Thứ 4, 13/11/2024, 13:26[GMT+7]

Khó thực hiện quy định không viết, vẽ vào sách giáo khoa

Thứ 6, 05/10/2018 | 08:27:24
1,094 lượt xem
Chỉ thị số 3798/CT-BGDĐT ngày 24/9/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Đặt trong bối cảnh thực tế và hoạt động tổ chức dạy thì Chỉ thị này không vô lý, thế nhưng, để thực hiện thì nhiều giáo viên cho rằng sẽ gặp khó.

Ảnh minh họa.

Nhiều sách giáo khoa yêu cầu học sinh làm bài tập vào sách

Ở cấp tiểu học, bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 và lớp 2 yêu cầu học sinh làm bài tập trực tiếp vào sách nhiều nhất. Điển hình là sách Toán lớp 1, phần lớn các trang đều yêu cầu học sinh viết, vẽ, nối trực tiếp vào SGK. Với cách thiết kế hình vẽ, yêu cầu đếm, cộng trừ và điền số, nếu thầy và trò chép, vẽ lại ra vở ô ly để làm thì sẽ rất mất thời gian trong khi một tiết học trên lớp chỉ khoảng 35 - 40 phút. 

Cô giáo Tô Thị Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Tây Lương (Tiền Hải) chia sẻ: SGK lớp 1, đặc biệt là sách Toán có rất nhiều bài thực hành yêu cầu học sinh viết, vẽ, điền vào ô trống. Nhiều bài tập đòi hỏi học sinh tô màu nên dù dùng tẩy cũng không thể loại bỏ. Bên cạnh đó, sách Mỹ thuật chỉ có 4/63 trang có phần bài tập điền trực tiếp nhưng trong 13 bài thì bài nào cũng yêu cầu học sinh, giáo viên đánh giá bằng cách tích vào một trong ba: hoàn thành tốt, hoàn thành hoặc chưa hoàn thành. Mặc dù sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục không phải là SGK song Tiếng Việt tập 1 có 12/170 trang, tập 2 có 41/170 trang yêu cầu học sinh làm bài trực tiếp.

Trước những yêu cầu của sách giáo khoa Toán lớp 2, học sinh tiểu học phải viết vào sách để hoàn thành bài tập.

Cấp THCS cũng tương tự như cấp tiểu học khi 7/12 cuốn sách yêu cầu học sinh làm bài trực tiếp vào SGK: Toán (2 tập), Ngữ văn (2 tập), Tiếng Anh, Sinh học, Vật lý, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ, Giáo dục công dân, Âm nhạc và Mỹ thuật. Các cuốn SGK này yêu cầu học sinh điền/chọn đáp án vào ô trống, dấu ba chấm hoặc là đánh dấu (v) vào ô đáp án đúng, điền câu trả lời chính xác vào bảng, dấu ba chấm... Điều đáng nói là trong các cuốn sách có phần bài tập đều không có một dòng lưu ý học sinh không ghi đáp án trực tiếp vào sách nhưng lại có rất nhiều câu với yêu cầu rất rõ ràng như: “Đánh dấu (x) vào câu trả lời đúng trong bảng dưới đây”, “Điền vào chỗ trống trong bảng sau”; “Hãy điền vào bảng dưới đây những thông tin mà em biết”... Tuy nhiên, vẫn có một số bài tập trong SGK môn Vật lý, Sinh học yêu cầu học sinh lập lại bảng biểu in trong SGK vào vở bài tập để ghi câu trả lời.

Khó thực hiện Chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo thống kê chưa đầy đủ, việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt khoảng 35%, đồng nghĩa với việc 65% còn lại bị bỏ đi hoặc không dùng lại được. Trước thực trạng lãng phí khi sử dụng SGK, ngày 24/9/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 3798 về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng sách, trong đó yêu cầu giáo viên không để học sinh viết, vẽ vào SGK. Bên cạnh đó, Bộ cũng đặt ra vấn đề kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, Bộ cũng khẳng định đây không phải là yêu cầu mang tính “cấm” mà nhằm hướng dẫn giáo viên thực hiện phương pháp dạy học tích cực, bảo quản SGK và sử dụng lại được lâu bền. Bên cạnh đó còn góp phần tạo ý thức tốt trong việc giữ gìn, phát triển văn hóa đọc trong học sinh và toàn xã hội. 

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong quá trình dạy học, giáo viên cần sử dụng các dạng bài tập trong SGK làm “tình huống học tập” để hướng dẫn học sinh ghi vào vở, dự kiến đáp án và giải thích lý do lựa chọn để trình bày, thảo luận, bảo vệ phương án đúng. Mặc dù Chỉ thị có rất nhiều mặt tích cực song nhiều giáo viên tiểu học, đặc biệt là giáo viên lớp 1 cho rằng rất khó để thực hiện bởi học sinh lớp 1 khi chưa biết đọc, viết thì không thể thực hành trong vở.

Cô giáo Tô Thị Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Tây Lương (Tiền Hải) chia sẻ thêm: Yêu cầu học sinh lớp 1 không viết, vẽ vào SGK là điều rất khó bởi các em ở lứa tuổi này chưa biết đọc, biết viết thì làm sao có thể chép đề bài vào vở rồi làm. Để chỉ rõ cho phóng viên hiểu, cô giáo Hoa lấy ví dụ những bài tập trong SGK Toán lớp 1 với nội dung của bài yêu cầu học sinh tô màu, nối, điền vào chỗ trống. 

Cô giáo Hoa cho biết: Với những bài điền số vào các chỗ trống các con số từ 1 đến 10 thì học sinh có thể kẻ ô vào vở và điền số nhưng những bài yêu cầu nối số với hình mẫu hoặc đếm vật trong hình mẫu rồi điền số vào ô có sẵn thì rất khó để học sinh vẽ vào vở để thực hiện. Nếu như vẽ được thì cũng rất mất thời gian trong khi một tiết học chỉ có từ 35 - 40 phút. Như vậy học sinh sẽ không có thời gian để tiếp thu kiến thức. 

Cô giáo Nguyễn Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Lương (Tiền Hải) chia sẻ: Việc thiết kế các hình ảnh, hình vẽ trực quan sinh động giúp học sinh lớp 1 dễ dàng tiếp nhận kiến thức hơn. Nếu chỉ điền kết quả vào vở thì sẽ khó để các em nhớ lâu kiến thức.

Cô giáo Trường Tiểu học Tây Lương (Tiền Hải) hướng dẫn học sinh làm bài thực hành.

Hiện nay, trọn bộ SGK mà học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Tây Lương đang học có giá 118.000 đồng. 

Chị Nguyễn Thị Thủy, xã Tây Lương (Tiền Hải) tâm sự: Năm nay con tôi vào lớp 1. Với mong muốn bước vào năm học mới con sẽ được học bộ SGK mới nên tôi đã mua sách cho con. Kể cả nếu sách có sử dụng lại được thì tôi vẫn muốn mua cho con bộ sách mới bởi giá thành của bộ sách cũng không cao so với thu nhập của gia đình. 

Cùng với những phụ huynh có quan điểm với chị Thủy thì cũng có không ít phụ huynh cho rằng việc không sử dụng lại bộ SGK sẽ gây lãng phí hoặc là nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ phải cố gắng để mua cho con bộ sách mới trong khi đầu năm có rất nhiều khoản phải đóng góp. 

Còn nhiều giáo viên cho rằng nếu những năm tới Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương thay SGK thì nên thiết kế lại cuốn sách để có thể tái sử dụng, tránh gây lãng phí như việc sử dụng SGK trong những năm qua.

Đặng Anh