Thứ 7, 23/11/2024, 18:22[GMT+7]

Khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ

Thứ 3, 25/07/2023 | 14:50:07
1,758 lượt xem
Để tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật phát triển, Đảng và Nhà nước luôn luôn khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948-25/7/2023).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Lễ kỷ niệm do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức ngày 25/7 tại Nhà hát lớn, Hà Nội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu. Cùng dự, có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Minh Hưng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các cơ quan Trung ương,…

Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, Tổng Bí thư nêu rõ, trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc, văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã hun đúc nên một truyền thống sâu sắc và độc đáo. Đó là nền văn hóa, văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.

Nhìn lại 75 năm qua, Tổng Bí thư nhấn mạnh, chúng ta vui mừng nhận thấy, anh chị em văn nghệ sĩ dưới mái nhà chung của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có sự phát triển, trưởng thành đầy ấn tượng, góp phần to lớn vào công cuộc sáng tạo các sản phẩm văn hoá, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân, đưa văn hoá ngày càng thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; xứng đáng là lực lượng nòng cốt sáng tạo các giá trị văn hoá, là đội ngũ văn nghệ sĩ - chiến sĩ tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Với các kết quả đã đạt được, văn học nghệ thuật đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hoá, xây dựng con người; đấu tranh với mọi biểu hiện sai trái, tạo ra bầu không khí lành mạnh trong xã hội. Không phải là ngẫu nhiên mà Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội chuyên ngành đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý, đặc biệt là Huân chương Sao Vàng - huân chương cao quý nhất của nước ta. Đó là sự ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với hoạt động của đội ngũ văn nghệ sĩ.

Văn học nghệ thuật đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hoá, xây dựng con người; đấu tranh với mọi biểu hiện sai trái, tạo ra bầu không khí lành mạnh trong xã hội. 


Tuy nhiên, Tổng Bí thư cho rằng, vẫn còn một số người phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Tác phẩm của họ thường xa rời thực tiễn đời sống của đất nước, của nhân dân. Một số phát ngôn, viết hồi ký, sách báo, trang điện tử, sử dụng YouTube có nội dung thiếu xây dựng, thậm chí rất cực đoan. Cá biệt có hiện tượng "bôi đen" giá trị thiêng liêng của lịch sử, của chế độ, đề cao quá mức cái "tôi" để kêu gọi tự do sáng tác,... phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn học nghệ thuật.

Những thành tựu văn học nghệ thuật mà chúng ta đã đạt được trong những năm qua chưa thật tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chất lượng chưa hài hoà với số lượng. Chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút, sự quan tâm rộng lớn của công chúng và có sức lan tỏa làm rung động lòng người. Còn ít những tác phẩm đỉnh cao, những văn nghệ sĩ lớn.

Tổng Bí thư đề nghị các văn nghệ sĩ trao đổi, thảo luận thẳng thắn, "tự soi, tự sửa" nhằm khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém trong sáng tác và lý luận phê bình văn học nghệ thuật cũng như trong việc tổ chức và hoạt động của các Hội và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật trong cả nước.

Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam và tặng hoa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Với tầm nhìn từ nay cho đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nền văn hoá, văn học nghệ thuật nước ta cũng đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới.

Tổng Bí thư chỉ rõ, đứng trước những thời cơ và thách thức đó, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển mạnh mẽ hơn nữa nền văn hoá, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; xây dựng con người Việt Nam mới, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững đất nước; và như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: "Muốn xây dựng được chủ nghĩa xã hội thì phải có những con người xã hội chủ nghĩa"; phát huy giá trị văn hoá, văn học nghệ thuật và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng; tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng mọi thời cơ, vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, để tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật phát triển, Đảng và Nhà nước luôn luôn khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn mong muốn, kỳ vọng và đòi hỏi đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao hơn nữa về tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực của đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Đảng và Nhà nước luôn luôn khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn mong muốn, kỳ vọng và đòi hỏi đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao hơn nữa về tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực của đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng


Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống, đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội, đặc biệt là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, văn minh, thanh lịch, chan chứa tình người. Chỉ có như vậy, văn học, nghệ thuật của chúng ta mới có được những tác phẩm hay, làm lay động lòng người và cần thiết cho công chúng, cho xã hội.

Nhân đây, Tổng Bí thư có đôi điều tâm sự thêm với anh chị em văn nghệ sĩ trẻ: Thời đại chúng ta, cuộc sống quanh ta có rất nhiều điều để nói, để viết, nhưng quan trọng là nói như thế nào và viết như thế nào? Nhiều người thường bảo, văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người.

Mong sao, các văn nghệ sĩ nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng mới của nhân dân; đừng để cho sự tầm thường dễ dãi ám ảnh mình. Các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, đúc rút những bài học tốt từ các thế hệ đi trước để tiếp tục đi xa hơn, vững vàng hơn. Bài học đó phải chăng vẫn là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hoà nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ sa vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là một thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một sự đam mê tầm thường.

Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác gia lớn đều là những tác gia có khát vọng và hoài bão lớn lao, có tầm nhìn xa rộng và có tư duy sâu sắc. Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai!

Tổng Bí thư đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí quan trọng của văn hoá, văn học nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn luôn cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện như hỗ trợ tài chính, mở trại sáng tác, đi thực tế, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các tài năng văn nghệ; huy động mọi nguồn lực, cả về vật chất và tinh thần, để văn hoá, văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và cống hiến nhiều hơn nữa trong những năm tới.

Cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí quan trọng của văn hoá, văn học nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn luôn cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện như hỗ trợ tài chính, mở trại sáng tác, đi thực tế, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các tài năng văn nghệ; huy động mọi nguồn lực, cả về vật chất và tinh thần, để văn hoá, văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và cống hiến nhiều hơn nữa trong những năm tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng


Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, trí thức văn học nghệ thuật Việt Nam cần tiếp tục tăng cường tham mưu cho Đảng và Nhà nước; phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam.

Liên hiệp cần tăng cường củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam từ Trung ương đến địa phương; tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động và đóng góp cho sự phát triển nước nhà.Làm tốt công tác chính trị tư tưởng đối với các văn nghệ sĩ để anh chị em nhận thức sâu sắc hơn nữa trách nhiệm vẻ vang của mình đối với Tổ quốc, với nhân dân, với dân tộc; đoàn kết phấn đấu, lao động sáng tạo, hoàn thành thật tốt trọng trách của mình; tăng cường công tác bồi dưỡng chính trị, cũng như đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ văn nghệ sĩ; động viên anh chị em có nhiều đóng góp tài năng, trí tuệ vào sự phát triển nền văn hoá, văn học nghệ thuật cao quý của nước nhà,...

Nhân dịp này, Liên Hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã trân trọng trao tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.

Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã xem phim tài liệu Liên Hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam 75 năm, một dòng chảy; PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đọc diễn văn kỷ niệm, ôn lại 75 năm trưởng thành của Liên Hiệp. GS, NGND Hà Minh Đức phát biểu, nói về tình cảm sâu đậm đối với những kỷ niệm khó quên trong quá trình hoạt động văn học nghệ thuật; về những người thầy kính mến, người bạn đồng nghiệp, mang đến cho lớp trẻ một động lực mới trong sáng tạo nghệ thuật.

Ca sĩ, nhạc sĩ trẻ Hoàng Hồng Ngọc, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội bày tỏ sự tin tưởng vào đường lối văn học nghệ thuật của Đảng, mong được tạo cơ hội cho thế hệ trẻ trau dồi chuyên môn sáng tạo và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho đất nước.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày