Non xanh tình đất
Theo cha mẹ lên Sơn La khai hoang lập vùng kinh tế mới, vật lộn trong gian khó, Đào Duy Khánh (quê làng Tịnh Xuyên, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà) quyết tâm học xong bậc phổ thông trung học rồi quay trở về Hà Nội học đại học nông nghiệp. Chuyện sẽ trôi qua bình thường khi tốt nghiệp đại học, một kỹ sư nông nghiệp nhận công tác ở một tỉnh đồng bằng như Thái Bình, vậy mà với Khánh khi lựa chọn con đường lên miền núi hay về quê công tác lại là cả một sự đấu tranh, giằng xé. Cuối cùng Khánh quay trở lại Sơn La quyết tìm đường lên non cao lập nghiệp…
Hơn 40 năm trước (năm 1978) cả gia đình Khánh từ biệt quê nhà Hồng Minh (Hưng Hà) đi xây dựng vùng kinh tế mới ở tỉnh Sơn La theo tiếng gọi của Đảng. Lúc ấy Khánh mới 11 tuổi, phải rời xa nơi “chôn nhau, cắt rốn” xa bờ tre, gốc lúa thân quen, xa bạn bè thân thiết thuở thiếu thời lòng Khánh bâng khuâng, xa xót. Nhưng bây giờ, bước vào tuổi “tri thiên mệnh”, anh Khánh đã có trong tay trang trại rộng lớn trên “non xanh” với “lưng vốn” nhiều tỷ đồng và trở thành doanh nhân, doanh nghiệp thành đạt vừa có tâm lại vừa có tầm…
Vượt chặng đường xa, đặt chân lên thành phố Sơn La trong cái nắng chiều chuếnh choáng đổ vàng vách núi, anh Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cười tươi đón tôi, anh bắt chặt tay và lắc mạnh “chuyến này lên Sơn La ở lại lâu lâu nhé”. Tôi cười cảm ơn anh và không quên đề xuất “Anh xem có doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là người Thái Bình làm ăn phát đạt cho em đến thăm?”. Anh Khánh nhất trí. Và ngay sáng hôm sau, tôi được anh Khánh đưa lên núi cao để gặp doanh nhân làm nông nghiệp mà tôi mong muốn. Vì đặc thù tỉnh miền núi nên muốn làm trang trại nông nghiệp ắt phải tìm đến non cao. Con đường đến trang trại của doanh nhân Đào Duy Khánh gập ghềnh, lắt lẻo rồi bỗng ùa vào một khoảng mênh mông được bao bọc xung quanh bằng những dãy núi trùng điệp. Trang trại của anh Khánh nằm trong thung lũng của bản Híp, xã Chiềng Ngận, thành phố Sơn La đẹp như tranh thủy mặc. Đi qua thửa ruộng trồng chanh leo (Lạc Tiên) xanh mướt, quả sai lúc lỉu, tôi đặt chân đến “đại bản doanh” của anh Khánh. Một dãy nhà cấp 4 bình dị. Giữa non xanh, gió mát cảm tưởng như đây là nơi đất trời giao hòa, anh Khánh đón tôi mừng vui như đón người thân. Anh Khánh bảo xa quê, lâu ngày có đồng hương lên thăm là xúc động muốn khóc. Qua hồi giới thiệu làm quen, tôi và anh Khánh kết bạn “đồng niên”, chúng tôi cùng sinh năm Đinh Mùi 1967. Năm 1978, đang học cấp II, anh Khánh theo cha mẹ lên Sơn La xây dựng vùng kinh tế mới. Lúc ấy thị xã Sơn La còn nhỏ hẹp, chỉ hơn thị trấn Hưng Hà chút ít thôi. Rời xa quê lúa Thái Bình ruộng đồng bằng phẳng, lên Sơn La gập ghềnh núi non lại không có điện, phải lên núi gùi nước về dùng, có lúc anh Khánh ngồi khóc tỉ tê vì nhớ quê. Bao gian nan cực khổ lâu dần thành quen, giờ là ký ức khó phai mờ. Anh Khánh dẫn tôi thăm trang trại nuôi ngựa bạch. Nhìn những con “bạch mã” đẹp như tranh, anh Khánh tâm tình “Ở Sơn La chưa có trang trại nuôi ngựa bạch. Giá thịt ngựa bạch rất đắt, khoảng 350.000 đồng/kg; giò ngựa bạch hơn 500.000 đồng/kg. Chưa kể cao ngựa bạch đang rất được ưa chuộng. Giá cao ngựa bạch cũng khá đắt khoảng 12 triệu đồng/kg”. Anh Khánh cho biết thêm, trang trại ngựa bạch của anh vẫn đang trong thời gian nuôi thí điểm, mới bắt đầu từ tháng 2/2017, đến tháng 11/2018 chính thức hoạt động và chưa nhân rộng mô hình nhưng cũng đem lại doanh thu khá. Một con ngựa bạch cái làm giống còn nhỏ có giá khoảng 35 - 45 triệu đồng. Ngựa thành phẩm có giá khoảng 75 triệu đồng/con. Bước chân chộn rộn niềm vui, anh Khánh dẫn tôi đi qua khu chăn nuôi bò thương phẩm (vỗ béo) rồi đến khu chăn nuôi các loại gia súc đặc sản như dê, cừu, lợn rừng… Đến vùng thâm canh cây ăn quả, anh Khánh dừng lại với tay kéo mấy chùm chanh leo đang vào mật nói với tôi “chanh leo chín hái bán không kịp vì nhu cầu sản xuất nước ép chanh leo cho thị trường trong nước và Trung Quốc đang tăng rất nhanh”.
Chợt tôi nhìn thấy một người phụ nữ cặm cụi bên những gốc nho nhú mầm, anh Khánh chợt hiểu ý tôi, anh bảo đây là chuyên gia nông nghiệp người Trung Quốc mà anh Khánh hợp đồng chuyển giao gen giống nho tím quý hiếm của Quảng Tây (Trung Quốc) mới nhập về trồng. Vốn biết ít tiếng Trung khi học ở Quảng Châu, tôi bắt chuyện làm quen. Hóa ra người phụ nữ mà anh Khánh giới thiệu là nữ kỹ sư nông nghiệp Quế Lâm (Quảng Tây), cô tên là Hoàng Ngọc Anh, chuyên gia giống cây trồng quý hiếm của Đại học Nông nghiệp Quế Lâm. Cô nói với tôi, anh Khánh là doanh nhân có ý tưởng đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, rất say sưa với các loại cây trồng có gen quý hiếm. Anh Khánh sang tận Trường Đại học Nông nghiệp Quế Lâm hợp đồng chuyển giao giống nho “Hạ Đen” quý hiếm về trồng trên đất Sơn La. Nguồn hàng sau thu hoạch được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, một thị trường vốn khắt khe về kiểm định. Tôi thầm thán phục ý chí chinh phục thị trường hoa quả cạnh tranh với Trung Quốc nhưng mang nhãn hiệu Made in Việt Nam của anh Khánh. Còn anh Khánh cười hiền nói với tôi “Mình sinh ra ở tỉnh thuần nông, lớn lên đi khai hoang, gian khổ nhưng mình vẫn cố học hành, chọn thi đại học nông nghiệp I (Châu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) để thỏa đam mê làm nghề nông. Anh Khánh tâm sự, những tưởng tốt nghiệp đại học thành kỹ sư nông nghiệp, mình sẽ rời xa rừng núi Sơn La về xuôi. Nhưng cái duyên với non xanh lại kéo mình quay trở lại Sơn La. Tôi bóp mạnh vai anh Khánh tỏ vẻ thán phục, chuyện làm nông nghiệp và làm giàu trên mảnh đất giàu truyền thống thâm canh nông nghiệp như ở Thái Bình cũng đã khó, ấy vậy mà anh quyết tâm quay trở lại Sơn La vượt lên non cao để làm nông nghiệp thì quả là… rất dũng cảm. Anh Khánh bảo: Đem kiến thức đã học cộng với những kinh nghiệm thâm canh lúa nước ở dưới xuôi lên giúp đồng bào miền núi cùng thâm canh nông nghiệp, cải thiện cuộc sống no ấm hơn đó là mục đích của mình. Không chỉ giúp bà con miền núi có thêm kiến thức thâm canh nông nghiệp, anh Khánh còn thành lập doanh nghiệp đứng ra thu mua bao tiêu sản phẩm nông nghiệp giúp bà con. Du nhập các loại cây giống mới về gieo trồng trên đất Sơn La, lưu giữ những giống cây bản địa, tìm kiếm những giống cây quý từ miền Nam ra, các vùng trong nước và từ Trung Quốc về cùng giống cây của nhiều nước khác có nguồn gen quý hiếm về trồng khảo nghiệm. Khi thuần hóa, giống cây phát triển tốt thì chọn lọc và phổ biến cho bà con Sơn La mang về trồng. Sản phẩm sau thu hoạch, Công ty Thương mại Duy Khánh của anh Khánh thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con…
Trang trại trồng cây ăn quả gen quý hiếm của Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu nông sản Duy Khánh ở Bản Híp, xã Chiềng Ngận, thành phố Sơn La.
Non xanh không phụ tình người yêu đất. Anh Khánh đã thành công trong lĩnh vực thâm canh nông nghiệp trên non cao. Ngoài đàn đại gia súc hút giá như ngựa bạch, bò lai ngoại, dê, cừu… thì trang trại của anh Khánh mùa nào quả ấy, những giàn chanh leo trĩu quả, vườn xoài lúc lỉu, nhãn chín sớm của Hà Tây no tròn, chín muộn Hưng Yên rung rinh cành lá, mít Tố Nữ dày múi thơm lừng… những mầm nho “Hạ Đen” cựa mình trong làn gió mát lành mơn man của cao nguyên Sơn La như thì thầm hát “Bài ca năm tấn” trên non xanh…
Năm 1978, anh Đào Duy Khánh theo cha mẹ lên xây dựng vùng kinh tế mới tại xã Chiềng Sinh, thị xã Sơn La (nay là phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La). Hiện anh Khánh là Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu nông sản Duy Khánh, chuyên nuôi trồng đại gia súc, cây ăn quả kinh tế cao, xuất nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm. Mỗi lần về quê (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà), đi dọc triền đê ngắm nhìn đàn bò thong dong gặm cỏ, anh Khánh lại ao ước được đóng góp công sức chuyển giao giống bò lai Sind, lai Brahman nhập khẩu 3/4 máu ngoại thuần chủng chất lượng cao ở Sơn La để bổ sung và làm phong phú cho các đàn bò của người dân Thái Bình góp phần thực hiện chuyển đổi giống vật nuôi theo chủ trương của tỉnh khi đàn lợn sụt giảm do bệnh dịch tả lợn châu Phi, đồng thời góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho nông dân; tận dụng tối đa sản phẩm phụ nông nghiệp như rơm, thân cây ngô, khoai… làm thức ăn chăn nuôi và cung cấp nguồn phân hữu cơ (phân bò) cho chăn nuôi giun quế... Hiện Công ty của anh Khánh đang nuôi hàng nghìn con bò sinh sản và thương phẩm chất lượng cao, mỗi năm cung cấp từ 3.000 - 5.000 con bò giống lai Sind thuần chủng cho nhiều địa phương trong cả nước. |
Lê Quang
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai