Thứ 5, 14/11/2024, 11:00[GMT+7]

Hàn lâm tu soạn Nguyễn Hữu Bản

Thứ 2, 02/07/2018 | 08:50:14
7,073 lượt xem
"Nguyễn Hữu Bản vốn là sĩ tử trong hạt. Trước đây đã có công lạc quyên giúp nước được thưởng Chánh bát phẩm văn giai… Ông thực sự là người có tấm lòng hiếu nghĩa nên truy tặng tước Hàn Lâm tu soạn để khích lệ đời sau…"

Từ đường họ Nguyễn, làng Động Trung, xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, nơi phối thờ Hàn Lâm tu soạn, nguyên mộ Nguyễn Hữu Bản.

Hình thức chiêu mộ dân lưu vong ở các miền, phủ, huyện xa đến khai hoang, lập ấp ở Tiền Hải do Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ để lại từ năm 1828 tương tự như phép “chiếm xạ” từ thời nhà Lê nhưng do Nguyễn Công Trứ sớm có bản điều trần với triều đình Minh Mệnh nên việc này được nhà nước phong kiến cấp vốn và đứng ra chiêu mộ, tổ chức, chỉ đạo khai hoang trên quy mô lớn. Nhờ vậy mà công cuộc khai hoang vùng đất Tiền Châu hết sức nhanh chóng, diện rộng và có bước tiến nhảy vọt so với cách “chiếm xạ” thường chỉ lập ra vài làng ấp nhỏ lẻ trong giai đoạn trước đây.

Vào năm Canh Tuất (1850) thời Tự Đức, nghĩa là 22 năm sau khi Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ bổ nhát cuốc đầu tiên khai khẩn vùng đất Tiền Châu (1828) có thêm một nguyên mộ ở phủ Kiến Xương góp công lớn trong việc tiếp tục khai khẩn và tái khai hoang vùng đất Tiền Hải, công việc này trước đây do Nguyễn Công Trứ chỉ đạo nhưng sau một thời gian nạn dân lưu tán không giải quyết được nên khai khẩn nơi này, nơi kia lại bỏ hoang đã được vua Tự Đức tán thưởng châu phê và phong chức Hàn Lâm tu soạn là Nguyễn Hữu Bản (1841 - 1883) người làng Động Trung, phủ Kiến Xương, huyện Chân Định (nay là xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương). Ông là con cả nhà văn thân yêu nước Nguyễn Mậu Kiến, tự là Vụ Đức, hiệu là Động Nguyên. Khi cha ông nhận chức án sát Lạng Sơn, gìn giữ biên cương, dẹp loạn thổ phỉ, ông được giao trọng trách ở nhà mở rộng nhà học, mời thầy danh tiếng về dạy học cho con em nghèo trong làng, bỏ tiền chiêu mộ dân nghèo từ khắp nơi đưa về huyện Tiền Hải khai khẩn đất đai lập nên hai xã Đức Cơ và Định Cư (nay là xã Đông Cơ và Đông Trà). 

Đoạn văn bia còn sót lại ở làng Đức Cơ (xã Đông Cơ) là minh chứng xác nhận vai trò quan trọng của nguyên mộ Nguyễn Hữu Bản: “Dân làng nhiều phen bị bão lụt, nhiều người chiêu mộ trước bỏ đi… có một giáp đem nhượng lại cho quan Hàn Lâm tu soạn tên là Nguyễn Hữu Bản để cùng hợp sức với ông nguyên mộ trước, tiếp tục mộ dân sửa sang điều tễ, khẩn trị hoang vu, làng ấp lại được trù mật dân chúng tưởng nhớ công ơn suy tôn làm thành hoàng làng”.

Bắt tay vào công cuộc khẩn hoang ở Tiền Hải, Nguyễn Hữu Bản không tiếc tiền của đầu tư xây cầu cống, huy động dân công khai sông tiêu nước cho các vùng úng, trũng trong huyện. Từ khi thành lập huyện Tiền Hải (tháng 10 năm 1828), Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ chủ trương trong tổ chức lực lượng khai hoang, các nguyên mộ, những người đứng đầu chiêu dân và trực tiếp chỉ đạo việc khai khẩn ở các làng ấp có vai trò đặc biệt quan trọng. Họ cần có nhiều năng lực (trong chỉ đạo sản xuất, trong chiến đấu giữ làng, trong đấu tranh chống sự lấn chiếm của các làng cựu hay làng bên, trong việc quản lý làng ấp), giúp đỡ về kinh tế cho dân vượt qua thiên tai, thất bát… Các nguyên mộ từ nhiều thành phần xã hội khác nhau, đáng chú ý phần nhiều là các nhà giàu và một số không ít các nhà nho, bên cạnh có một số là người nghèo và một số ít người Công giáo, cũng có người là tướng cũ của Phan Ba Vành. Các làng ấp đều suy tôn nguyên mộ là ấp trưởng, lý trưởng và sau khi mất được tôn thờ thành hoàng làng. Sự khéo léo của Nguyễn Công Trứ là “Chọn người giàu có ở địa phương để trông coi công làm”. 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Tố Uyên, Khoa Sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, từ bao đời nay, tổ tiên chúng ta đã thực hiện công cuộc khai hoang dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như khai hoang lập làng của nông dân, điền trang của quý tộc, địa chủ, đồn điền của nhà nước… Trải qua hàng nghìn năm, sự lao động đó góp phần mở mang ruộng đất, xóm làng và nâng cao đời sống con người. Nước Đại Việt từ thế kỷ XIX là một quốc gia phong kiến hùng mạnh, xây dựng trên cơ sở kinh tế nông ngiệp trồng lúa nước phát triển cao, một nền văn minh nông nghiệp rực rỡ ở Đông Nam Á. Các vua Nguyễn đã áp dụng các biện pháp và kinh nghiệm của ông cha ta trong lịch sử, tiếp tục thực hiện các biện pháp khai hoang, thông qua nhiều hình thức khác nhau. Gia Long, kế đó là Minh Mệnh rồi Thiệu Trị và Tự Đức, đều rất chú ý đến việc khai hoang. Trong khoảng từ 1802 đến 1858, nhà Nguyễn đã ban hành 46 quyết định khai hoang với các lực lượng được huy động tối đa và các phương thức khẩn hoang khác nhau như: đồn điền, doanh điền, tư nhân được nhà nước cấp vốn và tư nhân khai khẩn tự do… 

Nguyễn Hữu Bản thực hiện công cuộc khai hoang và tái khai hoang do nạn dân lưu tán của các nguyên mộ trước đều bằng tiền của chính mình. Chính sách của nhà Nguyễn đối với ruộng đất khẩn hoang nói chung đầu thế kỷ XIX là hình thức doanh điền và chiếu cố, thỏa mãn công lao của những người đi khai hoang tuy rằng mức độ có khác nhau như “công điền quân cấp” và chế độ “nhất bán tư vi điền thế nghiệp” ở Tiền Hải vào năm Tự Đức thứ nhất (1848), bổ sung chính sách mới vào năm Tự Đức thứ năm (1852), điều này đã thể hiện sự quan tâm của nhà nước phong kiến đến quyền lợi người khai hoang, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của dân nghèo không có ruộng đất.

 Trong lúc nguyên mộ Nguyễn Hữu Bản cùng dân chiêu mộ được hưởng thụ chính sách khuyến khích của triều đình nhà Nguyễn đối với công cuộc khai khẩn đất hoang ở Tiền Hải đang kỳ “đơm hoa, kết trái” thì thực dân Pháp lại gây hấn, ráo riết chuẩn bị cho việc đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ hai. 

Ngày 25/4/1882, thực dân Pháp tấn công Hà Nội, ngày 2/5/1882, Thống đốc Nam kỳ Le Myre de Vilers chỉ thị cho Trung tá hải quân Henry Riviere đánh chiếm Nam Định, cuộc chiến chống thực dân Pháp bắt đầu nổ ra. Nguyễn Hữu Bản quyết định đem hiến ruộng đất của gia đình làm binh điền (cấp cho những gia đình có người tham gia nghĩa quân) với tổng 1.250 mẫu Bắc Bộ. 

Gia phả, ngọc phả của dòng họ Nguyễn làng Động Trung còn ghi từ khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai, Nguyễn Hữu Bản đã nhìn rõ dã tâm của chúng sẽ đánh chiếm Nam Định, ông chủ động bàn bạc với nhiều sĩ phu yêu nước chuẩn bị các bài tập cho hương dũng, rèn vũ khí, mua thêm súng đạn, chuẩn bị lương thảo, áo quần cho nghĩa quân đầy đủ, sẵn sàng vào cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Cuộc chiến không cân sức ấy, Nguyễn Hữu Bản tả xung, hữu đột nhưng lực lượng mỏng dần, thành Nam thất thủ, Nguyễn Hữu Bản anh dũng hy sinh. Vua Tự Đức biết tin tiếc thương vô hạn đã truy tặng ông tước Hàn Lâm tu soạn để khích lệ đời sau.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các tài liệu khảo cứu cho thấy quy định của nhà Nguyễn đối với ruộng đất ở Tiền Hải thế kỷ XIX là “công điền quân cấp”. Nguyên tắc của lệ “công điền quân cấp” là ruộng đất được chia cấp đều cho dân đinh khai hoang theo thời hạn 3 năm, hết 3 năm phải trả lại ruộng cho làng để chia lại. Tuy nhiên, ruộng “công điền quân cấp” ở Tiền Hải có những đặc điểm riêng trong phân phối, mọi người có công khai hoang đều được hưởng quyền lợi như nhau. Bình quân mỗi đinh được 6 mẫu. Trong thực tế có làng ấp được tới 10 mẫu, cá biệt có làng lên tới 12 mẫu. Còn phần đông ở các làng bình quân cho 1 đinh là 8 mẫu.
Ông Vũ Mạnh Quang, nguyên Giám đốc Thư viện Khoa học, tổng hợp tỉnh

Lúc thành Nam (Nam Định) thất thủ, mấy phó tướng canh giữ cổng thành chỉ kịp nhận ra Nguyễn Hữu Bản hy sinh bởi vóc người cao to, chùm chìa khóa đồng với chiếc thắt lưng nhiễu màu đỏ cháy dở. Tin Nguyễn Hữu Bản hy sinh khi chiến đấu giữ thành Nam khiến nhiều văn thần, võ tướng triều Nguyễn thẫn thờ thương tiếc. Quan Thượng thư trí sĩ Nguyễn Tư Giản từ Bắc Ninh tìm về Động Trung viếng ông đôi câu đối:
Phương tử ngã do khai kính vọng
Khả lân tử diệc dữ thành vong

Tạm dịch:
Đương lúc tôi còn mở đường ngóng trông
Khá thương cái chết của ông đi cùng thành Nam thất thủ

Vua Tự Đức có châu phê: “Nguyễn Hữu Bản vốn là sĩ tử trong hạt. Trước đây đã có công lạc quyên giúp nước được thưởng chánh bát phẩm văn giai… Ông thực sự là người có tấm lòng hiếu nghĩa nên truy tặng tước Hàn Lâm tu soạn để khích lệ đời sau…”.
Bà Lại Thị Thuận, 72 tuổi, chắt dâu Hàn Lâm tu soạn Nguyễn Hữu Bản, người trông coi từ đường họ Nguyễn, làng Động Trung, xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương

Con cháu dòng họ Nguyễn làng Động Trung chúng tôi luôn tự hào về truyền thống gia đình đã từng được vua Tự Đức tặng bức đại tự “Văn hiến truyền gia” và “Hiếu nghĩa lạc quyên”, trong đó vai trò cụ Nguyễn Hữu Bản trong việc khai khẩn đất đai ở Tiền Hải là rất đáng trân trọng. Cụ bỏ tiền cá nhân để khai khẩn đất đai, có thóc gạo để nuôi nghĩa binh kháng Pháp, chỉ tiếc cụ hy sinh sớm quá.


Quang Viện