Thứ 6, 15/11/2024, 13:56[GMT+7]

Lão ngư biết hát

Thứ 3, 12/06/2018 | 08:22:55
2,148 lượt xem
60 tuổi đời, ông Đặng Đức Hồng ở thôn Quang Thịnh, xã Nam Thịnh (Tiền Hải) tự nhận mình là lão ngư. Bởi gia đình ông có mấy đời đi biển. Bản thân ông cũng theo tàu từ khi còn nhỏ.

Trong cái nắng rát bỏng của những ngày tháng 5, chúng tôi gặp ông Hồng trong một nhóm ngư dân khoảng 50 người đang tập trung về Trạm kiểm soát Cửa Lân (Nam Thịnh) nghe cán bộ của cục tần số phổ biến một số quy định về sử dụng thiết bị thông tin liên lạc trên tàu. 

Dáng người tầm thước, da bánh mật, ông Hồng mặc một cái áo dài tay, khiến chúng tôi khá băn khoăn. Người đi biển là vậy - ông Hồng giải thích, có khi còn mặc mấy lớp áo kìa, để tránh cái nắng, cái gió mặn chát ngoài khơi. Chất giọng khỏe khàn đặc trưng của ngư dân, cộng với tiếng cười sảng khoái như sóng, như gió, khiến câu chuyện giữ chúng tôi không dứt ra được. Xuyên suốt câu chuyện ấy là một ngư dân yêu đời, yêu biển, một tâm hồn nhẹ nhàng, bay bổng, thiết tha và sôi nổi đến lạ kỳ.

Người đàn ông ấy bắt đầu câu chuyện bằng những lời cảm thán nồng nàn: 

Việt Nam Tổ quốc ta ơi/Bốn ngàn năm vẫn sáng ngời Đảng ta. Mừng xuân, xuân đến mọi nhà/Dân giàu nước mạnh, Đảng ta tự hào. Xuân về hoa nở muôn màu/Mừng xuân, mừng Đảng cờ sao rợp trời. Di chúc Bác dặn lại rồi/Giữ Đảng trong sạch như con ngươi mắt mình...  

Ông Hồng làm thơ, say thơ. Không chỉ làm thơ về Đảng, về Bác, mà kho tàng của ông chính là những chuyến vươn khơi. Cái say ấy thành vần, thành nhịp. Say đến nỗi mỗi con rô, con nụ cũng trở nên thân thương gần gũi. Say đến nỗi mỗi cơn đói, mỗi bát cháo giữa biển cũng thành thơ. 

Ông Hồng cười sảng khoái: Có bà bán cháo chèo thuyền qua, mình liền tặng bài thơ tâm sự với giun, than phiền về những vất vả của người đi biển, đến giun trong bụng có khi cũng chết đói. Bà bán cháo cười ha hả, tặng luôn một bát. Anh em bạn thuyền cười ha hả, một bát cháo cũng cầm cự cả ngày. Đọc thơ mà như hát, như nhịp sóng vỗ mạn tàu, như gập ghềnh nước chảy. Không đàn sáo mà thành thanh âm. 

Cái tài của ông Hồng chính là xuất khẩu thành thơ mà lại là thứ thơ gần gũi đến lạ kỳ. Câu chữ nói ra như cá biển, chim trời. Những bài thơ tặng Bộ đội Biên phòng, tặng bạn thuyền, tặng sóng, tặng gió. Có cả những bài thơ tặng vợ, hớn hở như trẻ nhỏ, rạo rực như lúc thanh xuân. 

Tàu đã ra khơi ào ào gió lộng/Khắp chân trời rộng mở lái ra khơi. Gió reo như đón như mời/Tàu anh lấy lộng, lấy khơi làm nhà. Dù ai nhạt phấn phai hoa/Biển xanh nghìn thuở vẫn là biển xanh. Như lòng em hướng về anh/ Hậu phương - tiền tuyến kết thành có đôi...

Ông Đặng Đức Hồng hiện có 1 tàu 105CV với 7 lao động. Những chuyến ra khơi đều kéo dài từ 5 - 7 ngày, thu nhập của anh em mỗi tháng trừ chi phí cũng được 7 - 8 triệu đồng. Ngư trường quen thuộc là khu vực Bạch Long Vĩ. 

Khi được hỏi điều gì khiến mỗi chuyến ra khơi trở nên quan trọng nhất? Ông Hồng không ngần ngại: Người ta đi biển có đôi/Tôi nay đi biển đơn côi một mình. Người đi biển mà không “có đôi” được ví như phụ nữ khi vượt cạn “đơn côi một mình” vậy. Thời tiết rất quan trọng, nhưng thông tin về thời tiết được cảnh báo ngày càng chính xác. Thiết bị liên lạc quan trọng lắm nhưng tàu thuyền bây giờ đều được trang bị tối tân. Ngư cụ cũng vậy. Mình bắt con gì thì mình chuẩn bị lưới đó. Nhưng chỉ có bạn thuyền mới làm cho mình yên tâm bám biển. 

Đây cũng chính là lý do mà đội tàu thuyền tự quản xã Nam Thịnh đã được thành lập mà ông Hồng là một trong những hạt nhân cơ bản. Miên man trong những câu chuyện người, chuyện biển, ông Hồng nuối tiếc vì buổi tập huấn sắp bắt đầu. 

Trước khi từ biệt, lão ngư lại ngân nga nhịp điệu như đang ở giữa sóng nước, mây trời. 

Mênh mông là biển với trời/Ai mà yêu biển, biển đừng chuốc say. Gió lên, thuyền cất cánh bay/Cho đàn chim biển từng bầy lượn theo. Đừng chê  nước chát, biển nghèo/Biển ta triệu phú, ai vững chèo thì nên. Con rô, con nụ, con chim/Cá lên bằng bạc, tôm lên bằng vàng. Tàu về đến bến bình an/Lại thêm nhớ biển lại thêm nhớ nghề...

Đỗ Hà
(Đài TTTH Tiền Hải)