Thứ 6, 15/11/2024, 13:51[GMT+7]

Đào Viết Thoàn và trên 27 nghìn người bệnh

Thứ 3, 15/05/2018 | 15:21:25
2,911 lượt xem
Tìm hiểu về những thành tích đạt được của lương y, Anh hùng Lao động Đào Viết Thoàn trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước, chúng tôi không khỏi choáng ngợp khi đếm được gần 1 trăm huân chương, bằng khen, giấy khen, chứng nhận... treo kín các bức tường trong nhà; 1 tủ đựng các kỷ niệm chương, biểu tượng ghi nhận thành tích; danh sách tên tuổi, địa chỉ trên 27.000 người đã được ông chữa khỏi bệnh...

Lương y giàu lòng nhân ái

Lương y, Anh hùng Lao động Đào Viết Thoàn sinh năm 1959 ở thôn Đồng Ấu, xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ. Ông bắt đầu chữa bỏng cho người dân từ hơn 30 năm trước. Con đường đưa ông đến với nghề thầy thuốc cũng thật đặc biệt bởi khởi nguồn từ cơ duyên nơi cửa Phật và tinh thần ham học hỏi, nỗ lực phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ.

Ông kể, năm 1979, khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, ông bị thương nặng và được chuyển về điều trị tại Quân y viện 103. Qua hơn chục lần phẫu thuật chấn thương sọ não, vỡ xương thái dương bên phải, cắt bỏ 1/2 tai phải, khoét bỏ mắt trái, mất khớp gối chân phải và toàn bộ 2 cơ dép, 2 cơ mông, gãy 2 rẻ xương sườn bên phải, xẹp đốt xương sống..., các vết thương dần ổn định. Song riêng vết thương ở chân tuy đã được ghép da nhiều lần mà không liền, bị hoại tử, lộ xương vô cùng đau đớn. Được giới thiệu về hiệu quả của bài thuốc do sư cụ Thích Đàm Lương ở chùa Trắng, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì bào chữa, ông tìm về xin được chữa trị. Trong thời gian ở chùa, ông quan sát thấy sư cụ thường dùng những cây thuốc nam sẵn có để bào chế thuốc rất hiệu quả. Ông nghĩ nếu phát huy được thì có thể giúp nhiều người dân chữa bệnh, vừa nhanh khỏi, đỡ tốn kém vừa bảo tồn được vốn quý của dân tộc. Thấy ông là người có nghị lực, có tâm đức và tố chất trở thành người thầy thuốc, sư cụ không những tận tình cứu chữa mà còn nhận làm con và truyền dạy bí quyết bài thuốc. Bản thân ông vừa học hỏi sư cụ, vừa kiên trì mày mò tìm hiểu, nghiên cứu thêm qua tài liệu, sách báo. Năm 1987, khi sư cụ mất, ông ở lại chùa chịu tang 6 tháng rồi mới trở về quê hương. Mỗi khi có người dân trong vùng bị bỏng, ông lại đem bài thuốc và kinh nghiệm chữa trị của bản thân để cứu giúp. Tiếng lành đồn xa, dần dần, ông trở thành lương y chuyên chữa bỏng nức tiếng không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà bệnh nhân ở nhiều tỉnh thành trong cả nước đã biết tiếng, tìm về nhờ ông chữa trị.

Theo sổ danh sách tên tuổi người bệnh được ghi lại trong hơn 30 năm qua, đến nay ông đã chữa khỏi bệnh cho trên 27.000 người, trong đó có những người ở xa như Điện Biên, Nghệ An, Đắk Lắk, nhiều người đã từng chữa trị ở nhiều nơi nhưng không hiệu quả. Người bệnh tìm đến ngày càng đông, những người bệnh nhẹ, ông kê thuốc hướng dẫn về nhà điều trị. Người bệnh nặng hơn thì mới ở lại cơ sở để tránh tốn kém cho người bệnh. Tuy đã phối hợp với Trạm Y tế xã An Quý điều trị và lưu trú người bệnh song nhiều khi người bệnh quá đông, để đáp ứng nhu cầu, ông đầu tư xây thêm nhà, mua 18 giường bệnh và các thiết bị như điều hòa, bình nóng lạnh phục vụ miễn phí cho người bệnh.

Thi đua vượt khó, lao động sáng tạo

Nhìn ông Thoàn trong tấm áo bluse trắng, gương mặt lấm tấm mồ hôi lộ vẻ mệt mỏi, khó khăn khi di chuyển giữa các giường bệnh do di chứng vết thương ở chân, song trước bệnh nhân, ông vẫn tươi cười động viên, nhẹ nhàng tỉ mẩn chăm sóc từng vết thương cho người bệnh, chúng tôi ai cũng thầm nể phục sự kiên trì, vượt khó của ông. Là thương binh loại đặc biệt với nhiều vết thương nặng, bản thân ông cũng thường xuyên đau yếu, rất cần được chăm sóc và nghỉ ngơi. 

Ông chia sẻ: Mỗi khi vết thương hành hạ, đau yếu tưởng như không tiếp tục công việc song tôi lại cố gượng dậy. Bởi tôi luôn ý thức, mình là cựu chiến binh, là người lính Cụ Hồ, là thầy thuốc, bệnh nhân đang cần. Ngoài ra, các phong trào thi đua yêu nước, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác chính là động lực lớn để tôi phấn đấu, thi đua, tiếp tục nỗ lực cống hiến nhiều hơn vì người bệnh.

Những năm qua, bài thuốc chữa bỏng không những được ông Thoàn áp dụng duy trì cứu chữa cho nhiều người. Trên cơ sở đó, ông còn không ngừng nghiên cứu, bổ sung công thức chế thuốc và sáng tạo ra các bài thuốc mới. Đồng thời nghiên cứu cải tiến phương pháp đắp thuốc giúp vết thương bỏng mau lành, người bệnh bớt đau đớn, giúp giảm ngày điều trị, giảm chi phí cho người bệnh. Điển hình nhất là công trình nghiên cứu bào chế bài thuốc chữa bỏng thuốc mỡ sinh cơ và cải tiến phương pháp sử dụng thuốc trong điều trị vết thương bỏng của ông đã đạt giải nhất hội thi sáng tạo khoa học - công nghệ và kỹ thuật tỉnh Thái Bình, giải ba hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2013...

Ông Thoàn cho biết: Trong số trên 27.000 bệnh nhân được ông chữa khỏi, tất cả đều an toàn, không xảy ra tai biến, ông đã miễn tiền thuốc và tiền công cho 2.369 bệnh nhân là đối tượng chính sách, người tàn tật, trẻ mồ côi, con em đồng đội; miễn tiền công cho 6.574 bệnh nhân nghèo, người già, trẻ em khác; miễn toàn bộ giường nằm, điện nước cho 12.586 bệnh nhân điều trị nội trú tại gia đình... 

Không chỉ thi đua thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, nhân đạo, từ thiện, trong phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương, ông Thoàn cũng là một trong những tấm gương tiêu biểu. Riêng năm 2013, ông Thoàn đã đầu tư 250 triệu đồng mở đường vào thôn Đồng Ấu, tạo thuận lợi cho người dân tham gia giao thông, phát triển kinh tế, được UBND tỉnh Thái Bình tặng bằng ghi công.

Với những thành tích tiêu biểu, lương y Đào Viết Thoàn đã 2 lần được dự Đại hội thi đua toàn quốc; được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai, hạng Ba; được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; được chứng nhận danh hiệu thầy thuốc cộng đồng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành; được đông đảo cán bộ, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.


Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh

Lương y Đào Viết Thoàn là tấm gương tiêu biểu trong thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo. Hai lần tham gia hội thi sáng tạo khoa học - công nghệ và kỹ thuật tỉnh, ông đều xuất sắc giành giải nhất. Các đề tài của ông được đánh giá cao bởi có tính sáng tạo, có tính ứng dụng và hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ

Là hội viên Hội Y học cổ truyền huyện Quỳnh Phụ, lương y, Anh hùng Lao động Đào Viết Thoàn có nhiều đóng góp tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ông cũng là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, nhân đạo, từ thiện, xây dựng nông thôn mới...


Chị Hoàng Thị Bốn, xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình

Tôi là mẹ cháu Vũ Thị Lan, bệnh nhân của lương y Đào Viết Thoàn. Cháu bị bỏng nước sôi, vết thương ở chân khá nặng. Sau một tuần điều trị tại cơ sở chữa bỏng, vết thương đã ăn da non. Tôi rất nể phục tài năng và tấm lòng của lương y Đào Viết Thoàn khi chữa bệnh giỏi và có tâm khi miễn toàn bộ tiền lưu trú cho bệnh nhân.

Bệnh nhân Phạm Thị Phan, xã Thụy Hưng, huyện Thái Thụy

Quê tôi nhiều người đã được lương y Đào Viết Thoàn chữa khỏi vết thương bỏng. Vì vậy khi bị bỏng là tôi tìm đến lương y ngay. Dù đến lúc nửa đêm, song tôi vẫn được lương y đón tiếp nhiệt tình. Vết thương của tôi sau 4 ngày đắp thuốc đã đỡ rất nhiều. Tôi rất yên tâm, tin tưởng vào y đức của lương y Đào Viết Thoàn.


Hà Dung