Thứ 7, 16/11/2024, 00:41[GMT+7]

Hành trình mở đất, dựng nghiệp (Kỳ 5)

Thứ 6, 28/02/2020 | 09:05:40
4,204 lượt xem
Các văn thân, sĩ phu, nhân dân yêu nước của Thái Bình sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin nên tại Thái Bình đã sớm thành lập tổ chức Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Thái Bình không tiếc máu xương, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng nhân dân cả nước viết nên bản hùng ca Điện Biên Phủ năm 1954 và đại thắng mùa xuân năm 1975.

Bộ đội ta tiến vào thị xã Thái Bình, mừng ngày giải phóng năm 1954.

Kỳ 5: Kiên cường, trường kỳ chống thực dân pháp, đế quốc Mỹ

Kiên cường chống thực dân Pháp
Đầu năm 1927, hai chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được thành lập ở Trường tư thục Minh Thành và làng Trình Phố. Đến đầu năm 1928, nhiều chi bộ tiếp tục được thành lập. Cuối năm 1928, đầu năm 1929, không có huyện nào của Thái Bình không có cơ sở của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Đầu năm 1929, Tỉnh bộ Thanh niên triệu tập hội nghị đại biểu toàn tỉnh thống nhất phải thành lập một Đảng Cộng sản. Năm 1929, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên giải tán, chuyển Ban Tỉnh bộ Thanh niên thành Ban Tỉnh ủy của Đảng bộ. Đông Dương Cộng sản Đảng chính thức thành lập tại Thái Bình. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, phong trào đấu tranh dân chủ ở Thái Bình từng bước chuyển lên cao trào, các cuộc đấu tranh diễn ra sôi nổi, liên tục, báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945. Cuộc nổi dậy giành chính quyền tại Thái Bình diễn ra khá sớm. Bắt đầu từ phủ Thái Ninh và chỉ trong 6 ngày (từ 18 - 23/8), chính quyền từ tỉnh, huyện đến làng xã đã về tay nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám thành công nhưng chính quyền cách mạng non trẻ của ta phải đối phó với muôn vàn khó khăn, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Theo lời hiệu triệu của Người, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai.

Ngày 8/2/1950, thực dân Pháp chính thức mở chiến dịch đánh chiếm Thái Bình. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Thái Bình huy động toàn diện các lực lượng kiên cường đánh trả cuộc tiến công chiếm đóng và bình định của thực dân Pháp. Khắp nơi trong tỉnh nhân dân chắt chiu từng hạt gạo, củ khoai nuôi bộ đội, thương binh. “Tiếng trống Sơn Đồng”, “Tiếng cồng Vạn Thắng”, “Nhát cuốc Kiến Quan”... là những hoạt động tiêu biểu phản ánh tinh thần chiến đấu kiên cường, bám đất, bám dân cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân trong tỉnh. Tháng 10/1953, vùng giải phóng, vùng căn cứ du kích và khu du kích mở rộng chiếm khoảng 4/5 đất đai toàn tỉnh. Trước những trận chiến dữ dội, táo bạo của quân và dân Thái Bình, ngày 20/1/1954, quân Pháp buộc phải chấm dứt các cuộc càn quét trên địa bàn tỉnh với nhiều tổn thất nặng nề.

Cùng với cả nước dồn sức cho chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng nghìn quần chúng xung phong làm dân công gánh thóc vượt sông Hồng chuyển ra chiến trường. Trên 3.000 thanh niên Thái Bình được tuyển chọn bổ sung cho bộ đội chủ lực. Sau thất bại của quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ, chớp thời cơ tiêu diệt địch, Tỉnh ủy chỉ đạo đưa bộ đội và du kích lên hoạt động mạnh, đẩy mạnh địch vận làm tan rã hàng ngũ địch. Liên tiếp tổ chức tiến công địch tại các địa bàn trọng yếu. Ngày 30/6/1954, toàn bộ quân Pháp lặng lẽ tháo chạy khỏi Thái Bình. Ngày 1/7/1954, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc dinh tỉnh trưởng ngụy quyền, đặt dấu son lịch sử cho ngày giải phóng hoàn toàn Thái Bình sau cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Nhân dân Thái Bình đấu tranh đòi chồng con đi lính cho Pháp trở về tại dinh tỉnh trưởng Thái Bình năm 1954. Ảnh tư liệu 

“Thóc thừa cân, quân vượt mức” chống đế quốc Mỹ
Cùng miền Bắc làm tròn nhiệm vụ hậu phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình vừa sản xuất vừa chiến đấu. Đầu năm 1965, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, Thái Bình chuyển từ thời bình sang thời chiến và khẩn trương triển khai thế trận phòng không nhân dân. Ngày 13/8/1965, không quân Mỹ bắt đầu đánh phá Thái Bình, mở màn chuỗi 887 ngày đêm chiến tranh phá hoại tại Thái Bình trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Trong cuộc chiến này, quân và dân Thái Bình có hai phương án tác chiến: chống địch đánh phá bằng không quân và chống địch tập kích, mở rộng chiến tranh cục bộ. Để chống địch đánh phá bằng không quân, toàn tỉnh thực hiện phương án tác chiến “Tạo thành lưới lửa dày đặc, rộng khắp, có hiệu quả. Máy bay Mỹ tới đâu, quân dân đánh trả quyết liệt tới đó”. Bắt đầu đánh phá từ ngày 13/8/1965, kết thúc vào ngày 31/3/1968, không quân Mỹ đã đánh Thái Bình 1.067 trận, nhằm vào 662 mục tiêu, gây thương vong cho 2.068 người. Trong trận chiến đấu gần 900 ngày đêm ấy, quân và dân Thái Bình đã bắn rơi 29 máy bay địch.

Ngày 16/4/1972, máy bay Mỹ đánh phá trở lại Hà Nội. Cũng trong ngày này, 6 máy bay A6A của Mỹ đánh phá xã Nguyên Xá (Vũ Thư), mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ ở Thái Bình. Những trận đánh phá của không quân Mỹ ngày càng ác liệt. Bắt đầu từ ngày 16/4/1972, kết thúc vào ngày 27/12/1972, trong 128 ngày đêm, địch đã hoạt động trên vùng trời Thái Bình 1.077 lần, đánh 503 trận vào 584 mục tiêu. Máy bay địch đã ném xuống Thái Bình gần 4.000 quả bom các loại. Quân và dân Thái Bình ngoan cường bám trận địa, sáng tạo nhiều phương pháp đánh trả hiệu quả. Phong trào “Tìm địch mà đánh” được phát động trong toàn tỉnh đã làm nên 690 trận đánh trả, bắn rơi 12 máy bay và bắn cháy 4 tàu chiến địch.

Vừa đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên quê hương vừa chi viện sức người, sức của cho chiến trường, các gia đình đã tiễn đưa con em lên đường cầm súng chiến đấu. Từ năm 1965 đến năm 1975, toàn tỉnh có hơn 150.000 nam nữ thanh niên tòng quân, chiếm 10,94% dân số. Cùng với chi viện sức người cho tiền tuyến, nhân dân Thái Bình ở hậu phương cũng ra sức thi đua chiến đấu, lao động sản xuất. Năng suất lúa, tổng sản lượng lương thực của Thái Bình không ngừng tăng, đạt kỷ lục lịch sử của miền Bắc: năm 1965 đạt 4 tấn/ha; năm 1966 đạt hơn 5 tấn/ha; năm 1972 đạt 6 tấn/ha; năm 1974 lên hơn 7 tấn/ha. Trong 10 năm (1965 - 1974), Thái Bình đã đóng góp trên 1 triệu tấn thóc chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. “Thóc thừa cân, quân vượt mức” của Thái Bình đã trở thành bài ca hào hùng, bất diệt cổ vũ tinh thần nhân dân cả nước thi đua lao động sản xuất, anh dũng chiến đấu đánh đuổi đế quốc Mỹ, giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Sự tận hiến của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã đóng góp lớn lao vào cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa Thái Bình cùng cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ông Lều Vũ Cự, cán bộ tiền khởi nghĩa, tổ 17, phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình
Mặc dù thực dân Pháp khủng bố, xây dựng đồn bốt, áp bức dã man, tra tấn đủ mọi hình thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thái Bình đã xây dựng lực lượng vững chắc ngay từ cơ sở, bám đất, bám dân, “rào làng kháng chiến”, huy động toàn dân tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng, xây dựng làng kháng chiến chống Pháp. Liên tiếp các phong trào đấu tranh nổ ra tại các địa bàn trọng yếu đã góp phần làm tan rã hàng ngũ địch.

Ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh
Khi đế quốc Mỹ đánh phá, Thái Bình vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, các cấp ủy đảng, chính quyền đã lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất vừa tổ chức công tác phòng không, bảo vệ sản xuất, tính mạng và tài sản nhân dân; phong trào “Toàn dân đánh giặc” nổi dậy ở khắp các địa phương trong tỉnh đã thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia. Thái Bình cũng luôn là địa phương thực hiện tốt khẩu hiệu “Thóc thừa cân, quân vượt mức” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là tỉnh chi viện sức người, sức của lớn nhất cả nước với hàng triệu tấn lương thực, hàng chục vạn người con ưu tú lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Bà Trần Thị Tuyến, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vũ Thư
Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thanh niên trai tráng xung phong ra chiến trường, ở lại hậu phương chỉ có người già, phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi đều hăng hái học cày, học cấy, làm tất cả những công việc sản xuất nặng nhọc mà nam giới vẫn đảm đương. Các hộ dân, các hợp tác xã đều thi đua tăng gia sản xuất, không một ai phàn nàn, kêu ca khó khăn, vất vả, chỉ mong mỏi một điều là dồn sức để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Nhóm phóng viên
(còn nữa)