Thứ 7, 23/11/2024, 14:45[GMT+7]

Thoát nghèo bền vững từ mô hình chăn nuôi tổng hợp

Thứ 6, 25/07/2014 | 08:20:20
2,176 lượt xem
Những năm qua, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi do Hội Nông dân xã Thanh Tân (Kiến Xương) phát động được bà con hưởng ứng tích cực, qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế.

Anh Bùi Mạnh Hùng vệ sinh chuồng trại cho đàn vật nuôi của gia đình.

 

Ðiển hình như gia đình anh Bùi Mạnh Hùng, thôn Tử Tế đã thoát nghèo nhờ xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp. Bắt tay vào làm kinh tế từ hai bàn tay trắng, nhờ cần cù chịu khó, dám nghĩ, dám làm đến nay vợ chồng anh Hùng đã làm chủ mô hình chăn nuôi tổng hợp thu lãi bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm.

 

Ðưa chúng tôi đi thăm khu chăn nuôi tổng hợp bố trí hợp lý, khoa học nhiều cây xanh, rộng rãi và thoáng mát, anh Hùng nhớ lại: Những ngày đầu mới lập gia đình, trên mảnh đất bố mẹ cho, vợ chồng anh quanh năm chỉ biết làm ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ. Sau vụ mùa anh chị lại tìm và làm thêm nghề phụ nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. Với ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo, vợ chồng anh bàn với nhau chọn hướng mở rộng chăn nuôi để cải thiện thu nhập. Năm 2007, khi UBND xã Thanh Tân có chủ trương chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định, giúp người nông dân làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương; vợ chồng anh đã mạnh dạn đăng ký chuyển đổi hơn 4.000m2 diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp.

 

Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên anh chị chỉ dám nuôi hơn chục con lợn thịt và gần 100 con gà thả vườn. Những ngày đầu khi mới bắt tay vào chăn nuôi anh chị gặp không ít khó khăn do đồng vốn còn hạn hẹp, kinh nghiệm chăn nuôi chưa nhiều. Ðể có vốn và kinh nghiệm chăn nuôi, anh chị đã cùng với các gia đình khác trong thôn tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn và thành lập câu lạc bộ chăn nuôi. Ngoài ra, anh còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức, tham quan các mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao ở trong và ngoài huyện.Trong quá trình chăn nuôi, nhận thấy để có lứa lợn khỏe mạnh, nhanh lớn, chất lượng thịt cao thì việc lựa chọn con giống rất quan trọng, vì vậy, anh tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi thêm lợn nái để vừa chủ động nguồn giống. Sau một thời gian chăn nuôi đi vào ổn định, thấy được hiệu quả kinh tế cao, anh chị tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, xây dựng hơn 400m2 chuồng trại nuôi lợn, gần 200m2 nuôi gia cầm và 1.500m2 ao nuôi cá truyền thống.

 

Hiện nay, mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh thường xuyên duy trì từ 150 - 180 con lợn thịt, 12 - 15 con lợn nái, 1.500 con gà thả vườn, vịt và ngan; ao cá mỗi năm cho thu hoạch gần 1 tấn sản lượng. Xen giữa các dãy chuồng, anh trồng thêm nhiều loại cây ăn quả vừa để lấy quả, vừa cho bóng mát. Ðể tận dụng chất thải của gia súc, gia cầm anh Hùng xây dựng hầm biogas để cung cấp chất đốt cho gia đình, vừa giảm chi phí sinh hoạt, vừa chống ô nhiễm môi trường. Anh Hùng chia sẻ: Nhờ sự giúp đỡ về kỹ thuật chăn nuôi của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sự ủng hộ của chính quyền địa phương tôi mới có thành quả như ngày hôm nay.

 

Những năm trước, mặc dù dịch bệnh xảy ra ở nhiều hộ chăn nuôi, nhưng đàn vật nuôi của gia đình tôi vẫn luôn khỏe mạnh, phát triển tốt, không bị nhiễm bệnh do gia đình luôn chú trọng công tác phòng dịch, tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo định kỳ và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ... Việc chăn nuôi theo phương thức khép kín, tự túc con giống, chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh đã giúp gia đình tôi luôn có nguồn thu ổn định, năm sau cao hơn năm trước.

 

Phạm Hưng

 

  • Từ khóa