Thứ 7, 23/11/2024, 17:32[GMT+7]

Cựu chiến binh Trần Thái: “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào”

Thứ 5, 19/04/2018 | 09:23:47
4,225 lượt xem
Ở tuổi 92, cựu chiến binh Trần Thái an nhiên tại thôn 8, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, gia tài của người “cởi áo cà sa, khoác chiến bào” nay là một tổ ấm hạnh phúc, con cháu trưởng thành và ông tự hào về một quá khứ quang vinh 73 năm theo Đảng, 34 năm quân ngũ.

Cựu chiến binh Trần Thái và những kỷ vật thời quân ngũ.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945), ông Trần Thái nhập ngũ, là chiến sĩ vệ quốc đoàn thuộc Trung đoàn 48. Trước lúc “cởi áo cà sa, khoác chiến bào” trở thành Bộ đội Cụ Hồ, ông được Đại đức Thích Thanh Sử, trụ trì chùa Thọ Xương, tỉnh Bắc Giang tặng một bộ quần áo và căn dặn: “Con đi Bộ đội Cụ Hồ cố gắng đánh giặc cho giỏi nhé, mất nước là mất nhà, nước còn chùa cảnh vẫn còn”. Lời căn dặn của thầy trước ngày nhập ngũ được ông Trần Thái khắc cốt, ghi tâm suốt 34 năm quân ngũ và cho đến tận bây giờ ở tuổi 92 ông vẫn nhắc tới mỗi lần kể lại cuộc đời binh nghiệp đi qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc và cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ông Thái nhớ lại, vì nhà nghèo nên năm 1942 ông phải rời quê hương Thái Bình tha phương và được Đại đức Thích Thanh Sử cưu mang răn dạy. 

Mặc áo cà sa nương nhờ cửa Phật, ông Thái không chỉ được thầy răn chỉ Phật pháp mà cũng tại ngôi chùa cổ Thọ Xương ông được phục vụ tổ chức đảng gồm các đảng viên: Đại đức Thích Thanh Sử, nhà văn Tô Chiêu Dương và nhà văn Hoàng Ngọc Trác là lớp đảng viên năm 1930 lấy cơ sở nhà chùa để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyên truyền về Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gây dựng phong trào cách mạng ở tỉnh Bắc Giang. 

Mỗi lần tổ đảng họp ông Thái được giao nhiệm vụ cảnh giới tại gác chuông nhà chùa, khi có biến động thì thỉnh chuông làm ám hiệu cảnh báo. Ngày nhập ngũ, ông Thái gửi lại Đại đức Thích Thanh Sử lời tâm sự:

“Cởi áo cà sa, khoác chiến bào

Ngừng chuông niệm Phật cầm dao diệt thù

Chữ tu ba bảy đường tu

Nguyện đem xương máu đền bù nước non

Nước còn chùa cảnh vẫn còn

Tượng tô càng đẹp chuông dồn tiếng vang...”.

Vào quân đội, sau những năm tháng cùng đơn vị hoạt động vùng hậu địch các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái rồi tham gia lực lượng tự vệ thành Hà Nội, tham gia giải phóng Thủ đô, ông Thái trực tiếp tham gia chiến dịch “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” làm lên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. 

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ là những năm tháng ông Thái cùng đơn vị tăng cường chi viện cho chiến trường nước bạn Lào hoạt động ở tỉnh Phong Sa Ly. Ông tự hào cùng đồng đội phối hợp với quân giải phóng nhân dân Lào lập chiến công giải phóng tỉnh Phong Sa Ly và bắt sống tỉnh trưởng Bun Thậm. 

Sau Tết Mậu Thân năm 1968, ông Thái rời chiến trường Lào tăng cường cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Suốt 7 năm chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ, ông đã cùng đồng đội thực chiến hàng trăm trận lớn nhỏ từ chiến trường Khe Sanh ác liệt đến trận đánh cuối cùng ngày 30/4/1975 miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cùng đồng đội bắt sống tướng Dương Văn Minh. 

Ông Thái đã qua nhiều cương vị từ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, chính trị viên đại đội, lần lượt giữ chức vụ chính ủy cục hậu cần Sư đoàn 312, Sư đoàn 316, Sư đoàn 304, Sư đoàn 308. 

Sau ngày 30/5/1975 được giao nhiệm vụ tham gia giải quyết hậu quả chiến tranh chống Mỹ, tháng 10/1977 Chính ủy Trung đoàn 148 Trần Thái được điều động ra biên giới phía Bắc tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. 

Cuối năm 1979 ông nghỉ chế độ. Ở tuổi 92, cựu chiến binh Trần Thái an nhiên tại thôn 8, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, gia tài của người “cởi áo cà sa, khoác chiến bào” nay là một tổ ấm hạnh phúc, con cháu trưởng thành và ông tự hào về một quá khứ quang vinh 73 năm theo Đảng, 34 năm quân ngũ với 16 tấm huân huy chương các loại, trong đó có Huân chương Độc lập cao quý Nhà nước Lào trao tặng.

Nguyễn Công Liêm

(Thành phố Thái Bình)