Thứ 7, 23/11/2024, 20:50[GMT+7]

Trái tim đỏ, bọc trong lòng đất đỏ

Thứ 2, 29/05/2017 | 08:41:40
1,249 lượt xem
Từ một hương sư sớm giác ngộ cách mạng, liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Ngoạn (tức Phạm Tiến Dũng), quê ở làng Đồng Trực, tổng Đồng Trực, huyện Quỳnh Côi (nay là làng Ngọc Minh, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ) đã tích cực truyền bá lý tưởng cộng sản cho các học trò của mình và nhân dân tiến bộ trong vùng.

Cụm đình, chùa làng Ngọc Minh, nơi Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Ngoạn dạy học và truyền bá lý tưởng cộng sản cho quần chúng nhân dân.

Năm 1943 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, ông xin chỉ thị của Đảng thành lập đội tự vệ đỏ. Chỉ với khẩu súng kíp trong tay, đội tự vệ đỏ do ông chỉ huy đã tiến về huyện lỵ Quỳnh Côi cướp chính quyền từ tay thực dân, phong kiến, thừa thắng tiến sang huyện lỵ Tiên Hưng hỗ trợ nhân dân Tiên Hưng giành chính quyền rồi quay trở về chặn tàu chở lương thực của Nhật trên sông Luộc lấy gạo chia cho dân nghèo.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hòa Bình là địa bàn chiến lược nối liền đầu não kháng chiến Việt Bắc với Liên khu III, trong đó có Thái Bình. Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến địa bàn trọng yếu này nên đã điều động nhiều cán bộ hoạt động cách mạng xuất sắc của Hà Nội, Thái Bình và một số tỉnh lân cận chi viện cho phong trào cách mạng của Hòa Bình. 

Năm 1947, Nguyễn Văn Ngoạn là Huyện ủy viên Huyện ủy Quỳnh Côi, một trí thức cách mạng với tư chất sắc sảo, quyết đoán, kiên cường cùng năng lực lãnh đạo và chỉ huy nổi trội đã được Trung ương Đảng lựa chọn tăng cường cho Hòa Bình. Để tránh sự theo dõi của mật thám Pháp, từ đây, ông đổi tên thành Phạm Tiến Dũng.

Bà Nguyễn Thị Lệ, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ Hòa Bình những năm kháng chiến chống Pháp xúc động kể về sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Nguyễn Văn Ngoạn (tức Phạm Tiến Dũng): “Tháng 1/1950, tôi được Đảng điều động từ Hà Nội lên tăng cường cho phong trào phụ nữ của Hòa Bình. Vì cùng điều kiện công tác nên tôi quen biết anh Phạm Tiến Dũng, lúc này anh là Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Nông hội tỉnh Hòa Bình. Thời điểm này, giặc Pháp tái chiếm Hòa Bình, những phần tử việt gian, phản động có điều kiện trỗi dậy. Tên trùm Đinh Công Tuân, Quách Bửu và đồng bọn đã nhanh chóng cấu kết với thực dân Pháp đàn áp phong trào cách mạng. Anh Dũng nằm vùng chỉ đạo phong trào ở huyện Kỳ Sơn (nay là huyện Cao Phong), trong đó hai xã Cao Phong và Thạch Yên có vị trí chiến lược quan trọng, tình hình chính trị - xã hội rất phức tạp và là trung tâm của “xứ Mường tự trị” nên cả ta và địch đều giành giật. Nhằm chiếm lĩnh hai địa bàn trọng yếu này, giặc Pháp tổ chức nhiều trận càn khốc liệt, truy sát cán bộ Việt Minh và lực lượng du kích. Trước tình hình đó, anh Dũng bình tĩnh đưa dân đi tản cư trong núi sâu còn mình quay lại cùng bộ đội địa phương và du kích đánh trả. Trong một trận chiến đấu không cân sức, anh bị địch bắt, nhiều cán bộ, chiến sĩ, du kích hy sinh. Chúng đưa anh vào hang núi tra tấn bằng những cực hình hết sức dã man. Được bọn việt gian chỉ điểm, giặc biết anh là cán bộ cốt cán, chúng vừa đánh đập, tra khảo vừa dùng chiêu bài mua chuộc, dụ dỗ nhưng anh vẫn một lòng trung trinh với Đảng, với cách mạng kiên quyết không khai. Không khuất phục được anh, giặc Pháp đã đào hố chôn sống anh hòng làm lung lạc ý chí chiến đấu của quân, dân Cao Phong”.

Kể đến đây, bà Lệ không cầm được nước mắt, trên gương mặt cương nghị của vị thủ lĩnh phong trào phụ nữ xứ Mường ngày nào những giọt nước mắt lăn dài. Chiến tranh đã lấy đi của bà nhiều thứ nhưng với bà, hình ảnh người anh, người đồng chí cộng sản kiên trung, bất khuất Phạm Tiến Dũng vẫn còn mãi, sừng sững như núi đồi Cao Phong. Cuộc chiến đưa bà đến nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau, bà tạm xa mảnh đất Cao Phong bi hùng. 

Bẵng đi mấy chục năm, sau khi đất nước sạch bóng quân thù, bao mùa cam Cao Phong trĩu ngọt trôi qua bà Lệ mới có dịp cùng các đồng chí còn lại của mình quay về Cao Phong viếng mộ đồng đội. Vô tình bà gặp hai người lính Bảo Hoàng trực tiếp đào hố chôn sống ông Dũng cũng có mặt tại lễ viếng mộ ông hôm ấy. Hai người này kể lại với bà Lệ về cái chết của người cộng sản kiên trung cùng những day dứt, dằn vặt suốt cuộc đời còn lại của họ: “Cán bộ Dũng có cái gan to lắm, khi bị bắt, bị trói tay vẫn không sợ gì, bình thản nhìn chúng tôi và những người lính khác. Khi hố đào xong, dù bị chúng tôi nhấc bổng lên thả xuống nhưng cán bộ Dũng vẫn ngẩng cao đầu, đứng thẳng nhìn bọn lính Pháp với đôi mắt sáng rực. Bọn lính Pháp gào thét bắt chúng tôi lấp đất. Vừa lấp đất chúng tôi vừa khóc, chúng tôi là lính Bảo Hoàng bị cưỡng ép. Đất lấp đến cổ cán bộ Dũng thì mấy tên lính lê dương hung hãn dùng báng súng phang liên tục vào đầu ông ấy… Bọn Pháp bắt chúng tôi tiếp tục lấp đất phủ kín đầu cán bộ Dũng, chúng tôi đã khóc và khấn cán bộ Dũng tha tội cho chúng tôi. Một thằng lính Pháp lấy cái đầm sắt đầm lên đầu cán bộ Dũng, đầm liên tục cho đến khi người cán bộ Dũng thụt lún hẳn xuống. Chúng bắt bọn tôi lấp đất đầy thành mộ”…

Cách đây 70 năm, ngày 15/4/1947, thực dân Pháp bắt đầu đánh chiếm Hòa Bình, chúng đã lập được vành đai siết chặt vòng vây Liên khu Việt Bắc, căn cứ địa cách mạng trong vùng tạm chiếm. Lúc này phong trào du kích phát triển mạnh, tiêu biểu như ở các xã Yên Mông, Trung Minh (Kỳ Sơn), Toàn Sơn, Pù Bin Mai Hạ (Mai Đà), Nhuận Trạch, Cao Sơn (Lương Sơn)… những năm tháng khó khăn đó, Đảng bộ Hòa Bình vẫn tổ chức bảo đảm đường dây liên lạc chiến lược giữa Việt Bắc và Liên khu III, Liên khu IV, đập tan âm mưu lập “xứ Mường tự trị”, tiêu diệt và bức rút 23 vị trí của địch, giải phóng khu vực 2.000km² gồm toàn bộ huyện Mai Đà và một số huyện; “phòng tuyến sông Đà”; “Hành lang Đông - Tây” của địch bị phá tung một mảng lớn; “xứ Mường tự trị” bị đánh một đòn chí tử… Thành phố Hòa Bình và một số huyện bị địch tạm chiếm như Kỳ Sơn, Lương Sơn được giải phóng. Đầu năm 1950, giặc Pháp quay lại tấn công chiếm đóng những cứ điểm quan trọng của Hòa Bình. Cuộc chiến giữa những người miền núi “chân đất, áo chàm” một dạ yêu nước, thương nòi sát cánh cùng cán bộ miền xuôi Phạm Tiến Dũng quyết tử với đội quân lê dương thiện chiến được trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh “đến tận răng” liên tục nổ ra. Cuối cùng, quân địch đã bị ý chí tự chủ dân tộc và lòng yêu nước vô bờ đánh cho tan tành.


Ông Bùi Văn Liển, Bí thư Đảng ủy xã Dũng Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình

Trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1946 đến 1954, xã Cao Phong thuộc huyện Kỳ Sơn là điểm quân sự trọng yếu và là trung tâm của “xứ Mường tự trị”. Nơi đây có địa hình hiểm trở, tập trung nhiều việt gian, phản động. Từ năm 1947 đến năm 1952, đồng chí Phạm Tiến Dũng là người con quê hương Thái Bình tăng cường cho Hòa Bình với cương vị Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Nông hội tỉnh, phụ trách huyện Kỳ Sơn, đồng chí đã gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc Cao Phong. Đồng chí không tiếc thân mình hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Sự hy sinh anh dũng ấy là niềm tự hào và là động lực to lớn thúc đẩy cán bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang Cao Phong nói riêng, Hòa Bình nói chung quyết tâm tiêu diệt giặc, giải phóng quê hương. Ngay sau khi Hòa Bình được giải phóng, xã Cao Phong được chia thành 8 đơn vị hành chính, trong đó địa bàn xã Cao Phong cũ được đổi tên thành xã Dũng Phong (lấy tên đồng chí Dũng ghép với tên địa danh). Đồng chí đã được Chính phủ truy tặng danh hiệu liệt sĩ, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì năm 1961, Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2007 và năm 2015 Nhà nước đã truy tặng đồng chí danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.


Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ

Vinh dự và tự hào là địa phương sinh ra Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Ngoạn (tức Phạm Tiến Dũng), người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, sống anh dũng, chết vẻ vang. Năm 2011, ông được Tỉnh ủy Thái Bình công nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945. Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Hoàng đang nỗ lực xây dựng thành công nông thôn mới và đề nghị các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện để địa phương cùng gia đình, dòng tộc liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Ngoạn xây dựng nhà lưu niệm ông, nơi ông từng dạy học, truyền bá tư tưởng cộng sản và hoạt động cách mạng.

Ông Nguyễn Văn Dương, con liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Ngoạn

Tộc họ Nguyễn ở làng Ngọc Minh luôn tự hào về bố tôi, người con của dòng tộc đã hy sinh anh dũng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Con cháu chúng tôi nguyện noi theo tấm gương chiến đấu, anh dũng hy sinh của ông, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất.

Quang Viện