứ tưởng dân ở đây sống lâu và làm quan có nhiều bổng lộc. Làng Thọ Lộc mà! Nhưng khốn thay, nó lại trái ngược chứ. Người làng tôi ngày trước thường chết khi còn rất trẻ và túng bấn lắm. Người ta xếp vào hạng một trong những làng nghèo nhất Thái Bình. Gia cảnh và tuổi thơ Trần Bình mới cực làm sao. Chúng tôi được chị Trần Thị Bé, em gái của anh kể lại: Ngày nhỏ Trần Bình còn có tên là Trần Văn Tích. Tích đầu húi trọc, để hai trái đào hai bên, da ngăm đen, đôi mắt sáng, trông rất thông minh. Có người bảo đôi mắt nhìn lâu như “có thần”. Tướng ấy, lớn lên không làm quan thì cũng làm được những điều người khác khó làm được. Khốn nỗi cậu bé thông minh Trần Văn Tích sống giữa một làng quê nghèo quanh năm đói khát. Gia đình Tích đông người, ruộng ít, làm không đủ ăn. Túng thiếu đã đẩy tuổi thơ của Tích vào kiếp sống khốn cùng. Chín tuổi phải đi ở nuôi thân. Cái tuổi chúng bạn còn sờ vú, em đã phải xa mẹ, quanh năm, suốt tháng phơi nắng trên lưng bò ngoài đồng. Nào đã yên, làng Thọ Lộc không cưu mang nổi dân nghèo, thày mẹ Tích đành phải bồng bế đàn con phiêu diêu khắp đây cùng đó để tìm kế sinh nhai. Có thời, gia đình sống bằng nghề buôn gánh, bán bưng ở làng Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Có thời kỳ quay về quê làm ruộng, sau lại chuyển lên sinh sống ở phố Tân Tiến, quận Hai Bà Trưng. Thương bố mẹ lam lũ không đủ nuôi đàn em nhỏ. Tích bỏ học nửa chừng đi làm nghề bán lạc rang và bán báo. Cuộc sống phiêu diêu bạt, lao khổ đã giúp Tích sớm nhận biết sự bất công của xã hội đương thời. Em được bạn bè lôi cuốn vào đội thiếu niên biệt động của thành phố. Cái nghề bán rong lạc rang và bán báo sau này là điều kiện bịt mắt bọn chó săn để em thực hiện những công việc mình được giao như dán khẩu hiệu, rải truyền đơn, nắm việc đi lại của địch ở một số khu vực thành phố. Ý thức tuổi thơ và những thử thách ban đầu dần dần làm Tích dày dạn, cứng cỏi. Năm 18 tuổi, Tích tình nguyện ra nhập bộ đội quận 6 Hà Nội. Một năm sau, ngày 5 tháng 1 năm 1946, anh chuyển sang công tác ở đội “hành động” tức đội “Thanh Việt” thuộc công an quận 6, nay là huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Và cái tên khai sinh Trần Văn Tích được đổi thành Trần Bình từ đó.

Bốn năm sau của quãng đời tiếp theo và cũng là quãng đời chót của Trần Bình, anh đã hiến trọn thân mình cho Tổ quốc, cho nhân dân. Chỉ bốn năm thôi, anh đã liên tiếp làm được những việc chấn động cả thành phố. Những việc phải đổi bằng máu của một đời người. Con người ta khi nhắm mắt xuôi tay, nhiều khi ý tưởng một thời đều thành vô nghĩa. Nhưng với Trần Bình, ý nghĩa cuộc đời không những chẳng chìm lặng, mà chiến tích của anh gần nửa thế kỷ sau lịch sử và nhân dân vẫn soi tìm, ghi nhận. Tháng 8 năm 1995, Đảng và Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng công an nhân dân cho liệt sỹ Trần Bình. Chuyện về Trần Bình, người anh cùng làng một thời nghe như cổ tích, nghe như huyền thoại, mãi đến hôm nay tôi mới có dịp đi tìm cái “huyền thoại” trong quãng đời thực của anh.

Những người đầu tiên tôi gặp: Trần Đình Trọng và Trần Thị Bé, hai người em ruột của Trần Bình. Suốt một ngày họ lục tìm giấy tờ, kỷ vật và nói lại những điều họ còn nhớ về người anh trai của mình. Tiếp đó, được nghe anh Nguyễn Văn Thuận, người chiến sỹ cùng đội “Hành động” và là bạn tù chí cốt của Bình kể lại. Rồi xem các tư liệu về Trần Bình trong bộ hồ sơ do công an Hà Nội cung cấp, không chỉ cảm kích, xúc động, tôi còn bị cuốn hút bởi quãng đời thực của anh, quãng đời còn hơn cả huyền thoại, cổ tích.

“Gửi em Trần Đình Trọng !

Thế là anh đã đứng trong đội ngũ của lực lượng vũ trang cách mạng. Tuy công việc mới lạ, khó khăn song, anh đã cố gắng làm trọn bổn phận của người thanh niên bọn anh lúc này là phải phụng sự cho cách mạng, cho nhân dân. Nếu để nước mất, thì nhà cũng tan. Bọn anh xác định: dù có phải dấn thân vào chốn chông gai, vào nơi tù ngục, mà có lợi cho dân cho nước, thì vẫn sẵn sàng. Chỉ có điều, anh đi xa, thày mẹ thì già yếu, có một mình em là khôn lớn, nhà mình lại nghèo. Trọng ơi! Anh mong em cố gắng thay anh chăm lo thày mẹ và dạy bảo các em nghe. Chiến tranh rồi đây có thể lan rộng. Công việc của anh rất nặng nề, ít có điều kiện về thăm gia đình. Nếu chiến tranh khốc liệt, em đưa thày mẹ sơ tán về quê mình nghe em. Về cái làng Thọ Lộc, dẫu có nghèo khó, song đấy là nơi anh em mình đã sinh ra. Nương tựa nơi quê cha đất tổ, dẫu thế nào vẫn yên tâm hơn phải không em...” Bức thư Trần Bình gửi cho Trần Đình Trọng -em ruột của anh đề ngày 15 tháng 7 năm 1947 đã nhàu nát, nhòe ố. Anh Trọng đưa tôi xem, luận mãi mới đọc tiếp được đoạn cuối: “Ngày nhỏ anh phải đi ở, nên việc học tập thất thường, bây giờ ra công tác cực quá em ạ. Anh vừa làm việc vừa tranh thủ nhờ anh em dạy học cho. Có học mới hiểu được chuyên môn, mới phục vụ công tác và chiến đấu được. Ở nhà nếu có điều kiện, em phải cố gắng học tập nghe. Không có chữ, sau này là khổ đấy...” Anh Trọng bảo: “Lá thư là kỷ vật duy nhất quý giá của gia đình tôi. Đây cũng là “trăn trối” cuối cùng của anh tôi gửi cho chúng tôi đấy”.

Mùa thu năm 1947, một mặt quân Pháp mở các cuộc hành quân lên Việt Bắc, nhằm vây ráp, tiêu diệt các cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta. Mặt khác chúng dùng lực lượng quân sự kết hợp với bọn phản động tổ chức càn quét hòng triệt phá các cơ sở cách mạng ở Hà Nội. Để đối phó và đập tan mưu đồ của thực dân Pháp, theo chỉ thị của Trung ương, lực lượng quân đội và công an đã tổ chức trấn áp bọn phản cách mạng trên phạm vi toàn thành phố. Trần Bình, anh chiến sỹ trẻ vốn dĩ thông minh luôn bộc lộ sở trường của mình với công việc được giao. Anh hoạt bát, nhanh như sóc, xử lý khéo léo, mau lẹ. Có người còn gọi là Bình Sóc. Nhờ vậy Bình liên tục lập công, được anh em đơn vị mến nể, yêu mến.

 Một buổi tối, người chỉ huy đội “Hành động” công an quận 6 tập hợp anh em lại, vẻ mặt quan trọng, thông báo:

- Trương Đình Tri - chủ tịch hội đồng an dân Bắc Việt, một tên Việt gian đầu sỏ do Pháp dựng lên, rất lợi hại. Hắn đã chỉ điểm cho thực dân Pháp phá nhiều cơ sở, bắt nhiều cán bộ cách mạng.

Người chỉ huy đội “Hành động” đưa mắt lướt nhìn chung quanh, nét mặt vẫn đầy vẻ quan trọng, nói tiếp:

- Thành ủy và Uỷ ban kháng chiến thành phố Hà Nội quyết định trao cho đội “Hành động” công an quận 6 chúng ta bằng mọi giá phải trừ khử được tên Trương Đình Tri.

Người chỉ huy dừng lại, nhìn khắp lượt các chiến sỹ, rồi lên tiếng:ư

- Đồng chí nào xung phong đi làm việc này?

Trong số những cánh tay vun vút giơ lên, có anh chiến sỹ mặt non choẹt, ngồi ở ghế cuối, đó là Trần Bình. Giơ tay, chưa yên,  Bình đứng phắt dậy, khẽ nói:

- Thưa đồng chí chỉ huy, cho tôi được đi làm nhiệm vụ đó.

Tiếng một đồng chí cắt ngang:

          - Công việc nguy hiểm này, phải là người có kinh nghiệm, vì lực lượng bảo vệ hắn dày đặc. Bình còn trẻ và đang có nhiều triển vọng. Nếu chẳng may... chúng ta không thể để mất đồng chí Bình.

Bình lại đứng lên khẩn khoản:

- Tôi sẽ cố gắng để không phụ lòng các anh. Việc giết một tên giặc độc ác, dù là tôi hay người khác, dẫu có phải hy sinh cũng có tiếc chi. Đề nghị đồng chí chỉ huy cho tôi được nhận nhiệm vụ.

Ý nguyện tha thiết của Trần Bình được ban chỉ huy đội “Hành động” công an quận 6 đồng ý. Đội còn cử thêm Đặng Đình Kỳ phối hợp với Trần Bình để cùng giết tên đầu sỏ Việt gian. Kỳ hơn Bình hai tuổi,  người đậm, da trắng, am hiểu phố xá và rất gan dạ. Nhờ kiên trì bám mục tiêu và sự giúp đỡ tận tình của cơ sở trong nội thành, Bình và Kỳ đã nắm vững quy luật đi lại hàng ngày của Trương Đình Tri, nắm cả kế hoạch bảo vệ hắn của thực dân Pháp. Tên Tri cao, to, tướng người gian dảo, đầu hay đội mũ phớt, mắt đeo kính râm. Hắn đi đâu cũng có một tên vệ sỹ lực lưỡng, tóc cắt bốc, da nâu đen, đeo súng cập kè bên cạnh.

Chiều mùng 10 tháng 10 năm 1947, đội “Hành động”  gồm Bình và Kỳ bí mật phục kích, đón lõng Trương Đình Tri trong một hẻm ngõ, gần nhà hắn, tại 98 phố Hàng Mã, nay thuộc quận Hoàn Kiếm - Hà Nội. Bình mang theo một khẩu súng Brô-ning, một lựu đạn nổ, còn Kỳ cầm một súng côn bạt và một quả lựu đạn cháy.

Cả hai quả lựu đạn đều được mở chốt sẵn, bọc trong giấy báo. Tên Trương Đình Tri khệ nệ từ nhà hắn đi ra ngõ, vừa bước lên xe, thì Bình và Kỳ vút tới, ném lựu đạn vào trong xe và rút chạy an toàn. Lựu đạn nổ, lái xe và tên vệ sĩ chết ngay tại chỗ. Tên Tri bị trọng thương, sau đó chết tại bệnh viện quân đội Pháp ở đồn Thủy, nay là Viện quân y 108. Việc chủ tịch hội đồng an dân Bắc Việt bị giết giữa ban ngày làm cả thành phố xôn xao. Ngay ngày hôm sau, ở miền Nam, tên bù nhìn Nguyễn Văn Sâm trong Chính phủ Nam Kỳ tự trị cũng bị công an Sài Gòn bắn bỏ. Hai ngày diệt hai tên Việt gian đầu sỏ, gây chấn động lớn trong hàng ngũ tay sai, làm lung lạc mưu đồ “dùng người Việt, trị người Việt” của thực dân Pháp. Sự kiện trọng đại này khiến nhân dân cả nước nức lòng. Ngày đó, thường vụ Trung ương Đảng nhận định: “Khi địch mở cuộc tấn công vào cơ quan đầu não kháng chiến, ta cũng luồn sâu vào trung tâm đầu não của địch, diệt trừ những tên Việt gian đầu sỏ. Đây là đòn chính trị giáng vào quân Pháp, làm chúng choáng vang”.

Gần 2 năm sau, ngày 23 tháng 4 năm 1949, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh số 22 tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất cho Trần Bình và Đặng Đình Kỳ với thành tích lập công đặc biệt. Lần đầu tiên có một dấu ấn lịch sử: các chiến sĩ công an được Bác Hồ tặng thưởng huân chương cao nhất. Đây là một vinh dự lớn đối với ngành công an nhân dân.

Từ ngày hai tên Việt gian đầu sỏ ở hai miền đất nước bị đền mạng, bọn tay chân của thực dân Pháp vô cùng hoảng khiếp. Để vấn an “đệ tử” của mình và uy hiếp tinh thần các chiến sỹ ta, tòa án quân sự Pháp đã tuyên án rùm beng về việc xử tử hình vắng mặt Trần Bình và Đặng Đình Kỳ. Chúng treo giải bắt Bình và Kỳ với giá mười ngàn đồng tiền Đông Dương.

Sau vụ chủ tịch hội đồng an dân Bắc Việt bị “làm thịt” giữa thành phố, phong trào nổi dậy của quần chúng phát triển vùn vụt. Việc phá tề, trừ gian ở các vùng ven nội, ngoại thành đồng loạt diễn ra. Bị quậy phá mạnh, thực dân Pháp điên cuồng chống đối. Chúng bí mật giăng lưới khắp nơi và ráo riết lùng sục cán bộ cách mạng, lần tìm các đầu mối cơ sở. Đầu tháng 12 năm 1947, đội “Hành động” công an quận 6 lại được lệnh tiếp tục trừ khử tên chánh mật thám liên bang Buốc Ních, một tên chỉ huy lợi hại đang săn lùng lực lượng ta. Chân dung tên tướng mật thám này gian hùng có tiếng. Hắn ở tuổi ngoại ngũ tuần, đầu hói nhẵn thín, mắt sâu, được mệnh danh là tên thực dân cáo già quỷ quyệt. Hắn đã chỉ huy phá khá nhiều cơ sở cách mạng và giết tàn bạo những cán bộ hoạt động của ta. Lần này Trần Bình lại tình nguyện đi lấy đầu Buốc Ních. Nhưng lấy được đầu tên “cáo” này cực khó, vì mạng lưới “bọc” hắn rất dày. Tin ở sự thông thạo và kinh nghiệm ứng xử của Bình, ban chỉ huy đội “Hành động” quyết định cử Bình đi đòi mạng Buốc Ních. Người thứ hai của đội “Hành động” tình nguyện cùng với Bình trừ khử tên chánh mật thám là Nguyễn Văn Thuận. Thuận người tầm thước, đẹp trai, da trắng, rất gan dạ. Nhiều người mến mộ Thuận bởi cách sống của anh giản dị, chân tình. (Sau này Nguyễn Văn Thuận là quận trưởng quận Bình Thạnh, công an thành phố Hồ Chí Minh, nay đang nghỉ hưu). Nguyễn Văn Thuận hồi nhớ về cái ngày lịch sử ấy, ông bảo: Suốt đời ông chẳng bao giờ quên.

Nguyễn Văn Thuận kể: Ngày 15 tháng 12 năm 1947, buổi trưa, Bình và Thuận giấu kín lựu đạn và súng trong người, lững thững đi xuống phố Pa-ri, như hai anh chàng lẳng lơ đi chơi vậy. Phố Pa-ri, nay là phố Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng. Tới một gia đình cơ sở sát nhà riêng của Buốc Ních, Bình và Thuận lặng lẽ phục kích chờ đợi tên tướng mật thám cáo già. Ngày thứ nhất vắng lặng, không thấy hắn về. Ngày thứ hai yên tĩnh trôi qua. Cổng nhà Buốc Ních thưa thoảng kẻ ra người vào, nhưng vẫn chẳng thấy tăm hơi tên thực dân đầu hói, mắt xanh. Bình và Thuận nóng lòng sốt ruột. Bình suy đoán: hay kế hoạch bị lộ, hắn không về nhà? Thuận bảo: nếu bị lộ chúng đã bổ vây mình rồi ! Hai người quyết định viết báo cáo gửi về cấp trên. Viết xong, Thuận đang vo viên tờ giấy nhờ cơ sở chuyển đi, chợt có tiếng phanh gấp và tiếng động cơ ôtô nổ trước cửa hiệu patê, nơi hai người đang nằm phục. Linh tính bất thường, Bình và Thuận định vọt ra cửa sau. Nhưng không còn kịp, bốn tên lính Pháp, mặt đỏ, mắt nâu, đạp cửa ào vào trong nhà, chĩa súng trước mặt Bình và Thuận. Một tên nói tiếng Việt, giọng lơ lớ:

- Chúng mày đến đây làm gì?

Bình thản nhiên trả lời:

- Chúng tôi đến mua patê.

- Patê đâu, nói láo! Tên lính Pháp vừa hỏi, vừa tốc áo Bình lên, quả lựu đạn thòi ra. Bốn tên xấn vào túm chặt lấy Thuận và Bình lục soát, khám xét. Chúng thu được đầy đủ tang vật: súng, lựu đạn, cả tờ giấy báo cáo Thuận chưa kịp hủy rồi quẳng hai người lên xe. Từ đó Trần Bình và Nguyễn Văn Thuận bắt đầu bước vào những ngày thử thách có một không hai trong mỗi cuộc đời.

Tại phòng khảo cung của cơ quan mật thám Pháp, địch tra tấn Bình và Thuận với đủ cực hình tàn bạo. Quay điện, đấm đá, ngâm nước, đánh đòn v.v... vẫn không moi được những điều chúng cần tìm. Có lần hai ba tên xấn vào đè Bình và Thuận xuống nền xi măng, vừa hỏi cung, vừa cắm kìm lông ngỗng vào ngón tay. Đầu mỗi cái lông ngỗng là một cái kim nhọn hoắt. Mỗi câu hỏi, im lặng, dùi một kim. Cứ thế chúng lần lượt cắm hết 10 đầu ngón tay của hai người. Hàng chục lần bị tra tấn, Bình và Thuận trước sau chỉ nhận một việc duy nhất là đến cửa hàng patê để chờ giết tên Buốc Ních. Một thằng hất hàm hỏi:

- Chống lại quốc gia, giết người của chính phủ bảo hộ, các ông có biết phạm vào tội gì không? Bình dõng dạc trả lời:

- Chúng tôi cũng như mọi người công dân Việt Nam yêu nước khác, giết kẻ xâm lược Tổ quốc mình thì sao gọi là tội.

Hắn trừng mắt, đổi giọng:

- Mày to gan nhỉ. Vậy ai sai mày giết?

Bình nói không do dự:

- Không ai sai, Buốc Ních là tên mật thám gian ác, nên chúng tôi giết:

- Nói láo, phải có đứa xui chúng mày.

 - Không. Những kẻ tàn bạo như hắn, chúng tôi không giết, người khác cũng sẽ giết.

Đánh đập, xét hỏi hai thân hình đến tàn tã. Bình và Thuận vẫn trơ trơ. Bọn địch đành nhốt hai anh vào ngục, chờ chúng nghĩ kế tra khảo tiếp. Ở trong nhà lao, toàn thân đau đớn, Bình vẫn gượng dậy, tiếp tục nhờ Thuận và anh em bạn tù dạy văn hóa cho anh. Bình bảo: học để hiểu biết, để có kiến thức đấu tranh với bọn địch. Học còn để cho quên cơn đau nhức mà chúng tra tấn. Thương bạn ham học, mặc dù sau những ngày bị tra khảo, sức suy kiệt, Thuận vẫn gắng gượng dạy Bình. Bình học suốt ngày, suốt đêm, cả những lúc vết thương tấy sốt, Bình vẫn miệt mài ngồi học.

Hơn một tháng sau, Bình và Thuận đang ở phòng giam, hai tên địch mở cửa xồng xộc đi vào, còng tay hai người quặt ra sau, áp tải lên phòng tra khảo. Vừa sấp ngửa bước vào cửa phòng, Bình và Thuận giật mình nhận ra tên chánh mật thám Buốc Ních. Thì ra lần này Buốc Ních trực tiếp đối mặt với “địch thủ” của mình. Trực tiếp “gõ đầu” hai chiến sỹ Cộng sản đã từng săn lùng giết hắn. Nó liếc mắt về phía hai người, ánh mắt sắc và lạnh. Cứ tưởng Buốc Ních trút ngay cái hận giết hắn xuống đầu Bình và Thuận, nhưng không, tên chánh án mật cáo già này rất nham hiểm. Nó bình tĩnh, thư thả, lững thững bước lại phía Bình, chìa một bàn tay hếch cằm Bình lên và hỏi:

- Các ông đã biết gì chưa? Người của các ông phản bội rồi. Cơ sở của các ông đã bị lộ. Không có kẻ phản bội, sao chúng tôi biết được hai ông chờ lấy đầu tôi ở cửa hàng patê.

 Bình và Thuận hơi chột dạ. Chẳng lẽ có người phản bội ư, hay nó đánh đòn gió? Cả hai lại trấn tĩnh, mặc Buốc Ních lừa phỉnh, dọa dẫm. Hắn hỏi:

- Người chỉ thị cho hai ông “tặng” lựu đạn tôi tên gì? giờ ở đâu? Chỉ cần nói ra, các ông sẽ được bình an đi về.

 Bình thản nhiên nói:

 - Không có ai chỉ thị, chúng tôi tự làm.

 - Nói bậy ! Buốc Ních bắt đầu tức. Nếu các ông không khai, hắn chỉ tay vào đống đồ nghề tra khảo, mồm dọa: những thứ này sẽ hành nát thân thể các ông nghe chưa.

Dùng thủ đoạn vừa đấm vừa xoa, vừa nện vừa dụ không ăn nhằm gì, Buốc Ních điên người. Hắn ra lệnh cho tay chân của hắn tiếp tục tra tấn Bình và Thuận rất dã man. Riêng Trần Bình, bọn Pháp biết anh còn là “địch thủ” giết Trương Đình Tri, tên tay sai đầu sỏ của chúng, nên chúng giận dữ tra khảo anh tàn bạo hơn nhiều.

Một hôm Trần Bình đang ngồi nghiêng, tựa vào bức tường nhà giam, nhờ ánh sáng lọt qua để học bài. Bỗng cánh cửa mở toang, hai tên lính, một tên mắt chột, một tên cao to, vẻ hầm hầm tức giận, bước vào đè dấn Bình xuống, rồi lột hết quần áo. Chúng trói chặt hai cổ chân anh vào nhau, trói dặt cánh khuỷu hai tay ra sau và ròng dây kéo lên trần nhà, bụng và mặt úp xuống. Chưa hiểu nó giở trò man rợ kiểu gì, thì thấy tên cao to ôm bó củi gỗ tới xếp dưới chỗ treo Bình. Tay cầm chai xăng tưới lên đống củi, miệng hắn nói:

- Chúng tao “nướng” mày, xem mày có ngoan cố nữa không. Một tên châm lửa, đống củi bốc cháy bùng bùng. Tên kia thả dây cho người Bình từ từ tụt xuống đống lửa. Và cứ thế nó kéo lên, thả xuống, Bình bỏng rát vùng vẫy trên dây. Chúng đưa một số anh em tù gọi là “cứng cổ” vào xem để răn đe, uy hiếp. Tên mắt chột nhìn ngọn lửa phừng phừng sắp liếm vào bụng Bình, hất hàm nói:

          - Mày giết ông chủ tịch an dân Bắc Việt, lại còn định sát hại ngài chánh mật thám nước Pháp, gan mày không to thế đâu. Phải có đưa cầm đầu xúi mày làm. Đứa nào? Có khai ra không?

Mặc cho ngọn lửa liếm vào chân, vào bụng nóng bỏng, đau đớn, Bình vẫn cắn răng. Thỉnh thoảng anh mới trả lời chúng một câu quen thuộc, kiên quyết:

 - Không có ai cầm đầu xúi giục, chúng tôi tự giết nó.

Thằng mắt chột giận dữ, gầm lên:

 - Gan lì hả, tao sẽ nướng mày thành than.

Nó thả sợi dây cho Bình sát xuống đống lửa, anh oằn người lên vùng vẫy, răng vẫn cắn chặt nén chịu. Một kiểu tra tấn rất hiểm độc. Nó không đốt đầu, đốt ngực vì sợ Bình choáng chết, mà chỉ hơ từ bụng xuống hai chân. Mỡ ở hai đầu gối Bình cháy xèo xèo, nhỏ xuống đống củi. Mỗi lúc mỡ nhỏ xuống, ngọn lửa lại bùng to. Nhiều đám da bụng anh cháy seo lại. Nguyễn Văn Thuận và một số anh em tù phạm nhìn Bình đau quằn quại trên sợi dây, không ai không rơi nước mắt. Thấy có anh em khóc, thằng chột quay ra lườm, rồi dọa:

 - Chúng mày ngoan cố, tao cũng sẽ “thui” như nó.

Hắn kéo Bình lên cao và quát:

 - Sao, bây giờ thì mày khai chứ?

Buốt vào tâm can, tay chân Bình thỉnh thoảng giật giật, sợi dây rung lên, im lặng. Thằng mắt chột lại quát:

 - Mày không nói tao đốt mồm.

Vẫn im lặng, nó thả sợi dây cho ngọn lửa lại liếm lên người Bình. Anh quằn quại trong cơn đau đớn, rồi ngất lịm.

 - Khi ấy, Nguyễn Văn Thuận bảo, tôi không thể tưởng tượng Bình lại chịu đựng được như thế. Đúng là chỉ có chí khí của người công an cách mạng, mới có nghị lực phi thường như vậy.

Hôm sau Bình tỉnh lại, bọn địch chuyển anh và Thuận, cùng một số tù phạm sang giam tại Hỏa Lò. Bình bị nhốt vào khu “nguy hiểm” xà lim số 3. Thuận chúng giam ở xà lim số 5. Cơ thể Bình ngày càng suy sụp, người gầy đét. Vết bỏng do chúng đốt từ bụng xuông hai mu bàn chân da cháy sém, lở loét, rỉ nước, có chỗ vỡ ra từng mảng, thối khẳm. Những ngày ấy, Bình nằm bẹp, lặng lẽ, chắc là đau lắm. Nhưng chẳng nằm lâu, mấy hôm sau lại gượng dậy, vừa nhăn mặt, vừa học chữ. Bình tự ôn, tự học những bài đồng đội đã giảng cho anh trước đó. Rồi Bình dò dẫm ra nhà tắm, nhà vệ sinh để gặp Thuận và nhờ Thuận tiếp tục giảng dạy cho anh. Thuận gật đầu. Thế là từ đó ngày ngày cứ đến giờ vệ sinh, giờ tắm giặt Bình và Thuận lại gặp nhau. Thuận tranh thủ thời gian truyền đạt kiến thức cho Bình. Phải học vụng trộm trong cơn đau hành hạ, Bình vẫn cố gắng tiếp thu chương trình mà Thuận giảng giải. Có hôm đi không vững, bò không được vì hai đầu gối lở loét, Bình vẫn cố lết bằng mông và hai bàn tay bò giật lùi ra khu vệ sinh để không bỏ lỡ bài học.

Biết mình không bao lâu nữa sẽ bị xử bắn, vì riêng việc hạ thủ Trương Đình Tri, chúng cũng đã kết án tử hình Bình rồi. Chính Trần Bình đã truyền niềm tin và làm nên sức mạnh trong mỗi anh em trong tù, để họ vượt qua những ngày sóng gió nơi tù ngục.

Nửa năm sau ngày “giết xảy” tên chánh mật thám, Trần Bình và Nguyễn Văn Thuận bị Thực dân Pháp đưa ra xử tại tòa án binh. Đó là ngày 21 tháng 6 năm 1948, chúng kết án tử hình Trần Bình về tội mưu sát chánh mật thám liên bang Buốc Ních với đủ tang vật và chứng cớ. Bình còn lĩnh thêm một án tử hình về tội giết chủ tịch hội đồng an dân Bắc Việt Trương Đình Tri. Lĩnh hai án tử hình trước mặt bọn quan tòa - một nửa là kẻ bán nước, một nửa là những tên mũi lõ, mắt xanh, đầy vẻ đắc thắng, Trần Bình dõng dạc tuyên bố:

 - Tôi chết, nhưng Tổ quốc tôi nhất định sẽ thắng lợi. Những kẻ bán nước và cướp nước như các ông, sớm muộn rồi cũng bị tiêu diệt.

Khâm phục chí khí bất khuất của người công an cách mạng, tờ báo “Ngày mới” trong bài tường thuật phiên tòa xử Trần Bình số 261 ra ngày 24 tháng 6 năm 1948 có đoạn viết: “... Dù đã bị tra tấn tàn tã, nhưng đứng trước tòa, Bình vẫn hiên ngang. Vẫn cái đầu húi trọc, da ngăm ngăm, đôi mắt sáng, đặc biệt khuôn mặt nhìn lên rất bình thản. Phải chăng anh là hiện thân của người chiến sĩ bại trận, nhưng vẫn tin vào việc mình đã làm là không trái với lương tâm...”

Mờ sáng ngày 19 tháng 5 năm 1949, thực dân Pháp đưa Trần Bình sang bên kia cầu Đuống để thi hành án tử hình. Năm đó anh vừa tròn 21 tuổi. Lúc chia ly, đồng đội cùng bị giam với anh ở Hỏa Lò, không ai không khóc. Riêng Bình, anh vẫn bình tĩnh động viên an ủi mọi người. Phút vĩnh biệt cuối cùng, anh mới bùi ngùi nói với các bạn: “Bình chỉ giận Bình chết sớm quá, chưa cống hiến được bao nhiêu”.

                                               
                                                                                 Bút ký Minh Chuyên

(Tác phẩm dự thi Người Thái Bình - đất Thái Bình)

  • Từ khóa