Đến với Lâm Đồng
Dẫu ở đâu, họ cũng quyết tâm “ly hương không ly tổ”. “Hòa nhập mà không hòa tan”, người Thái Bình cùng với người dân tộc bản địa hay cư dân khắp dải đất hình chữ S đến Lâm Đồng sinh sống không chỉ dốc tâm sức làm giàu cho vùng đất mới mà đã góp phần tạo nên một nền văn hóa đặc sắc ở cao nguyên.
Những đổi thay trên quê hương mới
“Như em biết rồi đấy, người Thái Bình ở đâu cũng thế, bao đời nay vẫn vậy, chẳng bao giờ thay đổi được bản tính chịu khó, cần kiệm nên đời sống kinh tế dần trở nên khấm khá, thu nhập từ ổn định đến tăng cao, có nhiều khởi sắc” - anh Bùi Văn Thụy, Bí thư Đảng ủy thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương) niềm nở với tôi để bắt đầu câu chuyện. Bỗng dưng tôi liên tưởng đến lời bài hát “Nắng ấm quê hương” của nhạc sĩ Vĩnh An: “Dù trong nắng trong mưa, lúa vẫn lên xanh tốt. Dù trong bom trong đạn đất vẫn cứ sinh sôi. Thái Bình ơi!”. Nắng gió cao nguyên, sự hoang vu, cách trở của núi rừng từ mấy thập niên trước chẳng thể nào làm nản lòng, chùn chân những người con Thái Bình trong công cuộc mưu sinh ở vùng kinh tế mới. Nơi chân núi có chuyện tình của chàng K’Lang và nàng Biang huyền thoại mỗi năm đều có những cuộc gặp gỡ của những người con Thái Bình xa quê. Đặc biệt, khi lễ hội chùa Keo đang diễn ra ở huyện Vũ Thư thì ở nơi xa cách hàng nghìn cây số, Hội đồng hương Thái Bình tại Lạc Dương lại tổ chức họp mặt. Rỉ rả từng câu chuyện, từng lời hỏi thăm, cho vơi đi nỗi lòng của người xa xứ. 6 xã, thị trấn của huyện đều có người Thái Bình. Hơn 60 thành viên đại diện cho các gia đình, đại gia đình cứ thế sum họp với nhau hơn 20 năm nay.
Lạc Dương đang trở mình thành một huyện trù phú, chẳng thể phủ nhận vai trò, đóng góp của người con quê lúa bởi trong quá trình phát triển đi lên, đa phần người Thái Bình ở đây làm việc trong lĩnh vực công an, quân đội, công chức nhà nước. Đến khi về hưu họ lại tiếp tục cống hiến cho địa phương ở vai trò bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố… Người Thái Bình ly hương hôm nay đã trở thành những “nông dân cao nguyên” thực thụ. Trồng rau, hoa công nghệ cao trong nhà kính, trồng dâu nuôi tằm, trồng và chế biến cà phê, phát triển mô hình xen canh các loại cây ăn trái… mang lại thu nhập cao, ổn định.
Đến thăm xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh), ông Trần Xuân Oánh, Bí thư Đảng ủy xã tự hào về những gì mà những người Thái Bình như ông đã và đang có được ở quê hương thứ hai. Ông kể: Năm 1992, theo hợp đồng kinh tế giữa tỉnh Thái Bình và Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam cũng như chương trình di dân của hai tỉnh mà người Thái Bình vào đây nhận khoán đất của nông trường, tiến hành trồng dâu nuôi tằm. Vài năm sau, trước sự biến đổi của nền kinh tế, đa phần người dân đã chuyển sang trồng cà phê. Từ bỡ ngỡ, làm quen đến quyết tâm làm giàu, từ diện tích ban đầu được nhận khoán, giao khoán của nông trường chỉ có vài sào, giờ đây mỗi nhà lại tích cực mua thêm đất, khai hoang, mở rộng diện tích. Thu nhập hiện tại đạt trên 250 triệu đồng/ha. Cũng nhờ thế đã giữ chân được người Thái Bình tại cao nguyên Di Linh này khỏi những lần di dân tiếp theo.
Đất không phụ công người
“Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, lời trong bài thơ Bài ca vỡ đất của Hoàng Trung Thông như nói lên ý chí, sức mạnh của những người dân đi làm kinh tế mới. Từ cái thuở trước sau đều bao phủ màu xanh của rừng già, những con đường mòn đi xuyên rừng, thời gian được tính bằng ngày đi bộ, hay khi nghe tiếng chim hót, vượn kêu mà dự báo được thời tiết nắng, mưa. Ấy thế mà trên những vùng kinh tế mới hiện nay, thống kê cho thấy, chỉ còn một số rất ít hộ nghèo, còn lại đời sống đã khấm khá, con cái ăn học thành tài, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Không ít người còn trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nói đến làm kinh tế giỏi, chúng tôi nhớ đến ông Trần Ngọc Hòa (hiện sống tại thôn Măng Line, phường 7, thành phố Đà Lạt), là một cựu thanh niên xung phong. Giấc mơ về một làng hoa mang tên Thái Bình ngay giữa lòng Đà Lạt cứ như suối nguồn chảy mãi trong ông, chưa bao giờ vơi cạn. Từ vùng quê Vũ Thư (Thái Bình), thấy Đà Lạt là một vùng đất mến người, có tiềm năng phát triển kinh tế, ông một thân một mình tìm vào vùng đất mới, đem theo hy vọng về một tương lai xán lạn hơn. Những ngày đầu, ông xin làm thuê cuốc mướn cho các vườn hoa, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm trồng hoa từ các chủ vườn và tích cóp vốn. Thấy ông chịu thương chịu khó, ham học hỏi, các chủ vườn không ngại chia sẻ cách trồng hoa, chăm hoa. Tới năm 1998, ông về quê đưa vợ con vào Đà Lạt làm ăn. Qua nghiên cứu, ông quyết định thuê đất, bắt đầu vun xới những gốc hoa đầu tiên. Từ số vốn ít ỏi ban đầu với 250m2 đất, gia đình ông dần tích lũy được vốn và mở rộng diện tích. Đầu tư trồng hoa theo hướng công nghệ cao, hiện tại gia đình ông đã có 2,5ha trồng hoa trong nhà kính, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập ổn định. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu được trên dưới 2 tỷ đồng, tạo dựng được uy tín trên thị trường hoa Đà Lạt.
Ở Lạc Dương có vợ chồng ông Ân, bà Nguyệt cũng nổi tiếng là chịu thương chịu khó. Ở tuổi gần 70, trông ông vẫn ra dáng một nông dân thực thụ. Đôi mắt sáng, nụ cười tươi rói trên gương mặt đã sạm đi vì nắng gió cao nguyên. Ông bảo rằng chưa muốn nghỉ ngơi bởi cái nếp lao động cần cù đã ăn vào máu. Nếu bằng tuổi ông người khác đã có những phút giây hưu trí thảnh thơi thì ông lại cứ sớm khuya ở vườn tược. Hơn 2ha nhà kính trồng hoa cúc chẳng ngày nào thiếu bước chân ông. Ông Ân kể: Ngày đó chẳng có gì nhiều ngoài rừng và rừng. Những người cán bộ muốn đi gần dân phải vượt qua những con đường mòn sỏi đá. Nhiều người chịu ở lại hẳn trong buôn với bà con K’Ho, dạy bà con cách làm kinh tế, thay đổi đời sống còn nhiều phong tục, tập quán lạc hậu. Cũng chính vì thế mà bản thân họ có điều kiện để tiếp xúc, hiểu hơn về cuộc sống nơi cao nguyên. Vùng đất được cho là “khỉ ho cò gáy” ngày nào lại là vùng đất bazan màu mỡ, phù hợp với các loại cây trồng, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.
“Từng nếp nhà ở đây được xây lên nhờ cây cà phê đấy” - ông Lê Sĩ Lai người con huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình lập nghiệp ở thôn Lộc Châu 1, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh bày tỏ. Vào đây với hai bàn tay trắng, tài sản ông mang theo khi ấy chỉ là sự cần cù, chịu thương chịu khó để mơ ước một cuộc sống ấm no hơn nơi xứ người. Hiện nay, hơn 3,6ha sầu riêng đang trồng xen các loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng… hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao trong thời gian tới. Nhờ “đất không phụ công người” mà biết bao gia đình đã có điều kiện kinh tế dư giả, giàu có.
Biết bao ân tình
Trong suốt những chuyến công tác xuyên dải đất nam Tây Nguyên này, bất cứ đâu gặp người Thái Bình, chúng tôi lại trao nhau những cái bắt tay, hỏi thăm một chút về ký ức nơi “chôn nhau cắt rốn” của mẹ cha. Thêm một chút nữa trong bữa cơm, bên chén trà, ly rượu mà cả tuổi thơ, ký ức ấy ùa về. Người ta thường bảo thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên từ những miền kinh tế mới như chúng tôi là đã “mất gốc”. Ngược lại, thế hệ 8X, 9X như tôi tin rằng, cái bản chất gốc gác ấy dễ gì để quên, bởi nó đã ngấm vào trong máu thịt.
Những cái tên xóm Vũ Thư, Đông Hưng, Quỳnh Phụ… ở thôn Lộc Châu 1 (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) từ hơn 20 năm nay chẳng thể xóa nhòa. Nó thậm chí còn có trước khi xã Tân Nghĩa được thành lập, từ lúc chỉ là một thôn của xã Đinh Lạc. “Ở Tân Nghĩa còn có bún cá rô đồng, có những làn điệu chèo Phong Châu (Đông Hưng) được thể hiện bằng giọng hát mộc mạc, chân chất của người làng Khuốc. Chồng kéo nhị, đánh đàn, vợ cất lời ca tiếng hát. Đấy, toàn là “đặc sản” mang từ quê vào” - Bí thư Đảng ủy xã giới thiệu.
“Bán anh em xa, mua láng giềng gần” mà láng giềng này cũng là người chung nơi “chôn nhau cắt rốn”. Những người như ông Bùi Văn Thụy, từ khi còn là một anh chàng kinh tế phụ trách các dự án vườn rừng, phát triển kinh tế cho bà con dân tộc thiểu số vẫn luôn chẳng thể quên ân tình mà những người Thái Bình luôn dành cho nhau. Ông bảo nhớ nhất những lần vào mùa mưa nam Tây Nguyên. Để đến được địa bàn phải đi đường vòng xuống tận Khánh Hòa, rồi được ở nhờ người đồng hương Thái Bình một đêm rồi hôm sau mới có thể tiếp tục hành trình. Hàng chục ki-lô-mét đường bùn đất bám chẳng thể làm chùn chân những người cán bộ trẻ tuổi, mang trong mình nhiệt huyết khám phá cuộc sống nơi quê hương mới.
Trở về Đà Lạt, trò chuyện với ông Bùi Đức Nam, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đại học II (Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội) phụ trách miền Trung - Tây Nguyên, quê Thái Thụy, đã nghỉ hưu gần 10 năm, làm Chủ tịch Hội đồng hương Thái Bình tại thành phố Đà Lạt ngàn hoa, ông phấn khởi tâm sự: Hội đồng hương Thái Bình tại Đà Lạt thành lập từ những năm đầu thập niên 80 thế kỷ XX. Hiện hội có trên 250 hội viên. Hàng năm chúng tôi đều tổ chức gặp mặt để ôn lại truyền thống quê hương, thông tin tình hình quê hương đổi mới, chia sẻ và nhắc nhở nhau phấn đấu vượt qua khó khăn để trở thành những người năng động, làm ăn giỏi và là những công dân tốt, gương mẫu... Mọi chuyện vui buồn của hội viên đều được Ban Chấp hành Hội đến chia sẻ kịp thời. Không chỉ tham gia Hội đồng hương tại Đà Lạt mà một số hội viên còn gia nhập sinh hoạt tại các hội đồng hương huyện, xã... Thân tình, gắn bó với nhau, hỗ trợ nhau cả về vật chất lẫn tinh thần - sức hấp dẫn của từ đồng hương đã là sợi dây gắn kết người quê lúa ở trên mảnh đất Nam Tây Nguyên.
Khăn gói rời quê hương Thái Bình vào thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) với hai bàn tay trắng. Nhưng bằng ý chí tự lực vươn lên và sự cần cù, chăm chỉ của người dân “quê hương 5 tấn” đã giúp ông Xiêm vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng trên vùng đất mới nam Tây Nguyên Lâm Đồng. Hiện, ông Xiêm là Giám đốc hợp tác xã Bình Lộc (gọi tắt Thái Bình và Bảo Lộc) chuyên bao tiêu sản phẩm chanh dây xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.
Vượt khó vươn lên
Năm 1991, sau khi lập gia đình, ông Nguyễn Trường Xiêm (nay 50 tuổi) khăn gói rời quê hương Song An (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) vào xã Đam B’ri, thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) lập nghiệp. Buổi đầu vào vùng đất mới, hành trang chàng trai trẻ mang theo chỉ là hai bàn tay trắng và ý chí vượt khó vươn lên của bản thân. Để có cái ăn sống qua ngày, ông Xiêm phải đi làm thuê, làm mướn đủ thứ nghề như làm cỏ, cuốc vườn, hái chè…
“Lúc đặt chân tới Lâm Đồng, ngoài mấy bộ quần áo mang theo thì trên tay tôi chỉ còn đúng 150.000 đồng. Sau khoảng 1 tuần bôn ba tìm việc làm ở nhiều nơi, cuối cùng tôi quyết định trụ lại Bảo Lộc. Rồi tôi được một gia đình ở xã Đam B’ri nhận làm thuê trong vườn cà phê. Khi đó, trong tay tôi còn đúng 50.000 đồng và mua được 10 con gà để nuôi. Cứ thế, ngày qua ngày, tôi được chủ giao nhiệm vụ cuốc cỏ, tưới nước, bón phân cho cây chè và cà phê. Những lúc rảnh rỗi, tôi tranh thủ làm thêm cho các hộ dân bên cạnh để kiếm thêm thu nhập, với quyết tâm đưa vợ con vào lập nghiệp” - ông Xiêm nhớ lại buổi đầu vào Lâm Đồng lập nghiệp.
Sau 1 năm kể từ khi ông Xiêm rời quê đi lập nghiệp, bà Lê Thị Thu Hường (vợ ông Xiêm) cũng khăn gói ẵm đứa con trai đầu lòng vừa tròn 1 tuổi lên xe vào Lâm Đồng cùng chồng. Vét hết tiền bạc từ quê nhà, vợ chồng ông Xiêm mua được căn nhà vách nứa ở khu vực hẻo lánh thôn 14, xã Đam B’ri làm nơi tá túc của gia đình. Cứ thế, vợ chồng ông Xiêm cùng nhau làm thuê, cuốc mướn kiếm sống qua ngày. Chính sự chân chất, chăm chỉ và thật thà của đôi vợ chồng trẻ “quê hương 5 tấn” đã khiến người dân địa phương rất quý mến, thương yêu.
“Những năm tháng đầu vào Lâm Đồng, ai kêu gì vợ chồng tôi đều làm hết. Từ làm cỏ, hái cà phê, hái chè thuê, tưới nước, phun thuốc sâu… cứ có người gọi là vợ chồng tôi đều nhận làm. Thấy vợ chồng tôi chăm chỉ nên nhiều người thương cho mượn đất để trồng chè, cà phê. Không những thế, họ còn cho gia đình tôi vay vốn để làm ăn nữa. Ơn giúp đỡ, cưu mang của người dân nơi đây đối với gia đình tôi lớn lắm nên chúng tôi không bao giờ quên…” - bà Hường chia sẻ.
Sau hơn 25 năm bám trụ trên quê người, bằng chính sự cần cù, chịu thương, chịu khó và dám nghĩ, dám làm đã giúp kinh tế gia đình ông Xiêm ngày càng ổn định, vươn lên. Vợ chồng ông mua được 5ha đất sản xuất, xây được nhà mới, tậu được xe ô tô… Năm 2017, ông Xiêm cùng 7 thành viên đã thành lập HTX Bình Lộc, với vốn điều lệ 4,5 tỷ đồng. Ngành nghề của HTX là sản xuất, sơ chế nông sản sạch theo hướng an toàn để xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Mỹ và Úc. Hiện tại, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của HTX vẫn là sản phẩm chanh dây (dưới 2 dạng trái tươi và cấp đông nước cốt).
Ông Xiêm bên vườn chanh dây trĩu quả của Hợp tác xã Bình Lộc.
Liên kết để xuất khẩu chanh dây
Dẫn chúng tôi tham quan vườn chanh dây rộng gần 6ha của HTX Bình Lộc trồng tại xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng), ông Xiêm bộc bạch: Hiện tại, HTX chúng tôi có gần 14ha chanh dây trồng tại 2 xã Lộc Bảo và B’Lá (huyện Bảo Lâm). Toàn bộ diện tích này, được chúng tôi sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP (tiêu chuẩn quốc tế về nông sản sạch). Vì thế, trong quá trình chăm sóc vườn chanh dây, chúng tôi sử dụng các loại phân bón vi sinh để bón cho cây và hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Sản phẩm chanh dây sau khi được thu hái, chúng tôi tuyển chọn những trái có mẫu mã đẹp, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của đối tác để xuất khẩu. Sản lượng còn lại, chúng tôi tiếp tục tuyển chọn xuất đi các thị trường trong nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội…; đồng thời, bóc tách, cấp đông để xuất khẩu mặt hàng nước cốt.
Theo ông Xiêm, trung bình mỗi tháng, HTX Bình Lộc xuất khẩu qua thị trường nước ngoài như Mỹ, Úc, Thụy Sĩ, Hà Lan và Trung Quốc từ 50 - 60 tấn chanh dây tươi. Đối với mặt hàng này, các đối tác có những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Ngoài việc bảo đảm mẫu mã đẹp, sản phẩm chanh dây xuất khẩu không được tồn dư thuốc BVTV và các chất kích thích khác. Vì thế, các lô hàng chanh dây xuất khẩu trái tươi đều phải được test - kiểm định chất lượng trước khi đóng gói.
“Suốt nhiều tháng qua, do nhu cầu nguồn hàng trái tươi xuất khẩu quá lớn, trời lại mưa nhiều nên gần 14ha chanh dây của HTX không thể đáp ứng được nhu cầu các đối tác. Hiện, HTX phải liên kết với hơn 30 hộ trồng chanh dây ở thành phố Bảo Lộc, Bảo Lâm và cả tỉnh Đắk Nông để thu mua. Mỗi tháng, ngoài nguồn hàng sẵn có, để tuyển chọn được 50 - 60 tấn chanh dây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, HTX phải thu mua từ 150 - 170 tấn chanh dây thô. Hiện, chanh dây loại 1 đang được HTX thu mua với giá 20.000 đồng/kg (cao hơn giá thị trường 4.000 đồng/kg). Riêng hàng xô, được chúng tôi thu mua với giá từ 12.000 - 14.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sản phẩm loại 1 chỉ có ở những hộ nông dân đã ký hợp đồng với HTX (sản xuất theo quy trình sản phẩm sạch) nên sản lượng rất hạn chế” - ông Xiêm cho biết thêm.
Để bảo đảm nguồn hàng xuất khẩu, thời gian qua, HTX đã đặt vấn đề với nhiều hộ dân trồng chanh dây ở thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm cùng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm sạch. Tuy nhiên, do những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm mà HTX đưa ra và do giá cả thị trường thường xuyên biến động nên việc liên kết vẫn còn nhiều khó khăn.
Hướng tới xuất khẩu nhiều mặt hàng
Cùng với việc xuất khẩu chanh dây tươi, thì HTX Bình Lộc còn sơ chế và xuất khẩu cả sản phẩm nước cốt chanh dây. Nhằm bảo đảm nguồn hàng xuất khẩu, buộc HTX phải thuê thêm lao động để sơ chế, bóc tách và cấp đông sản phẩm. Theo ông Xiêm, nhu cầu của các đối tác về sản phẩm nước cốt chanh dây là rất lớn từ 100 - 120 tấn/tháng. Tuy nhiên, hiện tại do nguồn hàng khan hiếm nên mỗi tháng HTX cũng chỉ đáp ứng được từ 60 - 70 tấn.
Chỉ riêng mặt hàng chanh dây xuất khẩu, HTX Bình Lộc đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động tại địa phương, với thu nhập từ 4 - 6,5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, có 10 lao động chuyên chăm sóc vườn chanh dây và gần 30 lao động chuyên tuyển chọn, bóc tách và cấp đông sản phẩm chanh dây xuất khẩu.
Với uy tín đã được tạo dựng, ngoài sản phẩm chủ lực là chanh dây, HTX Bình Lộc đang được các đối tác nước ngoài đặt vấn đề cung cấp thêm các mặt hàng nông sản khác như chanh không hạt, cà phê, gừng và tiêu…
“Thời gian qua, chúng tôi đã được các đối tác ở Mỹ, Úc và một số nước châu Âu đặt vấn đề cung cấp cho họ thêm một số mặt hàng nông sản khác. Cũng giống như chanh dây, tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu đòi hỏi phải được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP. Hiện tại, HTX chưa tìm được nguồn hàng bảo đảm chất lượng nên chúng tôi chưa thể ký hợp đồng với khách hàng. Để quảng bá nông sản Việt Nam nói chung và nông sản Lâm Đồng nói riêng đến bạn bè quốc tế, chúng tôi mong muốn người dân hợp tác cùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch; đồng thời, nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để HTX chủ động được những sản phẩm nông sản tốt nhất phục vụ cho xuất khẩu” - ông Nguyễn Trường Xiêm, Giám đốc HTX Bình Lộc bày tỏ.
Không chỉ làm giàu cho gia đình và tạo việc làm cho người dân tại địa phương, ông Xiêm còn thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo tại địa phương như đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn; giúp đỡ các hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế; đồng hành cùng các tổ chức, đoàn thể tặng học bổng, quà trung thu cho trẻ em nghèo, học sinh nghèo vượt khó học giỏi trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch UBND xã Đam B’ri (thành phố Bảo Lộc) tâm đắc: Cũng là người nông dân, nhưng chính sự sáng tạo, tiên phong đã giúp ông Xiêm trở thành một trong những người đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình tại địa phương. Không những đi đầu trong phát triển kinh tế, mà 2 người con của vợ chồng ông cũng chăm ngoan, học giỏi và hiện đã có việc làm ổn định. Tất cả, giúp gia đình ông luôn đón nhận được sự tin yêu, quý trọng của bà con lối xóm. Gia đình ông xứng đáng làm tấm gương sáng để mọi người cùng học tập, noi theo góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
HỒNG THẮM - KHÁNH PHÚC
(Báo Lâm Đồng)
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai