Thứ 7, 16/11/2024, 01:29[GMT+7]

Thái Bình: Từ truyền thống đến hiện tại

Thứ 4, 22/01/2020 | 16:34:26
5,074 lượt xem
Ngày 21/3/1890, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Thái Bình. Tên gọi Thái Bình đến nay tròn 130 năm nhưng đất và người Thái Bình đã tồn tại từ hàng nghìn năm trước.

Thành phố Thái Bình đổi mới, phát triển.

Nhớ thuở tiền nhân khai thiên mở cõi
Theo các tài liệu lịch sử, vùng đất Thái Bình được hình thành chủ yếu do sự bồi tụ phù sa của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình. Do kết quả tiến lùi dồn tụ qua hàng vạn năm của sóng gió biển, xưa, bề mặt của cả vùng Thái Bình có sự cao thấp khác nhau hết sức phức tạp. Đất đai phía Bắc tỉnh có nhiều gò đống. Ngược lại, nhiều dải đất phía Nam quanh năm úng trũng. Các cuốn sách lịch sử đã miêu tả mảnh đất Kỳ Bố Hải Khẩu (quanh vùng thành phố Thái Bình hiện nay) là nơi hoang vu, bãi lầy sú vẹt, cây cỏ rậm rạp, thường làm nơi trú ẩn cho giặc cướp. Mặc dù vậy, vùng đất phì nhiêu này lại hứa hẹn một cuộc sống định cư trù mật nên có sức cuốn hút các thế hệ cư dân từ nhiều vùng miền đổ về khai phá, sinh sống.

Ban đầu, những người mới đến khai phá vùng đất này chọn những rẻo đất cao làm nơi định cư, song để tiếp tục chiếm lĩnh cả những vùng úng trũng và cả dải đất ven biển hẻo lánh đầy sóng gió, bắt buộc các nhóm cư dân, các dòng họ phải tự cố kết lại để đủ sức tiến hành đắp đê, trị thủy, đào sông, khơi ngòi, ngăn rửa mặn, thau chua, thoát úng... Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện nay ngoài 5 con sông lớn thiên tạo là sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc, sông Diêm Hộ, sông Hóa còn có tới 65 con sông đào lớn nhỏ, 6 con kênh được xây dựng khắp các địa bàn khác nhau tạo nên hệ thống sông ngòi chằng chịt phục vụ tốt công tác tưới, tiêu, sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, vùng đất Thái Bình có thể coi là miền đất điển hình của các công cuộc trị thủy, khai hoang lấn biển. Trong suốt hành trình từ thuở hồng hoang khai thiên lập ấp, lịch sử đã ghi nhận nhiều cuộc đấu tranh ác liệt chinh phục thiên nhiên, khẩn hoang, trị thủy vĩ đại của cư dân Thái Bình. Điển hình là công cuộc khẩn hoang do Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ lãnh đạo, chỉ trong 6 tháng đã thành lập huyện Tiền Hải mới với gần 19.000 mẫu ruộng cùng hàng trăm cây số đê sông, đê biển kiên cố, đủ sức hạn chế lũ lụt, nước mặn, thủy triều đã minh chứng cho lòng dũng cảm, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của người dân Thái Bình.

Bằng sự kiên trì và lòng dũng cảm, các thế hệ cư dân Thái Bình đã biến cải một vùng hẻo lánh, hoang sơ, ngập mặn thành miền đất đầy sức sống với bạt ngàn đồng lúa, bãi dâu, làng xóm trù phú, dân đông, vật thịnh, trở thành “kho người, kho của”. Trái tim dũng cảm, không chịu khuất phục trước mọi khó khăn, thử thách đã đời nối đời nhân lên tinh thần quả cảm, thành truyền thống anh hùng, bất khuất của người dân Thái Bình. Từ cuộc khởi nghĩa chống đô hộ của nhà Hán buổi đầu Công nguyên đến khởi đầu sự nghiệp xây dựng nước Vạn Xuân; kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, góp sức chống quân Minh xâm lược giành độc lập dân tộc... cho đến các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ... Mỗi thời kỳ, giai đoạn lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước đều ghi dấu những mốc son chói lọi về tinh thần đấu tranh anh dũng, lòng yêu nước nồng nàn, không chịu khuất phục trước áp bức, bóc lột, bất công của các thế hệ người dân Thái Bình.

Tiếp nối sức mạnh “kho người, kho của”
Quá trình sinh tồn đầy thử thách, khó khăn đã giúp người dân Thái Bình tích lũy được kho tàng kinh nghiệm trong sản xuất, lao động. Để thích nghi với vùng đất luôn song hành giữa thuận lợi và thử thách, người dân Thái Bình đã xử trí thông minh, biến những hiểm họa thành điều kiện và những tinh hoa ấy vẫn được các thế hệ kế thừa và phát huy qua các thời kỳ. Nếu người Thái Bình đã từng thành công trong công cuộc khai hoang trị thủy từ thuở mở cõi, công cuộc “đuổi sóng ra xa, kéo chân trời gần lại” góp phần đánh Mỹ và khôi phục kinh tế sau chiến tranh thì công cuộc “biến đất thành vàng” từ cuối thế kỷ XX đến nay đã và đang làm nên diện mạo, sức sống mới trên vùng đất trẻ Thái Bình. Là tỉnh nông nghiệp, Thái Bình đã tập trung thực hiện nhiều cuộc cách mạng lớn, toàn diện về nông nghiệp, nông thôn. Thành công từ cánh đồng 5 tấn đến cánh đồng 50 triệu và cánh đồng mẫu lớn là hành trình bền bỉ, không mệt mỏi và đầy sáng tạo của nông dân Thái Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh. Không dừng lại ở lúa, ở lợn, nông dân hai huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải còn vươn mình ra biển lớn, nối bước cha ông chinh phục biển cả trên con đường làm giàu. Thái Bình không chỉ biết đến là tỉnh dẫn đầu về nông nghiệp mà ngành công nghiệp cũng vươn lên vị trí ngày càng cao ở khu vực đồng bằng sông Hồng và miền Bắc. Từ một tỉnh thuần nông, cơ bản “trắng” về công nghiệp tập trung, Thái Bình đã thành lập 7 khu công nghiệp, 1 khu kinh tế; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đem đến sự phát triển ngoạn mục. Nếu như tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2000 mới đạt hơn 4.500 tỷ đồng thì đến năm 2019, GRDP dự kiến đạt gần 56.000 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 17.736 tỷ đồng. Đời sống nhân dân ngày càng ấm no, số hộ giàu, hộ khá tăng, hộ nghèo giảm; y tế phát triển, giáo dục luôn nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước. Sau thời gian thực hiện chương trình xây dựng nông mới, thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, diện mạo nông thôn Thái Bình đổi mới từng ngày, xóm làng văn minh, hiện đại, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 263/263 xã; 7/7 huyện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ở miền đất trẻ Thái Bình, nơi hội tụ tinh hoa của nhiều vùng miền, người dân thể hiện bản lĩnh anh dũng, kiên cường, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo từ thuở hồng hoang khai thiên lập ấp. Ngày nay, những giá trị truyền thống quý báu đó vẫn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình giữ gìn, phát huy trong công cuộc đổi mới.

Lão thành cách mạng Nguyễn Văn, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Hơn 90 tuổi đời, được sống, chiến đấu, lao động trên quê hương Thái Bình, được chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất này, tôi thấy rất tự hào. Thời chúng tôi còn công tác, muốn ra cồn Vành phải sử dụng ca nô, nay đã có đường bộ; toàn xã Nam Phú trước kia chỉ là một bãi cói nay đã thành thôn xóm sầm uất, còn phát triển cả du lịch, ô tô về đến tận cửa nhà. Những điều đó đủ để thấy Thái Bình của chúng ta đã đổi thay nhiều như thế nào. Các thế hệ đã phát huy tốt tinh thần mở đất, dựng nghiệp của cha ông ngày trước, xây dựng tỉnh ta sánh vai với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Điều mừng nhất là cùng với phát triển kinh tế, mọi mặt đời sống chính trị, trật tự an toàn xã hội của chúng ta vẫn ổn định, ít xảy ra các vấn đề tiêu cực; điều này chúng ta cần tiếp tục phát huy để xứng đáng với những thành quả mà các thế hệ tiền nhân đã dũng cảm khai phá và dựng xây mảnh đất này.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin

So với nhiều địa phương khác trong khu vực châu thổ sông Hồng và cả nước thì tỉnh Thái Bình có những nét riêng về các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội và dân cư. Những nét riêng đó đã hình thành nên tính cách người Thái Bình.
Nếu xét về cả ba yếu tố: tự nhiên, kinh tế và dân cư thì có thể khái quát từ truyền thống đến hiện tại, tỉnh Thái Bình vốn có 3 “biển”: biển Đông, biển người, biển lúa. Trong các thời kỳ lịch sử của dân tộc, vị thế của 3 “biển” này đã được khẳng định. Vấn đề còn lại là hiện nay và mai sau, khai thác tiềm năng và lợi thế của 3 “biển” này như thế nào để Thái Bình sớm trở thành một tỉnh có nền nông nghiệp, công nghiệp hiện đại, tiếp tục xứng tầm là “kho người, kho của” của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.


Trần Thu Hương