Thứ 7, 16/11/2024, 01:54[GMT+7]

Vang mãi bài ca năm tấn

Thứ 6, 20/12/2019 | 12:04:42
4,996 lượt xem
Thái Bình là tỉnh nông nghiệp nhưng những năm trở lại đây, vai trò của công nghiệp, khoa học kỹ thuật, thương mại, dịch vụ ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong bức tranh kinh tế.

Cất cánh từ cánh đồng làng

Thái Bình là tỉnh nông nghiệp nhưng những năm trở lại đây, vai trò của công nghiệp, khoa học kỹ thuật, thương mại, dịch vụ ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong bức tranh kinh tế. Những năm trước đây, các doanh nghiệp của tỉnh Thái Bình hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, sức cạnh tranh thấp đã dẫn đến nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cũng như đầu tư phát triển. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại Thái Bình hiện nay đang từng bước vươn ra thị trường trong nước, khu vực và thế giới, khẳng định thương hiệu sản phẩm của Thái Bình. Có nhiều doanh nghiệp đã khởi nghiệp từ chính thế mạnh nông nghiệp của tỉnh hoặc dùng chính những sản phẩm nông nghiệp sẵn có của địa phương để tạo nên những sản phẩm mới xuất khẩu ra thế giới, trong đó Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed và Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng là hai doanh nghiệp điển hình.

Ông Trần Mạnh Báo luôn trăn trở làm sao phải xây dựng được thương hiệu giống lúa Thái Bình, từ đó để tạo nên thương hiệu gạo Thái Bình.


Đi lên từ nông nghiệp song đã và đang từng bước chiếm lĩnh nông nghiệp công nghệ cao đó chính là Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Với gần 50 năm xây dựng và phát triển, từ một doanh nghiệp cấp tỉnh nhỏ bé, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed đã nỗ lực vươn lên để trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam, xây dựng thành công thương hiệu “Lúa giống Thái Bình” nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed chia sẻ: Nông nghiệp luôn là lĩnh vực khó khăn nhất. Lợi nhuận thấp, rủi ro lại cao bởi phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết, khí hậu, đất, nước... Đó cũng chính là thách thức đầu tiên đối với những người muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, khi làm nông nghiệp phải làm việc, gắn bó với nông dân, những người vốn có nhiều hạn chế về điều kiện kinh tế, trình độ nhận thức khoa học kỹ thuật cũng như khả năng tổ chức sản xuất. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ của ThaiBinh Seed luôn phải thẳng thắn nhìn nhận mọi vấn đề, tìm cách khắc phục hạn chế đồng thời phát huy những thế mạnh sẵn có để đi tới thành công. Các thế hệ cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ nông nghiệp của ThaiBinh Seed đã tỏa đi khắp các quốc gia nông nghiệp hàng đầu trên thế giới như Mỹ, Israel, Nhật Bản, Đan Mạch... để học hỏi, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chính vì vậy, ThaiBinh Seed là đơn vị tiên phong trong quá trình đổi mới, đi đầu trong việc thực hiện công nghiệp hóa ngành giống cây trồng ở Việt Nam, thành lập trung tâm nghiên cứu sản phẩm mới, thực hiện thành công chương trình liên kết “4 nhà” và tiêu thụ nông sản tại Thái Bình. Công ty cũng là đơn vị đầu tiên trong ngành giống cây trồng ở Việt Nam xây dựng phòng thử nghiệm quốc gia và thực hiện 3 hệ thống quản lý chất lượng quốc tế (ISO 9001-2008, ISO 17025 và TQM)... Công ty có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư có trình độ chuyên môn cao được đào tạo ở trong và ngoài nước, giàu kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, chọn tạo và tổ chức sản xuất, kinh doanh giống cây trồng cùng với hệ thống phân phối rộng khắp cả nước. Công ty còn sở hữu nhà máy chế biến hạt giống chất lượng cao theo công nghệ tiên tiến của châu Âu cũng là nhà máy chế biến hạt giống hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, với công suất từ 10.000 tấn/năm; chỉ tiêu tăng trưởng bình quân đạt 20 - 30%/năm. Công ty đang tiếp tục xây dựng và bảo vệ thương hiệu “Lúa giống Thái Bình”, xây dựng và phát triển thành công thương hiệu “Gạo Thái Bình”; phát triển thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường nước ngoài.

Tại Bảo Hưng, dây chuyền hiện đại nhất của nhà cung cấp thiết bị hàng đầu thế giới - Công ty Haas Meincke A/S đã được đầu tư lắp đặt.

Hiện nay, sản phẩm của Bảo Hưng đã xuất đi cả những thị trường khó tính chuyên về sản xuất bánh kẹo.


Quê hương “năm tấn” trong kháng chiến chống Mỹ nay không chỉ nổi tiếng về lúa gạo mà còn được biết đến với sự táo bạo đi lên của nhiều doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, trong đó không thể không kể đến Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng - một doanh nghiệp tại Thái Bình đã có thâm niên trong ngành sản xuất bánh kẹo gần 30 năm. Hiện nay, Bảo Hưng có dây chuyền sản xuất hiện đại hàng đầu Đông Nam Á với sản phẩm đã xuất đi cả những thị trường khó tính chuyên về sản xuất bánh kẹo như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Trong thời điểm hiện nay, khi bánh kẹo nhập khẩu đang xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường nước ta qua kênh chính thống cũng như hàng xách tay và không ngừng gia tăng thị phần từ thành thị tới nông thôn, Bảo Hưng tự hào bởi kết quả kinh doanh cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu của năm sau luôn cao hơn năm trước. Điều đó là sự khẳng định vững chắc niềm tin, sự ủng hộ của người tiêu dùng đối với một doanh nghiệp Việt luôn nỗ lực trên bước đường mang tới cho người tiêu dùng những sản phẩm thơm ngon, an toàn và chất lượng nhất.

Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu tại lễ đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới của xã Quỳnh Bảo (Quỳnh Phụ).

Vươn ra biển lớn

Cùng với sự vươn lên của các doanh nghiệp trong tỉnh, không thể không nói đến các doanh nghiệp của những người con Thái Bình xa quê đang sinh sống và làm việc trên mọi miền Tổ quốc. Bằng chính tài năng và tâm huyết của mình họ đang từng ngày viết nên những dấu ấn về hình ảnh của một Thái Bình vươn cao, vươn xa trên bước đường đổi mới.

Rời xa quê hương Quỳnh Bảo (Quỳnh Phụ) đã tròn 50 năm, Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt luôn tâm niệm “cây có cội, nước có nguồn”. Ngay sau khi nghỉ hưu ở vị trí Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera Hạ Long - nơi ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, ông bắt tay ngay vào xây dựng Gốm Đất Việt. Với tâm niệm: Mình đi lên từ vùng quê nghèo, đã thành công được đến như ngày hôm nay thì phải nỗ lực hơn nữa để trở về góp phần xây dựng quê hương đã thôi thúc ông không được nản lòng trước khó khăn. Đến nay, vượt qua giai đoạn thử thách, sản phẩm Gốm Đất Việt đã trở thành niềm tự hào của ngành đất sét nung Việt Nam.

Trăn trở với quê hương, đã nhiều lần mong mỏi trở về quê lập nghiệp, ông Mâu đã mang thành phần đất ở Thái Bình đi phân tích khoáng hóa nhưng đất miền quê đồng bằng không phù hợp cho ngành đất sét nung. Bởi vậy, ông suy nghĩ mình nên nỗ lực trong công việc của mình và động viên người thân của mình, những người con của Thái Bình, mong muốn mọi người lao động hăng say sáng tạo để dù cho có đi đến mọi miền đất nước cũng luôn xứng đáng là người con của quê hương “năm tấn” và từ đó, góp phần tích cực xây dựng quê hương Thái Bình ngày một tốt hơn.

Doanh nhân Ngô Văn Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành (người thứ hai từ phải sang) kiểm tra tiến độ thi công đường 221A.


Ngày cuối năm, trên công trường xây dựng tuyến đường 221A tại huyện Tiền Hải, ba kíp công nhân vẫn mải miết thay ca làm việc. Tranh thủ thời điểm mùa khô, không quản lễ, tết, họ có cùng một quyết tâm, đó là nỗ lực thực hiện công việc nhanh nhất có thể. Mục tiêu ngày khởi công đặt ra: sau 26 tháng, tuyến đường sẽ được bàn giao, nhưng doanh nhân Ngô Văn Phát cùng tập thể Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành tin tưởng rằng, không cần đến bằng ấy thời gian, một tuyến đường tốt nhất, đẹp nhất sẽ chính thức đi vào hoạt động, mở ra một trang sử mới tươi đẹp và khởi sắc hơn cho chính quê hương của ông. Là người con của quê hương “năm tấn” đi lên từ những tháng ngày gian khổ, đêm nghe tiếng sóng cồn Vành vỗ dạt dào, ngày rảo bước trên những con đường đất quê hương, hơn ai hết, ông Ngô Văn Phát thấu hiểu ý nghĩa, giá trị mà tuyến đường 221A sẽ mang lại khi được hoàn thành. Những năm tháng tuổi trẻ bươn trải khắp các vùng miền trên dải đất hình chữ S, bôn ba nơi đất khách quê người, đến khi đã “có tuổi”, trở về với quê cha đất tổ, ông Phát tâm niệm: Mình chỉ còn khát vọng làm giàu, làm đẹp cho quê hương bằng tất cả khả năng, sức lực và tình yêu của một người con đi lên từ miền đất này.  

Những người con xa quê như Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu, doanh nhân Ngô Văn Phát... và rất nhiều những người Thái Bình đang sinh sống và làm việc trên mọi miền Tổ quốc bằng tài năng và tâm huyết của mình đang từng ngày từng giờ viết tiếp “bài ca năm tấn” tạo thêm những dấu ấn về hình ảnh của một Thái Bình vươn cao, vươn xa trên bước đường đổi mới.

Các doanh nghiệp trong tỉnh ngày càng phát triển và các doanh nghiệp ngoài tỉnh đến với vùng đất này ngày càng đông đã trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thái Bình đã viết nên “bài ca năm tấn” như một biểu tượng của tinh thần đoàn kết, anh dũng, quật cường, vừa sản xuất thâm canh giỏi, vừa chiến đấu và chiến thắng. Đến nay, tinh thần ấy vẫn luôn được tiếp nối với khát vọng ngày càng cao hơn, xa hơn bởi những người con của quê hương “năm tấn”. Những người đã nỗ lực vượt khó, vươn lên trở thành những điển hình tiêu biểu trên mọi lĩnh vực.

TÚ ANH
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)

  • Từ khóa