Thứ 4, 13/11/2024, 06:43[GMT+7]

Người thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Văn Tứ là người được gia đình hoặc họ tộc liệt sĩ ủy quyền

Chủ nhật, 30/11/2014 | 15:11:16
1,613 lượt xem
Ngày 15 tháng 9 năm 2014, Báo Thái Bình nhận được Ðơn đề nghị của ông Nguyễn Văn Năm, sinh năm 1950, trú tại thôn Phú Cốc, xã Nam Bình, huyện Kiến Xương. Trong đơn ông Năm phản ánh: Vợ chồng ông Năm sống chung và phụng dưỡng bố mẹ là cụ Nguyễn Văn Tửu và cụ Bùi Thị Tẹo, đồng thời thực hiện việc thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Văn Tứ.

Phóng viên Báo Thái Bình làm việc với cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kiến Xương và xã Nam Bình.

Năm 1973 cụ Tửu qua đời và đến năm 2002 cụ Tẹo qua đời phát sinh tranh chấp thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Văn Tứ giữa gia đình ông Năm và ông Nguyễn Văn Phiếm là anh cùng cha khác mẹ với ông Năm. Theo ông Năm, trong khi giải quyết tranh chấp, đồng chí Lê Nhật Thơm, Ðảng ủy viên, phụ trách công tác Thương binh Xã hội xã Nam Bình đã giải quyết chế độ thờ cúng theo tình cảm cá nhân, không đúng với chính sách của Nhà nước. Ðồng thời ông Năm đề nghị xem xét giải quyết cho gia đình ông Năm tiếp tục được hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ như trước. Ngày 29/10/2014, Báo Thái Bình có Công văn số 58-CV/BTB gửi UBND xã Nam Bình đề nghị làm rõ vụ việc và trả lời bằng văn bản để có căn cứ trả lời ông Năm và bạn đọc. Ngày 6/11/2014, UBND xã Nam Bình đã gửi đến Báo Thái Bình các tài liệu liên quan đến vụ việc, gồm: Báo cáo về việc giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Văn Tứ, Biên bản họp dòng họ của liệt sĩ Nguyễn Văn Tứ và Biên bản làm việc của UBND xã Nam Bình đối với gia đình ông Năm. Trên cơ sở các tài liệu trên và nội dung buổi làm việc của phóng viên Báo Thái Bình với cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Nam Bình, đại diện lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kiến Xương xác định được nội dung vụ việc như sau:

 Liệt sĩ Nguyễn Văn Tứ nhập ngũ tháng 2/1961, hy sinh ngày 12/9/1964 là con đẻ của cụ ông Nguyễn Văn Tửu và cụ bà Bùi Thị Vùng. Cụ Tửu và cụ Vùng có 5 người con, trong đó 2 người con gái đã chết, 2 con trai là liệt sĩ (Nguyễn Văn Tứ và Nguyễn Văn Ba) và một người con hiện đang còn sống là ông Nguyễn Văn Phiếm. Sau khi cụ bà Bùi Thị Vùng qua đời, cụ ông Nguyễn Văn Tửu lấy cụ Bùi Thị Tẹo, sinh được hai người con là bà Nguyễn Thị Tẽo và ông Nguyễn Văn Năm. Do liệt sĩ Nguyễn Văn Tứ không có vợ con nên khi còn sống cụ Bùi Thị Tẹo được hưởng công nuôi hai liệt sĩ. Tháng 6/2002, cụ Tẹo qua đời, Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Nguyễn Văn Tứ vẫn được treo tại nhà cụ Tẹo (cụ Tẹo sống cùng với ông Năm). Sau khi cụ Tẹo chết được 18 ngày, ông Nguyễn Văn Phiếm (anh trai cùng cha, cùng mẹ với liệt sĩ Tứ) đặt vấn đề được thờ cúng liệt sĩ với ông Năm nhưng ông Năm không đồng ý. Ngày 21/3/2003 ông Phiếm có đơn đề nghị cơ quan chức năng xem xét giải quyết cho ông được hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ Tứ. Tuy nhiên, qua thời gian dài vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.  Ngày 17/11/2005, UBND xã Nam Bình triệu tập cuộc họp với sự tham dự của gia đình ông Phiếm, ông Năm và dòng họ của liệt sĩ Nguyễn Văn Tứ. Qua cuộc họp đã thống nhất việc thờ cúng liệt sĩ Tứ do ông Phiếm là anh cùng cha, cùng mẹ với liệt sĩ Tứ đảm nhiệm. Từ đó đến nay, các chế độ chính sách ngày 27/7, ngày Tết và trợ cấp thờ cúng liệt sĩ do ông Phiếm tiếp nhận.

Sau gần 10 năm không có ý kiến khiếu nại nào, đến đầu tháng 8/2014 ông Năm có đơn gửi nhiều cấp kiến nghị về việc thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Văn Tứ. Trước đơn kiến nghị của ông Năm, ngày 29/10/2014 UBND xã Nam Bình, Văn phòng UBND huyện Kiến Xương và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kiến Xương đã có buổi làm việc với gia đình ông Năm, thống nhất giao cho ông Năm tự tổ chức họp dòng họ để quyết định người thờ cúng liệt sĩ. Trường hợp ông Năm không tự tổ chức được thì phải có đơn đề nghị UBND xã chủ trì tổ chức họp dòng họ. Việc xử lý của UBND xã Nam Bình là đúng, vì  theo Nghị định số 31/2013/NÐ-CP và Thông tư số 16/2014/TT-BLÐTBXH hướng dẫn một số nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng: Trường hợp liệt sĩ không có hoặc không còn con hoặc có một con duy nhất nhưng người con đó bị hạn chế năng lực hành vi, mất năng lực hành vi, cư trú ở nước ngoài hoặc không xác định được nơi cư trú thì người thờ cúng là người được gia đình hoặc họ tộc liệt sĩ ủy quyền.

Về nội dung phản ánh, đồng chí Lê Nhật Thơm, Ðảng ủy viên, phụ trách công tác Thương binh Xã hội xã đã giải quyết chế độ thờ cúng theo tình cảm cá nhân, không đúng với chính sách của Nhà nước: Theo hồ sơ vụ việc, sau khi có đơn đề nghị của ông Phiếm, UBND xã Nam Bình đã tổ chức hòa giải 2 lần vào các ngày 30/6 và 6/7/2003. Từ ngày 26/11/2004  đến ngày 17/11/2005 UBND xã Nam Bình đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị có sự tham dự của đại diện phòng, ban liên quan của UBND huyện Kiến Xương, cơ sở thôn Phú Cốc và dòng tộc của liệt sĩ Nguyễn Văn Tứ. Do vậy nội dung ông Năm phản ánh là không có căn cứ.

Về việc cụ Bùi Thị Tẹo có công nuôi 2 liệt sĩ: Theo quy định tại Khoản 4, Ðiều 3, Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLÐTBXH ngày 10/10/2014 thì trường hợp mẹ đẻ của 2 liệt sĩ đã chết khi 2 liệt sĩ đều chưa đến tuổi thành niên, mẹ kế có công nuôi dưỡng cả 2 liệt sĩ và đã được hưởng tiền trợ cấp tiền tuất của 2 liệt sĩ thì mẹ kế được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Do vậy ông Năm có thể đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho mẹ đẻ của ông là cụ Bùi Thị Tẹo.

·         Ngày 21 tháng 11 năm 2014, Báo Thái Bình nhận được Ðơn đề nghị của hộ các ông, bà: Lâm Ðức Cường, Lê Bá Tuyền, Lê Bá Phúc, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Ngọc Hồ, Hoàng Ngọc Ðộng, Phạm Thị Hà - cùng trú tại thôn Trung, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư. Trong đơn các hộ dân nêu trên phản ánh: Báo Thái Bình số 351 ra ngày 21/9/2014 có bài viết phản ánh về việc gia trại nuôi gà của hộ ông Nguyễn Năng Vinh gây ô nhiễm môi trường, ngày 1/10/2014, tại trụ sở UBND xã, đồng chí Chủ tịch UBND xã Song Lãng trả lời 20 người dân: Ðã có công văn gửi cấp có thẩm quyền, hẹn đến ngày 10/10/2014 sẽ có buổi họp trả lời. Ngày 17/10/2014, đồng chí Chủ tịch UBND xã thông báo đã ra quyết định yêu cầu chủ trại gà đến ngày 31/10/2014 đóng cửa dãy chuồng nuôi thứ hai và đến ngày 31/12/2014 phải đủ thủ tục giấy tờ cho phép gia trại hoạt động của cơ quan có thẩm quyền, nếu không chậm nhất đến ngày 30/6/2015 phải đóng cửa toàn bộ trại gà. Tuy nhiên, đến ngày 4/11/2014, chủ gia trại nuôi không đóng cửa dãy chuồng nuôi gà thứ hai mà chỉ dồn gà từ dãy chuồng 2 sang dãy chuồng 1, do dồn không hết nên tại dãy chuồng 2 vẫn còn khoảng 1.000 con gà. Cũng trong đơn, các hộ dân không nhất trí kéo dài thời gian giải quyết việc gây ô nhiễm môi trường của gia trại hộ ông Nguyễn Năng Vinh đến 30/6/2015 do tình trạng ô nhiễm quá nặng. 

Căn cứ Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành, Báo Thái Bình đã có Công văn số 64-CV/BTB ngày 25/11/2014 gửi đồng chí Chủ tịch UBND xã Song Lãng đề nghị thông báo cho cơ quan báo chí kết quả hoặc biện pháp giải quyết vụ việc trên. Khi có kết quả trả lời của UBND xã Song Lãng, Báo Thái Bình sẽ thông tin tới các hộ dân có đơn đề nghị và bạn đọc.

Phòng Bạn đọc - Tư liệu

  • Từ khóa