Người “chắt vàng” từ đất
Bại không nản
Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cái nghèo vẫn đeo bám, không thể để vợ con thiếu ăn, thiếu mặc, năm 2005, anh Dự đã mạnh dạn vay mượn tiền đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi trên 250 đầu lợn. Vào thời điểm đó, trang trại của anh đã lớn nhất, nhì huyện Thái Thụy. Song khởi đầu của anh không được như mong đợi bởi đàn lợn sắp đến ngày xuất chuồng thì bị dịch tai xanh khiến anh rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Khoác ba lô lên vai, anh Dự đi tìm vận may đổi đời nơi trời Nam. Rong ruổi qua 27 tỉnh, thành để tìm kiếm cơ hội làm giàu, cuối cùng anh quyết định dừng chân lập nghiệp tại Đắk Lắk. Tại đây anh mua 30ha đất đầu tư trồng cao su, cà phê, điều, cây ăn quả. Đất đai nơi đây màu mỡ nên cây trồng phát triển tốt, cho nhiều trái ngọt. Anh Dự chia sẻ: Thấy cây nào trong vườn cũng trĩu quả mừng lắm nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang” bởi giao thông không thuận tiện, thị trường tiêu thụ khó khăn khiến nông sản làm ra không bán được hoặc bán như cho. Thêm một lần thất bại, thêm kinh nghiệm làm giàu, anh Dự chuyển nhượng lại vườn cây rồi trở về quê hương.
Lần trở về này của anh đúng thời điểm địa phương cho phép chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây, con giống có giá trị kinh tế cao nên anh Dự đã mạnh dạn đứng ra đấu thầu 4ha trong vùng chuyển đổi ven sông Diêm Hộ đầu tư trên 2,5 tỷ đồng trồng cây ăn quả. Ban đầu anh chọn trồng 1ha cây Phật thủ nhưng lại rơi vào cảnh “được mùa mất giá” nên kết quả vẫn giống như 2 lần trước là thất bại.
Khách đến mua cây giống tại nông trại của anh Dự.
Thành công nhờ đam mê
Liên tiếp thất bại nhưng anh không nản, vẫn đam mê với cây ăn quả. Lần này, anh nghiên cứu rất kỹ chất đất, nhu cầu thị trường rồi mới lựa chọn mua 3 giống cây độc, lạ, chất lượng cao, đang có sức tiêu thụ lớn là mít Thái, táo đào vàng, bưởi da xanh ở những nơi có uy tín cả trong nước và nước ngoài đưa về trồng. Hiện trong trang trại anh trồng trên 1.000 gốc táo đào vàng, gần 600 gốc mít Thái, 300 gốc bưởi da xanh. Sau 2 năm trồng, đến năm 2017, cây trong vườn bắt đầu cho trái ngọt, giờ đã cho thu hoạch ổn định. Táo thu khoảng 20 tấn/năm, được 300 - 350 triệu đồng. Mít một năm thu 4 lứa quả, 1 cây thu 1 - 1,5 triệu đồng/năm. Tổng doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Đến giờ gia đình đã thu hồi gần đủ vốn đầu tư.
Để cây sai quả, chất lượng cao, ít sâu bệnh, anh Dự rất chú trọng đến thời điểm chăm sóc, cắt tỉa, bón phân, phòng, trừ sâu bệnh... Với cây mít còn thêm kỹ thuật chọn quả. Mỗi cây mít ra khoảng 100 - 200 quả, để quả to, múi dày, ngọt, giòn phải chọn quả nào để lại, quả nào bỏ đi. Mít trồng đến năm thứ 3 thì bắt đầu lấy quả, năm đầu lấy quả để lại 1 - 2 quả, năm thứ 2 lấy quả để lại 3 - 4 quả... cứ thế tăng lên theo số năm. Đối với cây bưởi, nhiều sâu bệnh hơn các loại cây khác nên phải phun thuốc sinh học định kỳ từ khi cây bắt đầu ra chồi non, tiến hành cắt tỉa tán, kích thích bưởi ra hoa, đậu quả. Còn với táo, tháng 3 cây táo nảy chồi thì cắt tỉa, tạo cành, dùng thuốc sinh học phun để diệt một số loại sâu bay ban đêm; từ tháng 4 đến tháng 11 bón phân 4 lần. Anh Dự còn nuôi 20 thùng ong mật để giúp thụ phấn cho cây ăn quả trong vườn. Anh gọi đây là công nghệ rẻ tiền nhưng mang lại hiệu quả cao. Điều đáng mừng là cây trái được anh trồng, chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ như chăm con mọn nên bốn mùa cho hoa thơm, quả ngọt, được khách hàng biết tiếng tới tận vườn mua, nhiều thời điểm không đủ quả bán.
Trong trang trại, anh Dự dành hẳn một khu để nghiên cứu, trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả độc, lạ như bưởi Phúc Kiến, bưởi Rubi, na Đài Loan, na Thái, mít Thái... Thử nghiệm thành công anh mới bán cho bà con về trồng. Khách mua cây giống của anh ở nhiều địa phương nên anh đã lập kênh youtube hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây, ai nhắn hỏi vấn đề gì anh trả lời, hướng dẫn tỉ mỉ. Ông Nguyễn Văn Thảnh, thôn Khúc Mai, xã Thụy Thanh cho biết: Tôi thấy anh Dự có nhiều giống cây ăn quả độc, lạ, chất lượng cao nên nhiều năm nay đều mua cây giống ở đây để trồng cho các nông trại, nhà vườn có nhu cầu. Sau một thời gian, các chủ vườn chăm sóc theo đúng hướng dẫn của anh Dự cây nào cũng sai quả, quả ngon nên ngày càng tin tưởng chọn lựa cây giống của anh Dự. Bà Hà Thị Thiềm, xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) phấn khởi cho biết: Trước tôi đến mua 20 cây mít Thái của anh Dự về trồng, chăm sóc theo đúng hướng dẫn đã cho quả, quả to, múi giòn, ngọt nên tôi với con gái lại tới mua thêm về trồng. Tôi mong anh Dự có thêm nhiều giống cây ăn quả chất lượng nữa cho bà con nông dân chúng tôi trồng để tăng thu nhập.
Không phải là người đầu tiên ra vùng chuyển đổi này nhưng anh Dự lại là người sở hữu trang trại rộng nhất và đạt được thành công nhất. Ông Nguyễn Thế Tứ, Giám đốc HTX DVNN xã Thụy Thanh cho biết: Tại vùng đồng Hộn, xã chuyển đổi 30ha cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi, có gần 40 hộ tham gia, trong đó có hộ anh Nguyễn Duy Dự. Các hộ chủ yếu phát triển chăn nuôi còn anh Dự lại chọn trồng cây ăn quả và ươm cây giống. Mô hình của anh Dự hiệu quả cao nhất xã.
Thời gian tới, anh Dự dự định sẽ đầu tư làm thêm cây ăn trái bon sai và làm nhà vườn sinh thái để thu hút khách đến vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp, chụp ảnh, ghi hình làm kỷ niệm vừa thưởng thức hoa quả ngay tại trang trại. Đây là một hướng phát triển nông nghiệp xanh, bền vững mong anh sớm thực hiện và thành công.
Nhóm Phóng Viên
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai