Thứ 6, 15/11/2024, 22:48[GMT+7]

“Ở đâu có ý chí ở đó có một con đường”

Thứ 6, 20/03/2020 | 10:10:18
3,681 lượt xem
Ông Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt đã dùng câu nói đó để động viên cán bộ, công nhân viên đồng cam cộng khổ đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Ý chí của ông đã mở ra con đường đưa Gốm Đất Việt trở thành một trong những thương hiệu mạnh trong ngành vật liệu xây dựng.

Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu.

Tôi có cơ duyên gặp ông 2 lần, một lần ở quê ông (xã Quỳnh Bảo, huyện Quỳnh Phụ), một lần ở Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt và cảm nhận được ở ông luôn đau đáu nỗi niềm về nơi ông chôn nhau, cắt rốn. Ở tuổi “Lục thập nhi nhĩ thuận”, ông khiến tôi kính phục theo đúng nghĩa là khi người ta tới 60 tuổi thì mới đạt đến mức độ hoàn hảo về mặt tri thức và kinh nghiệm cuộc đời. Ông là Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt.

Sau khi nghỉ hưu ở cương vị Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Hạ Long Viglacera, cái nghiệp đất sét nung mà ông gắn bó mấy chục năm đã thôi thúc nhiệt huyết trong ông và rồi ông cùng nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng đã quyết định chung sức sáng lập ra Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt đầu năm 2009.

Đầu năm 2010, khi sản phẩm của Gốm Đất Việt ra thị trường chẳng được bao lâu thì bị đẩy vào cuộc đua hạ giá. Trong bối cảnh ấy, lãi suất ngân hàng rất cao cùng với khó khăn về vay vốn khiến tình hình Công ty rất căng. Nhiều nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào thi nhau đòi nợ, còn lãi suất ngân hàng thì “đến hẹn lại lên”... Suốt mấy năm, ông chờ chực ở ngân hàng để xin vay vốn nhưng đều không được. Công ty quay cuồng trong cơn đảo nợ, “giật đầu cá, vá đầu tôm” vay chỗ này để trả chỗ khác... Trong cơn bĩ cực ấy, ông Mâu đã tính đến việc đóng cửa, thậm chí bán công ty. Nhưng cứ nghĩ tới chuyện đó ông lại đau lòng: “Lẽ nào mình phải hổ thẹn với danh hiệu Anh hùng Lao động mà Nhà nước đã trao tặng”. Kế toán trưởng của Công ty thời đó kể lại: Áp lực quá, tôi xuống gặp ông Mâu xin nghỉ việc. Nhưng ông Mâu khẳng định chắc nịch: “Tôi còn đây thì nhất định Gốm Đất Việt sẽ tồn tại và đứng vững. Mọi người hãy cùng tôi vượt qua khó khăn, đừng lùi bước. Tin tôi đi, ở đâu có ý chí ở đó có một con đường”.

Không chỉ kêu gọi, động viên cán bộ, công nhân viên tăng ca để nâng cao năng suất, coi thương trường như chiến trường, ông đích thân lao mình “ra trận”, đến gặp toàn bộ trưởng thôn ở Tràng An, Đông Triều, nơi đặt trụ sở của Gốm Đất Việt. Ông không ngại ngần đặt chân tới tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, gặp từng nhà phân phối để tiếp thị sản phẩm. Theo gương ông, nhiều cán bộ kỹ thuật và quản lý của Công ty đã đến từng công trình, từng móng nhà dân để giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Rồi tỉnh Quảng Ninh vào cuộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì một cuộc họp riêng về Gốm Đất Việt. Lãnh đạo tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh chỉ đạo tạo điều kiện giãn nợ cho Công ty, cùng với chính sách điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng đã giúp tháo nút thắt về vốn, mở ra trang mới cho Gốm Đất Việt.

Năm 2015, Gốm Đất Việt có tên trong top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam và được trao tặng giải thưởng Sao vàng Đất Việt và giải thưởng chất lượng quốc gia. Năm 2016, Gốm Đất Việt  lọt top 10 doanh nghiệp tiêu biểu vinh dự được trao “Giải thưởng cống hiến doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”... Ông Mâu cho biết: Hiện nay, sản phẩm của Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt đã có mặt ở 49 quốc gia trên thế giới và được người tiêu dùng trong nước biết đến bởi chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Đặc biệt, sản phẩm của Gốm Đất Việt đã hiện diện ở những công trình như chùa Trường Sa Lớn, khách sạn 6 sao tại Phú Quốc (Kiên Giang)...

Phân xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt.

Lần gặp ông ở quê dịp xã Quỳnh Bảo đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới năm 2018, ông xúc động chia sẻ: Xa quê đã 50 năm nhưng với tinh thần “Cây có cội, nước có nguồn”, lúc nào hình ảnh quê hương cũng luôn hiện hữu và thôi thúc tôi có những đóng góp về vật chất, tinh thần xây dựng quê hương. Thông qua việc đóng góp xây dựng, tu sửa hệ thống đường thôn xóm, nghĩa trang nhân dân, đình, chùa... giá trị vật chất tuy không lớn nhưng đã thể hiện trách nhiệm của con em xa quê với công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Chia sẻ của ông Mâu cũng là nỗi lòng của những người con Thái Bình xa xứ, họ đều giống nhau là người Thái Bình với đặc điểm: Do hun đúc khí thiêng sông biển nên những bậc anh hùng hào kiệt “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” ở đất này thời nào cũng có. Cần mẫn và năng động; đoàn kết và dân chủ; quả cảm và cương nghị; hiếu học và giàu chí tiến thủ; nhạy bén với thời cuộc; dễ thích nghi với mọi môi trường sống; thích ứng với việc nghĩa và sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn.

Nói rộng hơn, với tố chất của người Thái Bình vốn được hình thành và phát triển từ “ba biển”: biển người - biển lúa - biển Đông, chắc chắn, trên con đường hội nhập và phát triển, những tiềm năng, lợi thế về đất đai và cư dân Thái Bình sẽ được khai thác và phát huy xứng tầm, sớm trở thành một tỉnh giàu mạnh, văn minh.

Phan Lợi