Có một "Đồng Lộc" giữa Thái Bình
Chiến tranh khốc liệt, hy sinh, mất mát là điều không tránh khỏi với những ai đã sống và chiến đấu trong những năm “cả nước cùng đánh Mỹ".
Đài tưởng niệm Tiểu đội tự vệ chiến đấu khu Trần Phú là nơi tưởng niệm và ghi danh 7 liệt sĩ tự vệ thuộc Tiểu đội chiến đấu khu Trần Phú đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước.
Những kỷ niệm còn đó
Trong căn nhà nhỏ trên phố Hai Bà Trưng, thành phố Thái Bình, bà Trần Thị Nhiễm - vợ liệt sĩ Trần Văn Viễn, nay mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng những ký ức của hơn 50 năm về trước thì vẫn luôn vẹn nguyên, như chưa khi nào ngủ yên trong tâm trí.
Những câu chuyện như mới vừa xảy ra hôm qua, được bà nhắc lại làm cô cháu gái dù chưa một lần biết mặt ông nội nhưng vẫn luôn xúc động và tự hào. Đó là câu chuyện khi chồng hy sinh, một mình bà bươn trải nuôi 5 con nhỏ dại, trong đó một con đang trong bụng mẹ. Đó là câu chuyện trước ngày ông hy sinh, nhà nghèo nhưng vốn liếng vợ chồng dành dụm bao lâu, ông bỏ hết ra để mua áo ấm cho con vì sợ mùa đông năm ấy sẽ lạnh! Rồi đến ngày 22/1/1967, ông bảo sẽ về thăm nhà, để xem mấy đứa nhỏ mặc áo ấm có vừa, có đẹp không. Mâm cơm được bà cùng các con dọn sẵn, háo hức đợi chờ. Vậy nhưng đó cũng chính là ngày mà ông cùng 5 chiến sĩ trong Tiểu đội tự vệ chiến đấu khu Trần Phú mãi mãi không trở về bởi trận ném bom ác liệt của máy bay địch.
Giờ đây, đã sang đến ngưỡng bên kia của cuộc đời, bà Nhiễm tự hào vì đã thay chồng nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Nhớ lại ngày ấy khó khăn quá, khi có người đến xin cậu con út làm con nuôi, bà đã toan tính cho, vì mong con có thể lớn lên trong một gia đình đầy đủ hơn, thay vì bữa cơm khi đói, khi no, cuộc sống nay đây mai đó. Nhưng bằng tình mẫu tử, bà Nhiễm không đành lòng vì làm như vậy là có tội với chồng. Bà nhớ đến lời hứa chăm lo cho các con để chồng yên tâm hoàn thành nhiệm vụ với đất nước.
Là chị em ruột, bà Trần Thị Xâm cũng có chung hoàn cảnh với chị gái Trần Thị Nhiễm. Bà là vợ của liệt sĩ Vũ Bá Ân, đội trưởng Đội tự vệ Trần Phú. Qua bao năm tháng chiến tranh gian khổ, nay những kỷ vật của người chồng quá cố chỉ còn tấm ảnh và tấm Huân chương Kháng chiến được bà treo trang trọng trong căn nhà nhỏ. Bà bảo quá nửa cuộc đời xa ông nên đã thành quen, giờ chỉ mong các con, các cháu hiểu được những mất mát hy sinh to lớn ấy để luôn là những công dân tốt của xã hội.
Ngày 22 tháng 1 năm 1967
Nằm bình yên giữa một góc phố tấp nập, đài tưởng niệm Tiểu đội tự vệ chiến đấu khu Trần Phú chính là nơi mà vào ngày 22/1/1967, các đồng chí Trần Văn Viễn, Vũ Bá Ân, Vũ Đức Xuân, Trần Thị Vinh, Trần Thị Lộc kiên cường chiến đấu, bắn trả máy bay của địch và anh dũng hy sinh. Ngày hôm ấy, sau buổi sáng vất vả đào hầm và công sự, các chiến sĩ vừa nghỉ ngơi thì tiếng máy bay ập đến, rít lên trên không trung.
Nghe tiếng loa cấp báo của đồng chí Nguyễn Thanh Bình, ngay lập tức, họ vội lao vào vị trí chiến đấu, bình tĩnh chờ máy bay địch đang lao tới để xiết cò. Nhưng sau một loạt bom khốc liệt, cả kíp trực hòa vào cát bụi. Khi đồng đội lao đến đào bới gạch ngói vùi lấp, thì thi thể các chiến sĩ ấy vẫn còn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Riêng đồng chí Nguyễn Thanh Bình lúc đó đang chiến đấu sát phía ngoài trận địa nên bị sức ép của bom hất văng đi khá xa. Nguyễn Thanh Bình được đồng đội đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng sau một đêm cũng đã hy sinh vì vết thương quá nặng. Trong lễ kết nạp Đảng được tổ chức ngay tại phòng bệnh, trước lúc ra đi, đồng chí Bình đã ứa nước mắt nói lời cuối cùng: “Tôi chỉ tiếc là chưa hoàn thành được nhiệm vụ của Đảng giao cho”.
Giữa khói lửa chiến tranh, nén đau thương, đồng đội cùng gia đình các thân nhân liệt sĩ nhanh chóng ổn định tư tưởng, tiếp tục lao động sản xuất và kiên cường chống lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ, buộc chúng phải đền tội. Sự kiện ngày 22/1/1967 cùng sự ra đi của những liệt sĩ với tuổi đời còn rất trẻ thuộc Tiểu đội tự vệ chiến đấu khu Trần Phú vừa không thể làm giảm ý chí quyết tâm của nhân dân thị xã Thái Bình, vừa dấy lên lòng căm thù giặc sâu sắc, là động lực cho những người ở lại kiên cường đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Không chỉ riêng sự kiện ngày 22/1, mà cả năm 1967, máy bay giặc Mỹ đã 3 lần ném bom xuống khu vực thị xã Thái Bình. Các trận chiến đấu giữa pháo phòng không của bộ đội tỉnh, súng bộ binh của các đội tự vệ chiến đấu với máy bay địch diễn ra rất quyết liệt. Và dù không có trợ cấp, phụ cấp nhưng trong suốt 10 năm chống Mỹ (1965 - 1975), Tiểu đội tự vệ chiến đấu khu Trần Phú liên tục được công nhận là “Đơn vị quyết thắng”.
Sự hy sinh của tiểu đội tự vệ chiến đấu mang tên vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ở thị xã Thái Bình năm xưa, là niềm tự hào, lòng biết ơn của Đảng bộ, nhân dân thành phố Thái Bình trong sự nghiệp đổi mới hôm nay. Và không phải ngẫu nhiên, khi có nhiều người gọi đài tưởng niệm, ghi danh 7 liệt sĩ này là “Đồng Lộc giữa Thái Bình”.
"Ngày 22/1/1967, những tốp máy bay của không quân Mỹ điên cuồng trút bom xuống thị xã Thái Bình. Bom rơi trúng trận địa của Tiểu đội tự vệ chiến đấu khu Trần Phú. 5 đồng chí hy sinh tại chỗ, 1 đồng chí hy sinh khi được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện thị xã. Và ngày 10/8/1972, trong khi tham gia bắn trả máy bay của địch, 1 chiến sĩ tự vệ của đội cũng hy sinh tại nơi này." |
Ông Đặng Xuân Hậu, Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong Những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được Đảng bộ và nhân dân phường Lê Hồng Phong nỗ lực thực hiện. Việc giáo dục truyền thống, lịch sử quê hương cho thế hệ trẻ cũng được diễn ra thường xuyên thông qua các giờ học ngoại khóa theo chuyên đề từng tháng của các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn phường. Nhờ đó, thế hệ trẻ thấu hiểu hơn về truyền thống của quê hương và thêm tự hào, quyết tâm trở thành những người công dân tốt, làm những điều có ích xứng đáng với những hy sinh của cha ông. Bà Trần Thị Hiền, con gái liệt sĩ Trần Văn Viễn Ngày bố tôi hy sinh, tôi vẫn còn rất nhỏ tuổi nhưng những kỷ̉ niệm thì vẫn luôn in đậm tới tận bây giờ. Tôi nhớ hôm ấy là cuối tuần, mấy mẹ con háo hức đợi bố về thăm nhà lắm! Rồi nghe có thả bom trên thị xã, cũng chỉ biết vậy chứ không nghĩ là vào đúng trận địa mà bố mình đang chiến đấu. Sau đó thì có rất đông người đi vào nhà, thông báo với mẹ tôi, rồi tất cả như sụp đổ vì bàng hoàng, giây phút ấy có lẽ cả cuộc đời cũng không bao giờ tôi có thể quên được. Chúng tôi giờ đây cũng chỉ biết nhìn vào ảnh và nhớ bố, sống xứng đáng với bố - một người chiến sĩ̃ tự vệ đã hy sinh vì Tổ quôc. Em Vũ Mạnh Dương, lớp 8A1, Trường THCS Lê Hồng Phong Qua các giờ học ngoại khóa, em hiểu rằng Đài tưởng niệm Tiểu đội tự vệ chiến đấu khu Trần Phú là nơi mà trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đã diễn ra nhiều trận đánh và có những chiến sĩ của Tiểu đội tự vệ chiến đấu khu Trần Phú tại chính nơi này. Chúng em được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, được hưởng cuộc sống ấm no nhờ những mất mát hy sinh của cha ông, bởi vậy càng quyết tâm hơn nữa trong việc học tập và rèn luyện bản thân. |
Anh Tú
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương