Thứ 5, 21/11/2024, 01:23[GMT+7]

Bước tiến phi lý với 5 điểm sai nổi bật của Trung Quốc

Thứ 2, 12/05/2014 | 21:30:46
1,057 lượt xem
Bất chấp giao thiệp của phía Việt Nam, Trung Quốc không những không rút giàn khoan HD-981 cùng các tàu dịch vụ dầu khí và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam, mà còn không ngừng các hành động cố tình và có chủ ý xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng có công xuất lớn vào tàu Kiểm ngư Việt Nam. Ảnh nguồn: canhsatbien.vn

Theo tin từ Báo Quân đội nhân dân, lúc 21 giờ ngày 11/5, Đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết: Trong ngày 11/5, Trung Quốc đã tăng số tàu hoạt động tại khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 lên tổng số 82 tàu (tăng 3 tàu so với ngày 10/5).

Cụ thể có: 3 tàu chiến (gồm 1 tàu hộ vệ tên lửa mang số hiệu 534; 2 tàu tuần tiễu, tiến công nhanh mang số hiệu 752 và 753); 42 tàu chấp pháp (gồm 36 tàu hải cảnh; 6 tàu hải tuần); 14 tàu vận tải; 6 tàu dịch vụ dầu khí, 17 tàu cá. Phía Trung Quốc liên tục cho khoảng 50 tàu cản trở các biên đội tàu Cảnh sát biển Việt Nam thực thi pháp luật trên biển.

Trên không, trong vòng 24 giờ qua liên tục có nhiều lượt máy bay Trung Quốc hoạt động ở vị trí giàn khoan HD-981. Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện 2 tốp máy bay quân sự Trung Quốc bay phía trên các tàu của Cảnh sát biển và Kiểm ngư của Việt Nam ở độ cao 800 - 1.000m.

Như vậy, Trung Quốc bất chấp giao thiệp của phía Việt Nam, không những không rút giàn khoan HD-981 cùng các tàu dịch vụ dầu khí và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam, mà còn không ngừng các hành động cố tình và có chủ ý xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Toan tính thâm hiểm

Khẳng định sự tính toán hết sức nham hiểm của Trung Quốc trong hành động đặt giàn khoan HD-981 trái phép ở vùng biển của Việt Nam, tại buổi công bố Tuyên bố chiều 9/5 vừa qua của Hội Luật gia Việt Nam, Tiến sĩ, Luật gia Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ - người đã dành cả đời nghiên cứu về chủ quyền lãnh thổ cho rằng: Trung Quốc đã tính thời điểm quốc tế đang có nhiều vấn đề. Đặc biệt là đang dồn sự chú ý vào diễn biến ở Ukraine và  đặt mối quan tâm rất lớn về mối quan hệ của Nga với các nước châu Âu, Mỹ xung quanh vấn đề này. Nhân loại đang hồi hộp trông chờ điều gì sẽ diễn ra qua sự kiện này, nên một vụ việc ở Biển Đông có thể không phải là vấn đề quan tâm số 1 và quá thu hút dư luận. Trung Quốc lợi dụng thời điểm này để nhảy vào bởi các nước trong khu vực tuy có thống nhất nhưng vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Mặt khác, ngay trong nội bộ nước này cũng đang có diễn biến phức tạp, tình hình khá bất ổn định, nên việc xúc tiến đưa giàn khoan ra Biển Đông có thể là giải pháp chuyển mâu thuẫn nội bộ ra bên ngoài.

Qua đó có thể thấy Trung Quốc đã chọn một thời điểm thuận lợi nhất để hành động bằng phương thức có thể gọi là một cuộc xâm lược kinh tế, mà mục tiêu trước mắt là chiếm đoạt, vơ vét tài nguyên nằm trong các vùng biển và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông. Đây là sự tính toán hết sức nham hiểm của Trung Quốc mà ta phải lưu ý.

Với việc đưa giàn khoan HD-981 ra Biển Đông, Trung Quốc muốn dấn thêm một bước trong việc thít chặt gọng kìm khống chế tại đây, mặt khác thách thức chiến lược quay lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, để trỗi dậy như một bá chủ khu vực. Huy động hàng chục máy bay, tàu uy hiếp, cản trở lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, là bước đi gia tăng căng thẳng nguy hiểm của Trung Quốc  tại khu vực điểm nóng này. Và đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc cố ý chạm trán với Việt Nam và các nước láng giềng khác trong khu vực, liên quan đến vấn đề khai thác dầu khí. Nhưng giới phân tích nhận định rằng động thái mới nhất không nhằm mục tiêu tìm kiếm tài nguyên trước mắt, mà ẩn chứa những toan tính chiến lược sâu xa của Bắc Kinh và sẽ tác động mạnh đến cục diện hiện nay tại Biển Đông.

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Đời sống và Pháp luật: “Trước khi hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam thì Trung Quốc cũng đã có nhiều hành động ngang ngược khác như cắt cáp tàu Bình Minh 02, công khai chào thầu 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, từ đó, có nhận định rằng, hàng loạt sự việc vừa qua là những bước đi có tính toán cực kỳ thâm hiểm của Trung Quốc, ông có đồng ý với nhận định này?”, ông Trần Công Trục khẳng định: Theo tôi, nhận định đó hoàn toàn chính xác.

Có thể nói, việc thực hiện những bước đi này là sự tính toán, sắp xếp đầy mưu mô của Trung Quốc. Đơn cử như việc Trung quốc chọn vị trí đặt giàn khoan. Qua nghiên cứu, xác định trên bản đồ thì vị trí này nằm cách đảo Lý Sơn của Việt Nam là 119 hải lý, cách ranh giới ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Nếu xác định một cách chi tiết, chuẩn xác thì vị trí này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam, nhưng cũng có thể thấy rằng, đây là một vị trí khá nhạy cảm mà Trung Quốc đã cố tình lựa chọn để thực hiện chiến thuật bắn một mũi tên trúng hai đích.

Cái đích thứ nhất là khẳng định chủ quyền của họ đối với Tây Sa, thực hiện ý đồ cố tình áp dụng sai Công ước Luật Biển năm 1982. Cái đích thứ hai là cố tình tạo ra vùng chồng lấn, biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp để áp đặt chủ trương gác tranh chấp cùng khai thác, mà mục tiêu trước mắt là tranh giành việc khai thác nguồn tài nguyên vốn thuộc các vùng miền của các quốc gia ven Biển Đông.

Biển Đông luôn được coi là điểm nóng tiềm tàng nguy hiểm nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là vùng biển có trữ lượng tài nguyên dầu khí phong phú, luôn nằm trong sự thèm muốn của các quốc gia "khát dầu" như Trung Quốc. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ ước tính tại Biển Đông chứa khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 tỷ m3 khí tự nhiên. Tuy nhiên, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) tin rằng có thể có gấp 10 lần trữ lượng dầu khí như thế tại Biển Đông. Trung Quốc hẳn nhiên là thèm khát nguồn nhiên liệu này. Tuy nhiên, cách tiếp cận thô bạo của Trung Quốc với các mối quan hệ trong khu vực và những thiệt hại mà nó mang lại sẽ khiến Bắc Kinh khó có thể đạt được  mục tiêu trên. "Cái giá về ngoại giao mà Trung Quốc phải trả về những gì đang làm là quá cao, vì thế, những gì mà Trung Quốc mong muốn phải cao hơn những lợi ích an ninh năng lượng đem lại", bà Holly Morrow, chuyên gia Biển Đông thuộc Trung tâm Belfer, Đại học Harvard, bình luận.

Giá trị quan trọng hơn cả của Biển Đông đối với Bắc Kinh là vị thế địa chiến lược của vùng biển này. Nơi đây tập trung các tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới, với giá trị thương mại hàng nghìn tỷ USD, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.

Các nhà nghiên cứu cho rằng Bắc Kinh muốn thực hiện giấc mơ trở thành bá chủ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thông qua việc tìm mọi cách khống chế Biển Đông. Ông Rory Medcalf, chuyên gia về an ninh châu Á thuộc Viện nghiên cứu Lowy, Australia, cho rằng Bắc Kinh đang muốn đột phá "chuỗi đảo thứ nhất", phân cách Biển Đông, Hoa Đông và Hoàng Hải với Thái Bình Dương, từ đó gia tăng ảnh hưởng chính trị và quân sự trong khu vực.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, Trung Quốc cần loại bỏ sức ảnh hưởng của Mỹ tại Thái Bình Dương, hoặc ít nhất cũng là đạt được thế bình đẳng với Washington trên các vấn đề trong khu vực. Tham gia cuộc tọa đàm tại chương trình Sự kiện & Bình luận ngày 10/5 của Đài Truyền hình Việt Nam, PGS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược của Bộ Công an phân tích sâu hơn vấn đề đang diễn ra: “Đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc chưa dám ra đòn, trong khi đó thì họ tập trung vào việc này. Điều này nằm trong chiến lược triển khai xuống Biển Đông và thông qua Biển Đông ra Thái Bình Dương. Trận chiến cuối cùng của họ với Hoa Kỳ nằm trên Thái Bình Dương và muốn như vậy, muốn hay không muốn họ phải đi qua Biển Đông, phải khống chế được Biển Đông mà Việt Nam là đầu cầu”. “Mục tiêu của họ là tập trung để khống chế, để ra oai, làm nhân dân Việt Nam lo sợ, làm cho cả thế giới lo sợ theo phương thức của Tôn Tử là “giết gà dọa khỉ”. Đạo lý này của Trung Quốc đã có cách đây 2600 năm và suốt 2600 năm này các vương triều phong kiến Trung Quốc vẫn thực hiện phương thức hành xử ấy với các nước láng giềng. Và hiện nay họ vẫn dùng phương thức này".

Bước tiến phi lý với 5 điểm sai nổi bật

Nhận định về hành động hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc tại vùng biển thuộc lãnh thổ Việt Nam, ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông, trong cuộc trao đổi tại Chương trình Toàn cảnh thế giới của Đài Truyền hình Việt Nam, cho rằng quốc gia này đã có 5 điểm sai nổi bật.

Thứ nhất, Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Đó là sự vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 (trong đó, Trung Quốc là thành viên) vì Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam một cách đơn phương, không có sự cho phép của Việt Nam. Trung Quốc đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế vì Trung Quốc không đàm phán để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và từ chối đàm phán với Việt Nam. Trung Quốc đã sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong các tranh chấp về chủ quyền, lãnh thổ. Đó là một điều mà luật pháp quốc tế nghiêm cấm.

Thứ hai, Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận của mình với các nước ASEAN - Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Với Tuyên bố này, các bên đồng ý giữ nguyên trạng ở Biển Đông nhưng việc Trung Quốc đang cố tình phá vỡ nguyên trạng đó là một sự vi phạm. Trong Tuyên bố DOC này, Điều 4 có quy định rằng các bên phải giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình nhưng rõ ràng Trung Quốc đang làm điều ngược lại. Tại Điều 5 cũng quy định, các bên phải kiềm chế và không làm phức tạp hóa tình hình và Trung Quốc lại làm điều ngược lại bằng hành động hạ đặt giàn khoan trái phép, từ chối đàm phán và điều rất nhiều tàu quân sự, bán quân sự ra vùng biển Việt Nam.

Thứ ba, Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận song phương với Việt Nam đã đạt được vào tháng 10/2011. Điều rõ ràng nhất là ở nguyên tắc 6 điểm về giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển. Ở đó, hai bên đã thỏa thuận rất rõ ràng rằng sẽ biến Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Nhưng Trung Quốc lại đang có những hành động rất thiếu hữu nghị. Hai bên cũng đã nhất trí sẽ tuân thủ và dựa vào Công ước Luật Biển năm 1982 để tìm kiếm các giải pháp lâu dài trên Biển Đông, thỏa thuận sẽ tập trung đàm phán phân định cửa vịnh Bắc bộ và tìm kiếm các khu vực để hợp tác cùng phát triển. Rõ ràng, Trung Quốc đang không thực hiện các thỏa thuận này.

Thứ tư, Trung Quốc đang đi ngược lại chính những lời lẽ, đề xuất của mình với các nước láng giềng. Cách đây không lâu, tháng 10/2011, trong các chuyến đi của lãnh đạo cấp cao của nhà nước Trung Quốc đến các nước ASEAN, Trung Quốc đã đưa ra rất nhiều đề nghị tốt đẹp với các nước láng giềng như việc ký kết Hiệp ước Láng giềng tốt, thân thiện và hợp tác với các nước ASEAN. Nhưng các việc làm hiện tại đang thể hiện Trung Quốc không theo tinh thần mà Trung Quốc đề xuất. Trung Quốc cũng đề xuất với ASEAN, sẽ biến kỷ nguyên hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc từ kỷ nguyên vàng trong 10 năm qua sang một kỷ nguyên kim cương nhưng không thực hiện được điều này. Hơn nữa, Trung Quốc cũng đề xuất với ASEAN sẽ cùng xây dựng “con đường tơ lụa” trên biển nhưng chúng ta lại chỉ đang thấy “sắt thép”. Đó là sự vi phạm rất trắng trợn chính những lợi ích của Trung Quốc.

Thứ năm, Trung Quốc đang đi ngược lại lợi ích chung, mong muốn chung của cộng đồng khu vực và thế giới. Cả thế giới đang mong muốn khu vực này duy trì được hòa bình, ổn định để tập trung vào phát triển kinh tế, tranh thủ các điều kiện kinh tế để tạo ra nhiều cơ hội cho các nước trong khu vực. Song, việc làm của Trung Quốc đang gây rối cho khu vực và ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, ổn định đó. Các bên cũng mong muốn, ASEAN và Trung Quốc sẽ nghiêm chỉnh thực thi DOC nhưng Trung Quốc lại đang vi phạm. Các bên cũng đang mong muốn ASEAN và Trung Quốc đẩy nhanh đàm phám COC nhưng việc làm của Trung Quốc đang thách thức các mong muốn, nguyện vọng đó.

Nhận định về cục diện an ninh trên Biển Đông đứng trước trạng thái bị đe dọa như thế nào sau hành động này, ông Nguyễn Hùng Sơn cho rằng: Qua phát biểu của các quốc gia ở trong và ngoài khu vực đã cho thấy họ đang rất quan ngại về tình hình an ninh, môi trường hòa bình và ổn định chung của khu vực. Không những họ quan ngại thật sự về ảnh hưởng của vụ việc này đến tuyến đường hàng hải trên Biển Đông mà còn quan ngại về cách hành xử của một nước lớn đối với một nước nhỏ - một nước láng giềng, cũng như đối với luật pháp quốc tế. Họ rất lo ngại rằng nếu Trung Quốc ứng xử như vậy với một nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện như Việt Nam thì liệu Trung Quốc sẽ ứng xử như thế nào đối với các nước láng giềng khác và liệu có sự vi phạm luật pháp quốc tế nào khác của Trung Quốc và trật tự của thế giới sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.

Vì vậy, đây không chỉ là vấn đề riêng của Biển Đông, của Việt Nam - Trung Quốc mà là một quan ngại chung của cả khu vực và thế giới...

Quang Minh
(Tổng hợp)


  • Từ khóa