Thứ 7, 23/11/2024, 20:45[GMT+7]

Lời Đảng gọi - biển quê hương dậy sóng

Thứ 2, 12/06/2017 | 09:05:25
1,361 lượt xem

Di tích lịch sử đình Nho Lâm nơi xuất phát cuộc biểu tình ngày 14/10/1930.

Tờ mờ sáng ngày 14/10/1930, làng Nho Lâm dập dồn tiếng trống tập hợp đội ngũ những người nông dân “chân lấm tay bùn” biểu tình phản đối thực dân Pháp đàn áp phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Giờ Dần đã điểm, từ Nho Lâm, đội quân “chân đất” tiến sang làng Thanh Giám nhập với đội quân ở đây làm một, xếp hàng đi theo con đường đá “Tiểu Hoàng - Đồng Châu” thẳng đến Trái Diêm. Ở làng Đông Cao cũng có đội quân đi theo sông Kiến Giang lên cầu Cát Già rồi đến Trái Diêm hợp với đội quân Nho Lâm, Thanh Giám. Cuộc biểu tình có đủ cờ, biểu ngữ, khẩu hiệu, tất cả tiến đến cổng huyện đường hô vang: “Không được đàn áp công nông Xô Viết Nghệ Tĩnh”. Bọn lính canh cổng hốt hoảng xông ra bắn vào đoàn biểu tình.

Có hai trong số những người biểu tình bị thương, bị địch bắt là chỉ huy đoàn biểu tình. Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lương Sảng là cán bộ phụ trách đội tự vệ bảo vệ cuộc biểu tình và liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Ái là cán bộ lãnh đạo cuộc biểu tình. Cả hai ông đều sinh ra và lớn lên ở làng Nho Lâm, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải. Bọn giặc bắt được hai ông, chúng dùng đủ mọi thủ đoạn tra tấn dã man hòng thủ tiêu ý chí đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ của nhân dân xã Đông Lâm và các xã lân cận nhưng chúng chẳng những không khuất phục được ý chí đấu tranh của những người nông dân “áo vải” một lòng theo Đảng mà ngược lại tấm gương hy sinh anh dũng của hai cán bộ Nho Lâm là chỉ huy đoàn biểu tình như ngọn lửa hồng soi sáng bước chân những người nông dân quyết tử đi theo con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn.

Được tổ chức Đảng giao nhiệm vụ làm tuyên truyền viên Thanh niên cách mạng đồng chí Hội phụ trách đội tự vệ đoàn biểu tình của nông dân Đông Lâm ngày 14/10, ông Lương Sảng phân công anh em trong đội tìm và phát hiện, ngăn chặn kịp thời những phần tử phá rối, ôm chân đế quốc thực dân lẻn đi báo cho bọn quan thầy trong cuộc biểu tình. Do vậy, đoàn biểu tình không gặp cản trở, đến cổng huyện đường, ông Lương Sảng hô khẩu hiệu như sấm vang: “Không được đàn áp công nông Xô Viết - Nghệ Tĩnh”; “Liên bang Xô Viết muôn năm”, nghe giọng hô sang sảng, mọi người trong đoàn biểu tình cùng đồng thanh hô như sóng biển Đồng Châu khiến bọn quan lại và binh lính hoảng sợ phải đóng cửa huyện đường. Đoàn biểu tình tiếp tục trào lên và hô to khẩu hiệu “Không được đàn áp, khủng bố trắng anh em nông dân Nghệ - Tĩnh”. 

Trước khí thế mạnh mẽ của đoàn biểu tình, tên Bế Văn Khánh chỉ huy tốp lính bảo vệ huyện đường quát quân lính không được mở cửa. Tiếng hô vẫn trào lên như sóng biển, người biểu tình áp sát cổng huyện đường, tên Khánh liền ra lệnh cho quân lính nổ súng bắn vào đoàn biểu tình. Ông Lương Sảng bị thương vào bụng, ruột lòi ra, máu chảy đầm đìa. Trước khi rơi vào tay giặc, ông lấy hết sức bình sinh hô to: “Tiến lên”, “Anh em bình tĩnh tiến lên”. Giặc Pháp bắt được ông. Ngay lúc đó, chúng tiếp tục xả súng trấn áp, giải tán đoàn biểu tình. 

Nhận tin báo có cuộc biểu tình, tên Vi Văn Định, Thống đốc tỉnh Thái Bình đã cuống cuồng xuống thị sát hiện trường. Hắn cười khả ố khi nhìn thấy ông Lương Sảng bụng lòi ruột mà ánh mắt vẫn rực sáng tinh thần tranh đấu. Hắn dùng chiêu bài dụ dỗ ông Lương Sảng bằng những lời đường mật lẫn hăm dọa, ông Lương Sảng giữ khí phách của người cộng sản trả lời không chút đắn đo: “Chúng tao đấu tranh đòi quyền lợi đời sống cho dân tao, chết cũng cam lòng”. Tên Vi Văn Định vẫn chiêu trò mua chuộc: “Nói cho tao biết ai là người tổ chức lãnh đạo, chỉ huy cuộc biểu tình, tao sẽ cho mày đi chữa trị vết thương rồi sẽ cho mày đi làm ở nơi mà mày yêu cầu”. Lương Sảng trừng mắt, nhìn thẳng vào mặt Vi Văn Định: “Chúng tao vì quyền lợi của nhân dân mà đấu tranh chứ không như các người bán nước, hại dân kiếm bát cơm thừa, canh cặn của thực dân”, nói rồi Lương Sảng rút ruột ném vào mặt tên Thống đốc Vi Văn Định, hô to: “Đả đảo đế quốc và tay sai”, “Đảng cộng sản Đông Dương vạn tuế”. Tên Vi Văn Định gầm lên như con thú hoang, rút súng bắn vào đầu ông Lương Sảng. 

Sang đầu giờ chiều, lũ cướp nước và bán nước do Vi Văn Định chỉ huy bắt đầu cuộc tra tấn ông Phan Ái, chúng nghi ông là lãnh đạo cuộc biểu tình nên ngay khi bắt được ông, chúng dùng những đòn tra tấn dã man hòng uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân. Chúng đưa nhà lãnh đạo cuộc biểu tình về làng Nho Lâm, treo ngược ông lên cây thị trước đình Nho Lâm, đóng đinh vào 10 đầu ngón chân, cuốn giẻ, tẩm xăng 10 đầu ngón tay rồi châm lửa đốt. Quân giặc dùng thủ đoạn tra tấn dã man cùng những lời đường mật dụ dỗ nhưng Phan Ái không lung lạc ý chí, vẫn kiên trung, bất khuất nhận tất cả về mình: “Tao là lãnh đạo cuộc biểu tình, tao chỉ huy, việc chúng tao làm là chính nghĩa, chúng mày không phải hỏi”. Giặc lôi ông ra tiếp tục tra tấn chết đi sống lại cốt để nhân dân Nho Lâm nhìn thấy mà nhụt ý chí. Thân hình tàn tạ, những mảng máu bết trên đầu, trên mí mắt, máu trào ra từ miệng nhưng ông Phan Ái vẫn nhoẻn miệng cười, nói trong hơi thở khó khăn: “Tao thà chết chứ không bao giờ khuất phục chúng mày”. Biết không thể lung lạc ý chí đấu tranh của ông Phan Ái, tên Vi Văn Định hạ lệnh cho bọn lính áp giải ông về giam ở căng Bo (thành phố Thái Bình ngày nay). Tỉnh lại, ông Phan Ái tiếp tục vận động anh em trong tù đấu tranh đòi trả tự do người vô tội và đòi quyền lợi cho dân cày. Khiếp sợ trước khí phách người cộng sản, chúng kết án ông 20 năm tù và quản thúc 40 năm về tội “Lãnh đạo cuộc biểu tình chống chính phủ bảo hộ” và đày ông ra Côn Đảo. Năm 1933, được tổ chức Đảng bố trí, Phan Ái cùng nhiều chiến sĩ cộng sản kiên trung vượt ngục. Bị lộ, thực dân Pháp bắt ông quay trở lại nhà tù. Tại đây, quân giặc đã tra tấn ông đến chết.

Tấm gương hy sinh anh dũng của hai liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lương Sảng và Phan Ái là kết tinh của quá trình vận động cách mạng ở một vùng quê nghèo ven biển nhưng giàu truyền thống cách mạng. Từ cuộc đấu tranh đòi địa chủ cho vay thóc để chống đói của nông dân Tiền Hải tháng 3/1930, cuộc đấu tranh này trở thành cao trào cách mạng ở thời điểm đầu tháng 10/1930, lúc đầu có hơn 200 anh em nông dân ở ba làng Nho Lâm, Thanh Giám, Thư Điền đến tranh đấu với những tên địa chủ, cường hào ở địa phương, sau cuộc tranh đấu tạo sức mạnh bất ngờ khiến bọn địa chủ phải nhượng bộ và chịu cho nông dân vay 50 tạ thóc cứu đói cho dân cày. Cuộc biểu tình ngày 14/10/1930 đã gây chấn động mạnh đối với phong trào cách mạng đòi quyền dân sinh, dân chủ trong cả nước, được xem là “cuộc đấu tranh cách mạng đầu tiên của nông dân Bắc Kỳ”. Ngày 18/10/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng có nhận xét: “… ở Bắc Kỳ thì phong trào mạnh nhất là ở Thái Bình”.


Ông Phạm Đức Dục, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải

Vinh dự lớn lao là quê hương của “tiếng trống năm 30”, xã Đông Lâm chúng tôi còn tự hào là mảnh đất sinh ra những anh hùng hào kiệt như Lương Sảng, Phan Ái và nhiều vị lão thành cách mạng. Mới đây, huyện Tiền Hải đã chọn tên hai liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hai người con ưu tú của làng Nho Lâm, xã Đông Lâm là Lương Sảng và Phan Ái (được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2014) đặt tên cho hai đường phố chính của thị trấn Tiền Hải. Ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Lâm chúng tôi tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân quyết tâm xây dựng thành công nông thôn mới.

Ông Vũ Thanh Tịnh, Bí thư Chi bộ thôn Nho Lâm, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải

Làng Nho Lâm xưa và nay vẫn luôn duy trì và phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, nhân dân một lòng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, quyết tâm xây dựng thôn làng đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng hộ khá và giàu, chung tay bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững, xứng với sự hy sinh anh dũng của hai anh hùng liệt sĩ Lương Sảng và Phan Ái.


Ông Lương Văn Bang, Trưởng ban Xây dựng làng văn hóa Nho Lâm, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, cái nôi của “tiếng trống năm 30”, làng Nho Lâm được UBND tỉnh công nhận làng văn hóa cấp tỉnh năm 2003, đồng thời chọn làng Nho Lâm để xây dựng mô hình “trung tâm văn hóa - thể thao” các thôn làng nhân ra diện rộng trong toàn tỉnh. Làng không còn nhà mái rạ, hầu hết là mái bằng bê tông kiên cố, nhiều nhà cao tầng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Làng có trên 50 dòng họ, dòng họ nào cũng có những cống hiến nhất định cho cách mạng, mỗi khi nhắc đến sự hy sinh anh dũng của hai người con ưu tú của làng là Lương Sảng và Phan Ái người dân làng Nho Lâm chúng tôi lại thêm tự hào để bước tiếp trên con đường đổi mới, phát triển và hội nhập.


Quang Viện